Em. Bốn tuổi. Ở quê với bà. Một buổi chiều em đi chơi về, thấy bà ngồi tần ngần bên bậu cửa, dựa lưng vào tấm vách.
Bà bảo: “Lúc nãy có thằng rồ đi vào sân nhà mình. Nó đói, bốc cả nắm củ ráy lên ăn. Thế rồi nó ngứa. Lúc bà ra thì thấy nó cào vào mồm chảy dãi rớt trắng xóa ra. Bà định lấy cho nó mẩu đường phên ăn cho khỏi ngứa.
Nhưng trông nó đầu tóc rối nùi, quần áo tả tơi khét nắng, tru tréo như con chó dại thế bà lại sợ, cứ đóng chặt cửa nhìn ra. Bà lại nghĩ nó rồ thế biết gì mà tội nghiệp cho nó. Giờ nó đi mất rồi. Chả biết còn móc miệng đến bao giờ”.
Em ngồi bậc dưới, ôm chân bà. Hai bà cháu cứ nhìn đăm đăm ra ngoài sân. Quê em có lệ phơi khoai lang khô để dành, tránh bị hà. Nhà nuôi lợn, hôm trước bà có thái ít củ ráy ra phơi để dành mùa đông.
Thằng rồ chắc nhầm ráy thành khoai. Hỏi khắp làng chả biết thằng rồ đi đâu. Nó không quay lại làng nữa. Mẩu đường phên vẫn được hai bà cháu cất kỹ trên gác bếp suốt tuổi thơ em đắng ngắt. Cho đến khi bà mất.
Chị. 28 tuổi. Khu tập thể giữa cánh đồng.
“Tao nghĩ tao hèn quá mày ạ – chị bảo – Cả khu tập thể có mỗi ba căn có người ở. Chị Thành bị chồng đánh và bỏ đi khi sắp ở cữ.
Thế là chị ấy tự xách làn đi đẻ rồi tự ôm con về. Hôm trước đẻ, hôm sau đã ra giếng ngồi giặt tã lót. Còn tự đi chợ, nấu ăn. Gió mùa đông bắc thun thút, tao ngồi trong nhà ngó ra còn lạnh tê buốt cả mũi. Ðêm con bé khóc ra rả, chả tài nào ngủ được.
Thế mà tịnh không dám giúp rập gì. Chẳng phải lười mà ngại. Mấy hôm trước chị Thành cãi nhau với bác Tiếp. Hai người ấy có lúc tình cảm với nhau còn hơn mẹ đẻ, con gái, giờ cạch mặt nhau chắc phải có chuyện gì to lắm.
Mà bác Tiếp thì ghê gớm có hạng. Tao mới về ở đây, bác ấy ghét lại đặt điều gièm pha thì lôi thôi lắm. Mỗi lúc đi qua nhà chị Thành, tao cứ phải nhắm mắt lại coi như chuyện đã qua. Sau này đến lượt mình đẻ đái mới ngấm cái cảnh một thân một mình”.
Nói rồi chị cứ thở dài như thể sẽ quay lại được khu tập thể ngày ấy.
Em. Thiếu nữ rồi thiếu phụ. Thành phố.
Câu chuyện của bà, của chị, em nhớ như in trong đầu. Lâu lâu ôn lại để tự nhắc mình phải sống thật nhân ái. Em luôn tự nhủ mình khi có cơ hội phải giúp đỡ người khác hết mình để đừng bao giờ phải hối hận, day dứt như bà và chị.
Em ra thành phố, thiếu nữ rồi thiếu phụ. Em chăm chỉ làm việc thiện. Khi có con, em càng phải làm gương cho con. Ði ngoài đường thấy người khuyết tật, người ăn xin bao giờ em cũng lấy tiền cho. Em dặn con không được coi khinh người nghèo.
Em dặn con hãy cho đi thật nhiều và đừng mong người ta đền đáp bởi mình đã nhận được niềm vui, sự thanh thản trong lòng rồi.
Em không để lương tâm mình phải áy náy bất cứ điều gì. Ði chợ ai tính thừa tiền em về đến nhà rồi còn quay lại trả. Em không nói xấu ai, cũng chẳng đặt điều hãm hại ai. Cho đến một ngày…
Trưởng phòng nghỉ hưu, có “gửi gắm” một đứa cháu cho trưởng phòng mới. Con bé vừa tốt nghiệp cao đẳng, chân quê ngơ ngác y như em lúc mới xuống thành phố. Cả phòng chỉ có em thi thoảng nói chuyện với nó.
Những người khác hoặc ra vẻ bận rộn, hoặc cáu kỉnh như bị làm phiền. Con bé biết thân biết phận, luôn cố gắng vâng dạ ngoan ngoãn, thậm chí nhẫn nhịn hoàn thành tốt mọi yêu cầu tréo ngoe của người khác đưa ra.
Trưởng phòng mới luôn miệng bảo: “Có ai bắt nạt cháu thì cứ mách chú”, nhưng chỉ nhìn thái độ sa sầm của ông khi nó đi khỏi là ai nấy đều ra sức hoạnh họe nó.
Trưa hôm ấy cả phòng đi ăn cưới, mình nó ở lại. Khi về đến nơi, phòng ốc sạch sẽ, tinh tươm, lại có sẵn nước trà để uống. Chợt một chị mở ngăn kéo, thất thanh: “Mất rồi”. “Mất gì?” – cả phòng nháo nhác. “Chiếc lắc tay chứ còn gì nữa”.
Ðúng là chị ấy có chiếc lắc tay rất đẹp, cả phòng đều biết. “Sao lại để ngăn bàn?”. “Hôm nay em mặc váy đắt tiền, tay áo vải voan cứ bị những cạnh bọc đá quý mắc vào sợ rách nên em bỏ ra. Ai ngờ…”. “Thử tìm lại xem có để đâu khác không?”.
Ý kiến ai đó đưa ra, cả phòng nháo nhào bới lộn truy tìm. Trưởng phòng vào, cau mày nhìn cả văn phòng bị xới tung. “Gì thế?”.
“Dạ, em mất chiếc lắc tay bằng vàng…”. “Ai ra khỏi phòng cuối cùng?”. Cả phòng dồn mắt vào con bé. Nó đỏ bừng mặt, hoảng hốt phân trần: “Cháu… không được mời. Cháu ở lại dọn phòng”. “Có gì chị em tự bảo nhau đi. Ai chả có lúc lỗi lầm”.
Trưởng phòng nói nhỏ rồi bỏ đi. Con bé cắm mặt xuống những ngón chân ngọ nguậy. Toàn thân nó đỏ lừ. Rất lâu, nó nhìn lên em cầu cứu. Em định mở mồm. Rồi chợt một ý nghĩ ngăn em lại. Em quay mặt đi. Nó òa khóc, chạy ra khỏi phòng.
Mấy hôm liền không thấy nó đi làm. Nghe nói nó nghỉ hẳn. Chị mất chiếc lắc được bổ nhiệm phó phòng. Chuyện cũ không ai nhắc lại nữa. Nhưng em không thể nào quên. Ðêm nào cái dáng rúm ró bị kết tội của nó cũng khiến em mất ngủ.
“Thôi đi đi cháu. Ði tìm chỗ khác tốt hơn. Tội gì phải ở cái nơi ai cũng muốn tránh né mình như thế”. Em chỉ biết nhắn tin cho nó như vậy. Tin nhắn như bay vào khoảng trống.
Nửa tháng sau mới thấy nó nhắn lại: “Vâng, đúng cô ạ. Cháu hết buồn rồi. Chắc cháu sẽ tìm được việc thôi. Có một điều cháu không chịu nổi là ở nơi nào đó vẫn có người nghĩ cháu từng là đứa ăn cắp”.
Em thấy mình lại như thuở bé ôm chân bà ngóng ra ngoài sân. Em thấy mình lại nghe tiếng chị thở dài bên tai. Em kể cho con mình nghe, bắt đầu bằng câu chuyện thằng rồ ăn nhầm phải củ ráy ngứa sùi bọt mép.
Truyện ngắn của Hương Thị (Văn nghệ quân đội)