Ngày 7-6-2016 tại Nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc), NXB Quân đội nhân dân (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) và Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT (Bộ VH-TT-DL) đã phối hợp tổ chức Tọa đàm văn học đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Đại biểu Bộ VH-TT-DL, Cục Tuyên huấn (TCCT), Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc… và hơn 20 nhà văn, nhà thơ đang tham dự Trại sáng tác văn học đề tài LLVT và Chiến tranh cách mạng tại Nhà sáng tác Đại Lải (từ ngày 30-5 đến 14-6-2016) đã tham gia cuộc tọa đàm.

Quang cảnh cuộc tọa đàm

Phát biểu đề dẫn, Đại tá-Thạc sĩ Kiều Bách Tuấn, Giám đốc-Tổng biên tập NXB Quân đội nhân dân, nhấn mạnh: Văn học về LLVT và chiến tranh cách mạng có vị trí đặc biệt và đạt được thành tựu rất lớn, là dòng chảy chủ yếu, là âm hưởng chủ đạo trong nền văn học nước ta. Một đội ngũ nhà văn hùng hậu đã trưởng thành sau nhiều năm gắn bó tâm huyết với đề tài này.

Tuy nhiên, sau năm 1975, đặc biệt những năm gần đây, sự vận động của đề tài này có nhiều biểu hiện đáng suy nghĩ, chẳng hạn như số lượng và chất lượng tác phẩm, hoặc đội ngũ sáng tác… rất cần có sự nhìn nhận thấu đáo cùng những tổng kết đánh giá sâu sắc, cơ bản và hệ thống. Ngày nay, người sáng tác về đề tài trên đây gặp khó khăn gì, cần gì để lao động sáng tạo? Thái độ bạn đọc và khả năng tiếp nhận tác phẩm văn học chiến tranh và người lính cũng là một câu hỏi lớn. Và nữa: Cách viết thế nào để chinh phục bạn đọc? Đi theo con đường cũ hay cách tân nghệ thuật? Cùng đó là những thách thức nhà văn trong cơ chế thị trường khốc liệt, văn học đang phải cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác v.v… Tại cuộc tọa đàm hôm nay, Ban tổ chức rất muốn nghe các ý kiến tâm huyết chân thành thẳng thắn về lý luận, về thực tế sáng tác văn học chiến tranh và người lính của các anh chị để có những giải pháp phối hợp, hỗ trợ của NXB đối với các cộng tác viên; đồng thời kiến nghị với cơ quan quản lý văn nghệ các cấp, góp phần làm cho nền văn học phát triển.

Cây bút nữ Lưu Tử Anh (giáo viên tiểu học ở Lào Cai) phát biểu ý kiến

Các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận-phê bình và đại biểu đã sôi nổi trao đổi ý kiến xung quanh những gợi ý trên đây. Một số nhà văn đã trải qua chiến tranh và có những thành tựu văn học về đề tài chiến tranh và người lính, như: Nguyễn Bảo, Dương Duy Ngữ, Đỗ Viết Nghiệm, Lê Ngọc Minh, Nguyễn Duy Liễn… bày tỏ tâm huyết gắn bó với đề tài này và thống nhất quan điểm phải đổi mới cách viết, cách tiếp cận đề tài, mở rộng biên độ phản ánh, thái độ phải cởi mở và ngôn ngữ phải “đời thường” hơn nữa mới phù hợp với tâm lý tiếp nhận của công chúng hiện nay. Tuy nhiên các ông cũng thẳng thắn phê phán những khuy hướng “cách tân, đổi mới” cực đoan, nhìn nhận sai lệch về bản chất cuộc chiến tranh chính nghĩa; thái độ “hạ bệ, giải thiêng” trong một số tác phẩm của một số tác giả gần đây.

Các cây bút trẻ: Lưu Tử Anh, Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Xuân Năng, Thanh Vĩnh… bày tỏ những khó khăn, hạn chế của những người viết sinh ra sau chiến tranh, ít vốn sống trải nghiệm về chiến tranh; đồng thời điều kiện để tiếp cận, tìm hiểu về người lính hôm nay cũng rất hạn chế. Mong sao các cơ quan quản lý VHNT, các nhà văn lớp trước, các Hội nghề nghiệp… quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ mạnh dạn tiếp tục cày xới, thâm canh trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều thành tựu mà thế hệ cha anh đã gặt hái.

Đại tá, Thạc sĩ Kiều Bách Tuấn (đứng giữa)-GĐ, Tổng biên tập NXB-trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao

Một số nhà văn như Lê Ngọc Minh, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Thanh Tú… cũng bày tỏ sự biết ơn đối với NXBQuân đội nhân dân, một NXB uy tín có bề dày truyền thống, đã nâng đỡ họ từ những tác phẩm đầu tay và mong rằng NXB thường xuyên có những trại sáng tác tại các vùng, miền để các thế hệ nhà văn có dịp được gặp gỡ, trao đổi, động viên nhau sáng tác và nhất là vun đắp nhiệt tình, phát huy sáng tạo để thai nghén và hoàn thành những tác phẩm mới về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng./.

Tin và ảnh: TUYÊN HÓA

Vanvn.net

Exit mobile version