Đang diễn ra tình trạng xa rời truyền thống trong các lĩnh vực hoạt động tinh thần trong đó có phê bình văn chương. Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần trở lại các sinh hoạt lành mạnh và phong phú của phê bình văn chương thời kì 1900 – 1945 sẽ thấy rất rõ các bậc tiền bối đã ứng xử nhau như thế nào khi cầm “ngọn roi phê bình”. Tinh thần đối thoại dân chủ chính là bầu không khí nghề nghiệp cuốn hút và thúc đẩy các nhà văn tham gia hoạt động phê bình một cách sôi nổi. Chẳng hạn nhà văn Hải Triều (1908 – 1954) đã thẳng thắn đối thoại với nhà văn Phan Bội Châu (1867 – 1940) qua bài “Cụ Sào Nam giải thích chữ văn học thế là sai lắm”. Bài này nhà văn Hải Triều viết năm 1933, lúc đó ông mới 25 tuổi, nhưng cái tư thế thật đĩnh đạc trước một vị túc nho tiếng tăm lẫy lừng như Sào Nam Phan Bội Châu. Nhà văn Hải Triều đã thẳng thắn hạ bút phê: “Giải thích chữ “văn học” tiên sanh tách ra làm hai chữ để cắt nghĩa: văn là gì, học là gì. Do đó tiên sanh chia văn của trời là thiên văn, văn của đất là địa văn rồi “mô phỏng văn trời văn đất mà thành ra văn người là nhân văn”. Tiên sanh lại dẫn ra những câu của lời ông thánh đời xưa như: Qua hồ thiên văn, dĩ sát thời biến, kinh thiên vĩ địa viết văn (Nghĩa là: Xem văn trời để xét thời biến; dọc theo trời, ngang theo đất gọi là văn (sic) những câu này tiên sanh có lẽ rút trong Kinh Dịch ra. Cắt nghĩa chữ văn học ngày nay mà đưa Kinh Dịch ra thời làm sao mà trúng cho đặng) v.v… Tiên sanh lại cắt nghĩa qua chữ học. Cũng có ba nghĩa: học là bắt chước, học là cầu cho biết, học là để mà làm. Tôi quả quyết nói rằng cách tiên sanh định nghĩa chữ văn học như thế là sai lầm. Tôi cho rằng giải thích chữ văn học mà lại tách đôi ra để luận từng chữ một, thời làm mất cái nghĩa lí hiện tại của văn học đi. Chẳng khác nào như có người cắt nghĩa chữ kinh tế mà xách cắt nghĩa “kinh” ra một chữ, “tế” ra một chữ; rồi đưa những câu đời ông sơ ma như: kinh bang tế thế, hay kinh tế thế dân, v.v… ra mà trưng chứng thời sai bét cả” (Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900 -1945. Năm tập. Tập 2, Nxb Văn học, H., 1998, tr. 371 – 372).

Nguyễn Ái Quốc với tư cách một nhà văn, trong bài “Thư trả lời ông H” đã viết: “Đứng về mặt phê bình, nghĩ như thế nào tôi xin nói thẳng với ông như thế ấy. Tôi không chắc rằng tất cả những nhận xét của tôi đều sai cả; nhưng xin ông cứ bác bỏ những nhận xét nào ông cho là khó hiểu. Việc trao đổi này sẽ có lợi cho cả hai chúng ta”. Trong bức thư này, trên tinh thần phê bình đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra những ưu, khuyết của tác phẩm có nhan đề Cách mệnh của tác giả H (tức Thương Huyền). Kết thúc bài viết của mình Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh “Tôi đã nói thẳng những ý kiến của tôi về bài viết của ông; và cũng nhân cơ hội này, nêu lên một số vấn đề để thảo luận; mong rằng có thể rút ra từ đó một cái gì để mở rộng thêm kiến thức của tôi. Xin thành thực và nhiệt liệt hoan nghênh tài cao trí lớn của ông. Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không” (Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900 – 1945. Năm tập. Tập 2, Nxb Văn học, H., 1998, tr. 5 và 19).

Nhắc lại một vài dẫn chứng như thế để thấy tinh thần đối thoại của người phê bình rất quan trọng, đó là “nói thẳng” nhưng phải “thành thực” và “công bằng”; và bao trùm là tinh thần “cầu thị” – không sợ sai lầm – vì cái hay, cái đúng và cuối cùng là “có lợi” cho cả hai bên (phê bình và được phê bình). Nói cách khác đó là văn hoá đối thoại trong phê bình văn chương của các bậc tiền bối mà chúng ta cần học tập thấu đáo.

Những cuộc tranh luận văn chương trước năm 1945 diễn ra hết sức sôi nổi (chẳng hạn như: “Tranh luận về Truyện Kiều”, “Tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”, “Tranh luận về dâm hay không dâm” và “Tranh luận về thơ cũ – thơ mới”) đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý giá (nội dung cụ thể của các cuộc tranh luận này, theo chúng tôi, đã được trình bày cụ thể và đầy đủ trong công trình của Mã Giang Lân: Những cuộc tranh luận văn học nửa đầu thế kỉ XX, Nxb Văn hoá – Thông tin, H., 2005). Chúng tôi thiển nghĩ “ôn cố tri tân” là một động thái rất cần thiết đối với phê bình văn chương hiện nay.

KINH NGHIỆM THỰC TIỄN

Cuộc thảo luận (năm 1985) về  truyện ngắn Nguyễn Minh Châu là một ví dụ sát sườn hơn khi bàn về tinh thần đối thoại trong phê bình văn chương (các ý kiến được tập hợp tương đối đầy đủ trong sách do Tôn Phương Lan và Lại Nguyên Ân biên soạn: Nguyễn Minh Châu – Con người  & tác phẩm, Nxb Khoa học xã hội, H., 1992). Cuộc thảo luận này vô hình đã chia làm hai “phái” trong đánh giá truyện ngắn Nguyễn Minh Châu: phái khen ngợi, khẳng định cũng hết lời và phái phê phán cũng hết lời. Cái đặc biệt của cuộc thảo luận này chính là ở chỗ nhà văn Nguyễn Minh Châu sẵn sàng đối thoại với các ý kiến khen, chê tác phẩm của mình một cách thoải mái và công tâm. Có thể nói không khí của đời sống văn chương những năm tám mươi của thế kỉ XX trở nên sôi nổi hơn cũng nhờ vào những hiện tượng độc đáo như Nguyễn Minh châu và những cuộc đối thoại “vô tiền khoáng hậu” xung quanh sáng tác của nhà văn. Gần 30 năm sau cuộc thảo luận này chúng ta càng tri nhận được sâu sắc rằng: Nguyễn Minh Châu là nhà văn “mở đường tinh anh” cho công cuộc đổi mới văn chương Việt Nam thời hậu chiến, càng  thấy nhận định về cái gọi là “thành công một nửa” của nhà văn tài năng này, như đã có người quy kết, là không có căn cứ khoa học.

Tiếp sau là sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp gây nóng cho văn đàn Việt Nam thời kì đầu Đổi mới. Trong sự phê bình sôi nổi sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, độc giả chú ý đến tinh thần đối thoại của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến qua bài “Tôi không chúc bạn “thuận buồm xuôi gió”. Nhà phê bình với con mắt xanh đã linh cảm thấy con đường chông gai mà Nguyễn Huy Thiệp sẽ phải bước qua, vì thế lời “chúc” của nhà phê bình có vẻ như “nói ngược” với thói quen cố hữu của số đông luôn chúc người khác “chân cứng đá mềm” hoặc “thuận buồm xuôi gió” trên con đường công danh sự nghiệp. Phải mặc nhiên công nhận rằng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có những đóng góp không nhỏ tạo nên khí sắc mới mẻ của văn chương đương đại Việt Nam trong bối cảnh hòa nhập khu vực và thế giới. Cái đặc biệt là qua tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp, bỗng dưng có người lại được “thêm bạn bớt thù” và có người thì ngược lại. Có người nói quá đi văn chương Nguyễn Huy Thiệp đầy tính khiêu khích và nó lây lan sang cả lĩnh vực phê bình!? Tranh luận về nguyễn Huy Thiệp được tập hợp một cách tương đối đầy đủ trong sách do Phạm Xuân Nguyên (sưu tầm và biên soạn): Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (Nxb Văn hoá – Thông tin, H., 2001). Hơn một phần tư thế kỉ trôi qua, Nguyễn Huy Thiệp vẫn trụ vững trên văn đàn nhờ chủ yếu vào sáng tác truyện ngắn (dù cho ông viết cả tiểu thuyết, kịch, bình văn, chèo) và trở thành gương mặt sáng giá của văn chương đương đại Việt Nam.

Qua hai trường hợp tiêu biểu mà chúng tôi vừa dẫn trên cho thấy một thực tế: văn chương đổi mới đã tạo đà, sức sống cho tinh thần đối thoại cả trong sáng tác, cả trong phê bình vốn trước đó hầu như như chỉ hoạt động trong một “ từ trường độc thoại”.

TĂNG CƯỜNG ĐỐI THOẠI TRONG PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG

Luận chiến văn chương (1995 – Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1996) và Luận chiến văn chương (Quyển hai, 2012) của Chu giang – Nguyễn Văn Lưu, theo chúng tôi, là một trong những tác phẩm phê bình văn chương thấm nhuần tinh thần đối thoại (chẳng hạn trước sau ông không đánh giá cao Nguyễn Huy Thiệp như đa số dư luận). Có người cho rằng ông viết bằng “nộ khí”, nhưng thực ra đó là thái độ hết sức thẳng thắn khi trong vòng 25 năm liền kiên trì, công khai và minh bạch bảo vệ quan điểm của mình trước một hiện tượng văn chương phức tạp như Nguyễn Huy Thiệp (bài gần nhất viết đầu năm 2012 “Sao lại chửi đời” tác giả vẫn hướng ngòi bút phê phán quyết liệt nhân dịp nhà văn này ra mắt tập chèo Vong bướm).

Có thể nói Chân dung và đối thoại (Nxb Thanh niên, 1998) của Trần Đăng Khoa đã phát huy tối đa tinh thần đối thoại trong phê bình văn chương đương đại (cuốn sách được tái bản nhiều lần, thiết nghĩ, có cái lí do đích đáng của nó). Trần Đăng Khoa đã xác tín từ đầu “Càng thông minh, càng khác nhau. Nhưng giữa những người thông mình chỉ có đối thoại, chứ không có cãi vã. Đối thoại khác cãi vã ở chỗ đó, đối thoại là để bổ sung cho nhau, để tự điều chỉnh mình, nhằm tiếp cận chân lí. Còn cãi vã là tranh thắng bại, đúng sai, là dồn nhau vào chân tường, quy chụp và mạt sát nhau, hất tất cả những rác rưởi vào mặt nhau” (CDVĐT, tr.192 -193). Trong cuốn sách rất “hot” này, Trần Đăng Khoa đã có những ý kiến thẳng thắn, chân tình và thuyết phục vì “cách nói”. Chẳng hạn Trần Đăng Khoa bác bỏ một cách thấu tình đạt lí luồng ý kiến cho rằng dường như đang có một cuộc cách mạng thơ ca trên văn đàn Việt Nam đương đại “Tuy nhiên cũng không vì sự lí thú ấy, mà kêu toáng lên rằng, văn chương Việt Nam đã đến kỳ đổi gác, rằng đã xuất hiện một cuộc cách mạng về thơ ca sau thời kì thơ mới. Thực tình tôi rất mong có cuộc cách mạng thi ca ấy. Nhưng thực tế không có. Cuộc cách mạng thi ca ở thời thơ mới sở dĩ thành công và những vòng sóng của nó vẫn còn lan tỏa đến ta hôm nay, chính là vì nó dựa trên một cái nền rất vững chắc, đó là hàng loạt tác giả lớn, những tác phẩm lớn. Còn cuộc cách mạng thi ca hôm nay thì dựa trên cái gì? (…). Chỉ là sản phẩm dở dang của những cuộc thí nghiệm” (CDVĐT, tr.193 – 194). Tinh thần đối thoại như là một nhiệt hứng cầm bút của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong các bài viết tiêu biểu khác như Tản mạn xung quanh giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993, Ngẫu hứng du ngoạn qua giải thưởng Văn nghệ quân đội, Câu chuyện đầu năm, Câu chuyện bên bàn trà…Có những ý kiến của Trần Đăng Khoa có thể gây men cho đối thoại sôi nổi, kiểu như “Có thể có một tác phẩm phê bình hay về một cuốn sách dở và ngược lại” (CDVĐT, tr. 201).

Gần đây nhất Đối thoại văn chương (Nxb Tri thức, 2012) của Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng ít nhiều gây được thiện cảm của độc giả, theo chúng tôi, có thể vì tinh thần đối thoại của nó như nhan đề cuốn sách đã xác nhận. Một người bạn công tác ở sở VH – TT & DL Hà Tĩnh đã nhờ tôi tìm mua giúp cuốn sách này, trước hết là vì cái tên sách mà anh kì vọng vào tinh thần đối thoại của phê bình văn chương hiện nay. Đây là một cuốn sách khó đọc vì nó dày (833 trang khổ 14,5 x 20,5) với độc giả bình thường. Nhưng trong văn giới, nếu chịu khó đọc của đồng nghiệp, biết đâu tìm thấy ít ra vài ba điều bổ ích. Sách gồm 9 chương có tựa đề “Đối thoại tháng giêng” đến “Đối thoại tháng cuối” (gồm 265 đối thoại). Có thể nói tinh thần đối thoại trong văn chương, qua cuốn sách này, đã được mở rộng biên độ như Nguyễn Đức Tùng viết trong Thư gửi độc giả (in đầu sách): “Tôi hi vọng rằng cuộc trò chuyện qua nhiều chủ đề văn học, đã diễn ra một cách hào hứng sôi nổi trong gần một năm, không phải là không có lúc gây cấn, nhưng lí thú, giữa hai chúng tôi,  nay được ghi lại, sẽ trở thành cuộc trò chuyện giữa chính bạn đọc và nhà thơ Trần Nhuận Minh. Tức là giữa hai phía và nhiều phía, giữa tất cả chúng ta, bao gồm người đọc trong nước và hải ngoại, những người bất chấp một thời kì đầy khó khăn của thơ ca, vẫn không ngừng yêu mến nó và ủng hộ một nền thơ Việt Nam đang đi tới, trong sáng, khỏe mạnh, hướng về tương lai” (ĐTVC, tr 7 – 8). Trong quá trình đối thoại chung quanh rất nhiều vấn đề, ngay từ đầu những người tham gia đã xác định thái độ “Trao đổi thẳng thắn, cởi mở và thân thiện, thuận theo tự nhiên” (Nguyễn Đức Tùng) và “Đúng như anh nói, đây là một cuộc đối thoại thân thiện, và tôi muốn nói thêm: hoàn toàn bình đẳng và tự do…vì văn chương và xoay quanh văn chương” (Trần Nhuận Minh). Theo thiển ý của chúng tôi, qua ý kiến của Trần Nhuận Minh và cũng như nhiều đồng nghiệp khác, có một lối phê bình trong văn chương và một lối phê bình ngoài văn chương (về vấn đề này chúng tôi đã có dịp trình bày trong tiểu luận “Phê bình văn chương và phê bình ngoài văn chương”, in trên Tạp chí Lý luận phê bình văn học nghệ thuật, số 1- năm 2012). Ý kiến của Trần Nhuận Minh về việc Xuân Diệu phê bình chưa trúng thơ Hồ Xuân Hương chẳng hạn, theo chúng tôi, gợi mở một cuộc đối thoại “vô tiền khoáng hậu” về hiện tượng thú vị bậc nhất trong lịch sử văn chương Việt Nam. Thực tình thì từ khi đọc tác phẩm Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (in lần thứ ba, Nxb Văn học, 1998), trong đó có 110 trang Xuân Diệu dành viết về Hồ Xuân Hương bà chúa thơ nôm và Tính tư tưởng trong ba bài thơ Hồ Xuân Hương, chúng tôi không nghĩ sẽ có ngày có ý kiến phản biện mạnh mẽ như Trần Nhuận Minh đã viết đến 20 trang liền (từ tr. 119 đến tr. 138) trong Đối thoại văn chương. Trừ một vài chỗ khó thẩm định đúng sai thuộc về ai (chẳng hạn câu nhà thơ Xuân Diệu nói với nhà thơ Trần Nhuận Minh “Có một Hồ Xuân Hương giả mà cả thế giới nó sợ thật, lại không sướng hay sao. Lại còn tìm ra với tìm vào” – ĐTVC, tr.138), còn lại theo chúng tôi, tinh thần đối thoại của nhà thơ Trần Nhuận Minh với quan điểm phê bình của nhà thơ Xuân Diệu về Hồ Xuân Hương bà chúa thơ nôm, là khá thuyết phục (vì đây là một hiện tượng được dân gian hoá hơn là một tác giả, một phong cách văn chương).

VĂN HOÁ ĐỐI THOẠI TRONG PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG

Nếu hiểu văn hoá là thế ứng xử thì văn hoá đối thoại trong phê bình văn chương chính xuất phát từ căn rễ “hiểu mình hiểu người”, nghĩa là hiểu vị thế, tương quan giữa hai bên đối thoại. Nhất thiết không “dĩ hòa vi quý” nhưng nếu bên đối thoại là người “trở cờ” thì cần một mặt vận dụng tinh thần vị tha “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”, mặt khác phải kiên định lập trường phê bình trên cơ sở khoa học. Đối thoại là tranh luận, phản biện để tìm ra chân lí; nhất quyết không thể là nơi chốn để “cãi vã”, “ khẩu chiến”, “quy chụp”, thậm chí “hất tất cả rác rưởi vào mặt nhau”, và có lúc có nơi hòng “tiêu diệt” nhau. Thế giới đang chuyển từ “đối đầu” sang “đối thoại”, hà cớ gì văn nhân chúng ta lại không ngồi cùng nhau, bàn thảo cùng nhau các vấn đề thời cuộc, văn chương trên chiếu văn?! Văn hoá  chính là phẩm tính căn bản của tinh thần đối thoại trong phê bình văn chương.

Tôn trọng người đối thoại khác chính kiến. Như Trần Đăng Khoa nhận xét “càng thông minh càng khác nhau” (nhưng cũng có những sự rất khác nhau của những người không thông minh). Thế giới này luôn “đại đồng mà tiểu dị”. Mỗi cá nhân là một “tiểu vũ trụ”. Tôn trọng người đối thoại chính là tôn trọng mình, trái lại không tôn trọng người đối thoại là không tôn trọng mình. Nhà văn Nguyễn Minh Châu có viết “Ừ thì mỗi người sống và nghĩ một cách, xin đừng giận, ghét nhau vội, khác nhau mà vẫn rất thương được nhau, đấy là luật sống của con người” (Di cảo Nguyễn Minh Châu – Nxb Hà Nội, 2009, tr.471). Trong cuộc thảo luận về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu năm 1985 do báo Văn Nghệ tổ chức, đọc lại sẽ thấy nhà văn rất tôn trọng các ý kiến phê bình (thậm chí có ý kiến cho rằng “Tác giả mới thành công một nửa”).

Văn hoá đối thoại trong phê bình văn chương xa lạ với cái gọi là “nhân danh”. Trong đời sống đang lan truyền căn bệnh “nhân danh” làm rối loạn các giá trị đạo lí. Trong lĩnh vực văn chương cũng vậy: có nhân danh đổi mới (tự nhận mình là tân thời, thậm chí thức thời và cố tình đẩy người khác vào bảo thủ, xác lập chiến tuyến, chia rẽ văn giới); có nhân danh dân chủ (nhằm cổ súy cho phong trào “đạp đổ thần tượng”, thậm chí “nhổ nước bọt vào lịch sử”, đòi tự do tuyệt đối); đặc biệt có nhân danh con người (đề cao sáng tác đi sâu vào bản năng gốc: sex, đồng tính, thác loạn trong vô luân và loạn luân). Gần đây có thêm cái gọi là nhân danh thế hệ (họ dựa vào câu nói của G.Lorca “Hãy  chôn tôi cùng với cây đàn” rồi đề nghị “thay ca’, “đổi gác” – nghĩa là phải “chôn” luôn Thơ mới, thơ Cách mạng 1945 -1975…để mở cửa cho các trào lưu ồ ạt xâm nhập vào nước ta như “hậu hiện đại” chẳng hạn…)./.

Hà Nội, tháng 5 năm 2013

B.V.T

Nguồn: phebinhvanhoc