Tiểu thuyết trinh thám của Michel Bussi không chỉ có bí mật kinh hoàng về hàng loạt vụ giết người mà còn đầy chất men say về tình yêu và sự bất diệt của cái đẹp.
Tên sách: Hoa Súng Đen
Tác giả: Michel Bussi
Dịch giả: Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Nếu bạn đã từng say mê tiểu thuyết Phía Sau Nghi Can X của nhà văn Nhật Higashino Keigo hay Trước Lúc Ngủ Say của nhà văn Mỹ S.J.Watson, cuốn Hoa Súng Đen của Michel Bussi là một lựa chọn vừa vặn cho dòng tiểu thuyết trinh thám giàu tư duy logic. Sách cũng chứa ngôn ngữ điện ảnh tuyệt vời.
Khu vườn với ngôi làng Giverny là bối cảnh cho tiểu thuyết trinh thám của Michel Bussi. Trong mười ba ngày, hàng loạt vụ giết người khuấy động cảnh tĩnh mịnh của Giverny. Và hình ảnh đóa hoa súng đen mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đóa hoa súng nở tặng cho những gì đã mất và bất diệt. Đóa hoa duy nhất, huyễn hoặc nhất trong khu vườn ao tuyệt đẹp. Mà cái đẹp thì luôn ẩn chứa, khơi nguồn muôn vàn bất trắc lẫn bí mật kinh hoàng.
Tác phẩm kể câu chuyện về ba người đàn bà sống trong một ngôi làng. Người thứ nhất độc ác. Người thứ hai dối trá. Người thứ ba ích kỷ. Tuy nhiên, họ có cùng một điểm chung, một bí mật: cả ba đều mong ước ra đi, muốn thực hiện một cuộc vượt thoát. Tác phẩm dẫn người đọc qua mười ba ngày, chỉ trong mười ba ngày đủ để cho ba người phụ nữ rất khác nhau ấy hoàn tất ước mong trốn thoát. Từng trang sách như từng khuôn hình của một cuốn phim, tái hiện và dẫn dắt người xem vào cuộc đời của họ.
Bìa sách “Hoa súng đen”. |
Cả ba đều nghĩ rằng ngôi làng là một nhà tù, một khu vườn lớn đẹp đẽ, nhưng được rào song sắt. Họ tìm cách bỏ đi bằng cách riêng của mình. Nhưng luật chơi khắc nghiệt, chỉ một trong ba người có thể thoát ra. Hai người kia phải chết.
Và hiện trường đầu tiên Hoa Súng Đen mang đến cho độc giả là án mạng bên bờ sông. Nạn nhân là vị bác sĩ phẫu thuật có tiếng, sở hữu một ngôi nhà đẹp nhất làng. Ông chết với một vết thương sâu thẳng vào tim, một đỉnh đầu cùng thái dương bị đập nát. Một cái chết bi thảm, khơi gợi một nốt nhạc tinh tế sầu bi mà tiểu thuyết gia đánh lên, khởi nhịp cho người xem thấy bức tranh thứ nhất trong ngày thứ nhất.
Tiếp theo từ đó, như một cuốn lịch mà các tù nhân bóc gỡ trong vùng không gian tối ám đóng khung rào chặn. Hình ảnh từng người một hiện lên sáng rõ, từ hình dáng, đến tính cách và tâm hồn. Đại diện trong số đó là cô gái trẻ nhất, ngây thơ nhất, mười một tuổi, người thứ ba.
Đúng với chất Pháp, sự nhẹ nhàng lãng mạn, sự thanh lịch đến xa hoa trong những góc nhìn, miêu tả qua từng vụ án. Michel Bussi, bằng sợi chỉ mảnh, mềm mại, buộc người đọc quan sát và tưởng tượng một cách bền bỉ. Tác giả liên tục quấn chặt độc giả vào câu chuyện hết sức khéo léo, để họ không được bỏ lỡ một chi tiết nào trong suy đoán hung thủ là ai. Nhưng tinh tế ở chỗ, nhà văn Pháp không để dấy lên bất kỳ sự mệt mỏi lấn át hay không gian quá căng thẳng kiệt sức mà họ phải ngừng lại, thoát ra. Ông duy chỉ để cho ba người phụ nữ ấy, quá tuyệt vọng và quá hãi hùng trước từng ngày mòn mỏi mà phải tháo cũi, phải trốn chạy, phải tìm bằng được niềm vui, tình yêu và hạnh phúc cho chính mình.
Không thể thiếu trong khung hình đó, trong khu vườn trần gian não lòng đó, là hình ảnh viên thanh tra cảnh sát đẹp trai, phong trần, chỉ bận tâm đến người phụ nữ thứ hai – người đẹp nhất. Anh là phông nền hoàn mỹ, điểm thu hút thêm trong quyển tiểu thuyết. Một con người dù không rõ xuất thân nhưng có đặc điểm riêng, tạo được sự tin yêu và nguồn cảm hứng sống cho những người quanh mình. Anh là đại diện cho phái mạnh mà Michel muốn nói đến: bọn đàn ông quá yếu đuối, quá coi trọng sự nghiệp. Để đâu đó trong cuộc đời của những phụ nữ phải chất ngất niềm khổ đau và bất hạnh.
Nhưng qua từng trang sách, có điều gì đó luôn ngự trị, như là… tình yêu. Một tình yêu trước sau như một. Một tình yêu muôn đời âm ỉ khôn nguôi, đã nở trong ngày cuối cùng, một đóa hoa đen vô giá.
Mặt hồ vẫn phẳng lặng nằm soi chứa từng thời khắc biến chuyển qua đi. Khu vườn vẫn tĩnh lặng, vẫn đầy những luống hoa không thẳng hàng, mọc rất tự nhiên quanh năm đua nở rất xinh tươi. Để mọi thứ đêm ngày không ngừng chứa đựng riêng mộng mị trong lòng, một sôi sục, ngấm ngầm, uẩn ức, khuấy động.
Truyện kết lại với hình ảnh người đàn bà thỏa lòng trước chiếc gương, mang một ám ảnh da diết về sự bất diệt của cái đẹp, của bi kịch tình yêu:
“…
Nàng chải miết mái tóc vàng rực rỡ
Như cố tình nàng dày vò trí nhớ
Suốt ngày dài ngồi bên tấm gương soi
Khơi bùng lên hoa lửa mãi không thôi
Chẳng nói như ai khi soi gương rực rỡ
Như cố tình nàng dày vò trí nhớ
Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây
Cuộc đời oái oăm như tấm gương soi
Chiếc lược phân chia ánh lửa vàng óng ả
Làm lóe sáng trong tôi bao trí nhớ
Ngay giữa hồi bi kịch của ta đây
Như thứ năm cứ hàng tuần ngồi đó
Một ngày dài ngồi soi vào trí nhớ
Nàng thấy nhòa đi trong tấm gương soi…”
(Enxa Ngồi Trước Gương, Phùng Văn Tửu dịch)
Theo S.Nguyễn – Vnexpress