Hoàng Trâm

Nhà thơ Nông Thị Hưng có một tập thơ tình đầy cảm xúc với tựa đề “Tình núi” (NXB Văn học). Ở đó, tình yêu núi rừng hòa quyện tình yêu đôi lứa đã tạo ra một nét thơ rất độc đáo của người con miền núi rừng Đông Bắc.

Tập thơ tựa như đoạn điệp khúc trong một bản tình ca, là những cảm xúc mãnh liệt, khát khao, nồng nàn của người con gái khi yêu. Đọc tập thơ, ta như sống trong men say của những rung động đầu đời. Không biết tác giả đang trải nỗi lòng của mình hay nói hộ tâm tư của bao người phụ nữ khác, mà trong thơ ta luôn thấy được sự đầy đủ các dư vị của tình yêu: đắng, cay, ngọt, bùi.

Chút mơ mộng tình đầu đẹp như “vầng trăng đêm”, nguyện là ngọn núi để nghìn năm yêu mãi trời. Nguyện là mây trắng để ôm trọn đời mênh mông. Song hành với tình yêu là nỗi nhớ, chẳng có gì có thể đong đếm được nỗi ngóng trông một bóng hình người mình thương. “Người thương ơi/Anh còn mãi ở đâu/Ngọn núi cây đã mọc/Con suối nước đã đầy” (Gọi anh). Hay là tấm chân tình thủy chung son sắt, hẹn ước nghìn năm đôi ta chỉ như một. Tác giả còn bày tỏ nỗi niềm lo âu, trăn trở của mình về ngày mai nếu có chia xa “Mai này em tay trắng/Đường về cũng trắng tay/Cây trở nên vắng lặng? Cỏ cũng buồn chẳng lay” (Mai này em tay trắng).

Xuyên suốt trong tập thơ, đan xen giữa tình yêu đôi lứa là tình cảm gia đình. Nỗi nhớ mẹ cha da diết khôn nguôi khi thấy “bóng lưng mẹ đã ngả”. Hay nỗi vấn vương quê hương Bắc Giang khi chưa thể trở về. Nỗi nhớ ấy nhiều đến mức chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đủ thấy tâm can bồi hồi. Thèm một lần được về nhà để được sống trong không khí gia đình ấm êm, được ngửi mùi khói bếp sâu tận lồng ngực, được ngắm nhìn cảnh vật rất đỗi thân thương: cây đa, giếng nước, câu hát chờ ai…

Việc lồng ghép giữa hình ảnh tuyệt sắc của núi rừng để gián tiếp nói lên tâm tư của mình đã khiến cho thơ của Nông Thị Hưng mang một gam màu đậm nét người phụ nữ vùng cao. Giọng thơ phóng khoáng, khỏe khoắn, lại phảng phất phiêu du. Không chỉ trung thành với các thể thơ quen thuộc, tác giả còn mạnh dạn phá cách với các thể thơ tự do, thỏa sức dốc hết bầu tâm tư của mình. Tác giả có những sáng tạo trong ngôn từ khiến cho câu thơ gây ấn tượng với người đọc: “Tim em như con thú say mồi” hay “Giọt nắng ngủ trên vai ngày tới”…

Không đơn thuần khi bày tỏ nỗi niềm vào trong thơ, tác giả đã gặt hái được thành công lớn trong việc mang hình ảnh quê hương đi khắp muôn nơi. Đọc từng dòng thơ, ta có thể cảm nhận được thiên nhiên nơi ấy đẹp đến nao lòng. Với nhiệt huyết sáng tạo, nhà thơ Nông Thị Hưng đã mang đến cho người đọc những nét chấm phá nhiều cảm xúc.

Theo nhandan.com.vn/baothoinay

Hồng Nhung đưa bài

Exit mobile version