Trần Thị Hồng Hà-Nhà thơ Trần Lê Văn tên thật Trần Văn Lễ, quê quán Nam Định, sinh năm 1920, mất năm 2005. Ông là người có vốn Hán học và tiếng Pháp khá uyên thâm. Ông từng công tác trong ngành giáo dục tại tỉnh Sơn La. Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ hoạt động báo chí tại liên khu III. Ông đã nhiều năm công tác tại sở văn hóa Hà Sơn Bình cho tới khi nghỉ hưu.

Nhà thơ Trần Lê Văn

Nhà thơ Trần Lê Văn là người sống giản dị trong đời sống, chân tình với mọi người, và hết mình với thơ ca. Báo Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu bài viết về ông của tác giả Trần Thị Hồng Hà, con gái của nhà thơ là lời sẻ chia của người con đối với cha, sự đồng cảm của một bạn đọc và như nỗi lòng của người bạn tri âm.

Ngay từ khi còn bé tôi đã được thưởng thức những tác phẩm của cha mình. Cha tôi có thói  quen đọc cho những người thân trong gia đình nghe tác phẩm của mình ngay sau khi sáng tác. Tôi không bao giờ quên cái cảm giác khi còn rất bé nghe thơ của cha. Đúng là một đứa bé vừa nghe vừa lơ đãng nghĩ đâu đâu, đôi khi bắt gặp một câu chữ nào đó liền giải thích theo cách rất trẻ thơ nhưng cứ tưởng mình phát hiện ra điều gì độc đáo lắm. Mọi người cười, còn tôi rất hãnh diện về mình. Giờ đây tôi hiểu ra rằng đó là những năm tháng hạnh phúc nhất của một đời người vì còn được vô tư như thế. Giờ đây, khi đã có thể thấu hiểu từng câu chữ của cha, cũng là lúc tôi đã sống nửa đời người, không dám nói đã trải qua hết những gì cha đã trải, nhưng cũng có một cái gì đó váng vất như thế, những mất mát, lo âu, những trăn trở nghĩ suy, những nỗi buồn và niềm khao khát…

Tôi yêu truyện cổ Andecxen vì theo năm tháng của cuộc đời, tôi lại phát hiện ra ý nghĩa mới trong những câu truyện của ông và càng thấy ông là người sâu sắc. Thơ của cha cũng vậy, tôi đọc thơ cha mình nhiều lần, nhưng gần đây tôi đọc lại kỹ  hơn và càng đọc tôi lại có cái cảm giác giống như đọc truyện Andecxen nhưng thân thiết hơn rất nhiều vì từ những câu chữ ấy hiển hiện lên cuộc đời của cha mình, hình ảnh của những người thân yêu trong gia đình mình, một câu chữ cũng gợi lên rất nhiều.

Mỗi sáng bóc đi một tờ lịch

Như bóc đi một mảnh đời mình

Một nếp nhăn mờ, sợi tóc phai xanh

Một chút tơ chùng đường gân thớ thịt

Nghe thấy thời gian co ngắn đi một ít

Sau câu thơ ấy, cha còn có hơn 40 năm nữa để có cảm giác thời gian cứ co ngắn đi mỗi ngày với những trăn trở về những việc mình làm cho cuộc đời này, những chịu đựng đau đớn về tinh thần, những mất mát và lo âu không thể kể hết. Và suốt thời gian ấy cha cứ cần mẫn như một con ong thợ chăm chỉ hút nhụy hoa làm ra biết bao  mật ngọt là những vần thơ, những cuốn sách, những bài nghiên cứu và những tham luận… Đến một ngày, cha cứ bàng hoàng hỏi tôi còn bao nhiêu ngày nữa, rồi còn bao nhiêu giờ nữa là sang năm Ât Dậu, vì hình như cha đã biết rõ tờ lịch cuối cùng của mình nằm vào ngày đầu năm ấy. Khi ấy trái tim tôi nghẹn lại, tôi như thấm vào mình tâm trạng của cha khi biết rất rõ quĩ thời gian của mình sắp hết. Giờ đây, tôi còn hơn cả tuổi cha khi viết những câu thơ đầy trăn trở ấy và cái cảm giác về sự gấp gáp của thời gian đã thật rõ ràng trong tôi. Thoắt một cái đã là năm, là tháng, là đời người!

Tôi hiểu câu thơ của cha:

Vai mình nặng thêm mỗi tuổi

Thêm lo ý nghĩa mỗi ngày

Nhưng rồi học cách của cây bưởi vườn nhà, năm sau ra hoa nhiều hơn năm ngoái dường như để bù lại  cho con người sự đãng trí của mình, cha lại gắng:

Sớm sớm thở vào lồng ngực

Lặng thầm hơi sức của cây...

Có lẽ đó là một trong những cách lấy lại nghị lực cho mình và vì  thế mà cha đã vượt qua được những khó khăn đầy ắp trong cuộc sống của mình một cách nhân văn nhất:

Tài mình chẳng có cho thiên hạ

Thì cũng đem chia một chút tình

Tôi có may mắn hơn các anh chị của  mình vì đã được ở bên cạnh cha nhiều nhất. Ngay từ khi còn rất nhỏ tôi đã được nghe những cuộc trò chuyện đầy thú vị giữa cha và những vị khách đến chơi nhà. Nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp khách, đủ mọi lứa tuổi và những nghề nghiệp khác nhau, nhưng câu chuyện giữa cha và họ lúc nào cũng hào hứng, vượt lên trên những vất vả lo toan đời thường để hướng tới những điều đẹp đẽ, ngợi ca vẻ đẹp của thơ ca, của nhân cách và tài năng, yêu cái đẹp, ghét cái xấu. Những điều ấy cứ thấm dần vào tôi theo năm tháng, cùng với nhân cách của cha mình, chính những điều ấy  đã tạo nên cho tôi một trái tim nhân ái và biết yêu cái đẹp hơn biết bao nhiêu những bài học đầy triết lý và sáo rỗng. Tôi rất thích câu thơ sau của cha:

Cũng chẳng hiếm gì hạt giống

thương yêu

Chỉ cần biết mở lòng đón nhận

Ơi tuổi trẻ tuổi già! Tôi xiết bao ân hận

Nếu bỏ mất một tia phát sáng của

chân tình...

Tôi đã học cách mở lòng mình như cha đã viết, đã cảm nhận được đúng như cha đã cảm nhận để tiếp tục sống theo cách của mình:

Trong hạt thương yêu có núi biếc

trời xanh

Có đắng ngọt của nụ cười và nước mắt

Có sức mạnh làm yên vui trái đất

Có lý do tồn tại hàng ngày

Chính vì “hạt yêu thương” đó mà cha đã có lý do đẹp đẽ để tồn tại, có nhiều người quí mến cha ngay cả khi cha không còn nữa. Cha có những người bạn tri âm và đã tạo ra một “thế giới những người hiền” theo cách nói của nhà thơ Vân Long và đó là điều khiến cha hạnh phúc:

Mấy người bạn ấy cùng đi

Đường dài, bước chân đỡ mỏi

Dẫu chẳng có gì cho nhau

Vẫn thấy giàu lên gấp bội

Bởi vì:

Mỗi người thêm nhiều con mắt

Mỗi người thêm nhiều cảm rung

Trời cũng thêm nhiều màu sắc

Đất cũng thêm chiều mênh mông

Những câu thơ ấy khiến tôi nhớ tới những người bạn của cha, những cuộc đàm đạo giữa họ, những niềm vui nỗi buồn đã chia sẻ cùng nhau. Đúng như nhà thơ Vân Long đã viết khiến tôi rất xúc động: ”..từ đó tỏa ra một từ trường ấm áp, an lành về tình bạn, tình người”, mà trong nhóm bạn đó, ông (cha tôi)  “biết lắng nghe mọi nỗi niềm và khéo léo hóa giải nó, ông tiếp nhận tất cả như ngọn cây cao rung động tiếp nhận mọi luồng gió, như lòng biển tiếp nhận mọi nguồn sông”. Tôi thấy thật may mắn vì đã được sống giữa tình bạn, tình người ấy, nhìn thấy cách cha mở lòng,  lắng nghe, chia sẻ với mọi người trong khi chính ông đã phải chịu nhiều nỗi đau, nỗi bất hạnh đến tận cuối cuộc đời. Khi tròn 70 tuổi, cha viết bài Một cuộc vào đời với những câu thơ dí dỏm, sâu lắng và tràn đấy năng lượng khiến tôi luôn khâm phục và muốn chép lại cả bài thơ:

Thu năm ngựa có tin đồn

Người tên họ ấy tuổi tròn bảy mươi

Đúng tên tôi, đúng họ tôi

Mà nghe cứ tưởng chuyện người đâu xa

Ngẩn ngơ chiếc bóng chiều tà

Ngó mình, mình lại ngỡ là sớm mai

Bắt đầu, lại bắt đầu thôi

Trắng nguyên trang giấy bồi hồi đợi ta

Ngẫm nhìn vũ trụ bao la

Huyền cơ đóng lại mở ra cũng thường

Lòng này mở đón yêu thương

Giã từ nhé! Nỗi chán chường lạnh tanh!

Ngại gì tóc lụi màu xanh

Lỡ khi bạc phếch tim mình mới lo!

Gian lao gánh nặng “trời cho”

Một ngày còn vững tay co một ngày

Nụ cười còn ánh thơ ngây

Giọt buồn còn đượm nồng cay vị đời

 

Còn mê gió nổi mây trôi

Còn say cái đẹp tuyệt vời chon von

Bảy mười dù khuyết hay tròn

Với ta, ta vẫn hãy còn đôi mươi

Tạ lòng bạn đến cùng tôi

Xin mừng một cuộc vào đời hôm nay.

Tôi không bao giờ quên buổi tối mừng cha tôi tròn 70 tuổi tổ chức tại thư viện Hà Nội hôm đó. Có thật nhiều người đến ngồi chật cả một hội trường khá rộng, tất cả đến không vì một lý do nào khác ngoài sự yêu mến cha tôi. Hôm ấy tôi được chứng kiến  sự thăng hoa đẹp đẽ của tình người, tình bạn và sự kính trọng. Cha đã rất hạnh phúc và đọc bài thơ trên để tạ ơn mọi người. Tôi nhận thấy cha giàu có biết chừng nào!

Ngoài 70 tuổi cha tôi vẫn viết khỏe, đi nhiều, tổ chức những buổi nói chuyện thơ, ra tuyển tập… Những nỗi buồn cha giấu vào trong, ở đâu có cha ở đó luôn có tiếng cười rôm rả vì những câu nói dí dỏm của ông. Cha có nụ cười làm bừng sáng khuôn mặt, cái bắt tay thật chặt và ấm áp của một người chân tình. Cha  nói chuyện có duyên, hay đùa và mang đến cho người xung quanh cảm giác vui vẻ đầy thú vị, đôi khi thơ của ông cũng vậy:

Pháo đón Nhâm Thân bỗng nổ đoành

Giật mình: thêm một cái xuân xanh

Văn chương ì ạch khôn tăng tốc

Ngày tháng vèo trôi khó hãm phanh

Lắm kẻ thầm mong lên chức “cụ”

Riêng mình chỉ thích xuống vai anh

Hỏi giăng hỏi gió, anh đều nhớ

Hỏi tuổi thì anh… quên rất nhanh!

Viết đến đây tôi lại nhớ da diết nụ cười rạng rỡ của cha mỗi khi nói chuyện vui với mọi người, cứ như cuộc đời của ông chỉ toàn những chuyện vui như vậy. Nhưng có những lần tôi đã chứng kiến cha buồn, cặp mắt của cha trở nên thật xa xôi và khuôn mặt ấy bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy tim mình thắt lại. Những lần chứng kiến ấy của tôi cũng thật tình cờ như bắt gặp vì cha chỉ “dám” bộc lộ hết nỗi buồn ấy khi ở một mình rồi nén vào trong, đã có lúc cha viết:

Vợ gửi tuổi xuân trên núi

Con gửi trí khôn trên trời

Bạn gửi tiếng cười dưới đất

Tôi tìm gì nhỉ quanh tôi?

Câu hỏi ấy của cha khiến lòng tôi quặn đau. Tôi biết có lẽ trong cả cuộc đời mình cha chỉ hỏi như thế có một lần cho dù ông đã bị đối xử bất công, đã gặp nhiều mất mát. Tôi cũng biết cha là người có nghị lực phi thường vì dù có trải qua những điều như vậy mà ông vẫn có một trái tim bao dung đầy tình người, một tâm hồn khoáng đạt cứ như từng bị tổn thương, vẫn mong muốn mang lại cho đời những điều tốt đẹp nhất bằng những nỗ lực của chính mình. Và điều khiến lòng tôi quặn đau chính là vì cha tôi đặt câu hỏi ấy không phải vào lúc ông bị đối xử bất công hay bị mất mát nhiều nhất, mà lại vào lúc khi mà ông đã dồn biết bao tâm lực cho cuộc đời này mà hình như sự tốt đẹp vẫn còn ở đâu xa quá, có lúc ông phân vân:

Phận mây trôi nổi đã đành

Tỉnh ra, núi cũng thấy mình phù vân

Tôi đã gặp lại sự phân vân ấy của cha mình vào buổi tối cuối cùng trước khi đi bệnh viện, khi mà cha còn có thể nói được khá rõ ràng rằng: “Các con giỏi hơn bố rất nhiều, bố chỉ biết làm thơ, mà thơ thì phù phiếm”.

Tôi nghĩ rằng có lẽ cha đã buồn quá mà phân vân vậy thôi, thơ hay văn chương nói chung  là điều đẹp đẽ gắn bó với cha suốt cuộc đời, cha dồn vào đó biết bao tâm huyết, bao gửi gắm, chính vì nó mà cha phải khổ nhưng cũng chính nhờ có nó mà cha cảm thấy hạnh phúc và vượt qua mọi buồn đau mất mát.

Có biết bao điều muốn nói với cha mà tôi không thể viết hết. Cả một quãng thời gian sống cạnh cha không phải là ngắn ngủi vậy mà sao tôi vẫn cảm thấy  mọi thứ qua đi thật nhanh. Suốt những năm tháng ấy tôi đã dành cho cha tình cảm của một đứa con gái biết yêu thương, nhưng phải đến sau này khi đã trải qua nhiều năm tháng với những trải nghiệm của cuộc sống tôi mới cảm thấy thực sự hiểu hết cha mình, hiểu những nỗi buồn mà cha phải gánh chịu, hiểu hết những gì mà cha viêt ra và những gì ẩn hiện sau từng câu chữ. Trở thành tri kỷ thực sự của cha là điều tôi vẫn đang gắng làm vì nó làm cho tôi trở nên hiểu biết hơn, tốt đẹp hơn, bản lĩnh hơn và yêu cha mình hơn. Tôi đã đến một vài nơi cha tôi đã từng sống, gặp gỡ với một số người đã từng biết cha tôi. Dù ở đâu và tiếp xúc với ai, tôi cũng học cách sống chân tình, mở lòng mình với mọi người, chỉ nói những điều chân thành và luôn học hỏi như cha đã làm. Cha đã làm cầu nối tôi với mọi người và mọi người nhận ra tinh thần của cha qua tôi. Tôi tự hào vì điều đó và muốn nói với cha rằng những gì cha đã làm hoàn toàn không phải là phù phiếm mà ngược lại hoàn toàn, nó khiến cho những đứa con của cha thành những con người tốt, khiến cho mọi người tin vào điều tốt đẹp thực sự của cuộc sống này.  Chắc hẳn ở nơi nào đó cha tôi, nhà thơ Trần Lê Văn đang mỉm cười hạnh phúc khi biết rằng ngay trong chính ngôi nhà của mình, chính đứa con mình hôm nay đã trở thành người bạn tri âm tri kỷ với những dòng thơ mình viết năm nào…

Nguồn Văn nghệ

Exit mobile version