Là người có địa vị cao trong xã hội, nhà thơ Lord Byron vẫn buộc phải rời bỏ đất nước vào đầu thế kỷ 19. Lý do là ông có niềm đam mê với người đồng giới, nhưng phải sống trong một đất nước có tâm lý kỳ thị nặng nề.

Theo Guardian, khi còn đi học, Byron đã có những năm tháng đáng nhớ với một vài mối tình đồng tính. Tại trường trung học Harrow, ông đã “thu thập” được một đám tùy tùng gồm các học sinh đồng lứa. Mùa thu 1805, năm Byron 17 tuổi, ông đã gặp và yêu John Edleston, thành viên dàn đồng ca của Đại học Trinity. Byron đã viết một số lời bài hát lãng mạn cho những ca khúc của Edleston, trong đó ông gọi người tình của mình với cái tên phụ nữ Thyrza. Sau này, khi Byron không còn ở Anh, ông hay tin về cái chết trẻ của Edleston và đã rất đau đớn vì không thể trở về London dự tang lễ.

Đầu thế kỷ 19, Byron đến thăm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông có thể tìm thấy những người tình đồng giới đầy khao khát, cũng như chính bản thân ông. Đó là Eusthathius Georgiou, chàng trai Hy Lạp có “những lọn tóc xoăn như thiên thần”, luôn mang theo cây dù để bảo vệ làn da của mình dưới ánh mặt trời, khiến người hầu của Byron cũng phải run rẩy. Hay Nicolo Giraud, chàng trai mang hai dòng máu Pháp – Hy Lạp với đôi mắt trong trẻo, đã dạy Byron tiếng Italy. Cả hai dành một ngày dài để thực hành động từ “ôm chặt”. Trong những ngày cuối cùng ở Hy Lạp, Byron khoe khoang với những người bạn của mình, bằng một thứ ngôn ngữ ký hiệu, rằng ông đã có hơn 200 lần quan hệ tình dục.

Byron từng chịu nhiều đau đớn vì sự kỳ thị đối với người đồng tính ở nước Anh thế kỷ 19. Ảnh: latimes.

Năm 1815, khi Byron vẫn còn định cư ở Anh, định kiến đối với đồng tính luyến ái ở nước Anh dâng cao và nhiều vụ tấn công, bắt bớ đã xảy ra. Bạn bè của Byron đã khuyên ông đốt đi tờ báo đăng một bài thơ ông làm tặng John Edleston. Byron đã phải nghe theo lời khuyên, một hành động mà về sau ông rất hối tiếc và cảm thấy mất mát không gì bù đắp được.

9h sáng ngày 25/4/1816, chàng thi sĩ George Gordon Lord Byron rời khỏi hòn đảo nước Anh quê hương để tới lục địa châu Âu. Trên tàu, Byron ngắm những vách đá lùi xa và biết rằng trái tim ông sẽ không bao giờ trở lại với nơi này. Ông vừa dính vào một vụ bê bối riêng tư và ly thân với người vợ chỉ sau một năm kết hôn.

Những người bạn trung thành của Byron vẫn quả quyết ông tự nguyện rời bỏ xứ sở chứ không phải bị ép buộc. Hầu hết nhà viết tiểu sử Byron đều ít nhiều che đậy nguyên do cuộc ra đi này. Trong một thời gian dài, người ta cho rằng những cáo buộc ngoại tình, mối quan hệ loạn luân với người em gái Augusta đủ để giải thích cho tất cả. Nhưng nhà tiểu sử Fiona MacCarthy trong cuốn sách “Byron: Life and Legend” đã đưa ra một nguyên nhân khác, ít được nói đến hơn nhưng không kém phần nghiêm trọng: Byron bị phát hiện là người đồng tính, vào thế kỷ 19 là một tội danh bị xử tử hình ở Anh, và bị đuổi khỏi đất nước.

Fiona MacCarthy ghi chép lại chia sẻ của nhà thơ qua lời kể các nhân chứng: “Bạn bè khuyên tôi không nên đến nhà hát vì có thể bị đám đông la ó, khuyên tôi dừng công việc ở quốc hội để tránh bị xúc phạm. Thậm chí vào ngày tôi khởi hành, các bạn tôi còn sợ rằng những kẻ phản đối sẽ tụ tập tấn công tôi ở bến tàu”. Tại khách sạn ở Dover, những người phụ nữ cải trang thành phục vụ phòng để được tận mắt nhìn thấy Byron, người bị đồn là đồng tính. Byron có cảm giác như một con khỉ ở rạp xiếc hay đại loại thế. Thói kỳ thị của xã hội về sau vẫn tiếp diễn vào thời của Oscar Wilde, một nhà văn nổi tiếng, 80 năm sau đó.

Cuộc sống lưu vong của Byron đã được nhiều người nghiên cứu và phản ánh trong nhiều cuốn tiểu sử. Rời khỏi Anh năm 1816, điểm đến đầu tiên của ông là Geneva, Thụy Sĩ.

Hạ Huyền

Nguồn: eVan.