Những lo lắng của Yến đã thành thừa. Ba chồng và em chồng đón cô như đón người thân đi chợ về. Ông già bưng cái vali của con dâu như nâng bổng một món đồ quý vào căn phòng trong căn nhà gỗ lợp ngói âm dương mà có lẽ ông đã mất nhiều công dọn dẹp trang hoàng.
Minh họa: Hồng Thiện Cường
Em chồng 6 tuổi chưa chịu vào lớp một, một tay ôm khư khư trước bụng món đồ chơi chị dâu mua cho, tay kia chỉ cho Yến cái nhà vệ sinh lát gạch tráng men mới tinh bên phải nhà, dưới một cây cau, có lẽ ra đời để chào mừng sự xuất hiện của cô. Khai trương xong cái nhà vệ sinh, Yến trở ra đã thấy ba chồng và em chồng ngồi khoanh chân chờ bên mâm cơm tươm tất. “Chắc con đói rồi. Ngồi xuống ăn luôn đi”. Yến ngồi xuống chiếc chõng tre định dợm đứng dậy, thằng bé nhanh nhảu: “Em lấy chai rượu cho ba rót xong cất rồi”. Còn thế nữa, rượu ong đất sóng sánh nửa ca nhôm tráng men xanh da trời. Lòng Yến nhẹ tênh như những đám mây lửng lơ trên khoảng trời êm ru, như tấm bạt bạc màu lỗ chỗ chăng lên che chắn cho đám cây trái và hoa lá trong vườn nhà bên cạnh.
Ngày nào ba chồng cũng dậy sớm để thu hoạch rau trái trong vườn. Tiếng những người đàn bà đến mua sỉ tại vườn để kịp phiên chợ sớm đánh thức Yến dậy. Em chồng chưa biết chữ nhưng sáng bửng biết tự dậy úp mì ăn và úp cho cả chị dâu. Yến định bóc gói mì úp thêm cho ông già thì nó can: “Bữa sáng của ba ở ngoài vườn”. “Là sao?”, Yến thắc mắc. “Ba ăn mấy thứ hái được trong vườn đó, cà chua, dưa leo, đậu ván gì đó”, nó đáp tỉnh queo. “Ngọt ngon hơn mì là cái chắc. Nhưng mà phải là sáng sớm, khi còn sương kia”, nó khẳng định thêm, không thèm nhìn đôi mắt mở to hơn bình thường của Yến.
Ngày thứ hai, Yến nhận ra góp vào tiếng lao xao ban sáng kia có cả khách tới mua hoa trong vườn nhà hàng xóm. Chủ vườn bên kia cũng dậy sớm và cũng là người làm vườn khéo tay như ba chồng Yến. Thấp thoáng trong đám người xe pháo gồng gánh nhấp nhô là một dáng người gọn ghẽ thoăn thoắt đếm, sắp, buộc, trao những cúc, phăng, thược dược hãy còn ngái ngủ. Từ hôm Yến về, chiều nào cũng mưa. Chai rượu ong đất đã cạn. Ba chồng lại uống rượu trắng như thường. Ông thường đi câu về trước khi cơn mưa trút xuống, tự tay làm cá, tôm phụ con dâu nấu bữa tối trong khi em chồng nằm sấp trên giường bặm môi tập viết những chữ cái đầu tiên trong cuốn tập Yến mang về từ thành phố.
“Kệ ba đi. Ba làm quen rồi, nghỉ không chịu được. Em không phải dậy sớm ra vườn làm gì”, chồng Yến nói qua điện thoại như đang giận dỗi. Kệ. “Chị không ăn mì buổi sáng nữa”, Yến nói với em chồng tối khuya khi hai chị em tạm thôi bài đánh vần. “Chắc ngán rồi. Có cháo ăn liền con tôm ăn cũng được”, thằng bé nói với chị dâu mà như độc thoại. “Không phải vậy. Chị ăn trái trong vườn”, Yến hí hửng nói. “À, nhưng mà em bé trong bụng chịu không?”, giọng nói ra vẻ dò xét. “Chịu, chịu”, Yến nói giọng giả thanh ý em bé đang đồng ý.
Em chồng khác hẳn chồng Yến, chắc có lẽ vì khác mẹ. Nó có nét dịu dàng và tình cảm như một gã đàn ông phong trần dù chỉ mới sáu tuổi. Mặc dù không có bạn nhưng nó không rơi vào trạng thái cục cằn, lãnh đạm. Thằng bé chỉ không quen ăn nói bài bản, khuôn phép. Yến nghĩ rằng thằng bé của chị Kim sẽ hợp với nó.
“Thằng nhóc của chị không có bạn chơi. Ở lớp cũng vậy, nó chỉ thui thủi một mình”, chị Kim vừa gom đám hoa cúc đã cắt được đặt nằm rạp trên ruộng vừa nói mà không nhìn Yến, như trách móc. “Nhóc em chồng em cũng vậy. Lại còn chưa đến lớp nữa”, Yến nói như đồng cảm với chị hàng xóm. “Ủa, hai thằng nhỏ bằng tuổi nhau mà, sao đến giờ ổng còn để nó lêu hêu ở nhà vậy?”. Chuyện hai thằng nhỏ vô tình xích hai người phụ nữ lại gần nhau. Nhưng Yến dè chừng, chỉ lắng nghe chị kể về quãng đời lênh đênh nấu ăn trên tàu. Mà cũng vậy thôi, chị không kể sâu hơn như vẫn giấu diếm về tông tích đứa con.
“Bả chửa hoang mà”, em chồng đáp tỉnh queo khi bà chị hỏi chuyện đàn ông nhà chị Kim. “Mà chị đừng qua nhà đó nữa. Ba không thích đâu”, thằng bé cho rớt lại một câu sau cuối rồi lại cắm cúi với cuốn vở tập tô. Yến chột dạ, nhớ ánh mắt trộm nhìn của ba chồng đôi lần nhìn theo bước chân con dâu sang nhà chung rào.
Yến chột dạ khi trông thấy thằng bé của chị Kim. Trời! Nó như sinh đôi với em chồng Yến vậy. Chị chuyển về đây, tiếp quản căn nhà và vườn hoa của bà cô mới được ba tháng. Lẽ nào… Yến hít thở sâu tránh cho tim hồi hộp, chắp nối lao xao trong đầu tiếng thì thào của mấy bà bán rau, bán cá thỉnh thoảng Yến vô tình nghe thấy khi đi chợ: “Không biết con dâu nhà ấy xử sự sao cho phải với ông ba chồng tệ hại”, “Mà sao người hai nhà vẫn cứ giáp mặt nhau, hay là còn lằng nhằng chi đó?”, “Thằng con trai không biết nghĩ gì mà lại cho con vợ về ở với ba nó. Lỡ cái máu ấy nổi lên…”.
Yến không thấy sợ. Chỉ buồn. Tiểu thư con nhà, vì tình yêu mà trái ý gia đình, lấy chồng nhà quê xa lắc lơ, chồng quanh năm theo tàu viễn dương đã tủi, đã vậy bố mẹ ruột cũng theo vợ chồng anh trai sang trời Tây biền biệt. Yến đã kính trọng, vị nể ba chồng biết bao nhiêu. Một người thương con dâu, chỉ ăn sáng toàn rau trái lại có thể làm chuyện như vậy, cùng cái thời điểm người vợ mà ông hết mực thương yêu cũng đang mang bầu. Chị Kim nữa, người sắc sảo, khôn ngoan là vậy mà sao vướng mắc chuyện trời ơi, lỡ dở cả một đời con gái. Nhưng còn em chồng, còn thằng bé của chị. Yến thấy xót xa quá. Biết Yến về quê với ba chồng, ba ruột Yến gọi điện trấn an con gái bằng khẳng định chắc nịch: “Người làm vườn chân chính, cho sinh linh cây, rau ra búp, ra nụ, ra hoa quả, không bao giờ dám làm điều gì ác tâm, khuất tất, con hãy tin như thế”. Lỗi do ai còn suy xét làm gì khi đứa trẻ đã ra đời. Phụ nữ mang bầu dễ mủi lòng, dễ nảy sinh tình thương hại. Yến tưởng mình đã trưởng thành khi sắp làm mẹ trẻ con nhưng tình huống này thực sự nan giải.
Sáng hôm đó, ngủ dậy Yến ngạc nhiên thấy ba chồng không ra vườn làm lụng như mọi ngày. Ông ngồi ở bàn nước, trịnh trọng, nghiêm ngắn như đi hỏi vợ làm Yến đâm sợ, dợm ngồi xuống ghế rào trước: “Ba ngủ được không ạ? Hôm nay ba có việc đi đâu hay sao mà…”. “Ba, có chuyện này. Ba nghĩ rồi… Con thu xếp đồ đạc rồi ba đưa con về trển. Ba cũng dạm hỏi người giúp việc bên làng rồi. Mai mốt họ lên ở, lo cho con lúc sinh nở”. Yến nghẹn lời, không thốt nên câu hỏi mấp máy đầu môi. “Đàn ông không rành chuyện chăm nom thai phụ. Con cần nhất là sự thoải mái, mà ở đây hình như không có”, đôi mắt ba chồng nhìn Yến như người có lỗi. Yến vọt miệng: “Con sẽ đi, nếu điều đó thực sự giúp ba thoải mái…”. Nói vậy nhưng khi nhìn cái dáng đi cúi đầu mọi ngày, nay như chúi về phía trước khi ôm thùng củ quả ra xe đang chờ trước cổng, Yến muốn rút lại lời vừa nói ra.
Có lẽ kìm nén đã lâu, Yến vừa sinh con, đang ở cữ, chồng Yến lên bờ, bước chân về nhà đã nặng nhè cằn nhằn vợ ăn ở ra sao để ba chồng phật ý tới mức rước trả về phố. Yến không biết giải thích ra sao. Mấy hôm sau ba chồng với em chồng lên. Thằng bé rình lúc không ai để ý, cạy đốm cứt trâu trên đầu em bé làm nó khóc toáng lên. Bị ba đập vào tay, nó gào toáng lên: “Tại nó giống hệt đứa con hoang”. “Bốp”, ba chồng tát mạnh tưởng văng hàm thằng bé. “Ba ác lắm, mẹ thằng con hoang bảo em mang hoa lên cho chị còn bị ba quật nát bươm”, nó vẫn không thôi phân trần. “Thằng con hoang nào?”, chồng Yến nói kèn kẹt qua kẽ răng. “Em đã bảo nó giống hệt anh, ba còn bịt miệng dọa em còn nói nữa là ăn đòn”. Yến nhìn ba chồng đang đứng thở dốc như làm vườn quá sức, nhìn chồng, nhìn em chồng, chân tay bải hoải. Thằng bé không giống ba chồng Yến mà giống thằng con chị Kim quá thể, nhưng chồng Yến còn giống hơn, giống hệt, như đúc ra từ một khuôn. Ba Yến đã nói rồi mà, người làm vườn chân chính, cho sinh linh cây, rau ra búp, ra nụ, ra hoa quả không bao giờ dám làm điều gì khuất tất. Suốt đời ông có đi đâu xa ngoài mấy luống, giàn rau, đậu. Đâu phải như những ai lênh đênh trên sóng nước mà nói chuyện đổi thay, tình phụ…
Truyện ngắn của Mộc Anh (Thanh niên)