Nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng là Uỷ viên Ban chấp hành – Trưởng Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam khoá VIII (2010-2015), nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn. Chị đã đoạt nhiều giải thưởng như Giải thưởng sách hay của NXB Hội Nhà văn, Giải B Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải nhất cuộc thi viết về Người chiến sĩ Công an Thủ đô Vì Tổ quốc bình yên, vì nhân dân phục vụ, Giải nhất truyện ngắn cho thiếu nhi báo Thiếu niên tiền phong, Giải khuyến khích Tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam, 3 lần giải C kịch bản điện ảnh… Một cuộc trò chuyện với chị về Văn và Đời.
Được biết, chị đang làm chủ biên cho hai cuốn sách có chủ đề về COVID-19, chị có thể chia sẻ về dự án này?
– Cũng không có gì to tát đâu. Tôi nghĩ đó là những việc nên làm trong khi cả nước đều cùng chung sức chống lại đại dịch. Bác sĩ thì đến bệnh viện tuyến đầu. Lái xe thì tình nguyện với những chuyến xe cấp cứu hay chở nhu yếu phẩm cho dân. Nhà báo hết thảy đều sẵn sàng vào vùng dịch để lấy tin, đưa tin viết bài… Thì một nhà văn như tôi, ngoài việc sáng tác, vốn dĩ vẫn có tay nghề lâu năm trong lĩnh vực xuất bản sách, tại sao lại không làm một việc gì đó có thể giúp ghi lại giữ lại những giây phút, những câu chuyện liên quan đại dịch.
Tôi cùng chị Đặng Hà, biên tập viên Nhà xuất bản Văn học đã tuyển chọn và biên tập cuốn này. Nghe tin tôi tập hợp bài để xuất bản, qua sự giới thiệu của các nhà văn, nhà báo, bạn bè, nhiều nhà báo, cây bút chuyên và không chuyên, ngay cả bệnh nhân đã khỏi COVID-19, bác sĩ đang trong tâm dịch… đã gửi bài về. Nhà văn Sương Nguyệt Minh thì ngay lập tức tập hợp các bài anh đã viết về đại dịch trong suốt 2 năm qua để chuyển cho tôi. Công ty CP Sbooks trong TPHCM là đơn vị nhận xuất bản 2 cuốn này, liên kết với Nhà xuất bản Văn học.
Trong thời gian giãn cách, sách không phải là mặt hàng thiết yếu nên các nhà in phải tạm đóng cửa. Tôi giúp Sbooks biên tập và chỉ đạo các khâu như thiết kế bìa, dàn trang, xin giấy phép. Và giờ đây, 2 cuốn sách “COVID-19 và cuộc chiến sinh tử”, “Khi đại dịch COVID-19 đi qua” chứa đựng bao nhiêu tâm huyết của chúng tôi đã đến tay bạn đọc. Sách rất đẹp và được nhiều người tìm đọc.
Chị là người sớm có giọng điệu và bút pháp riêng, đã xác lập được phong cách qua truyện ngắn “Lúa hát” nhưng sau đó chị thử sức ở lĩnh vực tiểu thuyết và thành công ở “Tường thành”. Với chị mảnh đất nào làm chị thỏa sức vẫy vùng nhất?
– Ở Khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du, các nhà văn đánh giá văn của tôi là “thể tạng trầm”. Nhà văn Ma Văn Kháng từng nói với tôi, như cách ông muốn níu giữ giúp tôi: “Văn của Xuân Hà có thể ví như bè trầm trong một dàn nhạc. Bè cao có thể được người ta nghe thấy nhận thấy ngay. Còn bè trầm rất khó để đông đảo nhận biết. Nhưng nếu không có bè trầm, không còn bản nhạc. Vậy nên hãy đừng nhụt chí”.
Những truyện ngắn như “Lúa hát”, “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”, “Ván thế”, “Cành phong hương”, “Muôn ngàn hạt châu”… của tôi được các nhà phê bình, bạn văn, và rất nhiều bạn đọc đánh giá cao. Tôi mới chỉ viết 2 cuốn tiểu thuyết là “Tường thành”, “Trong nước giá lạnh”. Cả 2 cuốn tiểu thuyết này đều là thể tạng của tôi. Nếu “Tường thành nổi trội vì xác lập sự tranh đấu, một hiện thực sống động ngổn ngang ở Hà thành. Thì “Trong nước giá lạnh” lấy bối cảnh Huế, quê nội của tôi sau giải phóng, với tôi là viên ngọc châu ẩn mình, là dòng nước chảy lặng lẽ cũng là sóng ngầm lạnh giá.
Cho đến thời gian này, mọi người vẫn đặt tôi ở lĩnh vực truyện ngắn nhiều hơn, căn cứ vào số lượng truyện ngắn được đánh giá cao của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn luôn có những dự định lâu dài…
Khi đặt bút viết, chị có hình dung ra cái kết của câu chuyện hay để các nhân vật và tình tiết cứ lôi kéo, dẫn dắt mình đi?
– Không thể có công thức cho sáng tác. Có khi tôi viết thành công một truyện ngắn chỉ vì nghĩ ra một cái tên rất gợi, ví như “Lúa hát”. Cũng có khi tôi bị các nhân vật và tình tiết dẫn dắt, ví như tiểu thuyết “Tường thành”. Cũng có khi, tôi nghĩ ra cái kết trước; mà cái kết rất nhiều khi lôi kéo tôi ngồi viết, cũng thực sự là nguyên do khiến tôi hứng khởi thức thâu đêm không biết mệt. Rồi như bị dẫn dụ, hoặc được ban chữ, có những truyện tôi viết xong đọc lại, không hiểu mình lấy đâu ra những câu chữ hình ảnh ấy. Thậm chí khi quyết định ngồi viết, tôi còn chưa biết viết gì. Rồi cái tên nhân vật bật ra trong đầu. Tôi viết “Câu chuyện của Nàng Thê” như thế, viết xong còn không hiểu sao lại có hàng chục loài cây rừng, mà giờ gõ mạng không sao tìm ra tên mấy loài cây tôi đã tả trong truyện…
Văn chương của chị có cách dùng từ giàu hình ảnh và rất gợi liên tưởng cho độc giả. Đó là sự rèn luyện của chị từ những quan sát, trải nghiệm hay do trí tưởng tượng?
– Tôi nghĩ cho dù có là thiên tài, mà thiếu rèn luyện thì đâu còn thiên tài nữa. Dẫu tôi tin trên đời vốn vẫn tồn tại phép lạ, thì tôi cũng không bao giờ chờ đợi phép lạ ban cho mình. Cuộc đời tôi là cả chặng đường học hỏi rèn luyện. Tôi theo học khá nhiều trường lớp khóa đào tạo… Đọc và đến giờ vẫn còn tự học rất khắc nghiệt với bản thân. Tất cả chỉ để có kiến thức sâu để có thể viết.
Sứ mệnh lớn nhất của một nhà văn theo chị?
– Tôi nghĩ đơn giản thôi. Đó là làm một nhà văn đúng nghĩa, cho và vì quyền con người.
Chị có một cuộc đời đầy thăng trầm, văn chương có là điểm tựa hay sự cứu rỗi trong những thời khắc khó khăn?
– Tôi đã đánh đổi cuộc sống bình dị như bao người khác để đi con đường này. Thế nên những thăng trầm trong cuộc sống thực của tôi là thử thách mà tôi phải vượt qua để giữ tâm thế nhà văn. Với tôi văn chương là nghiệp mà Trời Đất phân định. Tôi không viết để quên nhọc nhằn. Mà vì viết nên tôi phải chịu nhọc nhằn.
Chất triết học và sự lãng mạn trong văn chị thấm đẫm trong nhiều tác phẩm như “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”, “Vàng son thạch thủy khí”, “Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí”, “Ăn trái đào hái hoa hồng đào”… Để giải mã những lớp lang ý tứ trong văn chị, người đọc cần những yếu tố nào?
– Nét nhất quán trong sáng tác của tôi là hiện thực đa sắc, huyền huyễn trữ tình pha chất lạnh lùng, cay đắng; văn thì ngọt mà ý thì đắng, lối văn rất thực lại mang nhiều tầng thức kết nối.
Ngay từ khi mới sáng tác, tôi đã xác lập cho mình một giọng điệu riêng, một con đường không có những tràng vỗ tay, không có những thảm nhung màu đỏ. Tôi chấp nhận mỗi bước đi trên cõi này giống như một nàng tiên cá, một sự tận hiến. Nên tôi luôn có ý thức về văn phong, giọng điệu, câu từ phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tác phẩm của tôi không đơn tuyến, mà là đa tuyến, là khối không gian đa chiều. Từng câu chữ với vỏ ngoài rất mềm mại, nhưng nội hàm là cả sự dữ dội khốc liệt, cuối cùng để đạt đến trí huệ hạnh ngộ. Và có lẽ đó chính là ý chí nhất quán xuyên suốt của tôi trong suốt mấy chục năm cầm bút.
Vì vậy, đọc văn tôi cần đọc chậm, và suy ngẫm bằng những tầng tư duy logic cao hơn thực tại, không theo khuôn mẫu chung. Có những truyện tôi cài sợi dây nội hàm bí ẩn, cuốn hút người đọc, nhưng để giải mã đúng, cần có tư duy logic song hành với nhà văn – có nghĩa, cần duyên hạnh ngộ. Khi ấy sẽ được tiếp nguồn năng lượng trí huệ.
– Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này và chờ đón những sáng tác mới của chị.
VIỆT VĂN (Thực hiện) – Theo báo Lao động
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà