C.D.C Reeve * (Mỹ)-Trong Sử thi Odysseus của Homer, sau khi kết thúc Chiến tranh Thành Troia, binh lính Hy Lạp trở về nhà. Tuy nhiên, Odysseus không có mặt trong số họ. Ông bị mắc kẹt trên hòn đảo xa xôi Ogygia, nhận (hay bắt buộc phải nhận) những ân huệ từ nữ thần Calypso.

Như tất cả chúng ta đều biết, Odysseus cuối cùng trở về đoàn tụ với Penelope, vợ ông. Penelope, bất chấp sự tán tỉnh không ngớt của các hoàng tử trẻ chỉ đáng tuổi con trai bà, vẫn kiên nhẫn chờ chồng. Tại sao Odysseus từ chối cuộc sống vĩnh hằng với Calypso trẻ mãi không già? Tại sao các vương tôn công tử ráo riết cầu hôn Penelope, người cùng thế hệ với phụ mẫu mình, cho bằng được?

Rõ ràng, Odysseus có thể ở lại đảo Ogygia với Calypso, sống cuộc đời mà mọi đàn ông trên thế gian đều mơ ước. Calypso là một nữ thần. Bất kể thời gian có trôi đi bao lâu, nàng mãi mãi thanh xuân. Ngực nàng tuyệt đối không chảy xệ. Tóc nàng luôn mướt dài. Nàng cũng luôn thỏa mãn bất cứ yêu cầu nào của Odysseus về chuyện chăn gối. Thêm vào đó, nàng còn có khả năng khiến Odysseus trở nên bất tử. Lẽ ra Odysseus phải ngất ngây vì hạnh phúc có mơ cũng không dám nghĩ tới này. Vậy mà ông lại dành cả ngày chỉ để khóc lóc đau đớn.

Penelope đang tuổi trung niên, tầm 40, chưa đến nỗi già nhưng không còn trẻ. Bà cũng đã trải qua sinh nở và chỉ là con người. Penelope chắc chắn không phải một thiếu nữ thanh xuân mơn mởn như Calypso. Dù vậy, hơn 100 hoàng tử (cụ thể là 117 người, theo tính toán của C.D.C Reeve), cắm trại xung quanh cung điện của bà suốt 3 năm, ăn uống, ngủ nghỉ, chầu chực suốt đêm ngày. Tất cả họ chỉ trong khoảng từ 18 – 24 tuổi. Tại sao, trong khi có vô số thiếu nữ trẻ đồng niên, họ chỉ nhăm nhăm hướng về Penelope? Chưa kể thời gian chờ chồng của Penelope dài những 20 năm. Trừ 3 năm cuối với cả trăm trai trẻ vây quanh ve vãn, 17 năm trước đó không hề có chuyện gì. Lẽ nào không có bất cứ ai cùng thế hệ với Penelope thấy được sự hấp dẫn của bà? Lẽ nào chỉ những vương tôn công tử cách cả hai chục tuổi mới bị quyến rũ bởi nhan sắc của Penelope? Trong khi đó, lúc Telemachus, con trai Odysseus đến tuổi kết hôn, chàng không quanh quẩn bên phụ nữ nào đáng tuổi mẫu thân hay thiếu phụ của người khác. Thay vào đấy, Telemachus dấn thân vào hành trình tìm kiếm tin tức phụ thân, người vẫn chưa trở về sau Chiến tranh Thành Troia.

Trước những kẻ cầu hôn không chịu lùi bước, Penelope cuối cùng đề ra cuộc thi bắn cung. Bà hứa sẽ theo bất cứ người nào có thể dùng cây cung của Odysseus bắn xuyên qua lỗ của 12 chiếc rìu xếp thành hàng dọc. Đương nhiên, người duy nhất thành công là Odysseus (ông bí mật tham gia sau khi trở về). Không chỉ là một chiến binh vĩ đại, Odysseus còn là người đàn ông vô cùng thông minh, tháo vát, sống sót qua muôn vàn thử thách. Ông được xem như phiên bản nam của nữ thần chiến tranh Athena. Thứ Odysseus đam mê là chiến đấu. Mối đe dọa lớn nhất với ông là cuộc chạm trán với người khổng lồ một mắt Cyclops. Dù vậy, ông vẫn chiến thắng. Tuy nhiên, cũng vì chiến thắng này, Odysseus phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất đời mình: Sự trả thù của vị thần cai quản biển cả Poseidon, cha Cyclops.

Ogygia là hòn đảo cách biệt, chưa có ai đặt chân đến. Odysseus là người đầu tiên. Không có gì lạ khi Calypso khao khát giữ ông ở lại mãi mãi. Dẫu không có tiệc tùng, hát múa nhưng Ogygia cũng không có chiến tranh, chết chóc, đói khát. Với cuộc sống ngập tràn giết chóc, cướp đoạt thời cổ đại, đây thật sự là thiên đường. Ngay cả Odysseus khi kể lại cũng phải thừa nhận nơi này mang đến cuộc sống không chê vào đâu được.

Thế nhưng, Odysseus vẫn cho Calypso là “một nữ thần nguy hiểm”. Ông nhận thức cuộc sống sung túc nàng ban là mối hiểm họa khôn lường. Nó khiến ông đánh mất bản thân, cả ý nghĩa của cuộc đời mình. Sự bất tử và tuổi trẻ vĩnh viễn, với Odysseus, đơn thuần là cái chết sống. Dù ham muốn thể xác luôn được thỏa mãn và đối tác là một nữ thần, nó không đơm hoa kết trái. Sự thiếu vắng của thế hệ con cháu là sự mất mát của tương lai, sau đó là sự hư vô của lịch sử. Vì lẽ đó, Odysseus không ngừng khóc, mong mỏi rời khỏi Ogygia. Ông muốn trở về với cuộc sống bình thường, sống và chết như một người bình thường, để lại con đàn cháu đống, viết lên lịch sử vô tận.

Trong suy nghĩ của Homer, Ogygia không phải thiên đường hạnh phúc mà là địa ngục bất hạnh. Nó nằm ngoài thời gian thực nên, dù tồn tại trong hành trình hồi hương của Odysseus, Ogygia vẫn bị con người sống suốt 7 năm trên đó chối bỏ. Odysseus khẳng định ông không phải là mình khi ở Ogygia. Hiện thực và huyền diệu được trộn lẫn nhưng mãi mãi không có giao điểm.

Thoát khỏi Calypso, Odysseus di chuyển về phía thực tại, Ithaca. Ông gặp lại những con người thật, đắm mình trong giọng hát của du ca Demodocus, bắt đầu tìm lại bản ngã. “Ta là Odysseus, con trai của Laertes, vua xứ Ithaca”.

Thế hệ chúng ta lớn lên, nghe kể về Thế chiến II, những anh hùng, chiến tích, kẻ phản diện. Telemachus cũng vậy, chàng cùng thời với những kẻ cầu hôn mẫu thân, trưởng thành trong những bài ca về Chiến tranh Thành Troia, các anh hùng vĩ đại như Achilles, Ajax, Agamemnon, tất nhiên, cả phụ thân Odysseus. Du ca không tiếc lời ca ngợi những nam nhân tuyệt vời này. Trí tưởng tượng bay bổng, cảm hứng vô biên, họ không bao giờ cạn ý tưởng nhờ khai thác những hình ảnh lộng lẫy ấy. Có lẽ chính vì hào quang quá khứ này, các vương tôn công tử trẻ muốn có Penelope, nữ nhân của anh hùng Odysseus. Bà hoàn toàn có thể thay thế hình ảnh Odysseus trong lòng họ. Thậm chí, dẫu không lấy được bà, chỉ cần được ở gần, cắm trại quanh cung điện của bà cũng đủ cho họ thỏa mãn. Nói cách khác, họ không yêu Penelope mà yêu danh tiếng của Odysseus. Nếu đặt vào bối cảnh thời nay, họ chính xác là các fan (người hâm mộ) vây quanh đại minh tinh.

Có một điều cần lưu ý, khi Athena giả trang thành người khác đến Ithaca dò la Telemachus, muốn biết chàng nghĩ thế nào về thân thế của mình. Nữ thần hỏi Telemachus có tự tin là con trai của Odysseus không, Telemachus trả lời: “Ta xin thành thật với bằng hữu, mẫu thân luôn bảo rằng ta là nhi tử của phụ thân song, bản thân ta không chắc chắn về điều đó”. Điều này liệu có phải Telemachus không thật sự mong đợi là con trai của Odysseus, và lý do của nó là chàng cũng cùng hy vọng với những kẻ theo đuổi mẫu thân chàng. Rất có thể thâm tâm Telemachus đang nói thế này “Nếu tôi giành được Penelope, tôi sẽ ngang hàng với Odysseus và, do đó, tôi tài giỏi như những đàn ông cùng thế hệ với cha tôi. Trước khi là con trai của cha, tôi là một nam tử”.

Penelope, như miêu tả của Antinous, một phụ nữ được ngưỡng mộ, rất lịch thiệp nhưng cũng vô cùng mưu lược, tài tình, không ai có thể chạm vào được. Nếu bảo đây là những điểm mạnh khiến các trai trẻ khao khát có được bà thì quả vô lý. Rõ ràng, họ chỉ thèm muốn bà vì bà là thê thiếp của Odysseus. Vì không nhận thức được sự tôn sùng với Odysseus, họ nhầm lẫn đó là tình yêu và hướng đến đối tượng là Penelope.

Vây quanh cung điện của Penelope, những vương tôn quý tộc chơi trò ảo tưởng, xem mình là người đàn ông vĩ đại như Odysseus. Cuối cùng, chính sự hoang tưởng này quay lại cắn họ. Odysseus trở về, ném họ vào một thực tế khủng khiếp. Thực tế đó phá vỡ mọi ảo ảnh, ném họ xuống hố sâu không thương tiếc. Sự trừng phạt quá cực đoan đối với họ cũng là sự trừng phạt mà thực tế giáng xuống mộng hão huyền.

Odysseus là nhân vật trung tâm của Sử thi Odysseus nhưng, cũng như trong Sử thi Iliad, Homer phôi thai một ánh sáng phản chiếu sắc nét trên lý tưởng anh hùng. Odysseus tới Thành Troia vì mục đích trừng phạt Paris, kẻ lừa phỉnh Helen bỏ trốn. Ông đi để bảo vệ gia đình nhưng, chính vì rời khỏi mái ấm, ông không thể bảo vệ được cả nó lẫn bản thân. Cuối cùng, Odysseus quay về để bảo vệ điều ông trân quý nhất. Vậy thì thế nào mới là anh hùng? Người bảo vệ gia đình hay người hoàn thành mục tiêu được giao phó? Với Sử thi Odysseus có lẽ là vế đầu tiên. Ngay cả khi về đến nhà, Odysseus vẫn phải sắm vai một chiến binh, chiến đấu và bảo vệ cung điện. Dẫu vẫn tiếp tục chiến thắng, thời gian của Odysseus không còn nhiều. Thời trẻ trung đã trôi đi trong hành trình rong ruổi đầy gian nguy, thèm khát đạp bằng mọi thử thách. Ông trở về chỉ để đợi chết mà thôi.

Sống, như lời thơ của Homer, không nhất thiết phải tìm phiêu lưu, thách thức lớn lao, trở thành anh hùng vĩ đại. Thiên đàng, địa ngục, vùng đất linh thiêng chỉ dành cho những linh hồn anh dũng,… có lẽ không thật sự là những gì chúng ta mong muốn lúc nằm xuống. Thay vào đó, nó đơn giản là chết tự nhiên như một trong rất nhiều hình thức tử vong của người đời. Không quá khó để được chết bình thường như thế. Nếu may mắn, rất có thể, khi có cả tuổi tác và danh vọng, ta nhắm mắt xuôi tay giữa đông đúc anh em, con cháu vây quanh, như điều các vị thần đã hứa và ban cho Odysseus. n

Vũ NAM

Lược dịch theo Aeon

_________________________

C.D.C Reeve

(*) Sinh năm 1948, là giáo sư triết học giảng dạy tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill. Ông viết, dịch và biên tập nhiều cuốn sách. Tác phẩm mới nhất của ông là sách dịch Siêu hình học của Aristotle (Aristotle’s Metaphysics, 2016).

Nguồn Văn nghệ

Exit mobile version