Tháng 7/ 2017, Tổ chức Động vật Châu Á vui mừng chia sẻ đã cứu hộ thành công 9 cá thể gấu ngựa từ Dĩ An, Bình Dương, do chủ nuôi tự nguyện giao gấu cho nhà nước. Hai bác sỹ thú y, hai y tá cùng rất nhiều chuyên gia và nhân viên chăm sóc đã được Tổ chức huy động để thực hiện quá trình cứu hộ khẩn trương trong ngày, dưới sự ủng hộ của Chi cục Kiểm lâm Bình Dương và đồng thuận của gia đình chủ nuôi Cả 9 cá thể gấu đều được gây mê khám sức khoẻ. Quá trình cứu hộ gấu diễn ra liên tục trong 11 giờ đồng hồ đã diễn ra thành công tốt đẹp

Các y tá và bác sỹ giám sát và giải cứu gấu trước khi đưa về trung tâm

Theo dữ liệu của Cục Kiểm Lâm, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, có 7 trong số 9 cá thể gấu này sống hơn 10 năm trong trại gấu này, 2 cá thể còn lại được nuôi nhốt tại đây từ năm 2008. Dưới cái nắng phương Nam gay gắt, đoàn cứu hộ có mặt tại địa điểm cứu hộ từ 7 giờ sáng, để quan sát và định hình phương án giải cứu. Toàn bộ gấu được nuôi nhốt trong các chuồng sắt sát cạnh nhau trong một nhà kho có mái tôn, nằm cuối của một dãy vườn. Xe tải lớn vận chuyển gấu của Tổ chức Động vật Châu Á không thể tiếp cận, vì thế toàn bộ số gấu sẽ được gây mê, khám sức khoẻ lâm sàng, để được vận chuyển vào lồng vận chuyển và đưa lên xe tải.

Gấu được nuôi trong một dãy chuồng sắt có mái tôn che, nằm sâu cuối dãy nên xe tải cứu hộ không thể tiếp cận.

Các bác sỹ và chuyên gia thú y đã dành hơn 1 giờ đồng hồ theo dõi lâm sàng, nhận dạng các cá thể gấu, trong khi các công tác gây mê chuẩn bị cứu hộ được tiến hành khẩn trương. Các cá thể gấu ngựa gồm 5 cá thể đực, 4 cá thể cái lần lượt được Tổ chức Động vật Châu Á đặt tên là Xanadu (gấu đực), Cloud (mây, gấu đực), Jane (cái), Bình An (kỉ niệm nơi gấu được cứu hộ Dĩ An, Bình Dương, gấu đực), Sông Bé (gấu cái), Điều (gấu cái), Soul (tâm hồn, gấu cái), Chôm chôm (gấu đực), và Wofie (gấu đực).

Quá trình cứu hộ và gây mê khám sức khoẻ diễn ra liên tục kéo dài trong suốt hơn 11 giờ đồng hồ từ 7 giờ sáng đến hơn 5 giờ chiều. Hai bác sỹ thú y của Trung tâm Cứu hộ Gấu Mandala Hunter (quốc tịch Mỹ), Weng Yan (quốc tịch Singapore), cùng các chuyên gia không ngơi nghỉ, liên tục thực hiện gây mê và khám lần lượt tất cả chín cá thể gấu bao gồm: kiểm tra mắt, răng, khớp xương, các chi, siêu âm ổ bụng, lấy mẫu máu, lông, và các thương tổn nghiêm trọng nếu có. Quá trình gây mê cũng hỗ trợ các kiểm lâm viên có mặt tại hiện trường cứu hộ kiểm tra số chip của gấu đảm bảo trùng khớp với hồ sơ quản lý. Tất cả các chú gấu sau khi được khám sức khoẻ, sẽ được đưa vào lồng vận chuyển chuyên dụng của Tổ chức Trong suốt quá trình này cho đến khi tỉnh lại, một chuyên gia thú y quan sát đảm bảo gấu được an toàn và theo dõi các bất thường (nếu có).

Bàn chân sừng hoá, nứt lẻ do khoong được di chuyển của Gấu.

Giải thích tại hiện trường cứu hộ, PGS, TS.Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á cho biết: “ Đoàn cứu hộ của Tổ chức Động vật Châu Á sẽ thực hiện gây mê từng cá thể một theo đúng quy định và đảm bảo an toàn. Đây sẽ là một quá trình tương đối lâu và khó khăn bởi chúng tôi cần cứu hộ 9 cá thê gấu và tình trạng của chúng thì cũng rất khó để đoán trước. Tổ chức đã huy động gấp đôi chuyên gia và bác sỹ thú y cho chuyến cứu hộ này. Sau khi gây mê, khám sức khoẻ, gấu sẽ được theo dõi, và di chuyển lên xe tải, vì do địa hình, chúng tôi không thể đưa xe tải vào sát khu chuồng gấu. Toàn bộ trang trại hiện có 9 cá thể gấu, đồng nghĩa với việc sau khi chúng tôi cứu hộ, tỉnh Bình Dương sẽ bớt đi một cơ sở nuôi nhốt gấu.”

Y tá thú y Caroline (phải), bác sỹ Weng (giữa), và giám sát gấu Đào Châu Tuấn trong quá trình khám bệnh lâm sàng cho gấu Xanadu

Gấu ngựa Xanadu là cá thể gấu đầu tiên được khám sức khoẻ. Ngay khi gấu mê sâu, nhân viên cắt khoá lồng, rồi dùng cáng di chuyển gấu ra địa điểm khám lâm sàng. Bác sỹ thú y Weng Yan ngay lập tức kiểm tra sức khỏe tổng quát cho Xanadu. Mọi thao thác đều phải rất nhanh và chính xác để tiết kiệm thời gian, bởi còn 8 cá thể gấu đang chờ. Dù thời gian gấp gáp, các bước khám sức khoẻ vẫn được thực hiện đầy đủ. Kết quả siêu âm ổ bụng hiện chưa có dấu hiện bất thường, nhưng răng của Xanadu có rất nhiều mảng bám, đen và bị sâu và viêm do ăn uống không đủ dinh dưỡng. Lần lượt, chú gấu cuối cùng được gây mê khám sức khoẻ là Wolfie. Nhìn chung, quá trình gây mê cho gấu diễn ra khá thuận lợi, nhưng cũng như hầu hết gấu sống lâu năm ở các trang trại khác, cả 9 cá thể đều bị hỏng răng rất nặng, chân bị viêm khớp do không được di chuyển, bàn chân nứt nẻ, sừng hoá, đầu có nhiều vết xước, hói do chà vào các thanh sắt và cá biệt gấu Cloud bị mất lưỡi, Jane bị viêm da, còn Bình An cũng có bất thường ở lưỡi. Tất cả các cá thể này cần được theo dõi đặc biệt trong suốt quá trình di chuyển về Tam Đảo, và sẽ được khám lại, chữa trị, hồi phục khi đoàn về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam

Chia sẻ về sức khoẻ của các cá thể gấu, bác sỹ Mandala Hunter, của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, người trực tiếp khám cứu hộ trăn trở: ” Chúng tôi đã thực hiện khám sức khoẻ liên tục trong hơn 5 tiếng rưỡi, và nói chung tình trạng của tất cả số gấu trên đều bị viêm nhiễm răng, xương khớp có vấn đề do bị nuôi nhốt từ lúc nhỏ trong điều kiện không gian hẹp và dinh dưỡng thiếu thốn. Các kết quả lâm sàng cho thấy, có những trường hợp thực sự nghiêm trọng như chú gấu Cloud, gầy, và hầu như các cơ khớp rất yếu, không chắc Cloud có thể di chuyển được hay không, và chú gấu này còn không có lưỡi. Cách đây vài tháng, chúng tôi cũng đã cứu hộ một cá thể gấu với tình trạng tương tự và phải mất rất nhiều công sức để chăm sóc,và phục hồi dần sức khoẻ cho gấu. Trong số gấu cứu hộ hôm nay, lại có cá thể bị béo phì, và có vấn đề về da, tôi nghĩ là do rối loạn dinh dưỡng, những cá thể này cũng sẽ cần quan tâm đặc biệt ngay từ giai đoạn cách ly 45 ngày đầu tiên khi về đến Trung tâm.”

Hành trình đưa gấu về mái nhà với các khu bán tự nhiên tại Tam Đảo còn phải vượt qua hơn 1500 km. Theo dự kiến, đoàn cứu hộ sẽ về đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vào trưa thứ Sáu, 30/6/ 2017.

Đây là chuyến cứu hộ thứ hai của Tổ chức Động vật Châu Á trong năm 2017, và là chuyến cứu hộ với số lượng gấu cần gây mê lớn nhất trong ngày của Tổ chức trong vòng 4 năm trở lại đây. Thêm 9 cá thể gấu này, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công 186 cá thể gấu ngựa và gấu chó. Hiện có 170 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Tổ chức Động vật Châu Á từng thực hiện nhiều chuyến cứu hộ với số lượng gấu lớn ở tỉnh Bình Dương. Đầu năm 2010, 19 cá thể đã được đưa về từ một trang trại nhốt gấu trong 3 container ở huyện Tân Uyên. Một năm sau đó, 2011, một chủ trang trại ở Thuận An, Bình Dương cũng tự nguyện trao trả 14 cá thể gấu.

HN đưa bài

Exit mobile version