Trác Diễm

Cây bút trẻ Trác Diễm bắt đầu sáng tác từ năm 2014, là tác giả của 2 cuốn tiểu thuyết và một tuyển tập truyện ngắn được bạn đọc đánh giá cao, ngoài ra còn sáng tác thơ, ký, truyện ngắn in trên các báo, tạp chí… Chúng tôi xin giới thiệu truyện ngắn mới của Trác Diễm.

MƯA CHUYỂN MÙA

Chiếc giường dài mét sáu rộng mét tư, cái cổ trắng ngần vươn ra từ lỗ khoét hình trái tim, hơi thở đều và bộ ngực nây nẩy lấp đầy mắt ông sự sung túc. Những tưởng ông sẽ vục mặt vào đó mà chìm sâu… chìm sâu dưới bà sau những ngày ăn dầm ngủ dề ở trong rừng tràm với hơn 200 thùng ong lấy mật. Tuổi tráng niên với cơ bắp cuồn cuộn, gương mặt vuông vức bạnh ra nét cương nghị, ở ông toát lên vẻ dư thừa của một người đàn ông đang sung mãn. Vậy mà… ông đánh mắt sang thấy bà ngủ say và làn da rười rượi ngời lên trước mắt ông một cách phung phí. Không chút cảm xúc. Ông nằm gác tay lên trán, hơi thở thoát ra một cách nặng nề. Đã đôi lần ông nằm mơ thấy đôi tay mình xiết chặt cổ bà cho đến lúc đôi mắt trắng dã và từ hóc miệng trào ra những dung dịch màu đỏ. Ông kinh hãi xòe tay ra trước mặt mình chưa kịp thét lên thì lại nhận thấy toàn những mật ong. Trong mơ hồ… một người đàn bà khẽ cầm những ngón tay ông đưa lên miệng nhấm nháp một cách tỷ mẩn, say sưa. Gương mặt chập chờn sau làn khói mỏng tang và ông không thể nhận ra được người đàn bà đó là ai. Người đàn bà cười hay khóc ông cũng không phân định được. Rùng mình… ông ú ớ kêu rồi ngồi bật dậy châm thuốc giữa đêm. Bên cạnh bà vẫn đang ngáy đều, giấc ngủ bình an không vướng bận, chóc chóc bà nhoay nhoáy hai làn môi và đánh “ực” một tiếng rõ to trong đêm. Rồi ngậm. Rồi nhoay nhoáy. Cứ thế cho đến khi hai làn môi khô cong những vệt đỏ như máu động lại hai bên khóe. Thói nghiện trầu không bao giờ bỏ được ngót nghét theo bà đến cả hai chục năm nay. Ông ăn dầm ở dề trong rừng mấy ngày mấy tháng cũng không sao, thiếu ông bà vẫn ngủ ngon nhưng hễ thiếu hơi trầu là bà không tài nào chợp mắt được, trong người cứ bứt rứt như chấy cắn. Bà thèm… bà nghiện, bà khoái cái vị cay cay nồng nồng lúc nào cũng đầy trong vòm miệng, bám chặt hơi thở, bám chặt quần áo và những chăn chiếu. Thứ mùi đó có một sức mạnh thật ghê gớm, ám ảnh ông, bóp nghẹt ông, làm đảo điên ông… đến mức tạo thành một khoảng cách vô hình chung giữa ông với bà, đẩy ông trốn miết ở rừng tràm mà không còn muốn về nhà. Trước đây thỉnh thoảng ông còn về nhà để lấy gạo và mắm muối nhưng thời gian gần đây ông toàn nhờ những người làm công cho ông ghé nhà lấy. Ông kinh hãi bà… sợ luôn cả bà… Đỉnh điểm của sự sợ hãi đó là hôm bà chui vào nhà tắm mà quên mang theo khăn, bà ới ông mang vào giúp và khi bà thò những ngón tay đỏ nhoét túm lấy… thì bất đồ ông suýt nữa hét lên. Bà thì cười tít mắt, mồm nhoay nhoáy vắt kiệt đến khô, nuốt cái ực và thả cái bã trầu vào sọt rác.

Ông lập cập rút nhanh, tim đập mạnh và chẳng may vấp phải lon sữa bột dựng bên góc nhà thì ôi thôi một dòng dung dịch đỏ trào ra lênh láng.

Ông ngã nhoài người ra sau, tay chân quần áo bết dính thứ nước màu đỏ thật kinh tởm. Ông nổi khùng văng tục “M. Kiếp!” “Quỷ tha ma bắt con mụ phù thủy kia đi”

Ông giật cửa buồng tắm ném vào trong bộ đồ vừa cởi: Tôi vào rừng tràm đây. Mồm lúc nào cũng đỏ nhoét như ăn thịt sống, thật không chịu nổi. Tởm! ông gầm rít lên với sự bực bội khôn tả.

Thế là ông đi… đi miết… rồi ở miết trong đó, bà ở nhà một mình cũng thành quen.

Minh Họa Lê Công Thành

Ông Quynh ngồi trên khúc gỗ Cợp dưới mái chòi có cái tra để gác đồ và là nơi ngủ của ông. Cái tra vắt đầy quần áo, chăn, mùng và một cái đài NiTachi cũ kỹ.

Từng làn khói vất vưởng cuộn tròn trước mắt ông rồi tản vào không trung mất dạng. Ngọn đồi bị cạo trọc lóc như hộp sọ chốc lở, loang loang những vệt cưa xẻ, chém chặt. Tiếng động cơ gầm rú của đoàn xe tải khi cố bò lên sát ngọn đồi, từng tốp dân công bóc vác thuê lần lượt tống lên moong xe những khúc tràm đã được lột sạch vỏ. Bầy ong đập cánh xè xè rồi kết cụm, kết mảng bốc lên cao, chúng bay về những trảng rừng thâm thẩm xanh, ngàn ngạt trong hương gió mùi thơm chín nẫu.

– Chở xong chuyến này cho mấy anh chị em về nghỉ trưa cơm nước, chiều tiếp tục nhá. Ông chủ thu mua gỗ tràm nói xong liền nhảy lên cabin của một chiếc xe tải cạnh đó. Đội quân bóc vỏ tràm chủ yếu là đàn bà con gái cũng lần lượt leo lên những chiếc xe còn lại, họ trườn ra khỏi rừng tràm lúc la lúc lắc. Tiếng cười nói râm ran như thời dân công hỏa tuyến làm đường. Khung cảnh này khiến ông nhớ lại cái hồi đơn vị ông dừng chân ở những binh trạm dọc đường Trường Sơn. Ôi những chiếc khăn chít đầu con gái, những bộ quân phục sờn bạc thùng thình nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của bộ ngực thanh tân, vòng eo thiếu nữ… Và ông cũng không bao giờ quên cái đêm “định mệnh” diễn ra dưới cánh rừng Săng lẻ. Đêm ấy, sinh nhật Xuyên, một dân công hỏa tuyến làm đường, cô là cây văn nghệ của tốp dân công ấy, nổi tiếng hát hay và tết tóc rất khéo. Trong binh trạm có nhiều chàng trai thầm mơ ước được Xuyên để mắt tới nhưng Xuyên bơ đi tất cả. Cũng như nhiều chàng trai đang hừng hực tuổi yêu đương, Thiện tỏ vẻ si đắm Xuyên một cách thấy rõ, chiều đó khi Quynh đang ngồi sửa lại cán cuốc cán xẻng cho mấy chị em thì Thiện lao tới giật giật vào cánh áo Quynh: Đi… đi chặt cây về làm cán cuốc với tao.

Thiện lôi Quynh ra khỏi lán rồi đẩy Quynh về phía gốc cây săng lẻ che khuất hai người, nói nhỏ: Ê, hôm nay tao định sẽ tỏ tình với Xuyên, mày giúp tao nha. Tao có một bất ngờ muốn dành cho cô ấy nhưng tao hẹn chắc chắn cô ấy sẽ không đi đâu. Thiện vừa nói vừa liếc mắt về lán, nơi Xuyên đang ngồi với đống cuốc xẻng vừa được dập vuốt lại chỗ sứt mẻ.

– Chuyện này thì tao chịu rồi. Quynh định bỏ đi thì Thiện níu lại van nài: Giúp tao đi mà Quynh… mày chỉ cần hẹn cô ấy ra chỗ suối ấy nói hái rau để cải thiện bữa ăn, rồi mày tìm cớ gì đó lẩn đi… việc còn lại để tao. Đi… đi, giúp tao đi mà. Một gói thuốc Tam Đảo nha? hay mày thích cái lọ cù là tao mới bôi được vài bữa thì tao cho mày.

Quynh bật cười đẩy Thiện sang bên, nói: Tao không cần gì cả nhưng thôi tao sẽ giúp, bây giờ mày để tao về lán được chưa?

– Ok mày, thành công tao sẽ hậu tạ mày nha Quynh.

Cả chiều đó Thiện cứ thấp thỏm chờ đêm xuống để đi thực hiện ý định. Bó hoa rừng được Thiện gói gém rất đẹp trong một tờ báo cũ. Khoảnh khắc im ắng giữa những trận oanh tạc của máy bay B52 trong rừng thẳm thật rợn người, họ có thể nghe thấy những âm thanh thoi thóp nhỏ nhoi nhất của muôn loài và mùi hắc nồng, khét lẹt của lá cây, của thuốc súng và cả mùi tanh tưởi của máu và bùn đất… tất cả thộc vào tận phổi và chiếm lĩnh mọi giác quan. Nhưng với những kẻ đang yêu, khao khát được yêu thì tất cả điều đó trở nên bình thường vì họ đã quen đối mặt và họ không bao giờ bỏ lỡ những khoảnh khắc im lặng đó, chớp lấy những cơ hội để tô điểm cho ý nghĩa của cuộc đời. Đêm nay nhất định Thiện sẽ nói lời yêu Xuyên, bởi nếu không nói hôm nay thì Thiện biết rằng sẽ chẳng còn có cơ hội nào nữa. Sáng sớm mai đơn vị anh phải tiến vào đường 9 Nam Lào.

***

Trong cái không gian nhập nhoạng tối, mọi cảnh vật đều trở nên mờ nhòa, những đường rãnh giống như râu mực từ bếp được phủ bởi những nhánh cây và đất ẩm, khói tỏa vào các rãnh bị cản lại, lan ra là là trên mặt đất, thoảng nhẹ nhàng như sương giăng buổi sớm. Thấy khói lại nhớ quê nhà, thấy khói lại nhớ dáng mẹ ngồi bên bếp lửa, thấy khói còn nhớ cả đống lá khô cuối làng…ngẩn ngơ ngửi đầy lồng ngực mùi khói bếp cho vợi đi những nỗi nhớ mơ hồ xa lắc… nhưng chẳng ai ngu ngốc chỉ vì để thõa mãn điều đó mà đem lại mối hiểm họa cho đơn vị và cho cả chính mình. Đánh tan khói không để cho nó vất vưởng bay lên cao, xong xuôi Quynh khẽ gọi: Cô Xuyên ra suối với tôi hái thêm rau về luộc nhé?

Xuyên ủ chiếc tăng bạt lên mấy cái nồi vừa được nấu chín. Mặt Xuyên để lộ những niềm vui khó tả và từ “Dạ” được thoát ra từ môi cô nhẹ nhàng như hơi thở tho của người con gái.

– Sớm mai các anh đi rồi, bọn em sẽ rất nhớ… Xuyên ngập ngừng với nắm rau rừng trong tay, những ngón tay níu chặt đến gãy gập những đọt rau biêng biếc. Mắt Xuyên ngấn nước, cô ngước nhìn Quynh vài giây lâu rồi đưa tay ra sau vuốt chiếc khăn mù xoa buộc tóc dúi vào tay Quynh, nói: Em chẳng có kỷ vật gì tặng anh… Rồi Xuyên bỏ chạy về lán trại. Quynh sững sờ. Cách đó không xa Thiên đứng im lìm như một pho tượng dưới gốc cây săng lẻ, bó hoa trên tay rụng xuống đất từ lúc nào. “Tình yêu như một trò chơi đuổi hình bắt bóng”… Thiện ngồi rít thuốc và chưa đầy mười phút thì gió ào ào thổi tới, những ngọn cây cúi rạp ngã nghiêng, một dàn máy bay B52 oanh tạc bất ngờ, không như thường lệ. Một trận mưa bom dội xuống hòng cắt đứt đường dây liên lạc vào Nam. Cả binh trạm chạy lao vào hầm trú ẩn. Quynh kịp phát hiện ra Thiện bởi đốm đỏ và ngay lập tức lôi anh vào một hang đá cạnh đấy. Thiện xô mạnh Quynh và hét lên: Xuyên đang trên đường về lán… anh nhào ra khỏi hang đá như một mũi tên. Tiếng động cơ gầm rú quần thảo một lúc rồi im dần. Quynh đứng sau lưng Thiện, hai hình người như bị đống băng khi nhìn thấy bên dưới gốc dâu da Xuyên nằm trên vũng máu, tóc bệt đầy những bùn đất. Thiện ôm lấy Xuyên và từ hốc miệng trào ra những dung dịch màu đỏ. Quynh quay mặt đi khi đôi tay Thiện khẽ vuốt lên mặt cô. Tối đó họ an táng Xuyên ngay tại gốc cây và Quynh buộc lên đó chiếc khăn mù xoa điểm xuyết những nụ hoa tím. Tờ mờ sớm đơn vị rời binh trạm…

***

Ông Quynh đốt xong điếu thuốc định xách cái can nhựa đi xuống khe lấy nước thì nghe từ trên đồi vọng xuống những câu gấp gáp.

– Ông Quynh ơi, ông Quynh… xe chạy ra hết rồi à? Nói mấy người chờ tui với… Tui xuống đây rồi. Này cái chú lái xe ơi… mấy eng ả ơi… đợi với.

– Thôi đừng đuổi theo nữa, họ không nghe thấy đâu.

– Ối giời ơi, nói vơ mấy bó vỏ tràm về nhóm lửa mà để trỏng xe mất.

– Đằng nào chiều cũng vào làm, cô cứ ở lại đây cơm nước. Gạo để ở trong lu đó.

– Ui, thế thì cho tui ăn “chực” nhà ông một bữa vậy. Hạ lấy cái nồi ba gác trên chạn đổ gạo vào và theo ông Quynh ra khe nước. Nước trong vắt soi rõ cả đám cát và từng viên sỏi dưới đáy, nghe động đậy, lũ cá măng cá mát thi nhau túa ra từng đàn, đen nghịt, đụng phải chân người bơi ngược trở lại. Hạ vội vàng đặt cái xoong trên bờ nói như hét: Ôi cá nhiều khủng khiếp! Trời ơi… là cá! Chị túm một nhánh môn thục và rượt đuổi theo.

Ông Quynh nhìn chị và khẽ nhếch môi một cách kín đáo: Tôi đố cô bắt được một con nào.

– Cá này mà nấu canh chua thì ngon hết sẩy. Chóp lá môn trên tay chị chụp vợt liên tục khiến nó rách xơ mướp. Toàn thân chị ướt sũng ấn lộ những đường cong săn chắc, tròn lẳn.

Ông Quynh quay mặt tằng hắng giọng: Thay vì đuổi rượt tốn thời gian vô ích, cô nên lội dọc khe ngắt nắm rau dớn lên mà luộc.

Hạ vứt chóp lá trôi dập dềnh theo con suối và bật cười một cách vô tư: Thấy nhiều tui tưởng cũng bắt được một vài con, không ngờ chỉ thêm tội ướt như chuột lột.

Hạ vươn tay ngắt những đọt rau dớn cong vòng hình lưỡi câu, những cọng rau biêng biếc đầy lên giữa những ngón tay của chị. Bất chợt sắc mặt ông nhợt nhạt… ông không muốn mình đứng lâu thêm đó nữa.

***

– Cô Hạ, sao cô không lấy chồng rồi sinh con? Phụ nữ ai cũng khao khát được làm mẹ.

Hạ quẳng thêm một khúc củi vào bếp, gương mặt cô lộ ra những nét ái ngại.

Biết mình lỡ nói những câu hơi nhạy cảm, ông Quynh đánh trống lảng: Cô ngồi hong người cho ấm, tôi đi lấy thêm củi.

– Chẳng cần lấy thêm củi đâu ông Quynh ạ, Hạ cời lửa ra xung quanh và nhấc nồi cơm vần xuống. Ông Quynh càng trở nên lúng túng khi Hạ ngẩng gương mặt đỏ lựng lên nhìn ông và nói: Tui cũng khao khát có một đứa con cho đỡ buồn tủi khi về già, nhưng gái xấu xí lại quá lứa lỡ thì như tui thì ai thèm lấy, hơn nữa gia cảnh tui cũng vất vả nên khó mà kiếm được một người đàn ông yêu thương tui.

– Cô là người rất tốt bụng lại có duyên, tôi nghĩ sớm muộn gì cô cũng gặp được thôi.

Hạ khẽ đưa tay lau những giọt nước mắt hai bên khóe. Cười như mếu: Lần đầu tiên có người khen tui duyên đấy, tui cảm ơn ông, ông Quynh, nhưng tui biết phận mình. Hạ vừa nói vừa cho mớ rau vào luộc.

Trời đang nắng bỗng sầm sập tối, màn mây đen kéo đến che kín cả bầu trời và một trận mưa rào xối xả trút xuống. Mưa tạt tứ bề căn nhà chòi, không một chỗ ngồi nào khô ráo.

– Cô bê nồi cơm lên tra ngồi đi, để tôi chạy ra suối lấy mấy cái chén đang ngâm ngoài đấy.

– Ôi ông ướt hết rồi, mau lên ăn cơm kẻo quá trưa rồi. Hạ đón chồng bát đũa từ tay ông Quynh đặt xuống sàn gỗ.

– Lửa tắt ngấm rồi, ông lấy khăn lau người đi không cảm lạnh đó.

Ông Quynh với tay lên chiếc sào vắt đầy những khăn và quần áo. Bỗng chiếc sào sụp xuống đầu hai người: Ôi tôi xin lỗi. Ông Quynh vội vàng đỡ lấy, vô tình bàn tay ông chạm phải một khối mềm ấm áp.

Hạ đỏ bừng mặt, xấu hổ không biết giấu vào đâu.

– Cô Hạ à… tôi… tôi không cố ý làm vậy mong cô bỏ quá cho.

– Không đâu, ông Quynh, tui hiểu mà… Hạ ngước nhìn ông cố tìm cho mình một nụ cười tự nhiên nhất nhưng quả thật rất khó. Họ im lặng hồi lâu. Chị thấy tim mình như muốn bật ra khỏi lồng ngực và toàn bộ cơ thể chị rung lên những vũ điệu quái đản nhất mà ngay chính chị cũng không thể nào gọi tên đó là gì. Ông Quynh cũng cảm thấy những thớ thịt trên cơ thể ông như được đẩy bật lên bởi những đường gân vằn vện và từ sâu thẳm những tiếng kêu gào như con mãnh thú tru lên bởi sợi xích ràng buộc. Ông riết chặt cơ thể Hạ, nóng hổi, dồn dập, làn môi ông chiếm đoạt làn môi dưới của cô một cách bạo liệt. Mưa bên ngoài vẫn tới tấp và không có dấu hiệu tạnh. Hạ níu chặt hai cánh tay ông, tâm hồn và thể xác như bay bổng, lạc trôi ở một miền thăm thẳm nào đó không thuộc về mặt đất. Chị rấm rứt khóc, ông Quynh khẽ cọ mũi lên vành tai chị hổn hển thì thầm: Tôi sẽ cho em một đứa con. Tôi thương em…

***

Buổi chợ hôm nay chẳng phải phiên nhưng câu chuyện bàn tán râm ran từ sáng tới trưa chẳng hề thuyên giảm. Và điều họ mong chờ nhất là để xem đứa bé sinh ra sẽ giống ai và phản ứng của người trong cuộc ra sao khi biết chồng mình là kẻ ngoại tình và những trận cãi vả ghen tuông ắt sẽ nổ ra như thường thấy.

Bà Chi ngày ngày mài đũng quần bán buôn giữa chợ, có điều gì mà không chui tọt vô tai bà nhưng bà chẳng hề quan tâm. Bà cặm cụi với từng đường kim mũi chỉ và cái miệng không khi nào thôi nhoay nhoáy.

Ông Quynh là người chồng thứ hai của bà, đáng nhẽ bà sẽ có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn với người chồng trước và đứa con gái của mình. Nhưng cái giấy báo tử như một nhát dao chém đứt hết mọi hy vọng mong manh của bà, tuổi thanh xuân mòn dần theo năm tháng. Bà xua nỗi cô đơn của mình bằng những miếng trầu khi ngồi một mình ru con trong đêm, đứa con chưa một lần được ở trong vòng tay bố. Ông Quynh cũng kịp xây dựng gia đình với một cô gái cùng làng trong một đợt về nghỉ phép nhưng không may sau đó cô ấy bị băng huyết trên bàn đẻ và qua đời. Ông trở lại đơn vị mang theo nỗi buồn đau nặng trĩu.

Ngày giải phóng ông Quynh trở về làng với vài vết thương trên cơ thể. Cám cảnh giữa đường đứt gánh, gia đình hai bên tác hợp cho ông Quynh và bà Chi đến với nhau. Họ có chung một đứa con gái nữa, những tưởng rằng có con sẽ làm tăng thêm sợi dây ràng buộc giữa hai người nhưng đùng một cái chồng của bà Chi trở về, thấy vợ con mình đã thuộc về người khác. Ông không dám trách bà, làm sao có thể trách bà được chứ, trách là trách duyên trách phận, trách thời buổi loạn lạc đã xô đẩy con người rẽ sang những lối khác. Bà buồn, bà lại ăn trầu, ăn miết rồi đâm ra nghiện từ lúc nào chẳng hay. Ông Quynh cảm thấy mình có lỗi một phần trong chuyện này, trong ông lúc nào cũng như có một tảng đá đè nặng, ông chỉ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi người đàn ông đó có gia đình mới. Nhưng bà Chi không thể cai nghiện được trầu, sắc đỏ ấy khiến ông luôn ám ảnh đến cái chết của Xuyên mối tình đầu vừa nhen nhóm trong ông và cả cái chết của người vợ bất hạnh. Bà Chi chẳng bao giờ to tiếng phẫn nộ, bà luôn chăm lo vun vén cho gia đình nhưng chẳng hiểu sao cái cuộc sống bình bình phẳng lặng đó và cái điệp khúc nhoay nhoáy của bà làm ông khó thở.

Hôm nay ông về để lấy gạo và mắm muối, ông chợt sững người khi vừa đặt chân vào nhà. Những chai mật ong vỡ ra lênh láng, lũ kiến thi nhau đậu từng cụm nhỏ li ti như những bông ngò tàn cánh. Bên tường những vệt đỏ chảy ngoằn nghoèo như những nét vẽ trên tấm bản đồ, dưới chân ông, lon sữa bột méo mó lăn lóc.

– Ông đi đi… ông đừng có về đây nữa. Bà khóc rống lên như một con lợn bị chọc tiết, ông lao đến đỡ lấy vai bà. Bà làm sao vậy, bình tĩnh nói tôi nghe nào?

– Tôi biết ông không còn tình cảm gì với tôi từ lâu nhưng tôi không phải là gỗ đá, tôi cũng biết đau. Bà Chi đưa mu bàn tay quệt mắt: Cô ấy vừa sinh con ở trạm xá về đó.

Giọng ông Quynh trở nên run rẩy: Cô ấy sinh rồi ư? Còn bà… bà đã…

– Tôi đã biết từ lâu… nhưng cũng là phận đàn bà với nhau nên tôi…

– Bà nó à… Tôi thật sự có lỗi với bà nhiều lắm… Xin bà hãy tha thứ cho tôi. Ông Quynh không dám ngẩng đầu lên nhìn bà.

– Thôi ông mau đi đi. Tý bẻ lá xông tôi đem qua.

– Bà nói thật ư? Bà không hận tôi chứ?

– Ôi giời cái ông này… Mau sang thăm cái thằng chống gậy của ông đi. Dùng dằng là tôi đổi ý đó.

Ông Quynh xiết chặt tay bà, nở một nụ cười như mếu, lần đầu tiên trong đời ông bật khóc…

 Khương Hà, ngày 21/11/2017

Tổ Quốc

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài