Tolstoy từng ấp ủ thực hiện một cuốn sách “đem lại cho người đọc sức mạnh nội tâm, sự bình thản, hạnh phúc, giúp họ giao tiếp được với những nhà tư tưởng vĩ đại…” nhưng cho đến hôm nay, ít người còn nhớ tới cuốn sách này của ông.



Khi nghĩ về nhà văn Lev Tolstoy, chúng ta thường nghĩ tới những tác phẩm văn học kinh điển, xuất chúng, đã đi vào lịch sử văn học thế giới như “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina”… Đây là những tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại.

Tuy vậy, Tolstoy không chỉ viết những tác phẩm đồ sộ, kinh điển, ông cũng từng viết về những điều bình thường, giản dị và thiết thân trong cuộc sống hàng ngày. Một cuốn sách thú vị như vậy đã được ông xuất bản và nhanh chóng… chìm vào quên lãng, đến hôm nay, chẳng mấy người yêu văn chương, yêu Lev Tolstoy còn nhớ tới.

Dường như đứng trước những tác phẩm đồ sộ kia, tác phẩm “bé nhỏ” này của Tolstoy bị lép vế hơn hẳn. “Cuốn lịch thông thái” từng được nhà văn thực hiện với niềm tin rằng đây sẽ là một trong những cống hiến quan trọng nhất của ông đối với loài người.

“Cuốn lịch thông thái” của Tolstoy là một hợp tuyển những câu châm ngôn ý nghĩa nhất, những đúc rút hữu ích nhất về con người và cuộc sống để “nuôi dưỡng tâm hồn”. Từ cách đây hơn một thế kỷ, Tolstoy đã rất quan tâm tới thể loại sách này.



Với những suy nghĩ, đúc rút thông thái, giúp độc giả chiêm nghiệm trong suốt cả 365 ngày của một năm, Tolstoy đã tuyển chọn những câu danh ngôn hay nhất nói về cuộc sống, nói về những thử thách, thăng trầm trong đời người…

Tolstoy không phải một con người hoàn hảo, không sở hữu một cuộc đời hoàn hảo, thậm chí, ông có một cuộc hôn nhân bất hạnh và cuối cùng, đã qua đời một mình tại một nhà ga. Tuy vậy, Tolstoy là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn từ, bằng ngôn từ, ông đã tạo nên những tác phẩm kinh điển và khơi gợi những điều tốt đẹp trong con người.

Năm 1885, ông đã vạch ra kế hoạch thực hiện “Cuốn lịch thông thái” và chia sẻ điều này với người trợ lý của mình rằng:

“Tôi biết rằng cuốn sách sẽ đem lại cho người đọc sức mạnh nội tâm, sự bình thản, hạnh phúc, giúp họ giao tiếp được với những nhà tư tưởng vĩ đại như Socrates, Epictetus, Arnold, Parker. Cuốn sách sẽ nói cho họ biết về điều gì là quan trọng nhất đối với con người, về ý nghĩa cuộc sống, về đạo đức… Tôi muốn tạo nên một cuốn sách trong đó tôi có thể khuyên giải người đọc về cuộc đời của chính anh ta, về cách để có thể sống một cuộc đời tốt đẹp”.

Tolstoy đã dành ra hơn 15 năm để sưu tầm những câu danh ngôn ông ưng ý nhất để đưa vào cuốn sách, đây là một sự đầu tư kỳ công cho thấy Tolstoy đánh giá cao cuốn sách này như thế nào. Nhà văn thường suy nghĩ về ý nghĩa của cuốn sách, ông từng viết trong nhật ký rằng: “Còn gì quý giá hơn là mỗi ngày đều được giao tiếp với những con người thông thái nhất thế giới”.


Ngày 9/9 vừa qua là tròn 186 năm ngày sinh của đại văn hào.

Tolstoy đã lựa chọn để mỗi ngày trong “Cuốn lịch thông thái” có khoảng 5 câu danh ngôn thú vị, được biên tập theo phong cách như sau:

Để tránh nuối tiếc:

Đừng nuối tiếc quá khứ. Nuối tiếc có ích lợi gì? Hãy lãng quên những ký ức đau buồn. Đừng nói về quá khứ. Hãy sống trong ánh sáng của yêu thương.
– Châm ngôn của người Ba Tư

Về cách suy nghĩ:

Người thông minh nghĩ nhiều về sự sống hơn cái chết.
– Benedictus Spinoza

Để kiểm soát ý nghĩ:

Đừng để bản thân mình bị tiêm nhiễm ý nghĩ và tâm trạng của kẻ đang hành hạ để cho ta phải khốn khổ; đừng bước đi trên vết xe đổ của họ.
– Marcus Aurelius

Để ghi nhớ điều gì là quan trọng:

Khi bạn bắt đầu cảm nhận thấy những tham vọng khôn cùng của bản thân, hãy tìm một chỗ yên tĩnh để ngồi lắng mình lại một lúc.
– Henry David Thoreau

Ngày 9/9 vừa qua là tròn 186 năm ngày sinh của đại văn hào.

Trong những dòng cuối cùng kết thúc “Cuốn lịch thông thái”, Tolstoy đã cầu chúc những độc giả của mình: “Tôi hy vọng rằng những người đọc cuốn sách này có thể trải nghiệm những xúc cảm thánh thiện và thăng hoa mà tôi đã cảm nhận được trong khi thực hiện cuốn sách, và đó cũng là những cảm xúc mà tôi luôn cảm nhận được mỗi khi đọc lại cuốn sách này mỗi ngày”.

 

Bích Ngọc
Nguồn: Dân Trí

Exit mobile version