TÔI LÀ Y BAN

 

Viết về người nổi tiếng, luôn không phải là điều dễ dàng gì, khi mà có không ít bài viết về họ. Chính vì thế, tôi đã rất chần chừ khi viết về nhà văn Y Ban.  Mặc dù khi hỏi ý kiến chị, ngay lập tức chị cười mà rằng, muốn “chém” gì thì “chém”. Chị bảo, thêm một bài báo cũng chẳng giúp chị nổi tiếng hơn, mà đôi khi còn gây rắc rối. Với nhiều người, đó chỉ là một lời xã giao, nhưng tôi tin, Y Ban nói thật.

Khởi nghiệp văn chương

Nhà văn Y Ban có một sự khởi đầu với văn chương mang đậm nét tính cách của chị. Đọc một vài tác phẩm văn học trên báo chí, chị tự nhủ rằng, viết thế này mình cũng viết được. Nói là làm, chị hì hụi viết viết xóa xóa, rồi gửi đi các báo và tạp chí có trang văn học. Ban đầu, cũng như một số nhà văn khác, không thấy có hồi âm. Chị bèn đổi bút danh thành Y Ban, chỉ đơn giản là Ban dậy trường Y, thay cho tên khai sinh Phạm Thị Xuân Ban. Từ lúc đó, những sáng tác của chị bắt đầu được ghi nhận, theo như lời chị kể. Tôi nghĩ không hẳn vậy, chỉ bởi nếu là ngọc, thì chẳng sớm thì muộn cũng lấp lánh.

Thành công đến với chị, so với nhiều bạn văn khác, là rất sớm, khi chỉ ít lâu sau, chị đoạt giải Nhất trong cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức với tác phẩm “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”. Và cho đến ngày hôm nay, truyện ngắn đó vẫn được giới yêu văn học tìm đọc. Bằng bút pháp độc đáo, bằng kinh nghiệm sống, và hơn hết, bằng cái tâm của mình, nhà văn Y Ban đã tạo nên một tuyệt tác văn chương về một đề tài rất khó viết. Đó là chuyện nạo phá thai ở phụ nữ. Những câu hỏi chị đặt ra, đến bây giờ vẫn nguyên tính thời sự.

Và thế là từ lúc đó, chị bắt đầu trở thành tâm điểm của sự chú ý. Bạn bè đồng nghiệp thì lo chị không thể vượt qua cái bóng của chính mình, bởi không hiếm nhà văn khi đạt đỉnh cao thì từ từ hoặc nhanh chóng tụt dốc. Những người khác thì cứ đinh ninh rằng sau đó, Y Ban chỉ viết được những gì “làng nhàng”  hơn tuyệt tác ấy.

Nhưng không. Với nội lực văn chương tràn trề của mình, Y Ban liên tiếp cho ra đời những tác phẩm gây được chú ý với độc giả, và với đồng nghiệp. Vẫn giữ lối kể chuyện tưng tửng nhưng ẩn sau đó là sự day dứt và cảm thông với con người cũng như cuộc đời, chị liên tục cho ra mắt những đứa con tinh thần của mình. Có những tác phẩm của chị đã đi hẳn vào cuộc sống, như tên sách “Đàn bà xấu thì không có quà”-đã thành câu cửa miệng của không ít người. Với người sáng tác, đó là một niềm vui không gì sánh nổi. Và chị vẫn miệt mài viết, cho dù đôi lúc chị thấy nản. Bởi như chị tâm sự, hồi mới viết thì hứng khởi tràn trề vì cảm thấy như mình đang làm được điều gì đó vĩ đại lớn lao lắm, còn bây giờ đúng là thấy nhà văn cũng như tác phẩm của mình chẳng làm được điều gì lớn. Cũng phải thôi, giờ đây văn chương không còn vị trí độc tôn như trước. Người ta dễ bị ảnh hưởng bởi mạng internet, bởi truyền hình hay các phương tiện giải trí khác. Nói thì nói vậy, chứ chị vẫn viết. Viết để giải tỏa những gì trong mình, viết bởi vẫn còn không ít độc giả đang đón xem Y Ban sẽ viết gì.

Y Ban đời thường

Có lẽ, đọc các tác phẩm của chị, độc giả sẽ ngần ngại khi muốn đến gần. Bởi văn chị đôi khi chát chúa, đôi khi như lột trần những gì giả tạo mà người đời đang cố tình che giấu. Người ta thường hay quan niệm văn là người. Cũng đúng, nhưng chưa đủ. Y Ban chao chát với đời, nhưng tình cảm với người. Chẳng thế mà đã có những người ngạc nhiên đến tột độ khi thấy chị phát biểu ở một cuộc họp nào đó với giọng nói vô cùng nhẹ nhàng, thậm chí còn tạo cho người nghe cảm giác là chị đang hơi …bẽn lẽn. Nếu không biết về chị, chắc chắn ai cũng cho rằng chị đang diễn. Bởi ngoài đời, nếu gặp chị ở một bối cảnh khác, người ta sẽ thấy một Y Ban rất hồn nhiên và đầy hứng khởi với lối nói như vỗ mặt người khác.

Ngay cả trên mạng xã hội, chị cũng luôn thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề nóng bỏng một cách bộc trực như vậy. Chị nói mà không e dè điều gì, thậm chí dùng cả những từ mà không ít người nổi tiếng thường tránh để tạo cho mình một vẻ ngoài đạo mạo. Nhưng bạn bè trên mạng xã hội của chị đa phần đều hiểu, Y Ban nói thì chao chát vậy nhưng tâm thì sáng. Tâm không sáng thì khó mà có thể nói thẳng như thế.

Một trong những sở thích của Y Ban là âm nhạc. Chị luôn nhiệt tình trong các cuộc thi hát cấp cơ sở cũng như trong các cuộc vui. Ngoài chất giọng, chị có một khả năng cảm thụ âm nhạc khá tốt. Trái ngược với phong cách sôi nổi của mình, Y Ban thích hát những ca khúc sâu lắng, trữ tình. Thỉnh thoảng, chị lại tung lên trang cá nhân của mình một ca khúc mà nếu nghe thoáng qua, người ta sẽ tưởng đó là do một ca sỹ chuyên nghiệp trình bầy-tất nhiên nếu nghe kỹ thì chẳng ai nhầm cả. Đôi khi Y Ban nói nửa đùa nửa thật rằng, có khi chị đi hát để kiếm tiền cho dễ, chứ viết văn nhọc nhằn quá. Chúng tôi lại trêu chị rằng, vậy sẽ xảy ra khả năng mất đi một nhà văn tài năng và có thêm một ca sỹ Lệ Ban. Đến đó, chị cười như chưa bao giờ được cười.

Cũng chính vì thẳng tính nên ai đã quý Y Ban là quý lâu bền. Và Y Ban cũng vậy, đã quý ai là quý một cách thực sự. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, bạn văn và là bạn thân của chị có lần tâm sự rằng, Y Ban có thể nói Võ Thị Xuân Hà đủ kiểu, thậm chí nói như mắng, nhưng Y Ban không cho phép ai động đến Võ Thị Xuân Hà trước mặt mình.

Và vì thế, Y Ban luôn được yêu ghét rõ ràng. Chị cũng không cần phải rào trước đón sau. Nhưng có một điều rằng, Y Ban luôn nhiệt tình với lứa đàn em đang mơ mộng và hào hứng bước chân vào con đường văn chương vốn quá gian nan. Chị không nhiệt tình theo kiểu tung hô rằng em hay cháu sẽ thành ngôi sao sáng, mà luôn đi thẳng vào vấn đề. Rằng hãy kiếm tiền đi rồi hãy viết văn, rằng viết như thế thì bỏ đi mà làm nghề khác. Hay cũng có lúc, chị nhiệt tình chỉ cho lớp đàn em từng mẹo mực trong nghề, cái mà ít ai thổ lộ.

Và Y Ban trong ngôi nhà của mình

Người ta sẽ luôn đặt câu hỏi liệu những người của công chúng sẽ ra sao khi về đến nhà, nhất là khi người nổi tiếng là phụ nữ. Xin thưa rằng ngoài một số trường hợp cá biệt thì đa phần, cũng chẳng có gì khác biệt cả. Các nữ văn sỹ, trước khi là nhà văn, thì đều là người phụ nữ. Và Y Ban thì rất phụ nữ, đến mức chị có hẳn cuốn sách có nhan đề “I’m Đàn Bà”.

Đấy là nói cho vui, chứ Y Ban có một gia đình yên ấm. Chồng chị là một điêu khắc gia. Anh có vẻ ngoài lãng tử và có hơi hướng giang hồ. Anh chị coi nhau như bạn bè, đến mức gọi thẳng tên nhau ra mà không cần có đại từ nhân xưng đứng trước. Hai người đều hoạt động nghệ thuật, và đều có cá tính mạnh. Và để gia đình đứng vững đến tận ngày hôm nay, Y Ban và chồng cũng đã trải qua không ít sóng gió. Bạn bè thì lý giải rằng đó là vì tình yêu của hai người, cộng với trách nhiệm cũng như những yếu tố khác để tạo thành một tổ ấm. Nhưng ít người biết được một lý do khiến gia đình chị bền vững và luôn tràn ắp tiếng cười. Đó là do người đàn ông của đời chị rất ghét thói gia trưởng. Khách đến nhà, luôn thấy anh cặm cụi làm hết món này đến món khác, chăm chỉ và chu đáo với bạn bè của vợ. Tất nhiên, vì là đàn ông, nên anh không thể chu toàn việc bếp núc. Đôi khi Y Ban đùa, lão ấy mà làm xong thì mình phải đi làm lại từ đầu. Nhưng lúc nói vậy, mắt chị ánh lên tiếng cười.

Một sự nghiệp văn chương sáng láng, một gia đình với người chồng hiểu vợ và hai đứa con một trai một gái, con gái đang du học ở Pháp, còn cậu con trai đang học phổ thông, là điều mà nhiều người luôn phải thán phục. Thế nhưng, vì đã mang nghiệp viết vào thân, cho nên Y Ban luôn đau đáu nhiều điều. Không phải cho mình, mà là cho những người xung quanh mình, những cảnh đời mà chị đã gặp. Và đó chính là Y Ban, như tôi biết.

 

NGUYỄN TOÀN THẮNG

(Theo Gia đình Việt Nam)

Exit mobile version