Thế giới nhân vật trong những truyện ngắn của Như Bình là một thế giới bề bộn phận người*. Người âm, người dương, người tốt, người xấu. Đủ kiểu. Tất cả những người đó đều được nữ tác giả dựng lên bằng một giọng văn trắc ẩn mang hơi thở của điệu thức “Oán” – một trong bốn điệu thức thuần Việt của âm nhạc cổ truyền Việt Nam – Một điệu thức buồn.

Như Bình là cây viết không chỉ có văn mà còn có khả năng cấu trúc truyện ngắn theo cách riêng của mình. Khi thì chị kể chuyện người xưa bằng giấc mơ tâm linh như trong truyện “Chợ Âm phủ”. Khi thì kể thẳng chuyện đời éo le như trong truyện “Cô Huệ”. Người mình không yêu thì phải lấy làm vợ. Người mình yêu thì đành vụng trộm cả đời. Phải chờ đến lá thư tuyệt mệnh yêu cầu tha thứ của người vợ, thì chuyện tình tay ba mới được thông thỏa. Khi thì chị đắm đuối dìm câu chuyện vào mang mang siêu thực như truyện “Đêm vô thường”. Nói chung là vẫn xót xa, là vẫn có éo le thành cái tạng văn chương của nữ tác giả này như truyện “Tiếng gọi câm”, “Lửa trên sông”. Có lúc lại mờ mờ nhân ảnh Liêu Trai như truyện “Đêm hội Chen”. Có lúc lại thắt nghẹn cay đắng nhân tình thế thái giữa hạnh phúc nhỏ nhoi gia đình với quyền lực tàn nhẫn khủng khiếp như truyện “Ám ảnh”. Có lúc thương cảm muốn òa khóc trước phận người tàn tật vẫn liều mình vượt thoát để tận hưởng giây phút ái ân như truyện “Đêm nguyệt thực”.

“Bùa Yêu” là truyện ngắn mà tên truyện được lấy để đặt cho cả tuyển tập. Câu chuyện tưởng giản dị chỉ kể về chuyện yêu đương tình cờ ở biển của chàng và nàng khi gặp gỡ. Nhưng cái giọng văn có gì phảng phất F. Sagan với giai điệu thủ thỉ tinh tế đã lôi kéo người đọc vào những day trở thầm kín nhất tận đáy tâm hồn được nữ tác giả dần dà kéo lên, gỡ ra, dệt kín một bức mành thất lỡ, chảy ra như một tiếng thở dài não nuột của phận người trớ trêu như câu thơ của những người vạn chài hát cuối truyện: “Đừng thả nỗi buồn vào sóng/ Ơi con sóng bạc đầu khơi xa/ Đừng dệt nỗi buồn lên tấm lưới/ Người sẽ có gì ngoài nỗi khổ đau”.

Mơ hồ đến bối rối khi đã lạc vào “Bùa yêu”. Các nhân vật trong truyện ngắn Như Bình cứ tràn trề xô dạt trong giọng văn trắc ẩn của cô. Nào là chú lính đảo vụng về bày tỏ tình cảm thô tháp của mình khiến cô phóng viên ngây thơ không đón nhận được, để lại trong lòng mãi một niềm ân hận theo thời gian qua “Hoa mua trắng”. Nào là bà mẹ khắc kỷ tạo ra một cuộc sống quá hoang tàn trong “Mùa thu”. Nào là sự cô đơn tận cùng ý nghĩ thấp thoáng nhân vật trong “Ông già và biển cả” của Hemingway qua “Người gác hải đăng”. Nào là sự lươn lẹo, luồn lách giữa tình và quyền của nhân vật Đăng qua “Mùa nhẹ dạ”. Nào là cách ẩn dụ để bày tỏ sự bí mật của nghệ thuật mà có thể suốt đời chẳng ai làm tri kỷ qua “Vườn trăng”.

 

Nhà văn Như Bình.

Tôi thích cái lối sát sàn sạt đầy tính cách xứ Nghệ Tĩnh của giọng văn này. Chị thường đẩy sự việc đi đến tận cùng kịch tính để gieo vào lòng nhân thế những viên sỏi lạnh lùng tận đáy giếng cạn của tính cách con người như truyện “Sầu đông”, “Cõi về”, “Giông biển”, “Ngãn”, “Hồn biển”, “Vọng phu”, “Cỏ dại”, “Ranh giới”, “Cửa sổ”, “Người thay tim”. Ám ảnh nhất trong tuyển tập là truyện “Dưới chân núi mồ côi”. Câu chuyện là một lát cắt bi thương rớm máu mà cuộc chiến tranh đã để lại cho những người nữ thanh niên xung phong chưa kịp có hạnh phúc làm mẹ thì thanh xuân đã vụt đi qua. Họ gom cô độc của chính mình vào nhau để bám trụ tại xóm Trại dưới chân núi Mồ côi, những mong có một lần “ăn xin” được hạnh phúc. Qua giọng tưng tửng của nhân vật bà Mão săm soi: “Có phải bộ đội Cụ Hồ không? Lý lịch đỏ mới được nhập cư đấy”, thì người đọc thấy sao tê tái cho phận người dâng hiến, hy sinh một thời vì nước quá. Rồi thêm câu đay nghiến của bà: “Chiến tranh, đạn pháo thì không chết, hòa bình rồi lại chết đói, cơ cực” thì hình như Như Bình đã gảy ra được cái tư tưởng sâu sắc mà cô muốn gửi gắm vào những phận người này để thốt thành lời với cuộc sống hiện tại phũ phàng và vô cảm.

Đấy là những giai điệu cứ ngả nghiêng của những bán âm, gãy nhịp trong hơi thở của điệu thức “Oán”, khiến ta cứ bị day dứt, bị vò xé trong tìm kiếm những điều giải thoát mà tuyển tập này muốn gửi gắm tới người đọc.

Theo Nguyễn Thụy Kha – Lao động cuối tuần (số 24 – 13/06/2015)