Thu Bồn có nét hoang dã Tây Nguyên, to cao, lực lưỡng, rất hấp dẫn phái nữ. Tính hào phóng, bốc giời như Thúc Sinh, chăm sóc người mình yêu từ A đến Z nên cô nào đã dính vào anh thì không thể rời ra nổi. Tôi quen Thu Bồn từ năm 1972, và về làm quân của anh đầu năm 1974, khi đó anh đã có hai con nhưng ly thân với vợ, cháu lớn tên là Hùng sống với anh ở khu văn công Mai Dịch.
Có mấy cô sinh viên đại học Sư phạm thỉnh thoảng sang chỗ chúng tôi chơi, biết Thu Bồn ly thân vợ, một cô tâm sự: “Em thấy anh chị đã có hai cháu mà ly thân, thương hai cháu quá”. Không ngờ Thu Bồn có một câu trả lời chẳng giống ai: “Dân tộc ta có truyền thống ly dị. Lạc Long Quân với Âu Cơ có đến một trăm con mà còn bỏ nhau, kẻ lên rừng, người xuống biển, chứ mình mới có hai con thấm tháp gì!”. Mấy cô sinh viên chỉ biết cười khen cái tài ngụy biện của nhà thơ.
Dạo đó chúng tôi là quân số của tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thu Bồn được phân công làm tổ trưởng phụ trách ba tổ viên là Nguyễn Đức Mậu, Gia Dũng và tôi. Hôm họp tổ đầu tiên, anh nói:
– Tao được ông Cao (Vũ Cao) giao làm tổ trưởng phụ trách chúng mày. Tao tuyên bố: đứa nào viết gì thì cứ viết, yêu đương bồ bịch thế nào thì tuỳ, nhưng phải tự chịu trách nhiệm lấy, tự lo lấy, đừng làm phiền cơ quan. Hết. Giải tán.
Thời kỳ đó Thu Bồn đang yêu một nhà văn biệt danh là cô giáo Hà. Cháu Hùng tuy mới tám tuổi nhưng luôn tỏ thái độ phản đối kịch liệt, nhiều lần nhà thơ thuyết phục nhưng cháu vẫn khư khư bảo vệ “lập trường” của mình. Có lần, sau buổi liên hoan lòng lợn bia hơi, Thu Bồn dở say dở tỉnh nằm trên giường vuốt ve tình cảm con trai. Sau đây là đoạn đối thoại của hai bố con:
– Hùng!
– Dạ!
– Mày cứ muốn cho ba cô đơn thế này mãi hay sao?
– Về với má!
– Má mày bỏ tao rồi!
– Ba bỏ!
– Ba cưới cô giáo Hà nhé.
– Đặt mìn!
Không biết vì bia đã ngấm say hay suy nghĩ về chuyện khủng bố của con trai mà tác giả Bài ca chim Chơ rao không hỏi thêm câu nào nữa. Cô giáo Hà không vì thế mà xa Thu Bồn, mỗi tuần vài lần vẫn dắt chiếc xe đạp Đi-a-măng theo bờ ruộng đến thăm nhà thơ vào những khi biết chắc là cháu Hùng đi học hoặc về Thái Bình thăm mẹ.
Sau ngày nước nhà thống nhất, chúng tôi chuyển về ở số bốn Lý Nam Đế, mỗi người một phòng nhỏ thuộc dãy nhà cấp bốn phía sau ngôi nhà chính, phòng tôi cách phòng Thu Bồn chừng vài chục mét. Chuyện tình của Thu Bồn với cô giáo Hà còn kéo dài thêm mấy năm, nhưng hình như nhà thơ không còn mặn mà với nữ văn sĩ nữa, vì trước đây ông thường khen tiểu thuyết của nữ văn sĩ, còn lúc này thường ít nhắc đến, có khi còn chê thẳng thừng trước mặt chúng tôi. Thế mới biết khách quan với văn học là khó lắm!
Tết dương lịch mồng một tháng giêng năm 1979, tôi không về với vợ con ở Hải Phòng mà ở lại cơ quan. Buổi sáng đánh bóng bàn, trưa sang nhà bếp ăn cơm tập thể rồi về phòng đóng cửa nghỉ. Khác với chúng tôi, Thu Bồn tự nấu lấy cơm ăn, vì đối với anh, việc nấu nướng có rất nhiều hứng thú.
Buổi trưa cơ quan thật yên tĩnh, khi tôi đang lơ mơ thức ngủ thì nghe tiếng nói cười hết sức trong trẻo của đàn bà. Đó là chuyện lạ, vì dạo đó vào ngày nghỉ không một cán bộ nữ nào ở lại cơ quan, nhất là ngày tết dương lịch. Tôi hé cửa ra nhìn thì thấy một cô gái cực kỳ xinh đẹp, mái tóc bồng, mặt trắng hồng, mũi thẳng, trưng diện lại rất mốt: áo thun đỏ bó sát thân bỏ trong chiếc quần phăng màu trắng sữa hai ly thẳng tắp.
Thú thật, dù sống Hà Nội đã lâu năm, nhưng khi đó tôi phải khẳng định rằng, đây là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi được thấy. Cô ta tên là Đẹp, nghe nói tên khai sinh thì khác, nhưng vì đẹp quá nên người ta dùng luôn chữ đẹp làm tên. Cô từng tốt nghiệp trường múa, một thời gian làm nhân viên đánh máy ở tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nghe nói thời cô ta còn ở tạp chí, khách đến cơ quan nhiều đến nỗi không còn chỗ dựng xe đạp, không phải là cộng tác viên gửi bài, mà là thanh niên khi đi dọc đường Lý Nam Đế thường kiếm cớ dừng lại trước của số bốn hoặc ghé vào để được thấy người đẹp.
Sau một thời gian, cô chuyển sang cơ quan khác nhưng thỉnh thoảng trở lại nơi này, như trưa hôm nay, biết bác Mạn, nhân viên phòng hành chính luôn ăn nghỉ tại cơ quan nên ghé vào thăm.
– Bác Mạn ơi, có gì ăn không, cháu đói sắp chết rồi đây này!
Bác Mạn đẩy cửa sổ thấy Đẹp, trả lời một câu thật tục rồi gọi vào phòng. Chả là lúc ấy Thu Bồn đang ngồi nói chuyện với bác. Lần đầu được thấy Đẹp, Thu Bồn sững sờ một lúc rồi cười rất tươi, vồn vã:
– Nhà tôi đang có một nồi cơm nếp, mời người đẹp và bác Mạn xuống ăn cho vui.
Có điều đáng nói là từ mồng một tháng giêng Thu Bồn và Đẹp bắt đầu yêu nhau, nhưng suốt cả mùa xuân năm đó cô giáo Hà vẫn không hề hay biết, mặc dù có nghe phong thanh, mơ hồ một cái tên Đẹp nào đó có lúc bóng gió chen vào trong câu chuyện của bạn bè. Cho đến một ngày đầu tháng tư, chính xác là ngày 8 tháng 4 năm 1979, buổi tối hôm đó cơ quan mất điện, tôi buông màn thật sớm, nằm suy nghĩ miên man chờ điện sáng, chờ mãi vẫn tối om om, nên thiu thiu ngủ. Chợt nghe một cuộc đối thoại ngay phía ngoài cửa sổ, một giọng nam, một giọng nữ:
– Cứ lên phòng bác Mạn một chốc rồi anh lên.
– Tôi không đi đâu cả, anh đi đâu tôi đi đó.
– Chỉ một lúc thôi mà!
– Một lúc cũng không!
– Sao hôm nay dở chứng thế?
– Không biết ai dở chứng…
Tò mò, tôi đẩy cửa nhìn ra. Mặc dù mất điện nhưng tôi vẫn nhận ra Thu Bồn và cô giáo Hà. Hai tay cô giáo Hà vẫn nắm ghi đông xe đạp, sẵn sàng dắt theo sát nhà thơ. Bỗng nhận ra tôi, Thu Bồn nghĩ ra một kế là đi trở lại cửa phòng mình, lập tức cô giáo Hà dắt xe đi theo. Đợi cho khi Hà đến sát cửa, Thu Bồn liền mở hết tốc độ chạy một mạch từ cửa phòng anh đến cửa phòng tôi. Mà sức chạy Thu Bồn thì toàn quân đã biết: hồi dạy văn hoá ở trường Sĩ quan lục quân, Thu Bồn từng đạt giải ba về thi chạy toàn quân! Bởi vậy, khi Thu Bồn đến bên tôi thì cô giáo Hà với chiếc xe đạp còn xa tít, kịp cho anh nói với tôi:
– Nhờ Vương Trọng ra cổng, bảo Đẹp về tạm nhà ông anh, chốc nữa mình sẽ đến đón!
Vừa nói xong câu đó thì Hà đã đến tận nơi:
– Hai người bàn mưu tính kế gì thì tôi đã biết. Thôi, tôi về để các người…
– Không có gì đâu mà. Nào, vào phòng anh đi!
Thế là Thu Bồn đưa cô giáo Hà về phòng, còn tôi thực thi nhiệm vụ ra cổng cơ quan để truyền đạt thông tin giúp anh. Khi tôi vừa ngang qua cây đại thì điện bỗng bật sáng, và ngay giữa cổng là cô Đẹp, vẫn áo thun đỏ bỏ trong quần ka ki màu sữa thẳng ly. Tôi đến bên nói nhỏ lời dặn của Thu Bồn, không ngờ Đẹp đứng thẳng lên, hai tay chống nạnh, nói thật to:
– Tôi không đi đâu cả. Ai đã đưa tôi về đây thì có trách nhiệm đưa tôi về nhà tôi…
Lúc ấy nhiều người thấy cô gái đẹp to tiếng, tưởng là có chuyện gì cãi vã với tôi nên dừng lại xem, tôi quyết định rủ Đẹp vào phòng bác Mạn để nói chuyện.
Khoảng mười lăm phút sau, Thu Bồn vào phòng bác Mạn, nói rất ngắn:
– Thôi, đi!
Hai người đưa nhau đi khỏi cơ quan, tôi trở về phòng mình chui vào màn tiếp tục đọc sách. Khoảng nửa tiếng sau, nghe tiếng gõ cửa, tôi mở ra thấy cô giáo Hà. Mặc dù tôi chưa kịp mời nhưng cô ta dựng xe, đẩy cửa xách túi đi thẳng vào phòng:
– Anh Trọng ơi, anh nói thật cho tôi biết, có phải anh Thu Bồn đi chơi với con đĩ Đẹp rồi không? Mười năm qua tôi bỏ chồng, bỏ con để yêu anh ấy, chỉ còn thiếu nỗi xẻ thịt mình ra vì anh ấy, thế mà… Đây – Hà mở túi lấy ra chiếc áo đưa cho tôi xem – Đây là chiếc áo của anh ấy, anh ấy mặc bẩn, tôi đem về giặt giũ sạch sẽ, làm mẫu ra hiệu may để đo may cho anh ấy chiếc áo pô-pơ-lin mới, không ngờ anh ấy lại mặc chiếc áo tôi may cho mà đi chơi với con đĩ Đẹp.
Chiếc áo của Thu Bồn mà cô giáo Hà đưa cho tôi là chiếc áo bay của Liên Xô. Dạo ấy áo bay rất quý, cả cơ quan chỉ có một chiếc của Thu Bồn nên rất dễ nhận. Hơn nữa cái áo này có một chuyện riêng. Số là cách đó mấy tháng, có một tên trộm nửa đêm lẻn vào cơ quan lấy quần áo đang phơi trên dây của anh em, Thu Bồn phát hiện ra, hô hoán anh em bắt giải ra đồn công an, khi sắp quay về mới phát hiện ra chiếc áo bay tên trộm đang mặc là của Thu Bồn. Thì ra tên trộm này lấy chiếc áo bay mặc vào người trước khi “thu dọn” những quần áo khác!
Đó là ý nghĩ chợt len vào óc tôi, còn cô giáo Hà vẫn than vãn:
– Sao cuộc đời của tôi khốn khổ thế này. Mười năm qua coi như một khúc mía sâu, tôi phải tìm cách cắt ra khỏi cuộc đời…
Tôi nghĩ thầm: đến nước này mà còn làm văn! Để giấu ý nghĩ của mình, tôi hỏi:
– Tôi tưởng là chị và anh Thu Bồn đi chơi với nhau rồi kia mà?
– Vào phòng một lúc, anh ấy rủ tôi đi. Đi ra đến vườn hoa Hàng Đậu, anh ấy bảo tôi đứng đợi một chốc. Thế mà tôi chờ đến nửa tiếng không thấy quay lại. Chắc chắn là đi với con đĩ Đẹp rồi! Sao đời tôi lại khốn khổ thế này. Mười năm qua…
Không biết điệp khúc “mười năm qua” còn tiếp diễn đến bao giờ nữa, nếu như Thu Bồn không đẩy cửa bước vào và nói một câu thật ngắn:
– Đi!
Thế là tôi được giải thoát. Khi đó đã chừng mười giờ tối, không biết anh chị sẽ đi về đâu, nhưng thấy cô giáo Hà lặng lẽ dắt xe đi theo nhà thơ cao lớn lừng lững.
Thì ra tối hôm ấy Thu Bồn đón Đẹp về chỗ mình chơi, không ngờ cơ quan mất điện, anh bèn rủ cô ta đi chơi nơi khác. Khi ra tới cổng cơ quan, mới sực nhớ quên mang theo bao diêm, anh bảo Đẹp đứng chờ để quay về phòng lấy. Lấy được diêm, vừa đi vừa hát, đang vui vẻ nghĩ về chuyện đi chơi với người đẹp, không ngờ phát hiện ra cô giáo Hà tay cầm ghi đông xe đạp đứng chặn đường. Biết Đẹp đang đứng giữa cổng cơ quan chờ mình, lo chuyện hai tình địch gặp nhau, nên nhờ tôi bảo Đẹp tạm lánh đi nơi khác để cô giáo Hà không thấy.
Mặc dù cô giáo Hà muốn cắt “mười năm qua” như cắt một khúc mía sâu, nhưng sự thật không đơn giản như vậy vì còn yêu nhà thơ lắm. Bởi vậy bao nhiêu tức tối đối với nhà thơ, cô giáo dồn về người đàn bà có tên là Đẹp kia. Thà rằng anh ấy bỏ mình để yêu người nào danh giá thì cho cam. Đằng này bỏ một nhà văn tiếng nổi như cồn để yêu một cô đánh máy vô danh tiểu tốt, thì không căm sao được. Vẫn biết đánh ghen là trò tiểu nhân, dành cho những người vô học, nhưng nhằm hả cơn giận, không thể bỏ qua…
Nghĩ thế, Hà liền rủ một người bạn gái rất thân, đó là nhà thơ Xuân Quỳnh, tìm đến cơ quan của Đẹp để đánh ghen. Nhà văn và nhà thơ đứng bên bờ rào nhìn vào phục kích. Một lúc sau, Hà nói nhỏ với Xuân Quỳnh:
– Đó, đó. Chính nó! Con bé vừa cắn hạt dưa vừa cười nói huyên thuyên với bạn ở góc sân đó!
– Nó mặc áo phông đỏ phải không?
– Chính nó !
Xuân Quỳnh quay xe, nói ráo hoảnh:
– Về thôi, về thôi!
– Sao không vào cho nó một bài học?
– Về thôi, đừng động vào nó, chẳng được tích sự gì đâu. Nói cho Hà biết nhé, tưởng nó thế nào, chứ nó đẹp thế thì tao còn muốn yêu, nói chi ông Thu Bồn!
Từ đó cô giáo Hà mới nhận ra rằng, khúc tình này, cái nhà thơ Thu Bồn cần ở người yêu không phải là danh hiệu nhà văn và độ dày tác phẩm!
Nguồn: vannghequandoi.com.vn