Ghi chép. ĐỖ THỊ MAI HOA

Con đường từ Pleiku lên Ia Grai xuyên qua bức tranh đại ngàn của núi rừng Tây Nguyên. Trên nền đỏ của đất bazan dẻo quánh, phủ lên là màu xanh trù phú của những rừng cao su, cà phê, những vườn điều, tiêu mướt mát. Trời Tây Nguyên ngắt xanh rải màu vàng nắng. Ia O cũng ruộm vàng. Khung cảnh nên thơ ấy cũng không che được những nét khắc khổ còn hằn trên gương mặt anh. Khi biết tôi là người cùng quê Thái Bình, anh như gặp lại người thân đã xa lâu ngày, còn tôi, đầy xúc động và trân quý trước sự mộc mạc, chân tình nơi anh. Người mà tôi nói đến ấy, là anh Phạm Ngọc Dương, công nhân thuộc đội sản xuất 12, công  ti 715, Binh đoàn 15, đơn vị nằm trên địa bàn xã Ia O, huyện Ia Grai cách biên giới Campuchia mười hai kilômét – một người mà như tôi được giới thiệu trước, đã biết vượt lên chính số phận của mình. Và quả thực, câu chuyện về những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời người công nhân trồng cà phê là anh, đã đưa tôi đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc: Lúc thương cảm, xúc động, lúc mạnh mẽ yêu đời, lúc yếu đuối, xót xa, lúc lại nể phục, trân trọng. Nhưng hơn tất cả, câu chuyện của anh cho tôi niềm tin lớn lao về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, vào bản ngã trong mỗi con người.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông có sáu chị em. Học hết phổ thông, ở nhà quanh quẩn với việc đồng áng, anh đem lòng yêu một cô gái cùng làng. Sau đám cưới, vợ anh lần lượt sinh hai cậu con trai cách nhau bốn tuổi. Cuộc sống gia đình anh cũng như bao gia đình nông dân khác ở vùng quê lúa, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tằn tiện lắm mới đủ lo cho bốn miệng ăn. Tháng 5 năm 1999, khi Binh đoàn 15 về địa phương tuyển dụng lao động, làm công nhân trồng tiêu cho đơn vị tại địa bàn vùng sâu, vùng xa biên giới Tây Nguyên, anh đã hăng hái đăng  kí lên đường. Anh chia sẻ: Lúc bấy giờ tôi chỉ nghĩ rằng mình chưa được đi bộ đội, cũng chưa bao giờ đi đâu xa, lần này là cơ hội để tôi theo các anh bộ đội đến một miền đất mới, có công ăn việc làm, biết đâu sẽ giúp cho gia đình mình ổn định, thoát khỏi khó khăn.

Ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, nơi đây còn hoang sơ, heo hút, anh vừa hoang mang với công việc phía trước, vừa quay quắt nhớ gia đình, quê hương trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Sau khi nhận nhiệm vụ, gạt mọi tâm tư sang một bên, anh lao vào làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng chỉ mong làm thật tốt công việc của mình, chắt chiu, dành dụm để có tiền gửi về cho vợ nuôi con.

– Thế bây giờ chị và các cháu vào hết trong này với anh rồi chứ ạ?

– Vào hết rồi, gia đình tôi giờ ở trong này, nhưng…

Anh ngập ngừng rồi lại tiếp lời: Các cháu thì vào cả, còn vợ tôi hiện giờ…

Hai năm xa nhà chỉ biết lao động chăm chỉ, không ngừng cố gắng để xây ước mơ cho chính mình, đó là đưa vợ con vào cùng đoàn tụ. Câu chuyện vợ chồng anh lúc bấy giờ cơ bản gửi gắm phần nhiều qua những cánh thư. Sau bao ngày tháng bàn bạc, thống nhất, vào một ngày gần cuối năm 2001, anh báo cáo đơn vị xin đi về thành phố Pleiku đón vợ con từ quê vào. Anh chị em trong đội sản xuất, cả các cán bộ trong công  ti ai cũng vui mừng thay cho anh. Họ coi niềm vui của anh chính là niềm vui của họ, ai cũng háo hức mong chờ.

Xuống bến xe, chờ mãi không thấy vợ con đâu, anh tìm chỗ gọi điện cho nhà xe nhờ đưa vợ con anh vào. Anh phụ xe là người cùng làng trả lời điện thoại của anh bằng giọng đầy thương hại:

– Thôi đi mày ơi, cố ở trong đó mà làm lụng lấy tiền nuôi con, chứ vợ mày thì đừng đón vào làm gì nữa. Tối qua nó ngủ với thằng B. cùng làng bị vợ thằng kia bắt được, bây giờ cả làng đang ầm ĩ chuyện vợ mày đấy.

Tai anh ù đi, chân nặng như đeo thêm hàng nghìn viên đá. Anh ngồi thụp xuống cố gắng thở đều để lấy lại sự bình tĩnh.Vết thương vừa hình thành trong lồng ngực cứ há toác dần. Giữa màn đêm của phố núi thưa thớt người, anh gượng lê bước, bắt xe quay trở lại công  ti. Quãng đường dài hun hút, trắc trở tưởng chừng như bị nuốt chửng bởi muôn vàn gập ghềnh, tăm tối. Về đến công  ti, anh lên báo cáo chỉ huy đơn vị xin được về quê gấp để giải quyết việc gia đình.

Chuyến về quê đầu tiên sau hai năm xa nhà, anh thức trắng không chợp mắt. Những cảm giác tồi tệ nhất bủa vây anh suốt dọc đường dài. Tình yêu giản dị, chất phát như chính con người anh đang bị bóp nát bởi sự phản bội. Xót xa hơn khi anh nghĩ về những đứa con của mình. Anh mơ hồ sợ rằng mình không ngăn nổi sóng gió đến với các con khi chúng còn quá nhỏ. Cũng bởi lẽ đó, khi đặt chân vào ngôi nhà của mình, anh đối diện với kẻ phản bội bằng tất cả sự ôn tồn, không cãi vã, trách móc. Anh cắt nhẽ, khuyên can vợ hãy từ bỏ mọi thứ, cùng anh đưa các con vào Tây Nguyên chung sống, làm lại từ đầu. Vợ anh đã trả lời anh bằng sự im lặng, sự im lặng gieo vào lòng anh những hi vọng cuối cùng để cứu lại mái ấm của mình. Và rồi hai ngày sau đó, người đàn bà bỏ lại sự im lặng ấy chạy theo nhân tình trốn biệt xứ, để lại cho anh căn nhà trống hoác cùng hai đứa trẻ ngơ ngác. Đứa còn bé khóc ngặt nghẽo đòi mẹ liên hồi…

Anh rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Bế con đi gửi bên nội một đứa, bên ngoại một đứa, anh phải quay trở vào Ia Grai để tiếp tục công việc của mình. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, sự im lặng của người đàn bà để lại những vết cắt đầy ám ảnh trong lòng anh. Anh chỉ biết xua đi nỗi đau ấy bằng việc tận tụy chăm sóc những lô cà phê của đơn vị. Mọi người xung quanh không còn thấy anh cười nói như trước mà lặng lẽ, trầm tư như cái bóng. Những lô cà phê dưới bàn tay anh chăm sóc ngày một tươi tốt, tràn trề sức sống còn trên gương mặt, hình dáng của anh ngày một hằn sâu nỗi khắc khổ. Ba tháng sau đó, đến dịp nghỉ Tết, anh lại dùng số tiền ít ỏi dành dụm được bắt xe về thăm con và cũng là một lần nữa những tia hi vọng lại kéo dài dọc đường về. Căn nhà đón anh bằng hai cánh cửa im lặng, đóng chặt. Anh chạy đi đón hai đứa trẻ về nhà, ba bố con cùng nhau đi qua cái Tết bằng sự ngóng đợi, thấp thỏm, lo âu và cuối cùng là vô vọng. Đúng lúc đó mẹ anh ngã bệnh nặng, anh gọi điện vào xin đơn vị cho anh tạm nghỉ việc để ở lại nhà. Đầu tháng hai âm lịch năm đó vợ anh quay về với cái bụng lùm lùm, kết quả của một bãi bờ tâm tình khác và chìa tờ đơn li hôn.

Ảnh minh họa: Zing.vn

 

Không còn lí do để níu kéo, chữ kí của anh ráo hoảnh trên lá đơn. Giọng anh đầy chua xót khi nhớ lại chuyện này: Chuyện có một không hai cô ạ! Sau khi nhận quyết định li hôn của tòa án, cô ta một mực chối bỏ quyền nuôi cả hai đứa trẻ. Và mười lăm ngày sau, cô ta sinh con.

Nỗi đau và sự mất mát liên tiếp đổ xuống đầu anh. Sau đổ vỡ gia đình thì mẹ anh qua đời. Ngoài hai đứa con thơ dại là tài sản duy nhất, khi ấy, trên đôi tay anh chỉ còn lại là sự trống trải và đau đớn đến khôn cùng. Lo hậu sự cho mẹ xong, anh ôm hai đứa con nhảy ô tô vào lại Ia Grai. Lần ra đi này giống như sự trốn chạy – trốn chạy khỏi nỗi bất hạnh của chính mình.

Vào đến nơi, ba bố con nhận được sự giúp đỡ hết lòng của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và anh chị em trong đội sản xuất, nhất là anh Tám, đội trưởng đội sản xuất 12 và vợ chồng chị Hằng làm cùng đội, những tên người mến thân mà anh luôn nhắc đến trong suốt câu chuyện của mình.

Ngày ấy ở đội 6 còn rất hoang vu, dân cư thưa thớt, chưa có trường học, ba bố con hôm nào cũng dậy từ bốn giờ sáng, chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng đi hàng chục cây số đường đất gập ghềnh, nắng thì bụi, mưa thì sình lầy mới tới được trường học của xã Ia O bên cạnh. Thương cho hoàn cảnh bố con anh vất vả, anh Bình lúc đó là đội phó đội sản xuất 12, lên xin với lãnh đạo công ti cho anh Dương được chuyển từ đội 6 về đội 12 của mình. Về làm việc ở đội 12, sẽ bớt được một nửa quãng đường đi lại đến trường mỗi ngày cho ba bố con. “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” lúc ấy, chỗ ở không có, vợ chồng chị Hằng đã đưa cả ba bố con anh về nhà mình ở nhờ. Trong căn nhà ọp ẹp chưa đầy hai mươi mét vuông, gia đình chị đã có bốn người, nay có thêm ba bố con anh nữa, mọi sinh hoạt càng chật chội và vô cùng khó khăn…

Thoáng lặng đi, giọng nói trầm sâu của anh như vừa trở về từ thời gian: Cô ạ, ngày đó, mỗi tháng nhận lương tôi lại giao cho cậu con trai lớn đang học lớp 5 một trăm năm mươi nghìn đồng rồi dặn: Sử dụng thế nào tùy con, bố con mình chỉ được tiêu chừng đó cho cả tháng thôi… Cô không hình dung được lúc đó bố con tôi cơ cực như thế nào đâu, cháu lớn đi chợ lâu lâu mới dám mua về mấy con cá nục mà mỗi con chỉ bằng hai ngón tay, cũng phải ăn dè mãi. Vừa vất vả, vừa suy sụp tinh thần, thằng bé chưa đầy năm tuổi tôi còn phải quyến (bế) nó nhiều, tay trái tôi gần như tê liệt, mãi sau này mới hồi phục. Tất cả do tôi nghĩ ngợi quá nhiều, nếu không có những người như anh Tám, như vợ chồng chị Hằng và nếu không nhận được sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo công ti thì tôi không thể còn như ngày hôm nay nữa, chắc rơi vào tiêu cực, rồi thân tàn, ma dại rồi cô ạ!…”

Giọng nói thốt lạc đi, anh ngửa mặt lên trời để ngăn không cho những giọt nước mắt của mình rơi xuống… Đã là lần thứ mấy rồi anh dừng giữa câu chuyện và tiếng nén nghẹn của mình.

Và giữa những ngày khổ cực, vất vả nhất của bố con anh thì chị Đào xuất hiện. Chị làm cùng đội sản xuất với anh, cùng tuổi, quê mãi tận Ứng Hòa, Hà Nội (Hà Tây cũ). Thương người đàn ông hiền lành, chất phác, thương những đứa trẻ vô tội ngơ ngác vì thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, lại được anh chị em trong công ti vun vén, chị Đào dũng cảm bước tới, ghé vai vào cuộc đời anh.

Nhắc đến chị, giọng anh tràn đầy sự yêu thương và biết ơn. Anh nói chị là chỗ dựa tinh thần vô cùng lớn lao của anh, chị vực dậy cho anh nguồn sống. Chị là người phụ nữ dũng cảm nhất anh từng gặp trong cuộc đời này.

Sau đám cưới giản dị mà ấm cúng do đơn vị tổ chức cho anh chị, cuối năm 2003 chị sinh cho anh một bé gái xinh xắn. Hoàn cảnh không thể ở nhờ được nữa, vợ chồng chị Hằng lại bán cho anh mảnh đất mà theo anh kể, anh trả góp bảy năm mới hết. Những giọt nước mắt xúc động lại tràn về: Họ tốt quá cô ạ, ruột thịt có khi cũng không bằng! Rồi anh nhoài người ra chỉ tay chếch sang phía bên trái của công ti, qua những luống cà phê xanh thẳm: Đó chính là miếng đất chị Hằng bán cho tôi, tôi dựng lên cái nhà gỗ tạm và ở cho đến giờ.

Vừa nói, anh vừa nở nụ cười rạng rỡ, gương mặt khắc khổ thoáng bừng sáng. Niềm vui lại trở về nguyên vẹn như cái ngày anh có được miếng đất đầu tiên cho gia đình mình. Tôi hiểu, với anh đó là một mái nhà đúng nghĩa. Kể từ đó đến giờ, gia đình anh đã sinh sống hơn mười hai năm trong căn nhà đó, và đó cũng là quãng thời gian anh không về quê cho đến năm vừa rồi. Anh sợ quá khứ ám ảnh khi quay về, anh sợ mỗi chuyến đi về mất cả năm tiền học của con. Anh phải cố gắng nỗ lực để bù đắp cho con cái mình, thậm chí, hi sinh mọi nhu cầu của bản thân để ưu tiên việc học của con cái lên hàng đầu. Nhìn bộ quần áo sờn bạc, đôi dép đã mòn vẹt của anh, tôi hiểu điều đó. Anh bảo, ba cháu đều liên tục là học sinh giỏi toàn diện. Cháu lớn đã tốt nghiệp trường Đại học Tài chính giờ về công tác tại trường Chu Văn An gần nhà, cháu thứ hai đang học năm thứ nhất Đại học Quy Nhơn và cháu thứ ba vừa hết lớp 7. Rồi anh rí rủm bật mí: Không những nuôi được ba đứa con ăn học, giờ tôi có tất cả ba miếng đất, tám sào cà phê, hai sào tiêu… Tất cả tài sản tôi có được là do tôi mua từ tiền vượt sản lượng. Nén lại ngợp ngào, anh “khoe” tiếp: Từ cuối năm ngoái đến giờ tôi về quê những ba lần, Thái Bình giờ thay da đổi thịt quá cô nhỉ? Lúc nhìn thấy quê hương mình, tôi muốn bật khóc. Mừng vui vì thỏa nỗi nhớ da diết.

Câu nói hào hển của anh về quê hương làm tôi chợt hiểu, vì sao mới gặp tôi, anh lại vui luýnh quýnh như gặp người nhà vậy.

Mặt trời đã gần đứng bóng, nắng tràn qua chỗ chúng tôi ngồi. Như chợt nhớ ra điều gì, anh vội vã cất lời:

– Cô ơi, đồng hương chưa kịp nói gì… Có thời gian, cô ghé qua với bố con tôi nhé!

– Vâng, còn thời gian em sẽ ghé qua ạ.

– Chẳng giấu gì cô, con gái nhỏ của tôi hôm nay đi nhận phần thưởng học sinh giỏi, giờ này mẹ cháu chắc chưa xong việc ngoài lô, tôi về xem cháu thế nào đã cô ạ.

Dứt lời anh thoăn thoắt bước đi.

Nắng chống chếnh cao nguyên, tôi đứng dậy nhìn theo và lặng lẽ gửi không gian lời cầu chúc hạnh phúc, may mắn cho anh…

Chia tay anh, tôi tìm gặp Đại úy Trần Văn Tám – Đội trưởng, người quản  lí trực tiếp của anh Dương. Người mà anh Dương đã trả lời với tôi rằng: Tôi sợ bị mang tiếng là ca ngợi cán bộ, thôi thì cô gặp anh ấy sẽ rõ.

Anh Tám vóc dáng cao lớn, nụ cười thân thiện, hiền hậu. Tôi vừa ngỏ ý muốn ra thăm nhà anh Dương, anh Tám lập tức lấy xe máy rồi chở tôi đi. Dưới cái nắng trưa như đổ lửa, anh vừa chạy xe vừa hào hứng kể về anh Dương, giọng đầy vui vẻ: Ông này là người giữ kỉ lục về khen thưởng của đơn vị tôi đấy. Ngày bố con tha nhau vào đây, tôi rớt nước mắt vì hoàn cảnh của ông ấy, giờ ông ấy giàu hơn chúng tôi rồi. Quý con người ở cái tính chịu thương, chịu khó, chịu học hành nghiên cứu lắm cô ạ. Rồi anh bảo, cái thời ấy, rất nhiều người bĩu môi bảo: Làm gì ở cái đất khỉ ho cò gáy ấy? rồi: Làm lô (cà phê) thì lấy đâu ra mà có tiền… Nhưng thực tế anh Dương đã chứng minh một điều ngược lại. Anh là người công nhân đầu tiên trong công  ti nhận khoán đất trồng cà phê với diện tích lớn nhất là 1,34 ha. Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu đơn vị giao, anh Dương luôn vượt sản lượng giao khoán trong suốt mười bảy năm qua. Ngày mưa cũng như ngày nắng, mọi người luôn thấy anh cặm cụi bên những gốc cà phê. Ngoài việc tiếp thu tốt những kiến thức về chăm sóc, thâm canh mà cán bộ công ti hướng dẫn, anh còn tự mày mò, thường xuyên theo dõi chương trình “Bạn của nhà nông” để cập nhật thêm những kiến thức mới, công nghệ mới. Chẳng thế mà, mười một năm liền anh được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhiều bằng khen, giấy khen của Binh đoàn và chính quyền địa phương trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, công tác gắn kết hộ và kết nghĩa, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn, nhiều lần được đơn vị cử đi dự gặp mặt tuyên dương gương điển hình tiên tiến của Binh đoàn.

Anh Tám đỗ xịch xe trước một ngôi nhà gỗ nằm ven đường, bố con anh Dương chạy ra đón chúng tôi. Bước chân vào nhà tôi không khỏi choán ngợp bởi trên tường nhà treo kín những bằng khen, giấy khen của bố con anh. Có lẽ những giá trị tinh thần này vừa là những phần thưởng quý giá, vừa giúp anh ghi dấu lại những thành tích mình đạt được trong suốt quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Hơn nữa chúng cũng góp phần nêu gương cho chính những đứa con của anh. Anh nói mong muốn duy nhất của anh bây giờ là làm tốt hơn nữa công việc hiện tại.

Chia tay anh em công ti 715, chia tay Ia Grai, đoàn công tác chúng tôi về lại Pleiku. Câu chuyện thăng trầm về cuộc đời của người công nhân trồng cà phê dài miên man trong suy nghĩ của tôi suốt dọc đường về. Đó là câu chuyện về tình người, câu chuyện về cái nghĩa “bán anh em xa mua láng giềng gần” và trên hết, là câu chuyện về một tình yêu, một niềm tin lớn lao vào mảnh đất, vào màu xanh thăm thẳm của bạt ngàn cà phê, vào công việc hăng say mà mình vẫn đang làm mỗi ngày.

Đ.T.M.H

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài