5h10 phút! Loa của doanh trại bộ đội lại báo thức. Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ ấy, bố lại đánh thức chúng tôi dậy.

Bố tôi, năm nay 60 tuổi, nhưng ông đã có hơn 40 năm gắn bó với quân đội. Cuộc sống trong quân ngũ như ngấm vào máu thịt ông. Ông đã biến gia đình tôi trở thành một doanh trại quân đội thu nhỏ. Chúng tôi được ông đào tạo theo một cách rất đặc biệt.

Như được lập trình sẵn, chúng tôi bắt đầu các công việc trong ngày theo thời gian biểu của bố. Riêng với tôi, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt vì tôi là chị cả, và cũng vì tôi thường xuyên “chống lệnh”. Mỗi khi tôi làm sai điều gì, ông im lặng đến đứng cạnh tôi, cho đến khi tôi giật bắn mình. Đôi lúc, tôi hét lên: Sao bố cứ bắt chúng con phải thế? Con không muốn! Ông vẫn im lặng và mọi chế độ vẫn tiếp tục được duy trì.

Buổi trưa, khi kết thúc một giờ học, chẳng ai ra đón, chúng tôi cứ thơ thẩn đi bộ về nhà. Chúng tôi hiểu đó là cách để rèn luyện sức khỏe và rèn luyện tính tự lâp. Mẹ thường về muộn, thế là, chúng tôi phải tự nấu nướng.

Có hôm, cơm bị sống. Bố phê bình vì tôi là chị cả. Tôi chui vào nhà vệ sinh ngồi khóc. Tôi lấy giấy viết ra những điều không vừa lòng về bố, rồi vò nát. Tôi cứ ngồi đó hy vọng sẽ có ai đi tìm và an ủi, nhưng chẳng ai quan tâm vì mọi người vẫn đang bận thực hiện các chế độ.

Buổi chiều, bố dạy chúng tôi tăng gia sản xuất, ông dặn: Bộ đội dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tăng gia sản xuất để rèn luyện sức khỏe và cải thiện bữa ăn. Đó là nhiệm vụ nhưng cũng là niềm vui.

Chẳng có gì vui khi chế độ ngày giờ quá khắt khe, thời gian tụ tập cùng chúng bạn bị lấy hết. Chúng tôi ra sức tìm cách lý giải nguyên nhân của sự khắt khe, nhưng có quá nhiều lí do mà ở tuổi đó chúng tôi không thể nào hiểu hết.

9h30 phút tối, chúng tôi phải có mặt trên giường. Bố luôn hỏi: Cả đâu? Ba đâu? Út đâu? Sau ba tiếng có, bố nói được và đi ra ngoài. Chúng tôi yên tâm làm đủ trò trẻ con. Tôi đưa mèo, chó lên giường, còn hai đứa em không thèm rửa chân tay…

Ngày tháng dần biến chị em tôi thành những quân nhân thực sự. Thi thoảng, chúng tôi vẫn nghe hàng xóm bảo:

– Ông ấy hâm nên mới dạy chúng nó như thế!

– Nguyên tắc không phải lối!

– Đúng là bệnh nghề nghiệp!

Chúng tôi bỏ ngoài tai những lời ấy. Đã đến lúc không cần ai nhắc nhở. Tôi tỏ ra vui thích vì bây giờ bố chính là đối tượng bị chúng tôi để mắt, nhất là cái khoản rượu bia. Những lúc ấy, ông chỉ biết cười và nói: Tôi xin nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa!

Chúng tôi lớn lên, sống có kỉ luật và điều độ một cách hồn nhiên như thế.

Rồi cũng đến ngày chúng tôi lập gia đình. Mặc dù rất nghiêm khắc nhưng trong việc này bố cho tôi tự quyết định. Bố bảo, hạnh phúc là của các con nên các con hãy tự quyết định. Sau này sướng khổ thế nào các con phải chịu!

…Tôi quen và lấy một kiến trúc sư. Mới 33 tuổi anh đã là phó giám đốc một công ty xây dựng. Anh không thích cuộc sống có kỉ luật. Anh quen và thích cuộc sống về đêm. Tôi không thể chịu nổi cái cảnh anh cứ nằm chình ình trên giường từ sáng đến chiều. Tàn và giấy vụn vung vãi, nồng nặc khắp phòng ngủ. Anh lại hay tụ tập rượu chè.

Ban đầu mới về ở với nhau tôi vẫn luôn cố thay đổi anh. Tôi nghĩ rằng vì tình yêu người ta có thể làm nhiều việc tốt. Tôi nhầm. Anh tỏ ra không vừa lòng với tôi. Anh bảo tôi sống đơn điệu và đừng bắt anh phải như thế.

Lối sống và cách sống là do mỗi cá nhân tự chọn. Nhưng tôi cảm thấy mình không thể thay đổi khi lối sống ấy đã trở thành cuộc sống của tôi.

Biết tôi không vừa lòng với lối sống của chồng, ngày nghỉ, bố lại gọi điện bảo vợ chồng tôi sang ăn cơm. Ông muốn là chiếc cầu nối để chúng tôi hiểu nhau hơn. Tôi thường xuyên phải lấy lí do chồng bận, nhưng lâu dần tôi thấy ngượng vì cứ phải nói dối bố mẹ, tôi tìm cớ để ít sang hơn. Thấy thế, bố cũng buồn. Bây giờ, bố hay suy nghĩ về việc ngày xưa. Ông hay nói với chúng tôi về sự lựa chọn. Mẹ nói, ông thường dằn vặt, và nếu có thể, ông chỉ muốn là người định hướng để chúng tôi tự giác và chọn cho mình một lối sống lành mạnh.

*

*    *

Hôm nay, rảnh rỗi, tôi tạt qua nhà thăm bố mẹ. Từ xa, tôi đã thấy bố, một đại tá về hưu, đang cặm cụi bên những luống rau. Đôi vai ông đen cháy bởi cái nắng phương Nam. Hai bàn tay dính đầy đất cát và phân tro, ông say sưa bên công trình tăng gia sản xuất của mình.

Bây giờ chẳng còn điều lệnh, điều lệ nào quy định nhưng ông vẫn chọn cho mình cuộc sống của một quân nhân: bình dị, đơn giản và điều độ. Ông nộp hồ sơ xin làm việc ở hội cựu chiến binh xã. Thời gian rảnh, ông chơi mấy ván cờ, trồng thêm vài cây cảnh và nuôi mấy con chim. Thấy tôi qua chơi ông lại dặn:

– Các con nên để một miếng đất trồng rau sạch mà ăn!

Tôi dạ cho bố vui lòng. Từ ngày lấy chồng, tôi đã bỏ thói quen ấy. Chồng tôi cũng không thích trồng trọt, anh bảo sẽ mua xi măng về tráng cho sạch sẽ.

Nhìn bố sống điều độ và thanh thản như vậy, tôi hỏi mẹ, bao nhiêu năm mẹ sống với bố, mẹ có cảm thấy nhàm chán không. Bà biết sẽ có ngày tôi hỏi bà chuyện đó, bà nói: Người lính đẹp là ở tính kỉ luật. Không chỉ công việc, mà là cuộc sống. Khi không còn ở trong quân ngũ thì là kỉ niệm, là niềm vui và cũng là nét riêng, nét đẹp. Vì vậy, mẹ yêu và tôn trọng cuộc sống của bố.

Tôi thấy mẹ nói đúng. Tôi vẫn sống như một người lính, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến điều này. Tôi nghĩ về cuộc sống lệch pha của vợ chồng tôi. Đã bao lần, tôi cố gắng để thay đổi anh, để cho anh giống tôi, để cho gia đình này hòa hợp. Có lẽ tôi phải suy nghĩ lại… Tôi không cố để thay đổi anh nữa. Tôi cố gắng để sống tốt hơn. Tôi tin rồi sẽ có ngày anh hiểu vợ, cũng như hiểu cuộc sống của những con người trong quân ngũ.

Tôi quyết định xới đám đất nhỏ trước hiên nhà lên, trồng vài luống rau xanh. Ở đó, ngày ngày, giống như bố, tôi sẽ ươm lên những cây rau sạch bằng chính sự tận tâm và tình yêu thương của mình

 

Phạm Huyền Trâm

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version