Để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiên quyết đưa những sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai không phù hợp ra khỏi các di tích trên địa bàn tỉnh…

Nỗ lực “làm sạch” di tích

Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 84 di tích sử dụng sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trong đó có những hương án đá, đèn đá, đèn chùm, nhang án, lư hương và đặc biệt là linh vật sư tử đá có xuất xứ từ nước ngoài.

Theo quy định tại phần a, khoản 1 Ðiều 4, Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa, hành vi vi phạm làm sai lệch di tích là “Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”. Do đó, việc sử dụng những sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai không phù hợp là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Dư luận mong muốn đôi sư tử đá ngoại lai trước cửa đền Như Nguyệt cần sớm được di dời ra khỏi di tích lịch sử này.


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được sử dụng trong di tích ở Bắc Ninh đều là đồ công đức của người dân trong vùng. Nhiều địa phương tự ý nhận đồ công đức mà không có bộ phận thẩm định, đánh giá các hiện vật đó có phù hợp với văn hóa tín ngưỡng của di tích. Điều đó dẫn đến việc công đức tràn lan, vô hình trung làm sai lệch di tích. Khi được tuyên truyền, vận động, nhiều địa phương đã thể hiện rõ sự đồng thuận, quyết tâm di dời những sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai ra khỏi các di tích.

Ông Ngô Minh Nam, người dân thôn Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn cho chúng tôi biết: “Cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc được hội đồng niên sinh năm 1979 và 1982 phát tâm công đức đặt trước đình làng Hồi Quan từ năm 2011. Tuy nhiên, nhận thấy đây là linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động và được sự đồng thuận của đại đa số người dân địa phương, chúng tôi đã tổ chức di dời linh vật không phù hợp này ra khỏi đình làng”.

Ngoài di tích đình Hồi Quan, nhiều di tích khác như đình Đoan Bái (xã Đại Bái, huyện Gia Bình), đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình), đình Đồng Xoài (xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành) thời gian qua cũng đã đưa ra khỏi di tích những sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai không phù hợp.

Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc

Trong danh sách tổng hợp kết quả di dời sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai không phù hợp tại các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2015, số di tích chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu lên đến hơn một nửa (45/84 di tích). Con số này cho thấy quá trình đưa di tích về đúng nguyên trạng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chúng tôi đã đến tìm hiểu tại đền Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, nơi thờ Thái úy Lý Thường Kiệt. Cổng đền Như Nguyệt hướng ra sông Cầu là minh chứng lịch sử từng vang danh chiến tích chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về đôi sư tử ngoại lai hiện đang “án ngữ” nơi cửa đền, ông Trương Hữu Cổng làm thủ từ đền Như Nguyệt hơn 10 năm, cho biết: “Chúng tôi biết đặt đôi sư tử đá ngoại lai là không đúng với quy định của Luật Di sản văn hóa, nhưng đôi sư tử này là do gia đình ông giáo Thứ công đức cho đền. Ông giáo Thứ vừa mất năm ngoái, đôi sư tử này cũng đã ở đền được nhiều năm rồi, người dân nơi đây đã quen với nó như một phần tâm linh trong đền, bây giờ bảo di dời đi chỗ khác đâu phải dễ”.

Rõ ràng, khi đã gắn bó một thời gian dài với di tích, việc tổ chức di dời các sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai gặp nhiều trở ngại vì yếu tố tâm linh. Vì vậy, việc di dời cần kết hợp với tuyên truyền thay đổi nhận thức của những người trong ban quản lý di tích cũng như người dân địa phương. Ngoài ra, nhiều di tích dù đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân địa phương, nhưng việc di dời đi đâu, lấy nguồn kinh phí nào để di dời, cũng là câu hỏi không dễ có lời giải đáp.

Trao đổi với chúng tôi về việc tháo gỡ những khó khăn trong việc trả lại không gian văn hóa thuần Việt cho các di tích ở địa phương, ông Nguyễn Đức Trọng, Chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân quyết tâm di dời, tạo điều kiện bố trí nơi tập kết các sản phẩm, linh vật ngoại lai không phù hợp ra khỏi di tích. Bên cạnh đó, ngành văn hóa tỉnh cũng sẽ tổ chức hội nghị tập huấn những nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh”.

Chúng tôi cho rằng, dù chưa đạt kết quả như mong muốn, nhưng việc ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác quản lý, thể hiện quyết tâm trong việc di dời những sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai ra khỏi di tích là tín hiệu khả quan. Làm tốt công việc này là thiết thực góp phần trả lại không gian truyền thống văn hóa dân tộc cho các di tích của địa phương.

 

Theo Nguyên Đức – QĐND