Việt Văn (thực hiện)
Tống Phước Bảo, bút danh Trúc Thiên, Hội viên Hội Nhà Văn TPHCM, đã có truyện ngắn, thơ, tản văn đăng trên nhiều báo lớn, đã nhận tặng thưởng Văn xuôi năm 2020 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” – NXB Văn hóa Văn nghệ 2019, Giải nhất cuộc thi tạp bút “Thành phố tôi yêu” – Báo Thanh Niên 2020, Giải nhất cuộc thi tạp bút “Quê nhà dấu yêu” – Báo Áo Trắng 2020, Giải Ba cuộc thi “Kí ức Tết” – Báo Dân Việt 2020…
Có thể gọi Bảo là nhà văn “sát giải”, điều đặc biệt hơn là nhiều bạn đọc luôn tìm thấy bóng dáng mình trong truyện của anh. Vì sao anh làm được điều đó?
– Thú thật tôi không phải “sát giải” gì đâu. Chỉ là chút duyên lành mình có được trên đường văn mà thôi. Tôi viết rất bản năng, bằng chính cảm xúc mình góp nhặt được trong cuộc đời này. Chất liệu sáng tác của tôi cũng quanh quẩn từ chính những câu chuyện đời thường hằng ngày mà tôi được nghe, thấy và có khi là người trong cuộc. Tôi nghĩ những gì viết ra từ trái tim sẽ rung chạm được đến trái tim.
Viết văn có phải là nơi trú ẩn trong tâm hồn anh vì như có lần anh tâm sự với truyền thông:“May mắn khi làm một người viết, đó là khoảnh khắc tôi buông bỏ những mỏi mệt cuộc đời, được tung tẩy cùng câu chữ để tìm kiếm những niềm vui văn chương”? Và ngoài văn chương ra thì đâu là nơi anh cảm thấy niềm vui và bình an?
– Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng đều cần có cho mình những khoảng lắng, những góc riêng sau chuyến nhọc nhằn của cơm áo gạo tiền mưu sinh. Ở khoảng lắng đó hay trong góc riêng của mình, có người chọn những chuyến du lịch xa, những chầu cafe, hay họ chọn hát, chọn nấu ăn… để trút cho vơi lòng mình. Tôi chọn viết lách. Gọi là một cõi riêng cho mình trú ẩn vào cũng được. Hay coi là một phương pháp để tôi giải tỏa những áp lực cuộc sống, những bí bách ẩn ức mà bình thường khó thể chia sẻ cùng ai. Kỳ lạ là mỗi lần tôi thấy đầu óc mình nặng nề thì tôi tạm bỏ qua những căng thẳng đó. Tôi bắt đầu viết một điều gì đó giúp tâm hồn tôi bay bổng hơn. Khi tôi viết ra được một tác phẩm, tôi lại thấy đầu óc mình nhẹ nhàng và lòng mình thanh thản. Tôi cân bằng lại cuộc sống. Có lẽ ngoài văn chương thì nhà là nơi tôi cảm thấy mình được bình an. Tôi hay tìm niềm vui vào chính gia đình mình.
Anh viết đa dạng về nhiều chủ đề với một sự đồng cảm, chia sẻ. Có thể nói chủ đề vĩnh cửu của anh là tình yêu? Với anh tình yêu có thực sự cứu rỗi thế giới nhất là trong thời dịch bệnh COVID-19?
– Đa dạng đề tài là điều mà tất cả tác giả viết đều hướng tới và khai thác để làm mới mình. Nhưng cho dù chúng ta có thay đổi chủ đề như thế nào cũng khó lòng thoát khỏi hai chữ “Tình Yêu”. Bởi nó là một chân lý phủ rộng lên mọi thứ mà tác giả viết. Yêu đời, yêu thiên nhiên vạn vật, yêu chân lý lẽ phải, yêu người, và yêu chính mình. Vì “Tình Yêu” bao trùm lên mọi thứ của cuộc đời này nên quả thật dù chưa đến mức cứu rỗi nhưng chính tình yêu đã hong ấm và dìu dắt con người đi qua cơn đại dịch COVID-19 một cách nhân văn nhất. Xuất phát từ tình yêu máu mủ đồng bào ruột thịt mà ngay từ trong tâm dịch nguy khó, con người ta biết sẻ chia, đỡ nâng và cưu mang nhau một cách thiết thực nhất. Nhiều chuyến hàng tương trợ khắp nơi, nhiều gói quà lương thực miễn phí và những chuyến xe 0 đồng chở bệnh nhân, đó đều là xuất phát từ “Tình yêu” mà tôi nhìn thấy ngay lúc TPHCM bị dịch bệnh bủa vây.
“Cả một trời thương”, “Mình gọi nhau là cưng”, “Sài Gòn còn thương thì về…”- những tựa sách của anh thật ngọt ngào. Anh có mất công nhiều cho việc đặt tên tập sách không? Và anh có thể nói thêm về hiệu ứng của độc giả với cuốn sách “Sài Gòn, còn thương thì về!” ra đúng dịp Sài Gòn giãn cách phòng dịch?
– Việc đặt tên cho các tập sách thì quả thật rất cần sự kỹ lưỡng và chọn lựa sao cho phù hợp chủ đề của tập sách. Đôi khi rất mất thời gian và tâm sức của mình. Có những tập sách mà tựa nó đến rất ngẫu nhiên và như một cái duyên. Ví dụ như cuốn “Sài Gòn còn thương thì về”. Bởi ngay từ đầu khi chọn bài cho tập sách này tôi cũng cân nhắc rất nhiều cái tựa sao cho có một gì đó rất riêng giữa muôn vàn tập sách viết về Sài Gòn. Cuối cùng lại quyết định lấy một bài viết từng đoạt giải trong một cuộc thi để làm tựa tập sách.
Nhiều khi lại là một nhân duyên khi tháng 4.2021 tập sách xuất bản giữa lúc cơn dịch râm ran ở Sài Gòn. Cho đến lúc thành phố giãn cách rồi phong tỏa, người chọn ở lại, người thì về quê. Giữa đỉnh dịch cuốn sách được nhiều bạn đọc khắp nơi tìm mua từ nhiều kênh phát hành, thậm chí inbox ngay chính tôi để hỏi sách. Kỳ thực ngay lúc đó đúng là thời khắc người ta dặn nhau hễ cứ còn thương Sài Gòn thì về. Thành phố này vốn dĩ vẫn là nơi lưu dân tứ chiếng tìm về để sống, để mưu cầu những ước mơ của cuộc đời.
Bạn đọc đánh giá cao anh ở giọng văn “rặt” miền Tây Nam bộ dù anh sinh ra và đã sống ở Sài Gòn trên 30 năm. Đó có phải là yếu tố quan trọng tạo nên phong cách riêng của anh?
– Tôi có gốc hai bên nội ngoại ở miền Tây. Dù sinh ra và chủ yếu sống ở Sài Gòn, nhưng hồi nhỏ mỗi năm ba tháng hè lại được cho về miền Tây để ba má trên Sài Gòn đi mần ăn. Sau này lớn lên lại có dịp ruổi rong khắp các tỉnh thành miền Tây, quen nhiều bạn bè thuộc vùng miền đó. Ngay cả gia đình tôi bây giờ cũng dùng toàn văn miền Tây để nói chuyện cùng nhau. Tôi nghĩ chính cái ký ức thơ bé của mình cùng với sự giao tiếp hiện tại cho tôi một giọng văn Nam Bộ tự nhiên như nó đã chảy trong huyết quản của mình. Khi tôi bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên thì câu chữ trong đầu hiện ra vẫn cứ rặt miền Tây. Tôi hay nói đùa cùng bạn viết là “Tổ nghiệp” đặt để mình ra làm sao thì mình ưng vậy chứ đâu có được chọn lựa cái gì.
Quan niệm sáng tác của anh? Nhà văn nào thực sự là người truyền cảm hứng cho anh?
– Tôi chỉ đơn giản là viết thỏa lòng những điều mình đang nghĩ suy, những thứ mình thấy được và may mắn là được bạn đọc chấp nhận. Viết lách với tôi như một hành trình đi tìm niềm vui. Mà cuộc sống này ai lại chẳng muốn mình vui. Từ trong những tác phẩm của mình, nhà văn nào cũng muốn truyền đi một thông điệp với cuộc đời này. Lan tỏa sự nhân văn, bày biện điều thiện lành, và nhắc nhớ những tử tế quanh chúng ta. Tôi may mắn ngày xưa học được điều này từ nhà văn Lưu Thị Lương, người ngày xưa đã ân cần dìu dắt ngay lúc tôi còn chưa biết văn chương là gì, cực kì nghịch ngợm. Sau này lại được nhà thơ Hồ Thi Ca tận tình chỉ dạy rồi nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng hết lòng với một người viết trẻ. Cả ba người đã cho tôi một niềm tin vào con đường văn để mình bền bỉ viết.
Được biết nhuận bút viết văn Bảo dành lập quỹ và kêu gọi nhiều nhà văn cùng góp quỹ “Sài gòn nghĩa tình”, Bảo có thể nói thêm về hoạt động thiện nguyện này?
– Chuyện viết lách nó như một niềm vui yêu thích của chính bản thân tôi. Tôi tách biệt hẳn chuyện mình viết và công việc mưu sinh. Nếu như công việc cho tôi một cuộc sống tương đối tạm ổn về vật chất thì viết lách cho tôi sự bình an về mặt tinh thần. Tôi cứ giữ trong lòng mình một quan niệm có lẽ cũ kỹ là muốn viết được những trang văn tử tế thì ít ra mình phải sống tử tế trước đã. Tôi luôn dành riêng khoản nhuận bút bài viết được đăng báo hay từ các giải thưởng mình may mắn có được vào một quỹ riêng để làm những điều nhỏ nhoi tử tế và hay ho. Thật ra không lớn lao so với nhiều người khác đã làm. Nhưng chí ít tôi thấy câu chữ mình có một ý nghĩa nào đó với cuộc đời này. Thêm cái duyên hạnh ngộ, tôi lại được sự chung sức chung lòng từ các anh chị thế hệ đi trước… Mọi người cùng nhau làm những điều tử tế từ việc bán sách mình ủng hộ quỹ, hay cùng kêu gọi mỗi khi có dự án thiện nguyện cần lan tỏa.
– Cảm ơn Bảo và mong bạn tiếp tục sáng tạo, sống vui!
Theo laodong.vn