Dạo trước, trên báo Người Hà Nội tôi đã báo động ở vùng Đồng Tháp Mười trong Nam bây giờ người ta bẫy chim bằng cát xét, tiếng chim đã được thu băng, mở cát xét ra chim kêu chim hót líu lo. Đàn chim bay qua ngỡ chim gọi đàn, sà xuống bờ nước, hàng trăm hàng chục con mòng két, con cu gáy, con ngói lao xuống, sa cả vào lưới
Mỗi ngày cả ngàn con chim hoá ra chả chim, xáo chim trong các quán nhậu bên kênh rạch, ven đường, các lái chim còn tải chim lên Sài Gòn – Chợ Lớn bán vào các nhà hàng sang trọng. Bây giờ cái cạm chim ghê gớm có tiếng chim hót ấy đã được đưa ra đến Hà Nội. Cái đầu đề trong một số báo Hà Nội Mới vừa đây: có những xâu chim đem về chợ chim ở đường Hoàng Hoa Thám. Thoạt đầu tôi lấy làm lạ con chim sâu, chim chích thì nuôi sao được mà người ta cũng đem bán. Đọc bài mới biết xâu chim đây là cái dây, cái lạt, xâu dây thép buộc con chim lại thành một xâu đem đi bán
Tôi vẫn băn khoăn nỗi ở ngoài này đâu có nhiều chim như ở các cánh đồng và vườn, rừng phía Nam. Ở Hà Nội, đêm đêm chỉ còn nghe con chim lợn kêu rùng rợn mà người ta bảo chim lợn bay qua đâu mà kêu là ở đó sắp có người chết, còn muốn trông thấy con cò bay, con diều hâu miệng “xây giếng cho tròn” thì phải tìm đến lưng chừng núi Tam Đảo, núi Ba Vì may ra mới trông thấy được. Thế mà bây giờ có người đem cả xâu chim đi bán?
Chủ nhật, tôi đến đường Hoàng Hoa Thám có những cửa hàng chuyên bán chim và cây cảnh. Hai bên đường bóng cây mát rượi, đầy nhan nhẩn những chim là chim, không phải chim trên cây mà chim trong lồng nan tre, nan nhôm những con sáo, con khướu, con hoạ mi.., ca trăm thứ chim. Những chưa thấy xâu chim nào ở đâu. Hỏi thăm mới biết người bán chim ăn thịt, ở tận ciối đường đằng kia, dạo trước, người ta xách xâu chim đi bán rong, nhưng rồi những hàng chim trong lồng trống thấy những người cứ vác chim chết lượn lồ đi, đâm ra sốt ruột. Biết đâu những con chim sống trong lồng thấy những con chim bị xâu, bị trói, nhỡ cái nó biết sợ, biết chạnh lòng, nó cắn lưỡi chết cả thì sao. Thế là người ta đuổi bọn bán chim chết không được lướn phướn đến mà phải đứng một chỗ.
Những người xách xâu chim túm tụm lại một nơi. Năm trước, tôi thường trông thấy mỗi chiều chủ nhật có ông đi xe máy vai đeo súng săn phóng xe từ các vùng đầm nước ở Suối Hai, ở Đại Lải về: buộc đằng trước xe những xâu chim bắn được, nào con le, con mòng, nào vịt trời. sâm cầm. Đấy là những ông đi chơi săn chim và “cải thiện” đôi chút. Nhưng bây giờ trông những người đi bán xâu chim thì thiểu não, vất vả nhiều. Chiết xe đạp méo mó và cả người như vùi trong bùn lên. Họ vắt trước ghi đông những xâu chim chết, thôi thì chào mào sáo đá, cả con choi choi bé tí tẹo. Trông thấy mà thương tâm. Thế nào thì xung quanh thành phố người ta tiêu diệt hết các giống chim đến nơi.
Tôi hỏi bâng quơ:
– Không bán diều hâu à?
Người bán chim lật xât chim lên, có con diều hâu mình vằn máu, mỏ khoằm nằm chết rũ ở dưới.
Tôi lại hỏi:
– Diều hâu bay cao thế, sao bẫy được?
– Mở băng tiếng diều hâu kêu la, xuống ngay chứ?
– Thu được băng diều hâu?
– Ông ơi? Cụ giời trên thiên đình mà nói cũng thu được tiếng cả cụ giời. Nào ông mua đi, diều hâu nướng lên thơm chẳng kém gì gà gô. Cháu lên Lương Sơn nhiều, có chục con diều hâu vào bẫy cũng hết băng, chim rừng mà.
– Diều hâu này bắt ở tận đâu?
– Chân Tam Đảo đấy.
Tam Đảo và Ba Vì, những vùng rừng quốc gia, nghe uy nghiêm lắm, thế mà người ta đương phá đến kiệt cùng mà cũng chẳng ai cấm đoán, bắt bớ gì. Những con chim con cò này còn thấy có lúc nó bay trên sông, có lúc nó lội dưới ruộng, chứ còn bao nhiêu thứ của rừng, trong rừng, giữa rừng mà người ta đã bòn mót quanh năm đến hết sạch, mất sạch. Tôi đã từng viết về nạn tiêu diệt bướm ở Tam Đảo. Tôi đã mắt trông thấy những người châu Âu, người Nhật chơi Tam Đảo vào rừng tay cầm vợt vợt bướm và đeo những cái lồng đựng bướm. Đã nhiều năm rồi, người lớn và trẻ con các làng quanh núi đã hành nghề đi bắt bướm cho Tây. Không mấy ai để ý khi mùa xuân về, rừng Tam Đảo chỉ còn những đàn bướm trắng và bướm ma chập chờn bay ra, chứ những bướm rồng, bướm chúa, bướm tiên quý hiếm chẳng thấy đâu nữa.
Mới đây, tôi lại biết thêm có nghề lẩy phong lan ở Tam Đảo và Ba Vì. Thật ra tôi chỉ mới được biết, chứ nghề này đã sinh ra từ mười mấy năm nay, mà toàn người tỉnh xa về hành nghề. Cũng như ít ai để ý việc mò ốc bươu, ốc vặn ở hồ Tây phần nhiều người Thanh Hoá ra, ở Nam Định lên. Nghề lấy phong lan cũng thế, nhưng công phu và bán được nhiều tiền hơn mò ốc. Người ta nói bây giờ người đi rừng kiếm phong lan ngày một nhiều, những năm trước chỉ cái rìu với cái dao, vào rừng nửa buổi đã vác về hàng giỏ, bấy giờ phong lan còn mọc la liệt trong hẻm núi, ở gốc cây. Bây giờ người kiếm phong lan phải đi thành bọn vào rừng sâu mang cả bạt, đeo cả gạo và xoong nồi đi vài ngày. Mà đồ lề lấy phong lan bây giờ không chỉ có chiếc rìu, con dao mà phải đem cưa, thang dây, có cả cưa máy chạy điện quay tay, còn nhiêu khê hơn thợ sơn tràng đi rừng. Bởi bây giờ chỉ còn phong lan trên lưng chừng cây, phải trèo lên cưa cây, hạ cây xuống thì mới lấy được một vừng phong lan có nghĩa là phải phá rừng mới lấy được phong lan.
Ở bên Nhật có núi Phú Sĩ ngoại ô Tôkyô, ngọn núi thiêng liêng, trong mỗi bức ảnh phong cảnh Tôkyô nhất định phải có núi Phú Sĩ nên thơ. Ở Hà Nội, đứng bờ hồ Tây cũng trông thấy núi Tam Đảo, núi Ba Vì nổi lên bên kia ngấn nước, đẹp lạ lùng. Chẳng biết núi Phú Sĩ có nạn bắt bướm, nạn phá rừng lấy phong lan và săn chim, bẫy chim đến kiệt cùng như ở ta không? Ở thủ đô Tân Đê Li bên Ấn Độ, đứng đợi xe buýt trên hè, trông lên cây thấy mấy con chim vàng anh đương nhảy lao xao. Ở ta, chúng mày đậu thế thì chết với ông rồi.
Và ở ta, chỉ nghe khẩu hiệu hò hét trên báo về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường chứ chẳng thấy người để mắt đến tác hại cụ thể, tỉ mỉ ấy. Rồi một ngày kia, trên mặt đất, trên bầu trời sẽ hết chim, hết hoa thì con người ở với ai.
Tô Hoài


Exit mobile version