Trong kho tàng văn học nhân loại chỉ bốn tác gia văn học kiệt xuất mà tên tuổi, trước tác của họ trở thành những ngành khoa học: Shakespesre học, Hồng học, Solokhov học và Khayyam học. Song, tên tuổi sau cùng có lẽ còn xa lạ đối với người Việt Nam (?)
Nhà thơ Omar Khayyam
Thơ Rubaiyat của Omar Khayam là tinh hoa của người dân xứ đạo Hồi, hòa lẫn trong phong cách vừa huyền bí, sâu sắc vừa hài hước, hóm hỉnh. Đọc thơ ông chúng ta sung sướng tận hưởng những lạc thú và sẻ chia những khổ nạn của kiếp người. Một hồn thơ mang đậm màu sắc thế tục.
Omar Khayyam sống nửa sau thế kỷ XI, tại thành phố Nisapur, tỉnh Khorasan, miền đông bắc Iran. Khayyam được người đời gọi là nhà bác học, người chứng minh chân lý, ông hoàng triết học Đông – Tây… Ông nổi tiếng khắp thế giới là một nhà thơ. Thế nhưng, trên quê hương của mình, thơ ông bị “ghẻ lạnh”, và ông chỉ được biết đến với tư cách là nhà triết học, nhà toán học, thiên văn học.
Khayyam trở thành nhà thơ nổi tiếng thế giới là nhờ công của Edward Fitzgerald khi ông in bản dịch Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam vào năm 1859. Fitzgerald là người mở đầu trong việc phát hiện Khayyam và sau đấy các nhà khoa học khắp thế giới bắt tay vào việc nghiên cứu Omar Khayyam, mở ra một môn khoa học mới: Khayyam học.
Thơ Rubaiyat của Khayyam là những bài thơ ngắn, bốn câu xoay quanh chén rượu vơi đầy ý nghĩa nhân sinh, với tư tưởng tự do vượt ngoài giáo điều gò bó. Trên quê hương của Omar, những vần thơ phóng khoáng ấy bị chôn vùi và nếu được nhắc đôi lần, thì cũng là những những lời phê phán nghiệt ngã. Họ xếp những vần tứ tuyệt “ngất ngưởng” của ông vào loại thơ băng hoại, phù du, như tấm vải dệt hỏng mà lại chứa rắn độc! Vì sao vậy, phải chăng tinh thần thế tục trong thơ ông quá mạnh mẽ, vượt qua ngưỡng tiếp nhận của người dân xứ Hồi giáo?
Nếu chế độ phong kiến với lễ giáo hà khắc đã kiềm chế phong toả con người thì Omar lại khẳng định: Những thứ gì càng cấm lại càng ham, ông là đại biểu cho những kẻ đi trêu tức những điều cấm kỵ. Nếu như tín đồ Islam bị cấm uống rượu thì trái lại, cuộc đời ông gắn bó với rượu và người đẹp dáng cây thông. Thơ ông tràn ngập rượu và dường như hương vị đó còn làm say lòng bao thế hệ độc giả.
Ở thi tiên Lý Bạch, rượu và trăng lai láng trong thơ nhưng thi tiên uống rượu là để tiêu nỗi sầu vạn cổ. Còn rượu trong thơ Omar có nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước hết, rượu có nghĩa là tất cả những sung sướng của kiếp người. Điều này phù hợp với truyền thống thơ ca châu Âu, vì theo họ, trên thiên đường có nhiều phúc lợi nhưng phúc lợi lớn nhất là rượu. Thứ hai, theo cách giải thích gắn với truyền thống Sufism – trường phái Islam trên cơ sở chủ nghĩa khổ hạnh của người phương Đông, thì rượu là chất xúc tác, là dung môi, là thứ nước thánh giúp ta nhận thức chân lý tuyệt đối thông qua tình yêu và hoà nhập với Thượng đế. Thứ ba, rượu để nói lên sự phản kháng với những cấm đoán khắt khe của Hồi giáo:
Bỏ rượu thì cũng có nghĩa là:
Bỏ cuộc đời ai bù được cho ta
Ta làm sao trở thành nhà ngoan đạo
Khi mà điều sung sướng lại cấm ta.
Theo tôi, đây là ý nghĩa chủ đạo của rượu trong thơ Omar, bởi không chỉ vì tần số xuất hiện đậm đặc mà nó còn phù hợp với cốt cách của thi nhân. Điều này có lẽ cũng dễ giải thích: kinh Coran cấm uống rượu đặc biệt là trong tháng Ramajan không được ăn mặn, cười đùa vậy mà Khayyam không lo cầu nguyện lại còn uống rượu, mơ tình:
Tôi xưa nay vẫn uống rượu hàng ngày
Nhưng đêm nay gần cuối tháng ăn chay
Muốn môi kề môi, ngực sát ngực
Bình rượu đầy không một phút lơi tay.
Omar lựa chọn một lối sống riêng, ông chơi với sao, giải ẩn số, ông ngụp lặn trong sóng rượu, ông tự do phóng khoáng chẳng thừa nhận một thần quyền đè nén từ tầng cao xanh… Với bình rượu thân thiết mà người dân xứ ông gọi là cô gái nho mơn mởn, ông cứ sống như thế: nghe đàn, thưởng nguyệt, ngắm hoa, say tình… Rượu nơi đây, tuy chẳng phải là tiên tửu, nhưng cũng nâng lên thành tửu đạo, được đựng trong hũ rượu cổ tròn nhỏ, nặn bằng đất đỏ như má đào, chở qua sa mạc trên lưng lạc đà, men rượu nồng ướp thêm hàng trăm dặm đường lửa nắng nên quí hơn vàng, và uống vào một ngụm thì: cửu hoàn coi cũng nhỏ như Cao Bá Quát đã khẳng định:
Tu một ngụm, cả hoàng triều Ca Vu coi cũng nhỏ,
Nốc dăm hơi, đất Cô Ba, ngôi báu Thục, chẳng màng!
Có lẽ Khayyam chứ không phải Lưu Linh mới đạt danh hiệu quán quân về mê rượu, khi nhà thơ dám: Đổi cả Coran mà chuốc rượu!
Với Khayyam thiên đường chỉ có thể ở cõi trần tục này, ngay giờ phút này. Đó là bãi cỏ xanh bên bờ suối, là buổi chiều tà, là gương mặt dịu dàng của người tình cùng chén rượu, là khi mà không còn phân biệt được màu môi của người tình hay màu của rượu hồng hơn, say người tình hay say rượu hơn:
Suối róc rách và hoa cỏ ngát hương
Có khác chi phong cảnh chốn thiên đường
Muốn bao nhiêu hãy nằm lăn trên cỏ
Uống rượu nồng, âu yếm với người thương.
Phải chăng, vì thế mà người đương thời xem ông là Khayyam – nghiện rượu, Khayyam – mê gái, Khayyam – vô thần và thơ ông bị lãng quên trên chính quê hương? Tính chất thế tục trong thơ thể hiện qua hình tượng rượu và người tình được nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Tailhaole khẳng định: rượu trong thơ Khayyam có nghĩa là sự giải thoát, rượu là sự phản kháng, là lời ca ngợi của con người trước những bóng ma thần thánh được tạo nên bởi sự dốt nát và nhu nhược.
Khayyam không đồng tình với học thuyết Hồi giáo về thiên đường. Với tôn giáo, ngoan đạo là phải từ chối những lạc thú ở đời này để sau khi chết sẽ được lên cõi cực lạc có tiên, có rượu, có suối mát, có mật ngọt chảy thành sông và một cuộc sống hạnh phúc đời đời. Còn logic của Khayyam là tại sao trên đời này cũng có người đẹp, có rượu, có thơ, có nhạc, có buổi chiều tà, có suối róc rách và chim hót trên cành thì sao không hưởng đi mà phải đợi đến sau khi chết?
Nghe nói rằng sẽ có rượu và tiên
Và bao nhiêu sung sướng ở thiên đường
Nhưng đời này người không tình, không rượu
Chỉ đợi chờ chẳng lẽ thế là khôn?
Khayyam chỉ sống vì, sống với phút giây hiện tại. Motif quen thuộc trong thơ ông là cuộc đời ngắn ngủi, số kiếp ba đào nên phải tận hưởng hết mọi lạc thú ở đời. Vì vậy, đơn vị thời gian là một ngày đêm – ngày hôm nay. Hôm nay cũng có nghĩa là cả cuộc đời mà cụ thể hơn là phút giây ta đang có:
Từ thánh thần đến vô thần chỉ gang tay
Từ số không đến vô cùng chỉ phút giây
Hãy gìn giữ phút giây này quí giá
Đời không ít không nhiều chỉ phút giây.
Nguyên tắc quan trọng nhất của học thuyết Hồi giáo là sự tiền định – rằng mọi điều xảy ra trong thế giới này đều có sự sắp xếp sẵn có của Thượng đế, giàu sang hay nghèo khổ, sung sướng hay bần hàn, thiên đường hay địa ngục… thì đều do đức Alla quyết định. Khayyam đi ngược hoàn toàn với học thuyết đó, ông thẳng thắn bộc lộ quan điểm của mình:
Trên đời này cạm bẫy giăng khắp nơi
Chẳng ngày nào được sống theo ý tôi
Không hỏi tôi ông trời kia tự quyết
Rồi gọi tôi là kẻ không chịu nghe lời.
Ông trực tiếp báng bổ tôn giáo, báng bổ cả Đấng tối cao:
Ôi thượng đế dã man tôi đã thấy
Hay: Rất tráo trở nhẫn tâm là thượng đế
Hồi giáo là tôn giáo cực đoan, những ai từ chối sự phụ thuộc tuyệt đối vào Thượng đế – những kẻ bội giáo – đều bị tử hình. Qua đó ta lại càng khâm phục ý chí và bản lĩnh của nhà thơ Omar Khayyam. Nhà phê bình người Anh, Holbrook Jackson đã có nhận xét tinh tế về thái độ của nhà thơ đối với Thượng đế: Cái nhìn của ông thật tinh tế, ông không phải là người theo chủ nghĩa hữu thần, phiếm thần hay vô thần, trong ông có một ít của tất cả. Ông không hề phủ nhận Thượng đế chỉ vì một lý do đơn giản là chưa bao giờ ông thừa nhận.
Tư tưởng chủ đạo trong thơ của Omar là đề cao nhân phẩm con người, khẳng định rằng mỗi con người sống trên đời có quyền được hưởng những lạc thú của đời sống ở chốn trần gian. Chỉ với điều này cho phép chúng ta gọi ông là một nhà nhân văn vĩ đại.
Thơ Khayyam nói về ý nghĩa cuộc đời người, về sự bất lực của con người trước số phận và thời gian, về những sung sướng và đau khổ của kiếp người, về tuổi trẻ và tình yêu, tuổi già và cái chết, về những lời khuyên răn mà trong đó mỗi người có thể tìm thấy cho mình một điều gì thấm thía. Đọc thơ Khayyam, ta cảm nhận được cái băn khoăn của một con người đầy trí tuệ trước những câu hỏi muôn thuở của nhân sinh: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? Trong cuộc đời ngắn ngủi, đâu là ý nghĩa của đời ta? Và ông đi đến những kết luận thật bi quan:
Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu?
Ý nghĩa cuộc đời đành chịu vò đầu
Bao nhiêu hồn dưới vòng xoay con tạo
Cháy thành tro, thành bụi, khói ở đâu?
Omar Khayyam có một vị trí đặc biệt trong các nhà thơ cổ phương Đông. Có thể ông không phải là nhà thơ lớn nhất nhưng có thể nói rằng Khayyam là nhà thơ độc đáo nhất, không giống một nhà thơ nào khác trong khi ông lại mang những nét chung nhất của mọi con người, tất cả đã trở thành tài sản tinh thần của toàn nhân loại. Trái tim thi nhân tinh tuyền của Omar vẫn là nơi nương náu an toàn nhất của bản sắc thế tục mang giá trị nhân văn vĩnh cửu.
N.T.T
____________________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Omar Khayyam (Nguyễn Viết Thắng dịch & tuyển tập), 2004, Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam, NXB Văn học.
2.http://honvietquochoc.com.vn/Van-hoc/Sang-tac/Omar-Khayyam-nha-tho-lon-cua-nuoc-Ba-Tu-co-da i.aspx
3.http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%A1_Rubaiyat_c%E1%BB%A7a_Omar_Khayyam
Nguồn tin: TCNV 05-2013