Cùng xuất bản năm qua, điểm chung giữa Trên đôi cánh chuồn chuồn của Trần Đức Tiến tác giả quen thuộc hay viết cho thiếu nhi – và Gió đồng hun hút của Ngô Bá Lục – nhà báo chuyên trị showbiz – là ký ức làng quê. Dù chất văn khác nhau, thời kỳ xa nhau nhưng cả hai đều thành công khi khắc họa được những bức tranh quê đẹp đến ám ảnh.
Bìa hai cuốn sách thành công về làng quê mới xuất bản.
Trên đôi cánh chuồn chuồn (NXB Kim Đồng) đưa độc giả trở về với miền chiêm trũng Hà Nam cuối những năm 1950. Những gì đáng nhớ nhất còn đọng lại trong ký ức sau nửa thế kỷ sàng lọc được tác giảnâng niu gói ghém trong những câu chuyện như thơ. Dòng ký ức bắt đầu làm việc vào năm tác giả lên ba tất nhiên liên quan đến mẹ.
Đọc Trần Đức Tiến, các mẹ có thêm một cách cai sữa nhẹ nhàng và… ngon lành dành cho những cô cậu nghiện ti: “Nào tôi còn kịp nói gì! Cơn nghiện đùng đùng nổi lên. Không nhanh thì lộ tẩy với bà hàng xóm. Mẹ vừa ngồi xuống là tôi rúc liền” (Gà đẻ gầm giường).
Xin bát cơm nguội không hẳn về mẹ cũng chẳng ca ngợi mẹ một cách lộ liễu. Nhưng không dòng lạc khoản cuối bài như giọt nước thêm tràn ly cảm xúc: Tháng Giêng 2009, ngày giỗ mẹ. Mặc dù không được khắc họa trọn vẹn trong câu chuyện nào, người đọc vẫn ấn tượng về một bà mẹ dịu hiền, nhẫn nại, trọng lễ nghĩa và ẩn chứa một sức mạnh lớn lao như nhiều bà mẹ ở ngôi làng có nghề mộc ấy.
Văn chương chỗ này chỗ khác có thể còn thô sơ mộc mạc nhưng Ngô Bá Lục cũng dành những dòng đẹp nhất cho cha mẹ. Cũng như bao ông bố bà mẹ quê khác, con cái thoát ly lên thành phố vẫn trụ lại với ngôi nhà hương hỏa. Tâm sự của bố tác giả: “Ngôi nhà nó cũng như con người Lục ạ. Mình yêu nó, chăm sóc nó hàng ngày thì nó cũng sẽ yêu mình, thương mình và mình cảm thấy gắn bó với nó. Mang tiếng là gạch gỗ nhưng nó cũng có tình cảm như con người cả đấy...”.
Một chuyện mới xảy ra năm kia, khi tác giả đã bước qua tuổi 40 mang vợ và hai con về thăm mẹ. Anh có dịp ngủ cùng mẹ đã ngoài 80. Mẹ nằm trong. Đêm thức dậy, con định rụt chân cho mẹ qua thì bỗng mẹ nắn bắp chân nắn cả bàn chân con, rồi lấy chăn choàng lên người con. “Mình nằm im, nước mắt ướt nhòe bờ mi, hạnh phúc không thể đong đếm,” tác giả viết.
Trần Đức Tiến viết về quê ở chặng cuối của đời và của nghề, khi mọi thứ đã chín, ký ức đã xa. Cũng chủ đề đó, Ngô Bá Lục lại lấy làm món sính lễ để trình làng văn. Trần Đức Tiến thêm một lần chắt lọc vì dù sao ông cũng phải viết cho trẻ con đọc được.
Lục được tự do hơn, thoạt đầu anh đăng tải những bài viết về quê trên mạng để chia sẻ với bạn bè và độc giả thân thiết. Đôi chỗ hơi hướng 18+ hoặc phản chiếu thời cuộc như Chuyện tình thời… cửu vạn, Người đàn bà yêu… Khi tác giả động đến những vùng sâu thẳm của tình người thì ngòi bút chưa phải dụng công gì cũng có thể khiến người đọc khóc được. Anh Cả và nỗi buồn chiến tranh là ví dụ.
Lục khó đạt tới chất thơ như nhà văn đàn chú nhưng bù lại Gió đồng hun hút (NXB Hội Nhà Văn) ngồn ngộn chất liệu và chi tiết viết ra từ những hồi ức sâu đậm và nóng hổi của quãng đời tác giả vừa trải qua. Phần lớn Gió đồng hun hút có thể coi là hồi ký của chính tác giả, người một thời lấy biệt hiệu trên mạng là “Vâng tôi nhà quê”. Trần Đức Tiến lưu lại được những chân dung dân dã mà chỉ thời ông mới có như cụ đồ, sư ông, ông “ba bị chín quai” cho đến “thần đáo” hay ma dưới ao…
Chân dung nào cũng độc đáo. Làng quê thời Trần Đức Tiến vẫn còn bầu không khí tâm linh, huyền tích. Đến đời Ngô Bá Lục kinh tế mở bắt đầu chộn rộn làm ăn. May mà tình làng nghĩa xóm vẫn chưa đổi. Thời gian ở quê trôi chậm hơn có khác. Thời Trần Đức Tiến, anh cắt tóc tự lắp cái đài để hút khách thì thời Ngô Bá Lục, radio vẫn chạy pin và vẫn là “món quà vô giá” kéo bọn trẻ trong làng đến vây quanh nghe truyện chương hồi.
Gọi tập Gió đồng hun hút là tản văn là một cách nói giảm cho an toàn. Với khả năng quan sát và hóa thân sẵn có, chỉ cần tác giả chịu khó gia công chút nữa, nhiều bài viết sẽ biến thành những truyện ngắn được của nó. Ra được một cuốn rất dễ ra cuốn thứ hai. Bá Lục nhen nhóm ý tưởng viết về gia đình nhỏ ở thành thị cho cuốn sau, dự định tên làNgười đàn ông cọ toilet (!) Dù sao anh cũng rất nên tái bản Gió đồng hun hút để tập sách được sửa chữa bổ sung và nếu được cả bỏ bớt một số tản văn quá nhẹ đô so với giọng điệu chung.
Theo Tiền phong online