Gần đây trên báo chí có một số ý kiến phàn nàn về tình trạng không bình thường trong hoạt động phê bình. Phê bình đã đánh mất vị trí của nó trong đời sống văn học, đã trở thành nỗi quan ngại của những người làm nghề và cả độc giả nói chung. Tôi không làm cái việc “bốc thuốc” cho phê bình vì tự lượng sức mình không kham nổi một công việc lớn lao như thế nhưng cũng xin góp một vài ý không mới nhưng qua sự quan sát của mình tôi thấy nó khá trầm trọng.

1. Về sự lệch chuẩn trong hoạt động phê bình:

Tình trạng thiếu chuẩn mực hoặc lệch chuẩn trong nhiều bài phê bình hiện nay có thể nói đã ở mức báo động. Ở đây tôi chưa nói đến những thiếu hụt về mặt khoa học trong khi thẩm định tác phẩm mà tôi muốn nói đến một thái độ không lành mạnh trong hoạt động phê bình. Không rõ động cơ của những tác giả ấy là gì nhưng khi xuất hiện một tập thơ mới, một tác giả mới thì việc khen chê đôi khi trái ngược nhau đến lạ lùng. Tôi không có ý định nói là mọi sự khen chê phải giống nhau nhưng điều tôi kinh ngạc là một số bài viết (thường là điểm sách hoặc giới thiệu của một “nhà” nào đó – tôi nói thế vì tác giả thường hoạt động ở khá nhiều lĩnh vực) khiến người đọc không còn biết tin vào đâu. Vào những tác phẩm mới ra lò thì cứ ngờ ngợ vì chẳng lẽ “một đóng góp mới với nhiều bước đột phá, tân kì về hình thức, mới mẻ về bút pháp, niềm hi vọng của thơ ca v.v…” mà lại là thế này ư? Trừ một vài bài đọc được tuy không có gì đặc sắc thì chủ yếu là những bài thơ khá kì dị với những câu thơ tối nghĩa, cứ như dịch từ tiếng nước ngoài mà bản dịch thì trúc trắc, khó hiểu, những hình ảnh, hình tượng thơ lắm khi thô thiển, có khi làm người đọc yếu bóng vía phát hoảng vì sự trần trụi, thô thiển của ý tứ, hình ảnh, thậm chí chỉ nên dùng để nói nhỏ với nhau ở chỗ vắng người… thì bây giờ người ta nói to lên trong thơ. Còn căn cứ vào những bài phê bình chỉ có tâng bốc mà không hề chứng minh, luận giải những “cái mới” ấy người đọc thấy rõ ràng tác phẩm và bài phê bình chẳng ăn nhập gì với nhau. Ở đây sẽ chỉ có thể xảy ra hai khả năng: một là người viết cũng cứ viết theo ý mình mà không căn cứ vào văn bản hoặc vì hẩu với nhau mà lăng xê nhau chứ bản thân tác phẩm không hề mang những phẩm chất ấy. Và người chịu thiệt thòi là văn học và những người đọc. Những bài viết kiểu này đã đầu độc văn chương. Tình trạng loạn chuẩn này tai hại ở chỗ nó làm cho người đọc bị nhiễu thông tin, trở nên thờ ơ với phê bình và phê bình cũng không làm được cái việc chuyển tải đến người đọc những cảm xúc đích thực về cái hay, cái đẹp của văn chương, không giúp được gì cho sáng tác. Lúc đó phê bình và các diễn đàn của nó bị biến thành sân chơi của một số người; họ hành xử với nhau theo những “luật chơi” của riêng họ. Thế nên mới xảy ra hiện tượng tạo ra những dư luận khen chê giả, tình trạng “vàng thau lẫn lộn” làm nản lòng những người đứng đắn và người đọc. Có thể nói rằng nếu chỉ tin vào những bài phê bình như vậy người ta sẽ hiểu sai lệch về văn chương nước nhà.

Tình trạng nữa cũng làm hại văn chương không kém là sự thiếu trung thực trong hoạt động phê bình. Đọc các bài viết xung quanh một hiện tượng có vấn đề nào đó (tôi tạm gọi những hiện tượng văn học là nguyên nhân của các cuộc tranh luận bằng một cái tên như vậy chứ chưa nói đến sự đúng, sai ở đây) điều gây bức bối nhất là việc những người tham gia tranh luận không phải lúc nào cũng trung thực mà khá nhiều vị đã “ăn gian” từ những khen chê đầu tiên. Và như vậy ngay từ khi mới bắt đầu vào cuộc “luật chơi” đã bị vi phạm. Từ sự ăn gian của người này dẫn đến sự “ăn miếng trả miếng” của người kia và thế là cuộc tranh luận biến thành cuộc cãi vã, thậm chí mạt sát nhau, quy chụp nhau về những động cơ ngoài văn chương. Tôi thực sự kinh ngạc khi thấy một số “tranh luận gia” thể hiện một ý đồ rất rõ khi “dựng hiện trường giả” (chữ dùng của nhà phê bình Nguyễn Hoà) để dàn trận với đối tượng bị phê bình. Các “tranh luận gia” này khi trích dẫn tư tưởng, câu chữ (có thể là sơ hở, có thể là sai) của đối tượng để phê bình đã không tuân thủ nguyên tắc hệ thống, nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc trung thực mà cắt xén tư tưởng của người kia, chỉ chọn câu chữ nào phù hợp với hệ thống của mình rồi “xoay, vặn vẹo, xuyên tạc”. Những người không có điều kiện đọc toàn bộ công trình của người bị phê bình lúc này dễ bị “đánh lừa” vì thấy “tranh luận gia” nói có vẻ có lí lắm! Nhưng vẫn còn một hiện tượng không trung thực nữa là có thể một tác giả nào đó có công trình mới công bố chưa chuẩn xác về mặt khoa học, khi bị góp ý phê bình (dù là khoa học và thân ái) cũng lập tức nổi giận, vị đó cũng viết bài chê bai người phê bình mình trẻ về tuổi đời (nếu người đó trẻ hơn mình), thiếu về kinh nghiệm, dốt về tri thức… nghĩa là đủ mọi thứ yếu và thiếu với những lời lẽ cũng không mang tính cầu thị, với thái độ thiếu trung thực về khoa học. Không in được trên báo nào thì photo bài viết của mình rồi gửi đi khắp nơi cũng nhằm để bôi nhọ người đồng nghiệp kia. Còn những khiếm khuyết trong công trình của mình thì hoặc cố lờ đi, hoặc cố biện bạch sao cho có lợi nhất cho tên tuổi của mình. Đây không phải là học phiệt mà nó thấp hơn, vì về bản chất nó cũng là một sự “ăn gian” khác, cũng là một sự thiếu hụt đạo đức nghề nghiệp, cần được loại bỏ vì nó làm vẩn đục văn chương. Tôi cho rằng nhà phê bình cần sự trung thực về khoa học và công bằng với người khác và cả chính mình nhiều hơn.


2. Về những thiếu hụt thuộc về bản chất của hoạt động phê bình:

Các ông Hoài Thanh, Hoài Chân khi viết Thi nhân Việt Nam đã phải đọc và đắn đo rất nhiều khi chọn từ hàng vạn bài thơ của hàng trăm nhà thơ trong đó có nhiều người chưa thành danh để có thể viết về họ dù trong vài dòng, trong một trang nhưng phải chính xác, để “không làm thiệt ai và thiệt cho thơ”. Các ông đã làm được điều đó một cách xuất sắc. Nhắc lại điều đó, nghĩ đến tình trạng phê bình hiện nay mới thấy khi vắng bóng những nhà phê bình đích thực thì văn chương phải chịu nhiều thiệt thòi đến mức nào. Nhiều bài thơ mới, đã có đời sống dài hơn nhờ vào những bài phê bình chính xác và thuyết phục của nó. Không ít nhà thơ Mới đã tự tin hơn đi trên con đường của mình khi nhận được sự phát hiện, động viên, cổ vũ của hai ông. Thơ trẻ chống Mỹ (khái niệm được các nhà thơ và các nhà phê bình dùng để chỉ thế hệ thi sĩ xuất hiện từ những năm chống Mỹ) cũng trở thành phong trào, thành đội ngũ cũng nhờ một phần quan trọng ở sự phát hiện và nuôi dưỡng của hoạt động phê bình. Có thể có người không đồng tình nhưng thực tế đã diễn ra như thế, muốn nói khác đi cũng không thể được.

Điều mà anh em Hoài Thanh đã làm được trong thơ ca, Vũ Ngọc Phan đã làm được trong văn xuôi, các nhà phê bình văn học giai đoạn chống Mỹ đã làm được đối với văn học dân tộc vì họ đã đi đúng hướng (dù có ý thức sâu sắc về điều đó hoặc chỉ dựa vào tài năng mà chưa có một sự tự ý thức nào). Các vị ấy đã khơi đúng cái mạch đang vận động của mĩ học thời đại mình. Nói như Bêlinxki thì phê bình văn học là mĩ học đang vận động. Phê bình văn học của nước ta giai đoạn này đang thiếu cái phông mĩ học ấy. Nói cho công bằng thì nếu đổ tất cả sự thiếu hụt này cho phê bình thì cũng có đôi chút oan uổng vì văn học hiện nay cũng đang thiếu chính điều này. Văn học nước ta đang thiếu một loại nhân vật của thời đại mình, đang thiếu cái cảm hứng làm cho người đọc tin yêu vào cuộc sống hơn và những tư tưởng nhân văn cần cho con người và cuộc đời. Tôi nói văn học nước ta hiện nay đang thiếu trầm trọng loại nhân vật có khả năng nâng người ta dậy để sống đẹp hơn dù cuộc đời còn nhiều khốn khó nhưng lại quá thừa những nhân vật nhếch nhác, méo mó, nhàu nát, bợm bãi… mà chỉ nhìn vào đó thôi khó tránh khỏi những băn khoăn: chẳng lẽ cuộc đời chỉ là một tập hợp những loại người đó thôi sao? Chẳng lẽ xung quanh ta quá nhiều các loại quỷ, các loại ma mà lại quá ít người, nhất là những người tốt? Nhìn lại văn học của nước ta và một số nền văn học khác trong quá khứ thì thấy có một điều không thể không suy nghĩ là trong các nền văn học ấy nhiều nhà văn đã viết về những cái xấu nhất, ác nhất nhưng tác phẩm của họ vẫn tràn ngập cảm hứng yêu thương và tin cậy vào những gì tốt đẹp của con người, vì con người cho nên đọc những tác phẩm ấy người đọc trở nên cao thượng hơn, trong sạch hơn hay nói bằng thuật ngữ bi kịch thì họ được “thanh lọc hóa”. Thế nhưng khi gấp lại nhiều tác phẩm của một số nhà văn nước ta hiện nay hoàn toàn không có cảm giác ấy mà thay vào đó là tâm trạng bức bối, hẫng hụt, lo lắng hay chí ít cũng cảm thấy nặng nề bởi cái thực trạng được nhà văn phản ánh trong tác phẩm. Cuộc sống đang thiếu vắng những nguyên mẫu xứng đáng làm chất liệu cho văn chương nhưng không phải là không có. Về mặt lí thuyết nhà văn có thể đi trước thời đại, từ những mầm, những nụ về những loại người ấy, bằng tài năng và trách nhiệm của mình trước xã hội sáng tạo ra những nhân vật kiểu ấy vì con người và vì văn chương. Điều đáng tiếc là văn học chưa làm được điều này và phê bình văn học lại chưa thực hiện được chức năng đề xuất những hướng đi đúng, chưa tạo được đà cho văn học đi theo xu hướng cần phải đi. Thiếu cái gốc ấy phê bình văn học khó mà thực hiện được vai trò người dẫn dắt thị hiếu của người đọc, góp phần thúc đẩy văn học đi theo hướng cần phải đi.

Một thiếu hụt nữa của phê bình là phê bình chưa tương xứng với vai trò là sự tự ý thức của văn học. Bài viết của Nguyễn Minh Châu cuối thập niên 70 của thế kỉ trước đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng sơ lược, công thức, giả tạo của một giai đoạn trong nền văn học nước nhà. Tôi không coi mọi luận điểm của nhà văn trong bài viết này đều là chân lí nhưng tôi coi trọng bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh công dân của ông trước yêu cầu cần tìm một hướng đi cho văn học trong giai đoạn mới. Từ những đổi mới đầu tiên của giới sáng tác, giới lí luận, phê bình đã tìm tòi, khái quát thành lí thuyết nhiều vấn đề thiết thực đối với đời sống văn học, góp sức thêm cho nhiều nhà văn vững bước đi tiếp con đường đã được khai phá. Những cách tiếp cận mới các vấn đề bản chất của văn học như văn nghệ và chính trị, văn học phản ánh hiện thực theo những cơ chế và phương thức nào, vấn đề đánh giá lại một số di sản văn học, vấn đề chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa v.v… đã làm cho hoạt động văn học trở nên phong phú hơn, việc tiếp cận chân lí trở nên thuận hơn. Đành rằng trong quá trình ấy cũng đã xảy ra những điều đáng tiếc này khác, những sai lầm, bất cập nhưng cái được lớn nhất cho văn chương là đã tạo ra những tiền đề cho tư duy văn học mới ra đời và phát triển. Văn chương có sức sống hơn, bớt nhợt nhạt hơn và nó góp phần nhiều hơn vào việc làm thay đổi cả ý thức xã hội. Nói gì thì nói nhiều vấn đề của đời sống đã được hoạt động văn học (cả sáng tác và phê bình) nêu ra, lí giải, thức tỉnh. Văn học đã tự ý thức được vai trò của mình và trong việc này không thể xem nhẹ vai trò của phê bình. Phê bình làm được việc đó vì bản thân phê bình đã tự nâng được mình lên (ở một số phương diện) để đáp ứng được yêu cầu của văn học và của đời sống. Tiếc rằng hiện nay phê bình đang tự đánh mất điều đó và thực tế đã chứng minh tình trạng “bát nháo” của phê bình và tình hình không mấy khả quan của thực trạng sáng tác hiện nay có khuyết điểm rất rõ của phê bình. Những hệ thống công cụ “làm nghề” hiện nay không đủ để lí giải thực tiễn văn học chứ chưa nói đến việc nó đủ sức để đưa văn học đi theo con đường cần đi. Phê bình tỏ ra bất lực trước yêu cầu tạo đà, chuẩn bị cho những bước tiến mới của văn học vì chưa làm cho văn học tự ý thức được về nó


Sự thiếu hụt về tri thức nghề nghiệp trong hoạt động phê bình cũng cần được báo động. Như đã nói ở trên, nhiều bài phê bình chỉ “phán” mà không hề chứng minh các kết luận của mình qua các thao tác nghiên cứu cụ thể. Sa vào bình tán câu chữ, tạo ra những cách dẫn chuyện ít liên quan đến đối tượng mà thường làm duyên, khoe mình có quan hệ bạn bè với tác giả, trích dẫn ông Tàu, ông Tây để phô bày kiến thức… rồi lại tiếp tục “phán” là căn bệnh thường gặp ở một số bài viết và “phê bình gia” độc chiếm một số trang của một vài tờ báo. Những tri thức công cụ gần như vắng bóng; các thao tác nghiên cứu hoặc không thấy, hoặc quá lỗi thời; những đưa đẩy vô thưởng vô phạt chiếm gần hết câu chữ của bài phê bình khiến người đọc nản lòng và các nhà văn càng ngày càng ác cảm với thứ “ăn theo” này trong khi về bản chất quan niệm phê bình sống kí sinh vào sáng tác là không đúng. Phê bình đang thiếu tính khoa học trầm trọng và ngay cả những người viết phê bình được coi là sắc sảo cũng không thể chỉ viết bằng và từ năng khiếu, từ mẫn cảm tinh tế của người sáng tác. Hoạt động phê bình cũng là một hoạt động văn chương mang tính khoa học cao nên đòi hỏi một phông kiến thức rất lớn.


3. Về vai trò của các báo và tạp chí:

Tôi cho rằng tình trạng yếu kém của phê bình hôm nay có phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lí, các tờ báo và tạp chí đã đăng tải những bài phê bình không đạt chất lượng chuyên môn và thiếu trung thực đã nói ở trên. Lỗi của người biên tập các bài đó đã đành nhưng tại sao có những bài như thế vẫn có thể “lọt lưới”? Những bài viết yếu kém về chuyên môn, có thái độ thiếu lành mạnh vì lí do gì vẫn cứ xuất hiện liên tiếp trên các tờ báo, tạp chí chuyên ngành và không chuyên? Ở đây chỉ có mấy khả năng: một là trình độ của biên tập viên không đảm bảo nên không thể thẩm định các bài viết ấy; hai là do các quan hệ hẩu với nhau mà các tờ báo ấy cho in các bài viết trên dù biết chúng không đạt chất lượng; hay là do để bán báo mà việc in những bài viết loại ấy, những cuộc cãi vã kiểu ấy là những “chiêu độc” để câu khách, tăng số lượng phát hành? Chiêu thức “để rộng đường dư luận” thường gặp trên các báo tôi cho không ổn vì nó chỉ là sự ngụy biện cho việc in ấn của mình. Người có trách nhiệm ở các tờ báo không nên chỉ vì tờ báo của một số người mà biến nó thành diễn đàn, sân chơi của một số người mà thiếu tôn trọng người đọc, tôn trọng văn chương. Có những vấn đề tự bản thân nó không có ý nghĩa gì đến đời sống văn học lại được dành cho sự chú ý đặc biệt, cho một số người. Có những tác giả xuất hiện liên tục, nói về đủ mọi vấn đề nhưng thường là trật. Và điều đáng phàn nàn nhất là thái độ của người tranh luận rất không ổn. Nó thiếu tinh thần tranh luận, thiếu sự tôn trọng đối tượng tranh luận và người đọc.

Để cho phê bình văn học trở lại đúng vai trò của nó chỉ có thể hi vọng vào chính phê bình: người phê bình và tổ chức quản lí nó

Tháng 5 năm 2004

Phạm Quang Long

__________

Ghi  chú:

*Nhan đề do phebinhvanhoc.com.vn đặt.  Tên gốc của bài viết là: Một số ý kiến không mới về một vấn đề cũ

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 – 2007. Copyright © 2012 – PHÊ BÌNH VĂN HỌC

 

Exit mobile version