Vì sự mưu sinh của con cái gần chục năm nay Vũ Lập sang sinh sống cùng con cháu tại CHLB Đức, vừa phụ giúp các con kinh doanh, vừa sáng tác anh viết khỏe lại có điều kiện đi nhiều nước châu Âu tìm hiểu nền văn minh đã có mấy trăm năm năm nay để học hỏi tích lũy… sáng tạo. Sau những chuyến đi dài ngày hành trang về nước của anh là những tập bản thảo dầy cộp những thơ. Từ năm 2004 đến 2013 anh ra mắt bạn đọc 6 tập thơ ngót 1000 bài phong phú về nội dung thể loại đa dạng về đề tài, tập nào cũng có hàng chục bài về tuyết về châu Âu. Một phần trái tim Vũ Lập đã neo đậu ở xứ tuyết chăng­? Nên 6 tập thơ có tới 3 tập gần đây có tựa đề Tuyết (Tuyết bỏng 2010, Tứ tuyệt xứ tuyết 2012 và năm nay Tình người xứ tuyết 2013).

Xứ tuyết có có cái gì đó hấp dẫn anh quyến rũ chắp cánh cho hồn thơ anh. Là người đa cảm nhìn tuyết với bao cảm xúc khác lạ, khi vui “Dập dìu bông tuyết rủ nhau bay/ Long lanh hạt ngọc đậu cành cây” lúc buồn “Trắng trời trắng đất trắng sông/ Một gam mầu lạnh nhìn không thấy người/ Nhạc răng đợi khách v.v …”. Tuyết như một tác nhân làm rung lên cảm xúc những âm thanh trầm bổng khi sâu lắng khi ngậm ngùi…

Bằng lối so sánh và liên tưởng (Hai đầu tháng Giêng, Hai phương tháng Ba) tình người xa xứ đã hòa nhập nhưng không hòa tan, không tự ty, hình ảnh quê hương đã khắc sâu trong tâm hồn biểu đạt bằng thể lục bát truyền thống:

“Nắng non tìm gặp tháng Giêng

Mắt ai lúng liếng ngả nghiêng mái đình

Ai ngồi đan áo một mình

Mong cho cái rét vô tình bay sang

Câu thơ nhuần nhụy kết tinh ở tu từ “nắng non” vừa chuẩn vừa sáng tạo để chỉ cái nắng yếu ớt mới thức dậy sau mùa đông còn yếu ớt như mầm nắng vậy. Thủ pháp tu từ học này anh dùng trong nhiều bài khác nữa. Bài Bỗng dưng có câu “Lửng lơ mây bạc vô tình/ Sóng cứ xô mãi tan tành hoàng hôn”.


Nhà thơ Lê Đạt nói rất đúng “Chữ bầu nên nhà thơ” là ở chỗ này: nắng non, tan tành hoàng hôn, hoặc: “Trăng tròn chẳng thấy người đâu/ Sầu chất thành núi vác sầu lệch vai”. Câu thơ có hình tượng gây ấn tượng nhờ cặp đối xứng “Sầu chất thành núi – vác sầu lêch vai”.Cái sầu vô hình – rất trìu tượng đó đã được cụ thể hóa bằng khối lượng, trọng lượng: núi và vác, nỗi sầu được cụ thể hóa như vậy thì còn gì hơn?

Những bài thơ về tình yêu theo phong cách hiện đại làm ta ngạc nhiên(Hôm qua em chát với anh, Cà phê quán gió, Khiêu vũ cùng em) có bài ta sửng sốt bởi cách diễn tả nét đẹp của phụ nữ (Thì thầm lưng ong). Đúng là thơ không có tuổi người làm thơ không tuổi.

Những cảm xúc vui buồn suy nghĩ trăn trở trước cảnh người xứ tuyết trong thơ Vũ Lập có những câu hay bài hay. Đối với quê hương xứ nhãn nơi đã sinh ra anh, anh dành những bài thơ câu thơ sáng giá không kém “Anh đất bãi Tiên Dung – Chàng Chử/ Cát phù sa người thấm đẫm phù sa!”. Hoặc “Mắt đen lúng liếng nghiêng cây/ Em cười như thế vơi đầy sang tôi”. Thơ bẩy chữ có những bài khá nhuyễn vừa mang tính cổ kính vưa có phong cách hiện đại(Tình xuân, Tha phương lỡ hẹn, Xem thư pháp).

Thâm nhập và tìm hiểu cuộc sống của người Viêt xa xứ anh có những bài ấn tượng như Trời Tây một khúc du ca đã khái quát cuộc sống của cả hàng chục ngàn người đi Hợp tác lao động, anh đau nỗi đau của những phận người, cái giá phải trả cho hạnh phúc quá đắt “Đi gom mảnh vỡ gia đình/ Đầy vơi băng giá những hình con tim”, hoặc “Gửi niềm tin vào những sổ đỏ chẳng có tên mình” để rồi mất cả tình ruột thịt!

Vũ Lập được học hành bài bản, cuộc đời bươn trải, đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, công tác ở nhiều lĩnh vực, có chiến công thời đánh Mỹ, anh sinh ra ở châu thổ sông Hồng, trưởng thành ở đất Kinh Bắc chất ca dao dân ca thấm trong máu thịt anh, nhiều câu thơ lục bát mượt mà mềm mại như cánh cò bay trên bãi ngô đồng lúa, như dải lụa tà áo tứ thân “Hạt cơm còm cõng sắn khoai/ Lung linh hoài bão ban mai nắng hồng/ Một thời sương gió vun trồng/ Tình dầy tiền mỏng mình trông rõ mình”. Cấu trúc câu thơ chặt chẽ, đảo ngữ một cách chọn lọc, hợp lý chứng tỏ người viết có nghề có công tìm hiểu thi pháp. Ta còn gặp nhiều câu hay như thế trong tập Tình người xứ tuyết.

Anh viết nhiều và nhanh nên có đôi bài dài mang tính thời sự nên khái quát chắt lọc chưa cao, giữa cảm xúc và tư duy nghệ thuật chưa thật chín.

Tôi tâm đắc bài Xem tranh thư pháp. Chữ nghĩa trong phạm trù “ông đồ” trong đó có tôi và anh cùng làm thơ thổi hồn vào chữ nghĩa văn chương như ông đồ ngồi viết thư pháp đầu xuân trong thơ anh viết “Để bâng khuâng giữa thực và mơ/ Kìa nét thoảng bay như lời gió/ Thì thầm đánh bạn với trời mây”.

Đọc Tình người xứ tuyết thấy người xứ tuyết với anh, anh với người xứ tuyết đối lưu sâu tình nặng nghiã và càng thấy anh am hiểu đất nước con người xứ sở này cùng với cuộc sống của những người tha hương nơi xứ tuyết.

Xin chúc mừng thành công mới của anh với đứa con tinh thần thứ 6: Tình người xứ tuyết.
Nguồn: tapchinhavan.vn