Belarusia và Việt Nam… Hai đất nước cách xa nhau. Tưởng như hai nền văn hóa cách biệt. Nhưng đã có những năm tháng không chỉ những mối giây liên hệ kinh tế, mà cả văn chương đã từng được chắp nối và củng cố.

Chúng ta đọc thấy trong “Bách khoa từ điển văn học và nghệ thuật Belarus” (Tập 5, tr.179, xuất bản năm 1987)… Đã được dịch sang tiếng Belarus các tác phẩm thơ trữ tình cổ điển Việt Nam (Tuyển tập “Bông hoa sen thiêng”, 1968, trường ca Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, thế kỷ  XVIII, thơ Hồ Xuân Hương, trích tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du), và thơ ca đương đại (trường ca của Huy Cận, thơ Xuân Diệu, Tố Hữu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Hằng Phương, Thanh Hải, Nguyễn Hà, Giang Nam, Chim Trắng, v.v…), thơ ca dân gian (những bài ca dao như Ta bảo vệ đời ta hay Bóng cây Kơnia), và trong tuyển tập Bông hoa sen thiêng có cả thông tin về các tác giả. Nhiều tác phẩm khác được xuất bản thành các sách riêng: Thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, (dịch giả Xolovei, 1981, Về con người của một xã hội lớn), tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Đồng tiền có ma (các dịch giả G. Sarangovich và V.Burnoxov, 1973), Truyện ngắn Việt Nam dành cho thiếu nhi (dịch giả E.Vaxilionok và các dịch giả khác, 1968, truyện viết về những đứa trẻ Việt Nam, tình yêu của chúng đối với quê hương mình), những truyện cổ tích Việt Nam: Con thỏ và con hổ (1978) và các truyện cổ tích khác. Các tác phẩm văn học Việt Nam bằng tiếng Belarus đã được in ở báo chí: thơ (Anh Thơ, Vĩnh Lê, Xuân Hương), các truyện ngắn (Bùi Hiển, Nguyễn Khải, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Thành Long, Trần Công Tấn), ca khúc dân gian (Qua cầu), được dịch sang cả tiếng Nga (tạp chí “Neman” 1980, số 2), đưa vào tuyển tập “Những chân trời” (1978, 1979) v.v… Các dịch giả người Belarusia dịch văn học Việt Nam: Ia.Xemiogion, A.Gratsanikov, K.Kameisa, Dorski, V.Xiômukha, X.Tsenhiavski. Các nhà văn Việt Nam đã thăm Belarusia: Xuân Diệu, Đào Vũ, Đoàn Giỏi, v.v…

Đấy là bức tranh toàn cảnh cho phép thấy được văn học Việt Nam bằng tiếng Belarus ở Belarusia. Nhưng tôi muốn lưu ý đến một sự việc, một nét đẹp, theo tôi, là việc xuất bản tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh bằng tiếng Belarus. Đáng tiếc là dịch giả Ianka (Ivan Damilovich) Xipakov đã mất, nên đã hết cơ hội hỏi chuyện đích thân ông – nhà văn, nhà thơ, cây bút văn xuôi, nhà chính luận, dịch giả, người đã được Giải thưởng Nhà nước nước Cộng hòa Belarusia. Nhưng dù sao…

Tôi có thể giới thiệu cuốn sách qua một bản mà dịch giả đã tặng tôi. Cho phép tôi được dịch lời đề tặng quý giá đối với tôi: “Thân tặng Ales Nikolaevich Karưukevich – với sự kính trọng và vị nể, với tất cả tấm lòng chân thành! Ianka Xipakov -5 tháng Hai năm 2007”. Có lẽ, không hoàn toàn khiêm tốn “gắn” lời đề tặng riêng tư vào câu chuyện về một chủ đề khác. Nhưng không hề phóng đại, chẳng qua tôi muốn nhấn mạnh rằng: cả nhà văn Ianka Xipakov đối với tôi thân quý, cả cuốn sách của nhà thơ chính trị Việt Nam cũng gần gụi với tôi, bằng tất cả vẻ dáng và nội dung của mình, sưởi ấm cho tôi trong những giây phút khó khăn nặng nề. Tôi không tìm sự song trùng, nhưng trong tập thơ này có vẻ đẹp của mình, hơi ấm đặc biệt của mình.

Ianka Xipakov, sinh năm 1936 và bắt đầu xuất hiện trong in ấn với những tác phẩm thơ sáng tác vào năm 1955, bắt tay vào công việc dịch thuật ngay từ bước đầu tiên trên con đường sáng tạo của mình. Ông bắt đầu in các bản dịch thơ của nhà thơ Ukraina T.Maxenko, được đưa vào cuốn sách tiếng Belarus của mình – Những ngôi sao mùa xuân của Ukraina. Vào năm 1960, Ia.Xipakov dịch các nhà thơ và nhà văn Nga, Uzbek, Moldava, Estoni, Litva, Balan, Do Thái, Ukraina. Năm 1978, ông in cuốn sách Lá cỏ bằng tiếng Belarus của nhà thơ Mỹ huyền thoại W. Whitman. Năm 1987 – in cuốn sách của nhà thơ Xlovenia F. Preshtarn Những bà nô lệ của nỗi u sầu. Năm 1989 – tuyển tập các bản dịch của mình: Tôi thả con chim về với tự do. Ianka Xipakov giới thiệu cho độc giả Belarus bằng tiếng mẹ đẻ các tác phẩm của Adam Mitxkevich, người Ba Lan, Gevorg  Emin, người Acmeni, Eduardax Megielaitis, người Litov, Ivan Drats, người Ukraina, các nhà thơ Nga: Aleexandr Xergevich Puskin, Ivan Xoloukhin, Đmitri Kovaliov,  Iunna Moritx, nhà thơ Kalmức: Mikhain Khanhinov…

Năm 1979, trên tạp chí “Maladoxtx” (Tuổi trẻ), Ianka Xipakov in những bản dịch đầu tiên Trích từ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh – số 9, tháng chín. Lần công bố thứ hai (lần này dưới tên Nhật ký trong tù) – trong số 5, tháng năm của tạp chí “Polưmia” (Ngọn lửa) năm 1983.

…Tôi có một cuốn sách ngời ngời, ấm áp của Ianka Xipakov – Sự mệt mỏi của cơn khát (Minsk, 2007) phụ đề ghi “Nhật ký tâm trạng”. Giới phê bình ít nói về cuốn sách này. Tác phẩm được in với số lượng rất  nhỏ – tất cả chỉ có 500 bản. Ngày 7-7-2007, tác giả ký tặng tôi: “Kính tặng Ales  Karlưukevich, người thật sự chân thành lao động vì đất nước Belarusia. Mong rằng hạnh phúc luôn luôn nhắc nhở anh bằng niềm khát khao cuộc sống. Gửi anh lòng nhân hậu Belarus – Turmeni – Ianka Xipakov…” Tại sao lại… Belarus – Turmeni ở đây? Chả là trong những năm 1985-1988 tôi từng sống ở Turmenistan, về sau tích cực giữ mối quan hệ với các nhà văn Turmeni. Còn Ianka Xipakov đã từng đi du lịch qua hoang mạc Karakum, viết một bút ký tuyệt vời về Turmenistan: “Oazisư”. Tình yêu chung của cả hai đối với Turmenistan đã liên kết hai chúng tôi, đã phát triển điều quan tâm thích thú đối với nhau. Chỉ biết rằng tôi không kịp hỏi, không kịp hỏi cặn kẽ con người thân quý của tôi về Việt Nam… Giờ đây tôi lần giở đọc những dòng trong Nhật ký tâm trạng của anh… “… Trong việc dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh tôi được phi công quân sự Việt Nam Trịnh Lương Vinh giúp đỡ. Anh ấy đã tham gia trong cuộc chiến tranh Mỹ – Việt Nam và trên bầu trời của mình đã từng bắn rơi mấy máy bay Mỹ. Còn vào thời điểm này anh đang học nghiên cứu sinh tại trường BGU của chúng ta (Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Belarus – A.K) và viết luận án phó tiến sĩ. Trịnh đã mang cho tôi cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt, đã dịch nghĩa các bài thơ, giải thích nghĩa từng từ…”.

Nói chung ở ta, mọi người biết gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh? Tôi cố tình tìm hiểu trong từ điển “Bách khoa Belarus”, liệu trong 18 tập có bài viết riêng nào về nhà hoạt động nhà nước Việt Nam, nhà chính trị, nhà văn Việt Nam này không? …Có bài viết như thế. Và có cả bản liệt kê thư mục. Bài viết giới thiệu tiểu sử lịch sử theo chủ đề. Nhưng về Hồ Chí Minh, như một nhà thơ, thì không có một lời nào. Cả về những bản dịch ra tiếng Blarus tác phẩm của Người – không hề có tý gì. Thật tiếc. Bởi trước Ianka Xipakov, một số trang từ Nhật ký trong tù đã được dịch in trong các bản dịch chọn lọc Bảy kỳ quan thế giới của Ia Xemegion.

Mở đầu cuốn Nhật ký trong tù được dịch ra tiếng Belerus lần này có lời nói đầu của dịch giả Ianka Xipakov, đã đặt tên là “Tự do trong giam cầm”: “Hai nghìn năm nhân dân anh dũng của Đại Việt – Việt Nam cổ xưa được gọi như vậy – đã tiến hành nhiều cuộc chiến đấu kiên trì chống lại các triều đại phong kiến Trung Quốc muốn đồng hóa họ. Nhưng những “con cháu của những người mộ Phật, những đứa con của Rồng”, những người ghi nhớ sau lưng mình là nền văn hóa Đông Sơn “đúc đồng” có từ trước công nguyên, đã kháng chiến dũng cảm chống mọi cuộc xâm lăng… Họ thậm chí còn tự nhuộm răng bằng nhựa đen, để không bị lẫn vào dân tộc nào khác, để người ta thấy rõ, đây là những người Việt Nam.

Có thể hiểu được là, một nhân dân như  vậy trong các thế kỷ qua đã có những người bảo vệ  xứng đáng của mình. Và trong số đó có người con trung thành của nhân dân Việt Nam – Hồ Chí Minh, nhà hiền triết với dáng vẻ như một nông dân, một lãnh tụ với tâm hồn bao dung, người mà dân Việt Nam gọi một cách giản dị và trìu mến là “Bác Hồ”, còn các nhà cách mạng, như Rodnei Arismendi(1), coi là “biểu tượng của sự thông thái cộng sản chủ nghĩa ở Châu á!”.

Trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ở Hà Nội có một cuốn sách ghi chép nhỏ với cái bìa đã phai nhạt qua thời gian, mặt bìa có vẽ hai bàn tay bị xiềng giơ cao – hình vẽ của chính Hồ Chí Minh. Đó chính là cuốn Nhật ký trong tù của Người.

Một đêm tháng Chín tối trời năm 1942, nhà cách mạng lúc đó đã nổi tiếng, người du kích và nhà hoạt động chính trị Việt Nam Nguyễn ái Quốc dưới dạng một ông già người Nùng kém mắt chống gậy, với cái tên “Hồ Chí Minh” (có nghĩa là “thông thái”), cái tên, mà rồi đây chẳng bao lâu đã nổi tiếng khắp thế gian, lên đường sang Trung Quốc, để  đặt mối dây liên hệ giữa phong trào cách mạng Việt Nam với thế giới bên ngoài, bởi sự xâm lược của quân đội Nhật lúc đó đã gây thêm nhiều khó khăn mới cho những người yêu nước. Nhưng tại Quảng Tây, bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch đã bắt Người, buộc tội làm “gián điệp”. Hồ Chí Minh bị tù đầy, giải đi từ nhà tù này sang nhà tù khác, từ huyện này sang huyện kia.

Ianka Xipakov, giới thiệu cho bạn đọc nhà thơ – nhà cách mạng, trích ra từ tiểu sử phần cuộc đời của Người, phần mà đã dẫn tới việc sáng tạo ra Nhật ký trong tù. Và tiếp theo, chúng ta đọc trong lời giới thiệu của dịch giả người Belarus: “Trong giam cầm đã ra đời chùm thơ trữ tình trong tù của nhà hoạt động chính trị. Những bài thơ của Nhật ký đã được nung nấu giữa những xà lim và hầm ngục lạnh giá, trong những căn nhà kho bằng gỗ và trong những khám nhốt quân sự, với cái gông bằng gỗ đóng trên cổ và trên những con đường mòn giữa núi non – chân mang xiềng xích, có lính gác đi kèm. Những bài thơ ấy đã được ghi lại bằng chữ Hán hình tượng để không gây sự ngờ vực của bọn lính canh gác. Hán văn – biến thể thành chữ Nôm Việt Nam, là ngôn ngữ văn chương của thời trung đại Trung Hoa, được coi như “tiếng la tinh viễn đông”, được sử dụng ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên. Hồ Chí Minh là người con dòng dõi nho giáo Khổng Tử, tất nhiên, Người biết chữ hình tượng, bởi vì Người là một người am hiểu tường tận văn hóa và văn học kinh điển.

“Nhật ký trong tù” – một cuốn thơ có một không hai. Sự thổ lộ chân thực của người tù, thêm vào đó là sức mạnh nghị lực và lòng quả cảm đã giúp cho Hồ Chí Minh giữ vững là một người tự do trong lao tù, bởi vì thơ ca đưa Người vượt khỏi song sắt, liên kết nhà cách mạng với nhân dân mình và với cuộc sống mong ước, tự do, đang sôi động bên ngoài những bức tường đáng nguyền rủa của tù ngục.

102 bài thơ được tập hợp dưới cái bìa Nhật ký trong tù bằng tiếng Belarus. 102 câu chuyện, 102 lời độc thoại, đưa trở về những thời điểm khác, nhắc nhở cho thấy nỗi đau đớn, tấn bi kịch lớn lao đến chừng nào. Sự hài hòa có nghĩa như thế nào trước những tai họa, những niềm vui của cuộc sống có nghĩa gì? Liệu có khả năng đối chọi lại những nỗi u sầu và khổ đau? Đọc Hồ Chí Minh qua bản dịch của Inaka Xipakov, ta nghĩ về không chỉ lòng dũng cảm của một nhà cách mạng và nhà chính trị. Ta nghĩ về nhân dân Việt Nam đã trải qua bao thử thách, gian truân trong cuộc đấu tranh với mọi kẻ thù trong giặc ngoài.

Cuốn sách ra đời tại thủ đô Minsk vào năm 1985, được minh họa phong phú. Họa sĩ V.Taraxov đã sáng tác tới 19 bức minh họa trong sách. Bức chân dung Hồ Chí Minh in ngay trang đầu. Ngoài bìa một con diệc đứng trên bờ hồ. Bức chân dung Hồ Chí Minh được họa sĩ ký họa sáng tạo bổ sung cho những lời thổ lộ bằng thơ của Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Nga nổi tiếng Nikolai Zabolotxki đã viết: “Dịch giả là người đóng góp cho sự nghiệp đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho việc làm phong phú cho nhau trong lãnh vực văn hóa. Toàn bộ lao động sáng tạo và những kỹ xảo nghề nghiệp của người dịch được xác định bởi mục đích chủ đạo”. Nhà thơ và dịch giả Belarus Ianka Xipakov cũng  đặt ra cho mình những mục tiêu như vậy, đem kiến thức của Hồ Chí Minh, sự chiêm nghiệm Việt Nam và toàn thế gian của Người làm giàu cho người đọc Belarusia.

Thúy Toàn dịch và giới thiệu

————

* Tác giả là giáo sư Đại học Báo chí, Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus

(1): Arismendi Rodnei – nhà hoạt động phong trào cộng sản Urugoay và quốc tế.

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version