Ở tuổi 81, nữ văn sĩ từng đoạt giải Nobel có cái nhìn thanh thản về cuộc đời, về chuyện viết lách. Từng trải qua mọi hỷ nộ ái ố, bà muốn cảm nhận tất cả theo một cách tự nhiên, nhất là không né tránh những nỗi đau.

Dưới đây là bài viết của Emma Brockes (phóng viên báo Guardian) về tác giả từng nhận giải Nobel Toni Morrison. Cuộc trò chuyện xoay quanh việc nữ văn sĩ nổi tiếng làm người mẹ đơn thân như thế nào, về cái chết của con trai bà, về ký ức tuổi thơ của một nhà văn… phác nên chân dung của một nữ văn sĩ Mỹ gốc Phi vĩ đại.

Lần đầu tiên tôi gặp Toni Morrison là cách đây khoảng 15 năm, để trao đổi về cuốn tiểu thuyết thứ bảy của bà, Paradise. Mrrison, khi đó ở độ tuổi cuối 60, đang ở đỉnh cao quyền lực, là một tác giả thắng giải Nobel. Bà nổi tiếng bởi sự khó tính dành cho giới phóng viên và phê bình nghệ thuật, bà mang một phong cách riêng đặc biệt như những áng văn xuôi của bà: sắc sảo, giao tiếp bằng mắt mạnh mẽ.

‘Ở tuổi 81, cảm giác thấy tội lỗi về một điều gì đó không còn hiện hữu trong tôi…’. Ảnh: Guardian.

Giờ thì bà ngồi đây trong văn phòng của nhà xuất bản của mình ở New York, nhìn ra thành phố nằm bên dưới. Bà trông bệ vệ hơn bao giờ hết, nhưng đã có thay đổi. Lúc đó là ngay sau giờ ăn trưa, Morrison nói, bà có thói quen ngủ trưa.

Thật khó mà tin rằng Morrison đã 81 tuổi. Bà khởi nghiệp hơi muộn, tiểu thuyết đầu tay của bà, The Bluest Eye, được viết năm bà 39 tuổi và là một biên tập viên của nhà xuất bản Random House. Kết quả là, bà không có cơ hội nhiều như các cây bút cùng thế hệ cùng việc phần lớn chủ đề bà viết thường là lịch sử, hay đúng hơn là có liên quan đến lịch sử ngày nay. Các nhân vật của bà là những người hùng và không hoàn hảo, huyền thoại và thực tế, “không phải để thương hại” bà nói – các phương tiện để tạo sự ghi nhớ, ngay cả khi, như Morrison viết trong tác phẩm Beloved, khi mà “sự ghi nhớ dường như là không khôn ngoan”.

“Chẳng có gì trong thân xác 81. Nó chỉ như những thay đổi về mặt cơ thể. Và ký ức. Tôi không nhớ vị trí của những chiếc chìa khóa. Hay như con trai tôi nói, ‘Mẹ này, không phải là việc mẹ không nhớ nơi cất chìa khóa, mà là khi mẹ cầm chìa khóa nhưng lại không biết nó dùng vào việc gì.’ ‘Cám ơn, con trai’ Bà cười lớn, một tràng dài. “Mọi điều xảy ra trong 50 năm đầu tiên của đời tôi thì rực rỡ và đáng nhớ. Thật tuyệt, quá khứ sao mà rõ đến thế. Còn hiện tại thì…” Bà làm cử chỉ khoát tay trong không khí.

Tiểu thuyết sau cùng của bà, Home, lấy bối cảnh là thời hậu chiến tranh Triều Tiên và trùng với khoảng thời gian nhiều cảm xúc lẫn lộn của lịch sử nước Mỹ. “Tôi đã cố gắng để thoát khỏi những ám ảnh thập niên năm 50, ý tưởng chung về nó là rất thoải mái, hạnh phúc, hoài cổ. Điên hết. Đó là một cuộc chiến tranh khủng khiếp mà bạn không thể gọi đó là chiến tranh khi có 58.000 người mất mạng”.

Trong tác phẩm Home, Frank, một cựu chiến binh trải qua những khoảng thời gian hoang tưởng do chấn thương tâm lý hậu chiến gây ra, và em gái của ông, Cee, còn nốc nhiều thuốc hơn, đã tìm đường về nhà ở một thị trấn tên Lotus, nơi khi còn niên thiếu họ đã tìm mọi cách để trốn khỏi. Đó là một kiểu kết cấu truyện cổ điển của Morrison, một thị trấn ất ơ không có chức năng cứu rỗi, tuy nhiên lại cứu chuộc được nhờ vào tình yêu.

Nữ văn sĩ và hai con trai, Harold (trái) và Slade. Ảnh chụp trong thập niên 80. Ảnh: Getty

Tất cả đều là biến thể của vùng Lorain, Ohio, nơi Morrison, một trong số 4 đứa con của một công nhân ngành thép với vợ là nội trợ, đã lớn lên. Morrison có thể tìm thấy cả cha mẹ bà trong nhân vật của mình, thái độ “khinh khỉnh” của cha bà, sự cởi mở của mẹ bà. Bà là công dân thuộc thế hệ những năm 1940, thời kỳ luật phân biệt chủng tộc còn hiện diện, nhưng Morrison là mẫu người tự chủ và có khuynh hướng dám nói.

“Những người khác đã nghĩ rằng tôi viết khá lắm, khi tôi còn đi học. Và tôi nhớ một thầy giáo đã lấy một bài văn ngắn của tôi ra làm mẫu cho các lớp kế tiếp, như là điển hình của bài viết không chút sai sót. Nhưng ông lại chỉ cho tôi điểm B. Thế là tôi đã hỏi ông: nếu thầy cho rằng bài viết ấy tốt, sao lại chỉ cho em điểm B? Ông đáp, ‘Em viết sai chính tả từ quả mâm xôi.” Bà hất đầu ra sau và cười lớn. “Đánh vần từ quả mâm xôi thế nào nhỉ?”

Morrison đối xử tốt với cách đọc chính trị hóa các tác phẩm của bà, nhưng tính cách nghệ sĩ của bà lại nổi loạn chống lại cách đọc chỉ để đọc, đặc biệt khi các tiểu thuyết của bà được dùng để chống lại một số định kiến.

Bà cảm nhận vấn đề này mạnh mẽ khi viết cuốn The Bluest Eye. Bà sẽ không, như bà quyết định, cố “giải thích” cuộc sống của người da đen cho một độc giả da trắng. Bà sẽ không viết những gì ngoài trải nghiệm của chính bà. Bà lấy tên tiểu thuyết nổi tiếng của Ralph Ellison, Invisible Man, ra làm ví dụ trong phỏng vấn với tờ New Yorker vào năm 2003, “Vô hình với ai? Không phải với tôi.”

Bà muốn viết với tư cách người trong cuộc. Đó là kỷ nguyên của “da đen là tươi đẹp”, mọi nơi bà tìm hiểu ở New York, phong trào quyền lực của người da đen đã khơi gợi câu khẩu hiệu trên. “Mọi cuốn sách đã được xuất bản bởi các nhà văn Mỹ gốc Phi đều gọi ‘da trắng bòn rút’, hay các từ đại loại như thế. Đấy không phải sách dành cho lớp học giả mà là dạng sách phổ thông. Và họ nói thêm, ‘Bạn phải vùng dậy chống lại những kẻ áp bức’ Tôi hiểu điều này. Nhưng bạn không phải nhìn vào thế giới bằng cặp mắt ấy. Tôi không phải kẻ rập khuôn. Khi công chúng nói rằng da đen là tươi đẹp – Ái chà? Dĩ nhiên rồi. Ai đó khác lại nói không đúng? Tôi sẽ bảo, tìm trong The Bluest Eye, đợi chút nhé. Có một khoảng thời gian da đen không đẹp đâu. Và bạn bị tổn thương”.

Ý tưởng viết tiểu thuyết về một cô gái da đen bị làm cho cảm thấy xấu xí vì nền văn hóa xung quanh khiến cô cầu nguyện có thể thay đổi màu da, đã nảy ra khi Morrison còn là một đứa trẻ.

Một người bạn cùng lớp tâm sự rằng người này cũng có ước mơ đổi được màu da, ngay từ khi 12 tuổi. Bà không khi nào phải chịu nhận tình huống như vậy.

Tên thật của bà là Chloe Wofford. Toni là tên rút ra từ tên thánh, Anthony (thánh Anthony), của bà. Bà biết mình là ai và áp dụng điều này trong lớp học – trong thị trấn của bà, tất cả đều nghèo như nhau, người da đen, người da trắng, người Ba Lan, người Tây Ban Nha – đều cùng sống trên một con đường và học cùng trường. Cha mẹ bà cũng chống lại quyết liệt những ảnh hưởng từ bên ngoài. Có một thời gian, gia đình bà phải nhận cứu trợ thực phẩm. Và bà nhớ lại khi mẹ bà nhận khẩu phần ngô hay thứ gì giống thế, thì thấy có mọt trong đó. Bà đã viết thư cho Tổng thống thời kỳ đó là Franklin D Roosevelt. Và văn phòng của ông đã trả lời!

Cha của Morrison thì không tin bất kỳ ai. Khi bà bước sang tuổi thiếu niên, bà xin được chân giúp việc trong một gia đình da trắng. Gia đình người chủ dùng máy hút bụi trong khi ở nhà bà lại dùng cây lau nhà, nhà người chủ cũng có bếp lò hiện đại còn bà thì không biết cách dùng. Hậu quả là bà đã bị mắng là ngu đần. Khi ấy, bà tự ái và căng thẳng đến độ chạy ào về nhà mình. Mẹ bà khuyên nên nghỉ việc, nhưng công việc mang lại cho bà 2 USD mỗi tuần. Cha bà đã cho bà bài học sâu sắc, theo bà suốt đời.

“Ông nói, ‘Quay lại làm việc, nhận tiền công và về nhà. Con đâu phải sống ở đấy mãi mãi'”.

Sau đó, Morrison bị trêu chọc ở trường. “Một thằng bé người Italy gọi tôi là người Ethiopia. ‘Nè nè, con nhỏ Ethiopia.’ Tôi đã về nhà và mách mẹ, ‘Có gì thế?’ Và bà nói, ‘Đó là một quốc gia ở châu Phi.’ Thằng bé người Italy tưởng rằng lời trêu chọc ấy là ghê gớm lắm. Nhưng Morrison ráo hoảnh đáp lại: “Không có gì hay hơn à”.

Thái độ ấy, thỉnh thoảng, đem lại rắc rối cho bà. “Nó khiến bạn bị giới hạn. Nó làm cho bạn vô cảm trước những việc đúng đắn, mà về sau bạn phải cảm nhận điều ấy”.

Bà không dùng chất kích thích, ngay cả khi là thiếu nữ và những người xung quanh bà bập vào ma túy. “Tôi không thích cảm giác từ những gì không xuất phát bởi chính bản thân tôi. Tôi không muốn phải phụ thuộc vào nó. Tôi muốn cảm nhận như chính những gì mình cảm nhận. Đó chính là của tôi. Ngay cả khi nó không hạnh phúc, bởi bạn là bạn”.

Khi bắt đầu viết The Bluest Eye, bà là người mẹ đơn thân nuôi 2 con trai và sống ở Syracuse, New York. Bà dậy lúc 4 giờ mỗi sáng để viết trước khi đi làm. Nếu khi nào bà cảm thấy mệt mỏi, bà nghĩ về bà ngoại của mình, người đã tha hương với 7 đứa con mà không có bất kỳ phương tiện nào. Bất kỳ mối sợ hãi thường trực nào – về thu nhập, viễn cảnh trở thành nhà văn, vai trò là một người mẹ – đều bốc hơi trước nhu cầu sống hàng ngày.

“Tôi khi ấy còn trẻ. Tôi bắt đầu nghề viết khi 39. Đó là thời gian đỉnh cao của cuộc sống. Chỉ bọn trẻ là thật sự tự do, bởi vì những nhu cầu của chúng thì đơn giản. 1: chúng cần tôi có trách nhiệm. 2: chúng muốn tôi biết hài hước. Và 3: chúng muốn tôi là người trưởng thành. Không ai yêu cầu như thế với tôi trước đây. Không cả ở nơi làm – nơi đôi khi họ muốn bạn phải nữ tính, hay xinh xắn dễ chịu”. Bà cười. “Bọn trẻ không quan tâm về đầu tóc của tôi, chúng không bận tâm việc tôi trông như thế nào”.

Bà đã lập gia đình với Harold Morrison, một kiến trúc sư, sau khi gặp ông tại đại học Howard ở Washington DC và họ ly hôn sau đó 6 năm, để bà sống với 2 con trai, Harold và Slade. Làm việc ở nhà xuất bản Random House, thoạt tiên bà là biên tập viên mảng sách giáo khoa và sau đó, chuyển đến văn phòng ở Manhattan, thành biên tập viên tác phẩm tiểu thuyết.

Tác phẩm Bluest Eye được xuất bản vào năm 1970 và 3 năm sau bà cho xuất bản Sula – lần đầu tiên, bà nói, bà cảm thấy tìm được tiếng nói của mình. Không gì có thể khiến bà xao nhãng việc viết lách, bà nói, mặc dù sau khi thắng Nobel vào năm 1993, sự nổi tiếng đã đến trong tầm tay. Và bà giả sử, “thời gian mà tôi không viết, có lẽ tôi đang yêu. Hoặc được ai đó yêu ” – bà bật cười – “biến tôi thành đối tượng yêu. Không tồi. Nó ngắn thôi, nhưng không tồi.”

Chân dung Morrison năm 1985. Ảnh: Corbis.

Các tiểu thuyết của Morrison thường được mô tả là khó đọc, quá nhiều chất thơ. Cả hai nhận định này đều không có nghĩa ca ngợi, và điều này khiến bà nổi điên lên. Bà viết ở cấp độ thấp, bà nói, bằng tiếng mẹ đẻ của một người – nghèo, da đen – những người, mà nếu lối viết của họ không quen thuộc với các độc giả da trắng, thì không phải bởi khả năng của người viết. Có một thực tế bị bỏ qua là theo cách nào đó, tiểu thuyết của bà rất thông thường, The Bluest Eye là câu chuyện về điều phải đến ở tuổi nào đó, Sula thì là câu chuyện lãng mạn.

Morrison đã mất 3 năm để suy nghĩ về tác phẩm Beloved trước khi đặt bút viết. Nó là tác phẩm dựa trên chuyện có thật về Margaret Garner, một người nô lệ bỏ trốn đã chấp nhận thà giết chết con gái của mình hơn là quay lại kiếp sống nô lệ. Trong vai trò một người viết tiểu thuyết, nó đòi hỏi bà phải làm sao lôi ra điều tưởng chừng không thể – để cho thấy tình trạng nô lệ tồn tại, thậm chí có cả ngôn ngữ riêng. Tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 1988.

Có một thời gian khi mọi thứ trở nên tốt hơn. Khi ông Obama được bầu làm tổng thống, Morrison nói, đó là lần đầu tiên bà cảm thấy là người Mỹ thật sự. “Tôi cảm thấy yêu nước nồng nàn khi đi bầu cho Barack Obama. Tôi cảm thấy như một đứa trẻ. Lá cờ, binh chủng lính thủy đánh bộ, điều mà tôi chưa bao giờ nhìn – tất cả đột nhiên trông … hay làm sao. Đáng lắm đấy. Nó chỉ diễn ra vài giờ. Nhưng tôi bị hớp hồn, bài God Bless America (một nhạc phẩm ái quốc của Mỹ do Irving Berlin sáng tác) tôi không thích tí nào, ý tôi là nó không hay. Nhưng tôi đã thật sự cảm được trong khoảnh khắc ấy”. Morrison thấy bà ngày càng nghĩ nhiều về quá khứ, những kỷ niệm huy hoàng của 50 năm đầu tiên.

“Home” là quyển sách dành tặng cho người con trai Slade của bà, người đã mất được 18 tháng, mà khi đó bà chết lặng đi, không nói được lời nào cũng như không muốn nhận bất kỳ lời an ủi nào từ người khác. Bà đã cố thử đọc một vài cuốn sách mà các tác giả viết về cái chết của con cái họ, nhưng những cuốn sách ấy cũng làm bà bực bội như những lời chia buồn. “Các quyển sách được viết về cái chết của một đứa trẻ, nhưng toàn nói về tác giả. Họ nói về cuộc sống, không phải, nó là cái chết”.

Chi Mai lược dịch

Nguồn: eVan.