Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin đươc giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đoàn Thị Diễm Thuyên.
Gồm các truyện sau:
2. Người đàn bà đáng ghét
3. Tình như chiếc gương trong
4. Người đàn bà lạc trí
5. Ví dụ ta hôn nhau
Tác giả Đoàn Thị Diễm Thuyên sinh năm 1980, quê quán Giồng Trôm, Bến Tre.
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre từ năm 1999; Hội viên Hội Nhà văn TPHCM năm 2019.
Diễm Thuyên bắt đầu viết văn và làm thơ từ năm 1997. Tốt nghiệp ngành Báo chí Phát thanh Truyền hình, sau đó làm Biên tập viên cho các công ty quảng cáo tại Tp. HCM, tham gia sản xuất các chương trình truyền hình cho các đài và các sự kiện quảng cáo, truyền thông cho các công ty, doanh nghiệp cho đến 2005. Từ 2006-2010: làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội, sau đó Diễm Thuyên cùng gia đình trở về Tp.HCM sinh sống, làm công việc văn phòng và làm cộng tác viên ngành biên kịch.
Từ 1997-2007: Diễm Thuyên có thơ, truyện ngắn đăng trên báo Đồng Khởi, Tạp chí Văn nghệ Bến Tre, Báo Vì Trẻ Em Bến Tre, báo Áo Trắng, Tuổi Ngọc, Báo Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn nghệ Tp.HCM… Năm 2007 tham gia in chung tuyển tập “Bốn cây bút nữ tuyển truyện” liên kết bởi Nhà xuất bản Văn học (Hà Nội), Công ty Truyền thông Hà Thế và Tủ sách Việt Văn Mới (Pháp). Nhà văn Võ Thị Xuân Hà là người biên tập cuốn tuyển truyện này.
Ngưng viết vì lý do riêng. Đến năm 2012 Diễm Thuyên mới sáng tác trở lại, có thơ và truyện ngắn đăng trên nhiều báo, tạp chí và các trang web văn học trong nước như.
Trở lại sau gần 10 năm gián đoạn, Diễm Thuyên viết ngày càng nhiều hơn, chị tích cực tham gia vào các cuộc thi, các trại sáng tác và cũng được nhận một số giải thưởng: Giải 3 Cuộc thi Thơ Lục bát 2019 do Tập san Áo Trắng và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, Giải 3 Cuộc thi Thơ và Tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng” năm 2021 của Báo Người Lao Động, Giải 4 Cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” năm 2021 Hội Nhà văn TP HCM, Giải 3 Cuộc thi Thơ dành cho phụ nữ trên Tạp chí Lang Bian lần III – 2022.
Đoàn Thị Diễm Thuyên đã xuất bản các tập thơ: “Để con về nhà hỏi má” (2017), “Trời mưa cho ướt” (2018) và nhiều tác phẩm văn, thơ in chung khác.
Sở trường sáng tác của Diễm Thuyên là thơ, nhưng chị cũng rất thích viết truyện dù gia tài truyện ngắn hiện tại của Diễm Thuyên không nhiều.
Tâm sự của nhà văn: Văn chương chính là nơi tuyệt vời nhất để trải lòng, giải tỏa những điều chất chứa ẩn sâu bên trong tâm hồn mình, và là nơi vô cùng thú vị để mặc sức chơi đùa, sáng tạo với con chữ.
Trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với vốn sống và chất liệu thu được khá nhiều, Diễm Thuyên ước mong sau này có nhiều thời gian hơn để dành cho việc sáng tác – ngoài thơ, sẽ viết thêm nhiều truyện, tiểu thuyết và cả kịch bản phim truyện.
Truyện ngắn
Tình như chiếc gương trong
Tôi bảo em trong trẻo quá.
– Nếu vậy thì thầy đừng làm cho em vẩn đục, dù chỉ là một hạt bụi!
Em nói và cười rất vô tư, sự vô tư như vết cắt của lưỡi dao lam, cắt rất nhẹ nhàng nhưng máu chảy rất tươi. Đúng là tôi không muốn làm vẩn đục sự trong trẻo ấy, mà muốn hòa tan vào nó, nhưng em bảo là đã muộn rồi. Thế nào là muộn? Tôi gặp em muộn hay tôi tìm thấy điều mình cần quá muộn
Em bảo tôi là người đàn ông khá lý tưởng – Tôi lịch lãm, trí thức, thành đạt và có đạo đức… nhưng giá như bây giờ tôi chỉ mới ba mươi tuổi và chưa có người vợ người con nào, trong khi em vừa ngoài đôi mươi.
– Nhưng em ác lắm, em trong trẻo nhưng không khờ khạo. Em khiến cho tôi phải yêu mến em rồi bỏ mặc tôi thế này, tôi biết phải làm sao?
– Em cũng không biết phải làm sao, vì em quá yêu bản thân mình. Thầy đã có rất nhiều thứ, còn em bây giờ chỉ có tuổi trẻ, em cần tìm những gì thuộc về tuổi trẻ của mình.
Tôi và em như hai người đối diện với nhau qua một chiếc gương trong , nhìn thấy nhau đó, cười với nhau đó, hiểu lòng nhau đó mà không sao chạm khẽ vào nhau được. Khi tôi vẫy tay chào gọi, em lại quay mặt đi. Khi tôi nản lòng quay bước, thì em lại cất tiếng cười giòn giã sau lưng…
Ngày tháng trôi qua thật nhanh, mới đó mà đã ba năm em và tôi quen biết nhau. Ngày ấy, em là cô học trò tinh nghịch của lớp báo chí chỉ vọn vẹn năm mươi người, nhưng có đến bốn mươi là học trò nữ. Bốn mươi cô học trò như bốn mươi ngòi pháo, sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào nếu sự sơ hở của tôi tạo nên tia lửa. Riêng em không phải là một viên pháo mà là cả một dây pháo, thật kinh khủng! Tôi còn nhớ như in cái ngày em ngang nhiên đưa tên tôi vào buổi thực tập chương trình phát thanh trực tiếp, rồi còn dẫn dắt bài thực tập của em bằng bốn câu ca dao tài tình thế này: “Cười nụ hay là cười tình, cười trăng cười gió hay mình cười ta. Cười nụ hay là cười hoa, cười trăng cười gió hay ta cười mình”. Giọng đọc của em phát đi trên sóng phát thanh trong vòng bán kính năm mươi mét, trong trẻo, dịu ngọt và đầy ma lực. Bỗng nhiên mà một ông thầy tuổi ngoại tứ tuần như tôi lại đỏ mặt, sượng sùng. Tôi “nhớ” em từ dạo ấy. Và em, cũng gần gũi thân thiện với tôi hơn trong mỗi buổi học. Tôi có lần loáng thoáng nghe các bạn của em ghen tỵ tôi với em. Cũng phải, bởi tôi là một ông thầy đẹp trai và nói chuyện có duyên như nhiều người nhận xét. Vậy mà có hôm tôi biết được thêm một sự thật không phải thế. Trong một buổi học phỏng vấn, tôi ngẫu hứng tìm hiểu xem các học trò nhận xét gì về mình.
Mấy học trò nam thì bảo:
– Thầy đẹp trai hơn bọn em!
Mấy chục cô học trò nữ nhao nhao:
– Công nhận thầy đẹp trai thiệt…
– Có hơi lớn tuổi một chút, nhưng dù sao cũng đẹp trai hơn mấy cu lớp mình.
– Thầy ăn nói khôn khéo quá
– Thầy có đôi mắt nâu đa tình
– Thầy cũng thật giỏi…
Tôi choáng ngợp trước mấy chục lời khen, và đang cười hả hê thì nhận ngay một gáo nước lạnh.
– Nhưng thầy nói nhiều quá!
Trời ơi, đó là lời nhận xét của cô học trò mà hàng ngày tôi vẫn nhớ đến, nâng niu như một nụ hoa nhỏ đấy sao. Có hơi bất ngờ, nhưng tôi vẫn cố giữ cho cái miệng mình ở tư thế cười dang dở, chống chế bằng một câu hỏi với cả lớp:
– Các bạn có thấy thầy nói nhiều thật không?
– Hình như là vậy…
Thế đấy, cũng mấy mươi cô gái lúc nãy ca tụng tôi, bây giờ lại bảo là tôi nói nhiều.
– Nhưng thầy nói có vô duyên không?
– Không… thầy nói nhiều, đẹp trai, dễ thương…
Các cô nói xong rồi cười khúc khích, hí hí… hình như không còn nhớ rằng tôi đủ tuổi và tư cách để làm cha làm chú của họ. Giận, nhưng tôi phải thành thật nói rằng tôi yêu cái lớp học này lắm, các em nghịch ngợm nhưng rất hồn nhiên, học cho ra học chứ không toan tính cả một quãng đời phía trước giống như một số sinh viên khác đã làm, bằng cách tiếp cận các giáo sư, các nhà báo nổi tiếng và khôn khéo để làm vui lòng họ. Tôi cũng thành thật nói rằng không phải lúc nào những sinh viên như thế cũng gặp may, không phải ông giáo sư, nhà báo nào cũng chân thành, không vụ lợi. Tiến thân bằng chính sức lực của mình mới đáng quý. Tiến thân bằng cách a dua, mua chuộc cảm tình thì có lúc phải trả giá đắt. Vấn đề tế nhị của các sinh viên nữ là điều khiến tôi luôn áy náy và day dứt. Tôi đã từng trải qua thời tuổi trẻ như các em, nên tôi hiểu… Hoặc ít ra cuộc sống của tôi bây giờ cũng vướng mắc những buồn phiền do một vài sự chọn lựa nông nôổi của thời tuổi trẻ.
Tôi và em thì khác. Thứ cảm tình mà tôi dành cho em là thứ cảm tình không vụ lợi. Em bảo em có thể đứng đằng xa để ngưỡng mộ và yêu mến tôi mà không bao giờ tiến lại gần, nếu tôi đến gần, em sẽ như loài hoa mắc cỡ, nhanh chóng xếp lá lại và tua tủa những gai, mặc dù vẫn khoe những đóa hoa xinh tươi quyến rũ.
Rồi cũng đến lúc em ra trường và bắt đầu trưởng thành. Ngày chia tay cuối cùng của lớp em, tôi cũng có mặt. Tiệc chia tay diễn ra trong khung cảnh thật lãng mạn ở một công viên lớn của thành phố. Các em cùng nhau ăn uống, vui chơi, hát hò, chụp ảnh và cùng… khóc. Tôi chưa từng thấy một lớp học nào kỳ lạ như thế, cả gái cả trai đều khóc làm cho tôi nhìn mà thấy vô cùng chạnh lòng. Em cũng không ngoại lệ, nhưng vừa khóc vừa cười. Thầy trò tôi cùng ngồi dưới một gốc cây trò chuyện.
– Mai mốt thầy không còn được gặp các cô học trò nghịch ngợm nữa, chắc là buồn lắm đây! -Tôi nói bâng quơ.
– Nếu thầy muốn gặp, cứ đưa tay dìu dắt bọn em là được rồi. Đằng nào thì bây giờ tụi em vẫn chưa có việc làm.
– Nhưng sức của thầy chỉ đủ để dìu dắt một người thôi.
– Vậy thì thầy dắt em đi.
– Em nặng lắm, thầy sợ mình dắt không nổi.
– Thầy cứ thử đi.
– Thôi được, thầy sẽ cố xem sao, nếu dắt không xong, thầy sẽ buông đấy nhé.
Nói là nói vậy, nhưng tôi vẫn muốn được giúp đỡ tất cả các em nếu các em cần, tất nhiên là trong khả năng của tôi. Đơn giản vì tôi chính là một ông thầy, và vì các em đã dành cho tôi những tình cảm chân thành, hồn nhiên quá. Còn với em, tôi chỉ chờ em gọi một tiếng “Thầy ơi” rồi đưa bàn tay em ra, tôi sẽ dắt em đi ngay lập tức.
– Thầy ơi!
Đúng là tiếng em gọi, đúng là bàn tay em đang hướng về tôi, nhưng hoàn toàn không phải như tôi nghĩ.
– Bắt tay thầy một cái nhé!
Vậy là thầy trò chúng tôi chia tay nhau. Tôi đã giữ tay em thật lâu. Tôi đã nhìn vào gương mặt em thật lâu, nơi cái miệng đang cười rất tươi mà đôi mắt thì buồn rười rượi. Tôi hiểu đôi mắt ấy không phải buồn vì xa tôi, mà nặng trĩu âu lo cho đường đời phía trước.
Đúng là ông trời đã cột một sợi dây vô hình giữa tôi và em. Tôi cũng có cơ hội để giúp em hoàn thành những bài viết đầu tiên sau ngày em ra trường. May cho tôi, em là một cô học trò tinh nghịch, nhưng lại vô cùng nghiêm túc khi làm việc, và khi em đã làm thì không thể chê được. Tôi đã đưa tay dắt em đi, tôi chỉ cho em cách đi nhưng tôi bắt em phải ý thức và chịu trách nhiệm về mỗi bước đi của mình. Lúc đầu thì em hãy còn ngỡ ngàng, vụng về nhưng rồi em em cũng bước đi rất vững chảy. Thế nên không chỉ yêu quý, em còn làm cho tôi thấy tự hào. Nơi chúng tôi gặp gỡ, trao đổi là những quán cà phê sân vườn yên tĩnh và trong sáng, có thể nhìn thấy ánh nắng, nghe được tiếng chim hót và ngắm màu đỏ tươi của những giàn hoa giấy, màu “tim vỡ” của hoa tigôn…
Rồi có hôm tôi cũng thấy em khóc, khóc thật… Nếu em khóc nức nở, thì có lẽ em đã mượn bờ vai của tôi rồi, nhưng em lại khóc nghẹn ngào, nước mắt cứ chảy dài làm mềm yếu trái tim đàn ông…
– Nghèo thì chán quá thầy nhỉ!
Nghe vậy thì đủ hiểu em khóc vì chuyện gì. Người ta có thể khóc vì nghèo, và người ta lại phải khóc nhiều từ những bất hạnh do cái nghèo gây ra.
– Em chán đi xe đạp rồi à?
Tôi cười để thổi đi hai dòng nước mắt của em, như vậy tốt hơn là tìm cách vỗ về chỉ chuốc thêm rắc rối, đó là kinh nghiệm!
– Đúng là em chán rồi, khi em đạp chiếc xe đạp cọc cạch ấy đi viết một bài báo, thì những người khác đã viết xong bốn bài.
– Nhưng sau này, em sẽ nhận được nhiều hơn giá trị của một bài báo, nên em bi quan làm gì!
– Ước gì em xinh xắn hơn!
– Phụ nữ khôn và đẹp sẽ dễ biến thành yêu tinh đó em.
– Nhưng nếu có tâm hồn trong sáng thì sẽ là thiên thần!
– Vậy ra em muốn làm thiên thần…
Có lẽ vì thương em phải vật lộn với chiếc xe đạp cũ kĩ, nên từ đó tôi thay em nhận số tiền nhuận bút và mang đến tận nhà trọ cho em. “Thương” là một biểu hiện của tình cảm, nó như cái mầm xanh, càng chăm chút nhiều thì càng tươi tốt, người ta không dễ dàng gì mà làm hư hại hay đánh mất. Tôi trân trọng tình thương mà tôi dành cho em, nên tôi hoà tan vào nó lúc nào không hay, em hiện diện hàng ngày trong tôi như một thói quen, vừa đáng yêu vừa đáng sợ.
Người ta bảo “hai người đàn bà cộng một con vịt bằng một cái chợ”, riêng tôi nghĩ “một người đàn ông cộng với chai rượu thì chuyện không thể thành có thể”. Hơi men đã dẫn tôi đến nhà trọ của em vào một chiều mưa tầm tã khi em đang ngồi trò chuyện vô tư với mấy cô bạn ở cùng.
– Tụi mình hết gạo ăn rồi hả?
– Ừ, hết rồi. Nói chung là cái gì cũng hết…
– Mày nhận nhuận bút báo chưa?
– Chưa… Thầy ơi em chờ thầy như chim non chờ mẹ mớm mồi!
– Ha ha… thầy tới rồi kìa!
Một người đàn ông với chiếc áo mưa màu nâu sẫm đang lấp ló bên khung cửa sổ, phì cười nhìn cô học trò. Em hớn hở ra mở cửa phòng. Ánh mắt tha thiết của tôi làm em bối rối. Lạy trời, chưa bao giờ tôi dám nhìn em như thế! Em khéo léo hỏi tôi:
– Vì thầy mới uống rượu nên trời mưa mà thầy vẫn đến?
– Chẳng phải các em đang mong thầy đến sao?! Em đi uống với thầy một ly cà phê nhé.
Làm sao em nỡ từ chối lời mời của một ông thầy đang đứng dưới trời mưa, tôi làm sao biết được cơn mưa đó chính là cơn mưa định mệnh cho mối quan hệ của tôi và em, mối quan hệ vừa đáng yêu vừa đáng sợ. Chúng tôi bước vào quán, chắc chắn chín mươi phần trăm người ta sẽ nghĩ chúng tôi là đôi tình nhân… Em ngồi lặng lẽ bên những tờ báo và phong bì đựng tiền nhuận bút. Với sự giúp đỡ của hơi men, tôi bắt đầu nói những lời yêu thương có cánh, nói về nơi chỉ có tôi và em. Tôi bay bổng trong ước mơ dành cho em.
– Có thể là em rất yêu quý thầy, nhưng để chấp nhận tình cảm này thì em không thể. Khi em ở bên thầy, em sẽ nghĩ đến vợ và con thầy, và đó là một cảm giác tội lỗi!
Tôi tưởng chừng ngoài trời đang có giông bão, lòng tôi se thắt, tôi đột nhiên trở lại là tôi trước chính con người em, tâm hồn em. Tôi hiểu em không yêu tôi như tôi yêu em!
Từ hôm ấy, em vùng chạy khỏi tay tôi, em đã không cần tôi dắt đi nữa. Em thay đổi chỗ ở và tránh gặp tôi một thời gian dài. Em vẫn làm việc của mình, em vẫn sống vui vẻ và không đói kém khi thiếu tôi. Tôi vụng về từng nghĩ em còn trẻ và nông nỗi, tôi sợ em sẽ té ngã và nhiều mất mát trên đường mưu sinh như vô số những thanh niên tỉnh lẻ. Thỉnh thoảng em vẫn gọi điện thoại thăm hỏi thầy với cách nói chuyện hồn nhiên và tinh nghịch.
Ngày tôi gặp lại em, em đã chững chạc hơn nhiều, có công việc ổn định gần với nghề em học, còn kiểu ăn nói và nét mặt thì không hề thay đổi .
– Thầy vẫn đẹp trai quá, mấy cô học trò nữ sau này chắc là thương thầy lắm!
– Nhưng không có ai để thầy thương!
– Nếu thầy lỡ thương ai thì cứ thương cho trót.
– Thương một mình à?
– Em cũng thương thầy, thương là thương vậy thôi, thương đến suốt đời…
Rồi em bảo tôi hãy yêu em như vậy. Em nói tình cảm quý mến em dành cho tôi như chiếc gương, trong sáng nhưng mong manh dễ vỡ, chỉ để soi, để nhìn chớ không nên chạm vào, càng không nên làm rạn nứt, mảnh vỡ sẽ làm cả hai tóe máu…
Tôi hứa tôi vẫn thương em, thương đến suốt đời…
Nhưng buồn không, bây giờ em đã lấy chồng!
Hà Nội, 6.2006
Đ.D.T