(Gặp gỡ Châu La Việt nhân tập truyện Những tầng cây săng lẻ ra mắt bạn đọc)

Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh thì “Châu La Việt cầm bút từ khá sớm, mặc áo lính càng sớm hơn. Với thế hệ cầm bút của tôi, cái tên Châu La Việt đã trở nên khá thân thuộc từ những năm đầu chống Mỹ, cứu nước. Lấp lánh phía sau trang chữ là một cuộc đời lính, một tâm hồn lính, một tính cách lính với những rung động nội tâm sâu đằm và thuần phác….

Thưa anh, “Những tầng cây săng lẻ” là tập truyện ngắn viết chủ yếu về đề tài chiến tranh, nhưng nó không cũ mà gợi lại trong lòng người đọc những ấn tượng và cảm xúc rất đỗi ngọt ngào về những người lính của một thời ra trận. Vì cớ gì, sau nhiều năm tháng viết văn, đến nay anh mới lại cho ra tập truyện ngắn này?

– Tôi xin thật lòng với chị rằng: Tôi yêu văn học lắm. Trong hành trang ra trận của tôi năm xưa(tôi chiến đấu ở mặt trận lào), ngoài khẩu súng, là những trang văn, trang thơ(tất nhiên có cả tiếng hát của mẹ tôi). Nhưng để sáng tác văn học, cụ thể là truyện ngắn, thì lại là do nhiệm vụ. Năm 1971, đang chiến đấu ở một đai đội cao xạ pháo bảo vệ con đường đến Cánh đồng Chum, tôi được binh trạm gọi về cơ quan Tuyên huấn, đi tập huấn văn nghệ và đi dự một Trại viết quân đội của Tổng cục Hậu cần tại Công trường 800 Hà Nội. Tôi viết truyện ngắn đầu tay Những tầng cây săng lẻ trong dịp này…

19 tuổi, có truyện ngắn được giới thiệu ở Tạp chí văn nghệ quân đội, lại chiến đấu ở một chiến trường ác liệt… kể như có một bệ phóng cho tôi trên con đường văn học. Nhưng khi về đến đơn vị, một nhiệm vụ khác lại được giao cho tôi: viết kịch bản sân khấu cho đội Tuyên Văn của Binh trạm để đi diễn phục vụ  các đơn vị. Vâng, sân khấu của chúng tôi lúc ấy là một đại đội xe không kính, một trạm giao liên giữa rừng sâu, một kho hàng có khi chỉ một hai người trông  kho và người diễn nhiều hơn người xem…

Họ nghe chúng tôi hát, họ xem kịch chúng tôi diễn. Những vở kịch ấy, chẳng ở đâu xa lạ, mà nói ngay về cuộc sống chiến đấu của binh trạm chúng tôi, một binh trạm ác liệt thuộc mặt trận phía Tây của Tổ quốc. Tôi sung sướng vì là tác giả của những vở kịch ấy. Chính ủy khen ngợi, lính tráng yêu thích, lại còn được giới thiệu trên làn sóng đài TNVN (gần đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn nhắc tới những vở kịch mặt trận này của tôi). Nói thật với chị, được như thế với một người lính như tôi, kể như rất là mỹ mãn rồi…

Vì nhiệm vụ như thế, dường như tôi chỉ còn đắm say vào sân khấu,có phần xao nhãng văn học. Để rồi 40 năm sau, bất giác một lần tôi gặp lại nhà văn Đỗ Chu, một thần tượng văn học thời chiến sỹ của tôi, anh hỏi không lẽ sau: Tầng cây săng lẻ, mày không viết gì à?

Tôi mới rụt rè gom lại môt số truyện, ký, bài báo… trên chặng đường làm báo của mình, nhờ Trương Nhuận (nay là giám đốc Nhà hát tuổi trẻ, ngày trước có tập truyện ngắn Tứ tử trình làng rất được các em thiếu nhi yêu thích) gửi tới anh Đỗ Chu, như để tạ lỗi với anh là “em có làm, có viết, chỉ tội không hay thôi.”. Bất ngờ làm sao, anh đã dành tâm huyết và thời gian của mình để biên tập, sửa sang, viết lời giới thiệu và cả vẽ bìa cho tôi để có tập truyện ngắn đầu tay này(Chị thấy đấy, ở nước mình đã có tập truyện ngắn nào mà ngay trang bìa đã in tên người biên tập và viết lời giới thiệu như tập truyện này không. Sáng kiến của anh Đỗ Chu đấy)

… Nói thật, cái tình của anh Đỗ Chu với tôi là không kể xiết. Suốt từ thời trẻ đến giờ. Nhất là anh lại làm những việc này đúng vào dịp anh vừa được nhà nước trao giải Hồ Chí Minh. Thời gian để nhận lời chúc tụng và hân hoan với bạn bè, anh em còn chẳng đủ nữa là lúc nào mà nghĩ đền thằng em ngoan và “cả đụt” là tôi?

Anh Đỗ Chu (và Trương Nhuận) đã mang lại cho tôi tình yêu đắm say của tôi với văn học từ thời  trai trẻ, thời  chiến sỹ. Nhưng nhiều hơn, là giúp tôi có được một kỷ vật trước hết để tặng những đồng đội đã cùng tôi chiến đấu ở mặt trận lào: Những Pham trung Nhân, Ngô Xuân Thông, Ngô Quốc Lập, Đức Long, gia đình Phan Hữu Chính, và những đồng đội tôi ở nhiều mặt trận khác: Lê Huy Hòa, Phùng Văn Thức, Nguyễn Quốc Việt…

Tập sách tôi in số lượng không nhiều. Nhưng chỉ in để đuợc tặng những đồng đội ấy của tôi thôi, tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi… Chưa kể bới tập sách này, tôi đã gặp lại rất nhiều đồng đội cũ những tháng năm trận mạc của mình, họ đã tìm mua sách của tôi để đọc khi tôi có lỗi đã không kịp gửi tặng họ…

Tôi có cảm tưởng trong số 7 truyện ngắn này, anh viết toàn những điều máu thịt của mình của một thời chưa xa. Như nhà văn Đỗ Chu nói rằng, thông qua những trang viết của anh, người ta bỗng như” gặp lại tiếng vang xào xạc của những cánh rừng xa, tiếng vọng nghiêm trang của những tháng năm xa…”

Vậy, anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm hoặc dấu ấn mà trong quá trình viết những truyện ngắn này khiến anh day dứt?

– Chị ạ, tôi là một người lính, viết kịch hay viết truyện, làm thơ… tôi chỉ viết những điều chân thực của người lính ở mặt trận thôi. Viết không đúng, là ngượng với đồng đội tôi lắm …

Mẹ anh – ca sĩ Tân Nhân, có xuất hiện trong tập truyện ngắn này của anh.   Vậy, mẹ anh thực sự có ảnh hưởng đến cuộc đời và văn chương của người con trai Châu La Việt như thế nào?

– Mẹ tôi là tất cả cuộc đời của tôi. Chị hãy hiểu cho là như vậy. Điều tôi nguyện ước suốt đời là bao giờ cũng là  một người con hiếu thảo của mẹ, dù mẹ tôi mất đã gần 5 năm rồi…

Trong ký ức của anh, điều gì khiến anh nhớ nhất về bà?

– Tất nhiên là khi mẹ tôi đứng hát xa khơi,với hai bàn tay nắm lại để trước ngực, và một giọng hát có âm sắc quê hương Quảng trị mà bay bổng tuyệt vời… Đó là lúc mà mẹ tôi dâng hiến cho cuộc đời nhiều nhất. Và cũng là cho chúng tôi nhiếu nhất…

Trong đời thường, mẹ anh là người như thế nào?

– Giản dị vô cùng, ấm áp vô cùng…

Một bài thơ mà anh thích nhất có thể chép ra đây là gì?

Thơ của tôi nhé

Bộ đội

Khi đi ra chiến trường

Chúng tôi xếp hàng ngang

Không ai muốn lùi bước

Khi đi nhận lương thực

Chúng tôi xếp hàng dọc

Đồng chí  khỏe đứng sau

Đồng chí yếu đứng trước

Đồng chí nào thương tật

Đề  nghị xếp lên đầu

Thơ anh cũng rất giản dị và rất lạ đấy nhỉ?

– Vâng. Thơ người lính chị ạ

Ngoài đời, anh là một người ồn ào, sôi động và tôi có cảm giác anh ít khi buồn phiền với nhiều công việc bề nổi… nhưng những trang viết của anh lại giàu cảm xúc và đượm nỗi buồn nhân thế, ký ức… Vậy, hai con người như thế có bao giờ mâu thuẫn trong anh?

– Cám ơn chị đã rất ưu ái với  những trang viết của tôi. Nhưng đặt bên những trang viết đầy chất thơ của anh Đỗ Chu và các bậc đàn anh khác, tôi chỉ mong làm sao viết được như anh Đỗ Chu và các anh ấy mà thôi…

Xin cảm ơn anh

Exit mobile version