Chúng ta gọi phương thức tư duy của mỗi người hằng ngày là tinh thần của người đó. Mỗi người trong chúng ta đều có thói quen dẫn dắt chúng ta, chỉ huy chúng ta nhìn sang bên trái hay bên phải, đi hay đứng lại. Sức mạnh của nó thể hiện ở chỗ, bất kể chúng ta làm việc gì đều rơi vào phạm vi này, bởi hành vi tất nhiên này chính là bản tính, ý chí, cảm hứng của chúng ta.

Honoré de Balzac (1799-1850). Ảnh minh họa: Internet

Các nhà khoa học gọi nó là phương pháp, còn các nhà văn nghệ gọi nó là tài năng. Chúng ta hãy cùng xem tài năng của Ban-dắc.

Khi ông mới viết văn, cách thức viết không hề giống một nhà nghệ thuật mà giống một nhà khoa học. Ông không miêu tả nhân vật mà giải phẫu nhân vật. Ông không giống với Sếch-xpia, nhanh chóng đi vào linh hồn của nhân vật, mà đi vòng vo xung quanh nhân vật, chăm chỉ như một nhà giải phẫu học, đầu tiên kéo ra một sợi cơ, sau đó là một mảnh xương, một huyết quản và sau đến các sợi dây thần kinh. Ông muốn quan sát toàn bộ các cơ quan của cơ thể, sau đó mới động đến não bộ và trái tim. Ông miêu tả thành phố trước, sau mới đến đường phố và nhà cửa. Ông tìm hiểu về tấm cửa, lỗ hổng trên tường đá, cấu trúc của cửa và chất liệu gỗ, nền móng của cột nhà, màu sắc của rêu phong, những gỉ sắt trên song, vết nứt trên kính. Ông giải thích về sự phân bố của nhà cửa, hình dạng của lò sưởi, niên hạn của thảm treo tường, chủng loại và vị trí của các đồ gia dụng, sau đó mới giới thiệu đến quần áo và các vật phẩm khác. Khi miêu tả nhân vật, ông còn chỉ rõ kết cấu của tay, xương sống thẳng hay cong, sống mũi thấp hay cao, xương có dày không, cằm dài bao nhiêu, miệng có rộng không. Ông đếm tay người ta cử động bao nhiêu lần, chớp mắt bao nhiêu lần, trên mặt có bao nhiêu mụn. Ông làm rõ thân thế của người ta, có bao nhiêu mẫu ruộng, nguồn thu nhập, có quan hệ với ai, tiêu bao nhiêu tiền, hay ăn món gì, uống rượu gì. Nói chung, tất cả những gì liên quan đến nhân tính đều được thể hiện qua tác phẩm của ông. Ở con người ông là sự kết hợp của một nhà khảo cổ học với một kiến trúc sư, một người thợ dệt thảm, một thợ may, một thương gia, một nhà bình luận, một nhà sinh lý học, một công chứng viên… Những nhân vật này đã lần lượt xuất hiện trong tiểu thuyết của ông, trở thành mồi lửa thắp lên trí tưởng tượng của ông. Về danh mục các loài thú, đã có người biên soạn, còn Ban-dắc muốn biên soạn một bộ sách về phong tục của con người, và ông đã làm như thế. Điều này trong lịch sử nghệ thuật chưa từng có tiền lệ. Trong lịch sử nghệ thuật cũng chưa từng thấy tác phẩm nghệ thuật nào được biên soạn với quy mô lớn như vậy, thể hiện tri thức vô cùng uyên thâm của ông. Những nhân vật tưởng như không có chỗ đứng trong lịch sử, những hóa đơn vô vị trong tiệm đồ gỗ và trong văn phòng luật sư. Nếu như chúng ta không phải những người yêu thích các lĩnh vực trên thì có lẽ chuyện về lão Gô-ri-ô trước khi bị trúng gió đã bị chúng ta ném đi hoặc Xê-da Bi-rốt trước khi tính thâm hụt ngân sách cũng đã bị vứt vào đống lửa. Không thi vị như Gioóc-giơ Xăng, không có hình ảnh sinh động như Vích-to Huy-gô và Đích-ken, chúng ta không nhìn thấy bóng dáng của sự vật cụ thể, chỉ có như vậy chúng ta mới thoát khỏi sự kìm hãm của bản thân, với cảm xúc mãnh liệt mới làm đôi mắt chúng ta được sáng hơn. Sự miêu tả mãnh liệt của Ban-dắc làm cho tâm tư chúng ta vẫn im lặng, trước mắt không hiện ra một thứ gì. Không biết Ban-dắc miêu tả về chiếc cửa sổ và cái mũi của nhân vật thế nào, nhưng hình ảnh về cửa sổ và chiếc mũi vẫn không hiện ra,có lẽ chỉ có nhà sinh lý học và nhà khảo cổ học mới hiểu phần nào những gì Ban-dắc đã miêu tả. Đối với người đọc phổ thông, có lẽ họ hy vọng nhìn thấy một bức họa, minh họa cho tác phẩm. Ngoài ra, miêu tả dài dòng làm tan vỡ sự hoàn chỉnh của ấn tượng. Nếu bạn miêu tả một đặc điểm hoặc một loại màu sắc nào đó bằng 12 đến 13 dòng, thì sự tưởng tượng sẽ mất tác dụng. Người ta sẽ không hình dung được hình thái của một con người là ôn hòa, tráng kiện hay nhỏ nhắn. Diện mạo của người đó đã biến mất, chỉ còn là một lô thịt với xương cốt.

Tuy nhiên, sự miêu tả này là có sức mạnh. Chúng ta biết một cách rõ ràng mọi động tác trên cơ thể của nhân vật. Nhân vật trở thành người thật, in đậm vào trong ký ức và quan niệm của chúng ta, bởi vì chân thực vốn dĩ như vậy, nó có những chi tiết rườm rà và những chi tiết hết sức tinh vi, chúng ta cần chắp vá chúng lại để tạo ra những hình tượng cụ thể. Tất cả những thói quen và môi trường bạn kinh qua sẽ tạo nên một con người hoàn chỉnh, tất cả các nỗ lực sẽ tạo ra bạn, một người có cá tính. Cũng chính vì vậy mà mỗi con người đều là một cá thể độc lập, và chỉ có những người như Ban-dắc mới nhìn thấu được sự tinh vi, kỳ diệu của mỗi nhân vật.

Ban-dắc có sức mạnh bởi vì ông có cả một hệ thống để trở thành một nhà khoa học. Ở con người ông, ta có thể đồng thời thấy hình ảnh của một nhà triết học và một nhà quan sát. Ông nhìn thấy những chi tiết, đồng thời nhìn thấy quy luật liên hệ giữa các chi tiết ấy. Tất cả các nhân vật đều có sự liên kết với nhau, trong đó có một dục vọng hoặc một cảnh tượng nào đó đem chúng dung hòa vào nhau, thiết lập một trật tự. Vì điều này, các nhân vật mới để lại trong chúng ta những ấn tượng sâu sắc. Mỗi một tiếng nói của họ đều được tổng hợp lại, làm cho ấn tượng ngày càng sâu sắc hơn. Những lời nói này tuy đếm không hết, nhưng chúng kết hợp lại với nhau, sinh ra bởi cùng một hiệu ứng. Chúng ta ở trong cảm xúc, trải nghiệm được tất cả các loại cảm xúc khác nhau, từ đó dung mạo của nhân vật càng có biểu cảm hơn chính người đang sống. Những đồ vật bị phân tán trong thế giới tự nhiên dưới ngòi bút của Ban-dắc được tập hợp lại, chúng được thể hiện qua kế hoạch sáng tác của tác giả. Để liên kết các sự kiện với nhau, điều động nhiều nhân vật cùng một lúc đòi hỏi phải có một bộ óc tổ chức tinh vi, đòi hỏi sự hiểu biết vô cùng uyên thâm. Đây là một bản hợp tấu, trong đó có rất nhiều nhạc cụ mới, có nhiều nội dung tư tưởng khác nhau, các nội dung này một lần nữa lại được liên hệ với nhau. Mỗi một tư tưởng lại trở thành trung tâm của một câu chuyện. Và đó mới chính là nền tảng của các tác phẩm Ban-dắc.

 

Phạm Huy Quỳnh (dịch) – Nguồn VNQD