Trong những năm cầm súng chiến đấu, với nhà văn Ngô Thảo, văn chương giúp ông rất nhiều. Trở về với đời thường, báo chí lại là một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, với ông thì dù là báo chí hay văn chương thì trách nhiệm cao nhất của người cầm bút vẫn là trách nhiệm với chính mình. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), nhà văn Ngô Thảo chia sẻ.


Nhà văn Ngô Thảo nhớ lại những năm tháng ở chiến trường (Ảnh Vân Khánh

PV: Cuộc chiến tranh đã đi qua, nhắc lại những mất mát đau thương và hậu quả của chiến tranh để lại là điều không mấy ai mong muốn, nhưng dường như nó vẫn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người đã từng tham chiến. Nhà văn có thể chia sẻ những “dư âm” trong thời gian tham gia cầm súng chiến đấu? Thời kỳ đó, ông đã bắt đầu sáng tác chưa? Văn chương có giúp ích gì cho ông không?

Nhà văn Ngô Thảo: 34/34 năm (1945-1979 và 1979-2013), vậy là thời gian đất nước có hòa bình và thống nhất đã bằng những năm chiến tranh. Dấu tích chiến tranh trên cả nước đã gần như xóa sạch, trừ những nơi chúng ta cố tình lưu giữ. Nhưng trong tâm trí những người từng tham gia chiến đấu như chúng tôi thì những ký ức đó khó mà phai mờ được. Không ai muốn chiến tranh, nhưng khi đó là điều không thể tránh với đất nước, thì mỗi cá nhân có những cách tiếp nhận khác nhau. Nhân một sự kiện mới diễn ra, tờ USA Today có nêu một định nghĩa về anh hùng và tiểu nhân: Một người khi đứng trước một việc tốt sẽ phải trả giá nặng nề và một việc xấu sẽ đem lại những lợi ích cá nhân hậu hĩ, thì đã chọn giải pháp thứ nhất. Mặc dầu, sự đền bù duy nhất cho họ là sự tự hài lòng vì đã làm được điều cần phải làm. Chỉ có điều cay đắng, là hình như, sau chiến tranh, một bộ phận người chọn vế thứ hai đã chứng tỏ hình như họ đã đúng, khi trong chiến tranh, họ đã tìm mọi cách tránh nơi mũi tên hòn đạn, để bây giờ có điều kiện tổ chức một cuộc sống khá giả hơn cho bản thân và gia đình. Riêng tôi, tốt nghiệp khóa 5 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra công tác ở Viện Văn học vừa được nửa năm, lại là con liệt sĩ, nhưng khi được gọi nhập ngũ, tôi đã sẵn sàng. Đó là tháng 2/1965. Vào lính thì cứ bắt đầu bằng cấp Binh nhì rồi lên Binh nhất. Chỉ có kỷ niệm đáng nhớ, là do người yêu dự định chuẩn bị đi B, nên anh Binh nhì được về  phép ba ngày để cưới vợ, sau khi bắn đạn thật đạt loại giỏi. Phụ cấp Binh nhì hàng tháng được lĩnh 5 đồng, thì đã tiêu mất một nửa, vậy mà vẫn cưới được vợ. Cái câu: Hoài đời mà lấy binh nhì/ Năm đồng một tháng, lấy gì nuôi con, vận vào mình đúng có một nửa. Ngày ở chiến trường, đơn vị được ra cửa rừng an dưỡng, cô gái ấy đã liều lĩnh mang con  từ  Hà Nội vào tận miền tây Quảng Bình thăm chồng. Không có địa chỉ, vì bí mật địa điểm đóng quân, chỉ biết hòm thư thôi mà cũng lần ra gần nơi đơn vị ở để buộc thủ trưởng phải cho ra nhận mặt con. Sau lần đó, tôi lại theo đơn vị chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên mấy năm nữa. Những ngày đó tuyệt nhiên không thể nghĩ gì đến việc viết lách văn chương. Các công việc chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu, tăng gia tự túc, gùi đạn, gùi gạo, làm đường kéo pháo, đào công sự liên miên. Áng văn đầu tiên viết ở chiến trường của tôi là bài Điếu văn thay mặt Đại đội đọc trong lễ truy điệu các chiến sĩ bị B52 hy sinh ở đường tránh Cua chữ A Km 72 đường 20A, gần ngầm Ta lê ngày 7/5/1968. Phải nói là văn chương đã giúp rất nhiều cho tôi trong những năm tháng làm người lính chiến đấu. Vốn sống gián tiếp mà những tác phẩm văn học nhiều thời, nhiều xứ tôi đã kịp nạp vào lòng trí những năm trên ghế nhà trường đã giúp cho anh lính tiếp nhận mọi tình huống chiến đấu một cách bình tĩnh hơn. Hàng trăm cuốn truyện về chiến tranh của nhiều đất nước đều mách bảo cho người đọc những bài học làm người, về niềm tự hào của những ai trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất vẫn giữ được phẩm giá, nhân cách và lòng nhân ái.

PV: Ông có thể chia sẻ con đường đến với báo chí của mình cho độc giả? Theo ông, cùng viết về cuộc chiến đã qua, thể hiện sự chân thực và sâu sắc thì ngòi bút của một nhà báo với một nhà lý luận phê bình có khác nhau không?

Nhà văn Ngô Thảo: Tôi được đào tạo để làm một người nghiên cứu văn học. Ngay từ năm thứ nhất đã có bài phê bình đăng trên một tờ Tạp chí có uy tín. Luận văn tốt nghiệp hệ ba năm được đăng tóm tắt trên Tạp chí Nghiên cứu văn học. Nhưng từ chiến trường trở về, lại được phân công làm báo. Rất nhiều thứ thuộc về thao tác nghề nghiệp phải tự học. Mà cũng không phải riêng tôi. Thế hệ ấy, lấy sự phục tùng mọi phân công của cấp trên và hoàn thành nó là vinh dự tự hào rồi. Tôi thì một đời viết báo nghiệp dư, vì bao giờ cũng có một công việc cụ thể, và từ  yêu cầu của vị trí đó mà viết, khi thì phê bình văn học, khi chuyển sang viết về các ngành nghệ thuật khác. Nhưng mấy năm đầu bước vào đời, trực tiếp làm người lính chiến đấu, đã tạo nên một lớp quặng tinh thần định hình tính cách và định hướng quan tâm của tôi trong nghiệp vụ báo chí. Còn giữa nhà báo và nhà phê bình tất nhiên là khác nhau rồi. Mà lấy tiêu chí chân thực và sâu sắc, thì vẫn cứ khác nhau. Bởi vì rất nhiều cái chân mà không thực trong nghệ thuật, nhiều cái sâu mà không sắc! Nhà báo luôn lấy những yêu cầu của hiện tại làm thước đo. Khá nhiều tác phẩm được xưng tụng một thời giờ chẳng mấy ai biết đến. Bao nhiêu tác phẩm ngày nay tồn tại bình thường, trong quá khứ xa và gần đã là cái đích ngắm bắn nhằm tiêu diệt nó không chỉ của một vài bài báo. Còn người làm phê bình tử tế thì thường lấy thước đo lịch đại để nhìn nhận và công nhận những sáng tạo mới mẻ, khác lạ nếu có của tác phẩm. Đó là nói với người tử tế. Mà hình như người tử tế suốt đời xưa nay vẫn hiếm.

PV: Với ông, trách nhiệm cao nhất của người cầm bút là gì? Ông có nhắn gửi gì tới đồng đội cùng thời và thế hệ cầm bút hôm nay?

Nhà văn Ngô Thảo: Đã có nhà văn viết, mà tôi cũng nghĩ như vậy, trách nhiệm cao nhất của người cầm bút là trách nhiệm với chính mình. Không ít người tuyên bố rất hùng hồn những điều cao siêu, mà sống và viết rất tầm thường. Thậm chí sẵn sàng bẻ cong ngòi bút phục vụ những thế lực nào đó để mưu cầu lợi ích và địa vị cho riêng mình. Chuyện đó xưa như trái đất. Còn nhắn gửi ư? Không dám đâu. Nhà báo ngày nay có quá nhiều tài liệu về đạo đức và nghề nghiệp để thực hành rồi. Vấn đề là từ bài học sách vở đến thực hành trong đời sống như thế nào thôi. Kinh nghiệm là những thời kỳ lịch sử khó khăn, xã hội và đời sống có nhiều biến động, những chuẩn mực cũ lung lay, mà chuẩn mực mới chưa được xác định, thì báo chí, và văn học nghệ thuật, sẽ có vai trò như người dẫn đường dư luận. Những tác phẩm thể hiện được không khí thời đại, nguồn cơn mọi ngang trái, niềm đau trong hy vọng, và lòng tin vào sức sống quật cường của chân lý và lẽ phải, tức những tác phẩm lớn mà nền văn học nghệ thuật nào cũng mong đợi thường xuất hiện vào thời điểm như vậy. Và tác giả của những tác phẩm đó, có lẽ, không ai khác là những người trẻ đang cầm bút hôm nay. Tôi tin như thế.

* Xin cảm ơn cuộc trò chuyện chân thành của ông!

Hiền Nguyễn (thực hiện)

Nguồn: Toquoc