Tính khả hữu từ sự xuất hiện của đối tượng trong các chiểu sự là hình thái của đối tượng.(1) (Wittgenstein, Tractatus, 2.0141)


Khi một điều gì đó trở nên đúng trong hư cấu thì ở đó không còn sự phân biệt khác nhau về mặt hữu thể học và nhận thức luận.”(2) (Gregory Currie)

Ảnh: internet

Thuật ngữ “siêu hư cấu” (metafiction) được sử dụng lần đầu tiên bởi William H. Gass, nhà phê bình văn học người Mỹ, trong tập tiểu luận “Hư cấu và những hình tượng của đời sống” (Fiction and the Figures of Life) vào năm 1970.

Đến năm 1984, Patricia Waugh – lý thuyết gia văn học, chuyên gia về văn học hiện đại và văn học hậu hiện đại của Đại học Durham – đã nêu ra định nghĩa về siêu hư cấu trong tác phẩm cùng tên “Siêu hư cấu” (metafiction), như sau: “Siêu hư cấu là thuật ngữ dùng để chỉ lối viết hư cấu, mà lối viết đó nhắm đến vị thế của chính nó một cách tự ý thức và có hệ thống xem như nó là một thể giả lập[3], để đặt ra những vấn đề về mối quan hệ giữa hư cấu và thực tại.”(4) Thông qua bài viết này, chúng tôi muốn tiến hành chứng minh tính hư cấu (fictionality) của văn chương trong chân trời siêu hư cấu là tính hư cấu khả hữu (possible fictionality). Hay nói cách khác, để trả lời cho câu hỏi, đâu là những giới hạn của năng lực tưởng tượng sáng tạo trong phương thức trình hiện thực tại của nó.

Jacek Pasniczek trong tác phẩm Luận lý học về các đối tượng ý hướng (The Logic of Intentional Objects) đã đề ra khái niệm “chân trời hư cấu” (fictional horizon): “Ý nghĩa của chân trời hư cấu được liên hệ chặt chẽ với  những quan điểm đặc thù về bản chất của đối tượng hư cấu, đúng hơn là  về việc làm thế nào mà các đối tượng này và những chân trời hư cấu lại  được liên hệ với nhau (về mặt hữu thể học).”(5) Ở bài viết này, như một áp  dụng trong tính chất phái sinh của khái niệm, chúng tôi sử dụng thuật ngữ  “chân trời siêu hư cấu” (metafictional horizon) trong một sự cố gắng xem  xét hư cấu trên cấp độ “meta” của nó. Nếu như ở chân trời hư cấu thì giữa  đối tượng hư cấu và chân trời đón nhận hay thông hiểu về các đối tượng ấy  được liên hệ với nhau về mặt hữu thể học, thì ở đây, trong chân trời siêu hư  cấu, điều chúng tôi muốn nhắm đến là công cuộc triển khai một sự giảm trừ  về lại với tính hư cấu của văn chương, thông qua phương thức trình hiện bởi  thực tại ẩn dụ mà tính hư cấu của văn chương trong chân trời siêu hư cấu  biểu hiện ra như là tính hư cấu khả hữu.

1. Văn chương siêu hư cấu như là một sự phản tư về tính hư cấu

Tính giả lập của hình thái hư cấu


Hình thái hư cấu là sự hư tưởng (fictitiousness) trong phương thức trình  hiện thực tại. Sự hư tưởng là danh từ phái sinh từ tính từ “hư tưởng” (fictive).  Tính từ này có nguồn gốc từ tiếng Latin fingere, mang nghĩa “tạo hình” (to  form), khi đặt nó trong mối quan hệ với hành động sáng tác của nhà văn  thì nó có nghĩa là chế ra cái gì đó trong sự tưởng tượng. Do đó, hư tưởng  mang nghĩa là cái gì đó được tạo ra bởi sự tưởng tượng và thường thì nó có  quan hệ với tác phẩm hư cấu. Còn khi nói đến hư cấu (fiction) thì nó đã hàm  nghĩa tưởng tượng hay một sự trình hiện không thật ở trong đó rồi; tức là khi  nói đến hư cấu thì chúng ta nghiễm nhiên hiểu rằng đã có sự hư cấu. Theo  Ludwig Pfeider thì sự hư tưởng có nghĩa rằng, bất kỳ cố gắng nào trình hiện  thực tại thì cũng chỉ có thể tạo ra được những quan điểm mang tính chất lựa  chọn, quan điểm thuần túy mang nghĩa quy ước văn học.(6) Như vậy, trong  phương thức trình hiện thực tại của các sáng tác văn học, đối với sự hư cấu  nói chung, thì bao giờ cũng đều khoác lấy tính chất hư tưởng ở trong đó cả.  

Xét trên cơ sở đó, nghĩa là đối với sự hư tưởng được xem như hình thái  hư cấu trong phương thức trình hiện thực tại thì bản thân hư cấu, ngay khi  mà người ta nói về nó, bao giờ người ta cũng chẳng thể nói được một cách  rõ ràng về nó cả. Người ta chỉ có thể coi hư cấu như là một cái gì đó không  thật (not fact), hay nói cách khác là nó không trình hiện sự thật.(7) Nếu như  nói hư cấu là một cái gì đó cụ thể thì ngay bản thân định nghĩa đó đã không  còn là một định nghĩa khả dĩ về hư cấu nữa. Nói như Gregory Currie – giáo  sư triết ở Đại học York – ngay ở trang đầu tiên cuốn Bản chất của hư cấu (The Nature of Fiction), ông cho rằng, “bất kỳ cố gắng nào nhằm giải thích  hư cấu cũng sẽ rơi vào luẩn quẩn,”(8) hay khái niệm hư cấu bị khỏa lấp trong  nhiều trường hợp khác nhau mà chẳng thể có cái tên nào ưu trội trong số  chúng để có thể nói rằng đấy chính là hư cấu.(9) Còn đối với Waugh thì hư cấu là một thể giả lập (artefact). Tính chất giả lập ở đây không mang nghĩa  đối tượng hư cấu (fictional object) như là “thể” không thật, giống như những  nhân vật hư cấu (fictional characters). Đúng ra, tính chất giả lập được đề  cập đến ở đây chính là muốn nhắm đến bản thân hư cấu (fiction itself). Do  đó, tính hư cấu, trong hình thái hư cấu nói chung, được xem như là tính giả  lập (artefactuality). Điều này có nghĩa rằng, hư cấu không có một bản chất  cụ thể mà chỉ đơn thuần là nó bao chứa trong nó một yếu tố tiền định như  người ta vẫn thường hiểu rằng đó là tính hư cấu (fictionality).  

Tính hư cấu như là hình thái sơ cấp của siêu hư cấu

Bước chuyển hướng từ hư cấu truyền thống sang siêu hư cấu được  đánh dấu bởi sự tìm về với tính hư cấu. Waugh cho rằng, tiểu thuyết siêu  hư cấu là những tiểu thuyết mà trong tầm mức khoáng trương của chúng,  chúng đón nhận tính hư cấu như là một chủ đề để qua đó chúng được khám  phá.(10) Và những tiểu thuyết mang ý nghĩa như thế được Waugh gọi là “tiểu  thuyết tự sinh” (self-begetting novel). Theo Waugh, siêu hư cấu là một thuật  ngữ mang tính đàn hồi bao phủ trên một phạm vi rộng lớn của hư cấu.(11) Do đó, để tri nhận được tính hư cấu trong một quy mô diện rộng như thế đòi  hỏi tính hư cấu phải được xem xét từ vị thế lưỡng phân giữa cái trình hiện  (represent) và cái được trình hiện (represented). Điều này có nghĩa rằng,  cái mà chúng ta mô tả thế giới không trình hiện thế giới đúng thật/thực như  nó vẫn có đó, mà chúng ta chỉ có thể trình hiện nó, tức thế giới, trong quan  hệ với cái trình hiện nó mà thôi, tức là thông qua phương thức mà chúng ta  chọn lấy để trình hiện bản thân thế giới. Cái trình hiện thế giới đó, người ta  gọi là diễn ngôn về thế giới.  

Khi đặt hư cấu trong tình thế lưỡng phân ấy, đã làm nảy sinh vấn đề ảo  tượng hư cấu (fictional illusion) ở các tiểu thuyết siêu hư cấu. Đó là một tình  trạng xảy ra đồng thời hai quá trình: tạo ra hư cấu và tạo ra khẳng định về  sự sáng tạo nên hư cấu.(12) Trong quá trình ấy, có cả sáng tạo lẫn phê bình;  cả giải thích lẫn giải kiến tạo. Điều này dễ dàng thấy được thông qua định  nghĩa thông thường và phổ biến về quan niệm siêu hư cấu, rằng siêu hư cấu  là hư cấu về hư cấu. Cách định nghĩa như vậy đã đưa đến một thứ diễn ngôn  mới, diễn ngôn siêu hư cấu, thứ diễn ngôn được xây dựng dựa trên chiều  hướng nhắm đến tính hư cấu trong một sự tác động bởi ảo tượng hư cấu.

Waugh cho rằng, sự thẩm tra về tính hư cấu, thông qua sự giải thích  thuộc chủ đề của các nhân vật nhập vai (playing roles) trong hư cấu, là hình  thái sơ cấp của siêu hư cấu.(13) Diễn ngôn siêu hư cấu được chỉ định dựa  trên chiều hướng của các mô hình trình hiện thực tại, điểm đặc biệt ở nó,  chính là không ngừng tái thẩm tra về hình thái hư cấu. Thế nhưng, những  tiến trình triển khai của tính hư cấu luôn được nhắm đến bởi ẩn dụ trong  công cuộc tạo dựng nên một thế giới đa biệt.(14) Do đó, đặt trong một thực  tế như vậy, nghĩa là trong quá trình nhắm đến tính hư cấu của văn chương trong một thực tại ẩn dụ, siêu hư cấu có được một khả năng: “không chỉ  cung cấp cho các tiểu thuyết gia và những độc giả của họ một cách thông  hiểu tốt hơn về cấu trúc nền tảng của tường thuật, mà khả năng đó còn đưa  đến rất nhiều những mẫu thức xác đáng cho việc thông hiểu kinh nghiệm  hiện thời về thế giới như là một sự kiến tạo, một thể giả lập, một mạng lưới  những hệ thống ký hiệu liên thuộc”(15)  

Khả năng ấy, không gì khác ngoài một sự giải kiến tạo siêu hư cấu  (metafictional deconstruction).

2. Tính khách quan nội tại của siêu hư cấu như là cấu trúc năng động của thực tại ẩn dụ

Tiến trình hội nhập của thực tại ẩn dụ như là sự triển khai tính khách quan nội tại của siêu hư cấu


Hình thái của hư cấu, trong phương thức triển khai của nó, một cách cơ  bản và tổng quát, có thể nói rằng, nó được triển khai dựa trên ẩn dụ. Ẩn dụ,  ngay khi sử dụng nó, bản thân cách sử dụng ấy đã hàm nghĩa rằng, ở đó  chứa đựng một chiều hướng tưởng tượng khi dựa trên các hình ảnh hay các  biểu tượng để mô tả hoặc trình ra những điểm tương đồng giữa hai sự vật.  Đối với siêu hư cấu, hình thái của nó không phải vậy, mà là một sự tự triển  khai về việc phác thảo nên một ẩn dụ nhắm đến thế giới. Do đó, chúng ta  có thể nói rằng, việc phác thảo nên một mẫu thức ẩn dụ về phía thế giới là  sự kiến tạo ẩn dụ.

Waugh cho rằng, sự kiến tạo ẩn dụ (metaphorical construction) là  quá trình mà “ẩn dụ kiến tạo nên một hình ảnh của thực tại thông qua  việc kết nối các đối tượng hoàn toàn biệt loại một cách rõ ràng.”(16) Tuy  nhiên, tiến trình thể hiện rõ nhất trong cách thức mà sự kiến tạo ẩn dụ  triển khai ra đó chính là tiến trình đi từ sự phản tư (reflexivity) đến sự tựphản tư (self-reflexivity).  

Một khi xuất phát từ thế giới thực (actual world) đến thế giới được nhìn  nhận theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa – thế giới hiện thực (real  world), tiến trình này mang tính phản ánh (reflect), đặc tả, trình bày, biểu  thị là chính. Tiếp theo tiến trình này, nếu muốn thiết lập nên thế giới hư cấu  (fictional world) thì tất yếu nảy sinh quá trình phản tư, nghĩa là ý thức về thế  giới hiện thực trong tiến trình trước đó. Thế giới siêu hư cấu (metafictional  world) chỉ thực sự được xác lập khi có một tiến trình tự phản tư nhắm về phía  thế giới hư cấu trước đó, trong giai đoạn này, năng lực tự ý thức lại được huy  động một cách cao độ, nghĩa là ý thức trên một chiều hướng sâu hơn trước  một sự ý thức nhắm đến thế giới hư cấu trước đó.  

Nếu trên chiều hướng của thế giới hiện thực thì khả năng biểu đạt đối  tượng trong thế giới thực, về cơ bản, là một sự biểu đạt trực tiếp. Do đó, ở  trường hợp này, sẽ rất ít khi phát sinh ẩn dụ. Sự kiến tạo ẩn dụ chỉ thực sự  phát sinh, nói theo kiểu của Waugh, chỉ khi có “những luận đề tái tổng hợp  liên tục về mô hình thực tại.”(17) Như vậy, có thể thấy rằng, khi đi từ phản tư  đến cấp độ cao hơn là tự phản tư, tiến trình này luôn luôn trừu xuất biên độ quy chiếu của các biểu tượng, hay nói cách khác, đó chính là việc đẩy giới  hạn biểu đạt của thế giới văn học trong tiến trình hư cấu tự hội nhập để trở  thành thế giới siêu hư cấu. Ở đây, cái gì sẽ đứng ra để có thể thâu đạt tầm  mức khoáng trương trong tiến trình tự hội nhập của hư cấu nói trên? Đó chỉ  có thể là một sự kiến tạo ẩn dụ, vì chỉ có thông qua sự kiến tạo ẩn dụ mới  có thể có được “một sự thẩm tra về những quy ước chi phối sự trình hiện của  điều bí ẩn trong hư cấu.”(18)

Theo Waugh, “sự khẳng định cơ bản nhất của các nhà văn siêu hư cấu  là việc tạo nên một tiểu thuyết về cơ bản không khác so với việc tạo nên  hay kiến tạo một thực tại của ai đó.”(19) Như vậy, thực tại trong tiểu thuyết  siêu hư cấu là một thực tại tự nó sau khi đã tiến hành tự phản tư. Nói đúng  hơn, đó chính là một thực tại chủ quan tự nó. Thông qua sự kiến tạo ẩn  dụ, thực tại chủ quan tự nó hoàn toàn được kiến tạo nên về mặt ngôn ngữ  học. Một khi sự kiến tạo ẩn dụ được huy động thì liền đó sẽ kéo theo chuỗi  “tham nhập tường thuật liên tục”.[20] Bản thân sự tham nhập tường thuật ấy  đề ra những chiều kích không-thời gian tự nội, ở đây, xin nhấn mạnh rằng,  không-thời gian trong tiến trình tham nhập ấy luôn luôn là tự nội, do đó, “việc  nghiên cứu các nhân vật trong tiểu thuyết siêu hư cấu có thể cung cấp một  mô hình khả dụng cho việc thông hiểu về sự kiến tạo tính chủ thể trong thế  giới bên ngoài tiểu thuyết ấy”(21) được đương lượng ngang bằng với một thực  tại ẩn dụ (metaphorical reality).

Thực tại ẩn dụ là một thế giới hội nhập thích hợp về mặt nội tại của  siêu hư cấu. Nói đúng hơn, đó chính là một thực tại nội tại của siêu hư cấu.  Khi tiến trình của sự kiến tạo ẩn dụ xuất hiện thì như một hệ quả phái sinh,  các ký hiệu có thể tái tạo một cách vô tận được triển khai thông qua những  biểu tượng mang nhiều tầng nghĩa. Nói như Waugh, đó chính là “một mạng  lưới thực tại tương tiên, đa bội.”(22) Tính khách quan nội tại của thế giới siêu  hư cấu biểu đạt thông qua sự kiến tạo ẩn dụ nằm ở chỗ, các thể giả lập tồn  tại trong một địa hạt của riêng chúng. Địa hạt đó mang nghĩa là một phân  vùng mà tự bản thân các thể giả lập tồn tại cho nó. Như thế, rõ ràng rằng,  địa hạt đó hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của tác giả hay  người đọc. Vì tính chất ‘tự nó tồn tại cho nó’ nên các thể giả lập nghiễm  nhiên khoác lấy tính nội tại trong khả năng trình xuất của chúng. Khi địa hạt  ấy là thế giới siêu hư cấu thì khả năng trình xuất của các thể giả lập được  triển khai trong một thực tại ẩn dụ. Một thực tại ẩn dụ ngoài từ ngữ, trong  khả năng triển khai các lớp ý nghĩa của biểu tượng, nói như Waugh, rằng  các biểu tượng “không phải là thực tại và cũng không là thể trạng của bất  kỳ một thuộc tính thực hữu nào của thế giới cả, mà chúng cho phép chúng  ta tiếp nhận thế giới này, cuối cùng kiến tạo nên thế giới cho chính chúng ta và thế giới được kiến tạo nên tự trong bản thân thế giới.”(23) Một thế giới  như thế, chỉ có thể hiểu được thông qua vấn đề về tính quy chiếu của diễn  ngôn văn học, do đó vấn đề thế giới siêu hư cấu trong diễn ngôn hư cấu văn  học chỉ có thể biểu đạt thông qua ngữ cảnh của “một thế giới khả hoán” (an  alternative world) [khái niệm của Waugh], nghĩa là một trong vô vàn các thế  giới khác nhau có thể phiên chuyển qua lại với nhau. Do đó, thế giới siêu hư  cấu như là một nỗ lực nhằm để định nghĩa thực tại bên ngoài hư cấu.

Tóm lại, tiến trình hội nhập của thực tại ẩn dụ như là tính khách quan  nội tại của siêu hư cấu dựa trên sự kiến tạo ẩn dụ. Đó là “sự kiến tạo tự ý  thức về các thế giới khả hoán tương tranh với thực tại của thế giới thường  nhật.”(24) Ở đây, sự kiến tạo ẩn dụ thể hiện ra thông qua hai tính chất cơ bản  sau: (i) tính khoáng trương về khả năng biểu đạt, và (ii) tính tạo lập không  thể giảm trừ giữa các thế giới khả hoán.

Giải kiến tạo siêu hư cấu như là cấu trúc năng động của thực tại ẩn dụ

Phép ẩn dụ trong tiến trình giải kiến tạo siêu hư cấu là phép ẩn dụ  thông qua quy chiếu thời tính (temporal reference) [khái niệm của Mark  Currie] chứ không phải quy chiếu sử tính (historical reference). Mark Currie  trong tác phẩm “Về thời gian: Tường thuật, hư cấu và triết học thời gian” cho  rằng, “thực tại thời gian chỉ như là một sự hiển lộ, hay một thứ kinh nghiệm  sống bên trong.”(25) Vì rằng, thực tại thời gian được chỉ xuất thông qua phép  quy chiếu thời tính nên kinh nghiệm về khả năng trình hiện của các thế giới  khả hoán trong quá trình kiến tạo ẩn dụ là một thứ kinh nghiệm gắn liền với  phép quy chiếu thời tính, như thể khi ta nghĩ đến một ý nghĩa nào đó của tác  phẩm trong một thời điểm nhất định thì khả năng biểu đạt hay trình xuất ý  nghĩa ra vào lúc đó sẽ gắn với một trong vô số các thế giới khả hoán, vì thế  các thế giới khả hoán nào không được trình ra sẽ nghiễm nhiên được ‘khép  lại’ và ‘bỏ qua’, do đó, những khả năng trình hiện ý nghĩa theo kiểu khác  cũng sẽ vì thế mà không có khả năng hiển lộ nữa. Tuy nhiên, nếu kéo dài  thời gian tiếp nhận ý nghĩa của một văn bản nào đó thì trải qua một khoảng  thời gian, tầng mức ý nghĩa trình xuất sẽ được kéo dãn ra, nhưng như thế  thì lại phải xem rằng đó như là một sự cộng gộp của nhiều kết quả trình  xuất của khá nhiều phép quy chiếu thời tính về bản thân tác phẩm, để qua  đó mới có thể trình xuất ra nhiều hơn một ý nghĩa nhất định, và điều này lại  hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực thông hiểu tác phẩm từ phía người đọc.  

Giải kiến tạo siêu hư cấu là một quá trình xảy ra đồng thời giữa sự tái  ngữ cảnh hóa (recontextualization) và sự giải ngữ cảnh hóa triệt để (radical  decontextualization). Mark Currie trong công cuộc giải thích triết học Husserl  có nói rằng, “kinh nghiệm về thời gian được liên kết chủ yếu với thực tại  của nó trong cùng một chiều hướng là sự xuất hiện hay kinh nghiệm về một  đối tượng được liên kết đặc biệt với đối tượng vượt phóng, nhưng trong mỗi  trường hợp đối tượng vượt phóng chỉ có thể được trực giác bởi ‘ý nghĩa’, hay  tạo nghĩathông qua ý thức chủ tâm.”(26) Như thế trong việc nắm bắt ý nghĩa  của văn bản, khả năng phái sinh của ý nghĩa luôn luôn đi kèm với một sự  tái ngữ cảnh hóa nhằm để xác định hình thái ý nghĩa được trình hiện ra từ  tác phẩm. Thế nhưng, vì sự tái ngữ cảnh hóa được thực hiện lồng vào trong  phép ẩn dụ thời tính, mà một khi thực hiện thông qua quá trình như thế thì  chân trời ý nghĩa của các thế giới khả hoán không được trình xuất ra sẽ biến  mất. Do đó, trong một sự nắm bắt những cấp độ ý nghĩa tiềm tàng trong  phép quy chiếu ẩn dụ thời tính mà thiết yếu dẫn đến một sự giải ngữ cảnh  hóa triệt để. Chỉ khi sự giải ngữ cảnh hóa xảy ra một cách triệt để chúng ta  mới có thể tiến đến, với khả năng lĩnh hội của bản thân mỗi người, khai phá  tác phẩm trong những chân trời ý nghĩa riêng biệt khác nữa của các thế giới  khả hoán.  

Derrida trong cuốn Hành ngôn và hiện tượng có nói rằng, “những sự  khác nhau giữa cái được trình hiện và biểu trưng nói chung, cái được biểu  đạt và cái biểu đạt, đơn giản chỉ là sự hiện diện và sự tái tạo của nó, sự trình  hiện như là hình dung và sự tái trình hiện như là hình dung lại, với cái được  trình hiện trong sự tái trình hiện là sự hiện diện như là hình dung.”(27) Khi diễn  giải về khả năng được trình hiện của cái được trình hiện trong sự tái trình  hiện, Derrida đi đến một kết luận về “tính khả hữu của sự tái trình hiện” (the  possibility of representation). Hay nói như Derrida đó chính là việc ông muốn  thẩm tra về tiến trình tạo ra một “hình dung tự nó.” “Sự hiện diện-của-cái  hiện diện được trừu xuất từ sự tái lập nhưng không phân lập.”(28) Tiến trình  song song giữa sự tái ngữ cảnh hóa và giải ngữ cảnh hóa thông qua phép ẩn  dụ thời tính có mối  quan hệ chặt chẽ  với quan niệm của  Derrida về “sự tái  lập nhưng không  phân lập” của cái  được trình hiện  trong sự tái trình  hiện. Trường hợp  của khả năng trình  xuất các thế giới  khả hoán trong  siêu hư cấu thông  qua nỗ lực thông  hiểu giải kiến tạo  siêu hư cấu như là  cấu trúc năng động của thực tại ẩn dụ có thể thâu đạt lại trong một câu của  Derrida: “ là từ đầu tiên hoặc là từ cuối cùng chống lại sự giải kiến tạo  ngôn ngữ của từ ngữ”(29)

Cấu trúc năng động của thực tại ẩn dụ thể hiện ở chỗ, các thế giới khả  hoán trong phép quy chiếu thời tính “đã được tiền lưu trú với một sự lệch  thời tường thuật.”(30) Do đó, khả năng giải kiến tạo siêu hư cấu về thực tại  ẩn dụ được xem như là một cấu trúc năng động của một thực tại khiếm diện  (misrepresented reality) so với thực tại phổ biến thường nhật. Một thực tại  khiếm diện không có nghĩa là một thực tại không hiện hữu mà là một thực  tại tự nội, một thực tại “nhìn về với một chiều hướng không chỉ trong quan  hệ giữa thế giới bên trong tâm trí và thế giới thực tại bên ngoài mà còn như  chiều hướng giữa sự chú ý tạo nghĩa của tư duy (ý nghĩa) và trực quan về  sự minh nhiên của đối tượng, cả hai đều là ý thức nội tại.”(31)

Dưới đây là sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa kiến tạo ẩn dụ và giải  kiến tạo siêu hư cấu. Trong mối quan hệ giữa kiến tạo ẩn dụ và giải kiến  tạo siêu hư cấu, ở đó, hư cấu thể hiện ra như là hư cấu tự ý thức, và điều  này, được đương lượng thông qua một sự phản tư tự ý thức (self-conscious  reflexiveness) dựa trên tính cấu trúc năng động và tính khách quan nội tại  trong mối quan hệ đó.


3. Tính hư cấu khả hữu như là hư cấu tự ý thức về tính hư cấu trong  chân trời siêu hư cấu

Tính quy ước đặc thù về thực tại ẩn dụ

Theo Mark Currie, “một vài sự thông hiểu về thực tại có thể đạt được  thông qua phân tích về các hình thái ngôn ngữ, ngay cả một vài sự thông  hiểu về thời gian là gì cũng được thông qua phép phân tích về sự quy chiếu  thời tính trong ngôn ngữ, đặc biệt qua sự thông hiểu về thời”.(32) Tính cấu  trúc năng động của thực tại ẩn dụ chẳng qua cũng chỉ là hình thái phái sinh  từ cấu trúc ngôn ngữ. Cấu trúc năng động ấy được biểu đạt thông qua phép  quy chiếu ẩn dụ thời tính, khi mà một trong vô số các thế giới khả hoán được  trình xuất bởi ý nghĩa của các biểu tượng thì cũng là lúc, và cũng là khoảnh  khắc, phép quy chiếu ẩn dụ thực hiện một lát cắt thông qua cấu trúc ngôn  ngữ. Tính quy ước đặc thù về thực tại ẩn dụ luôn được xây dựng dựa trên  giải kiến tạo siêu hư cấu. Vì rằng, giải kiến tạo siêu hư cấu cũng là một bản  tường trình về sự kiến tạo ẩn dụ, do đó, tính quy chiếu đặc thù về thực tại ẩn  dụ là một sự tự quy chiếu của văn bản (textual self-reference).  

Cho nên, thông qua giải kiến tạo siêu hư cấu, vị thế của một sự  tự quy chiếu của văn bản là “vị thế quy chiếu tiệm tuyến của hư cấu/  quasi-referential status of fiction.”(33) Và giải kiến tạo siêu hư cấu là tiến  trình diễn ra đồng thời giữa tái ngữ cảnh hóa và giải ngữ cảnh hóa triệt để  nên một khi thông qua giải kiến tạo siêu hư cấu, vấn đề tính quy chiếu đặc  thù của nó luôn được xác lập trong “vị thế quy chiếu tiệm tuyến rõ ràng  phải lưu trú trong một vị trí phi thuộc từ.”(34) Do đó, việc thông hiểu một tác  phẩm siêu hư cấu, không gì khác ngoài việc nhắm đến các khả năng định  hình một cách tiềm tàng thông qua phép quy chiếu ẩn dụ thời tính, nói như Waugh, thế giới biểu tượng của siêu hư cấu “hiển minh bên trong chẳng  bao giờ được tích hợp với thế giới sử tính bên ngoài.”(35) Như thế, sự khác  nhau trong vị trí phi thuộc từ nghĩa là khác nhau về quy ước và kiến tạo ẩn  dụ. Sự khác nhau này diễn ra trong mối quan hệ giữa thực tại ẩn dụ và thế  giới siêu hư cấu, hay nói cách khác, sự khác nhau về quy ước và kiến tạo  ẩn dụ thông qua tính cấu trúc năng động của thực tại ẩn dụ và tính khách  quan nội tại của thế giới siêu hư cấu là sự trung gian của tiến trình đọc trong  việc thông hiểu tác phẩm siêu hư cấu, tiến trình đọc này, chúng tôi tạm gọi  là phương thức trích xuất của chân trời siêu hư cấu.

Chân trời siêu hư cấu như là một sự hồi quy về thực tại hư cấu đa biệt

Chân trời siêu hư cấu (metafictional horizon) là phương thức trình hiện  của các thế giới hư cấu khả hoán (alternative fictional worlds). Đó là công  cuộc thông hiểu về siêu hư cấu trong sự phản tư tự ý thức của hư cấu. Chân  trời siêu hư cấu thể hiện rõ nhất khả năng tự hội nhập của hư cấu vào trong  chính nó. Thực tại ẩn dụ dựa trên tiến trình giải kiến tạo siêu hư cấu đọng lại  nơi chân trời siêu hư cấu những khả năng mở ngõ vào các thế giới hư cấu  khả hoán. Tính năng của một thực tại như thế được biểu đạt thông qua chân  trời chứa đựng những sự phơi mở tiềm tàng trong tiến trình giải kiến tạo siêu  hư cấu. Tuy nhiên, vì giải kiến tạo siêu hư cấu thường được triển khai thông  qua phép quy chiếu ẩn dụ thời tính, cho nên chân trời này được trình hiện  thông qua các cấu  trúc ngôn ngữ đa  biệt. Một khi thông  qua các cấu trúc  ngôn ngữ đa biệt  như thế thì khả  năng mở ngõ của  các thế giới hư cấu  khả hoán mới có  thể có được tính  khả hữu nhất định.  Theo Waugh, thế  giới “hư cấu văn  học (các thế giới được kiến tạo hoàn toàn của ngôn ngữ) trở thành một mô  hình khả dụng cho sự hiểu biết về việc kiến tạo nên một thực tại tự nó.”(36) Khả năng mở ngõ về các thế giới hư cấu khả hoán chính là sự thu nhiếp vào  trong chân trời siêu hư cấu. Chính vì sự thu nhiếp vào trong chân trời siêu hư  cấu mà phương thức trình hiện thực tại hư cấu khả hoán là một sự hồi quy  về thực tại hư cấu đa biệt (various fictional reality).  

Tính hư cấu khả hữu, theo đó, được trình xuất trong chân trời siêu hư  cấu như là một sự hồi quy đúng nghĩa về thực tại hư cấu đa biệt. Thực tại  ẩn dụ hay thế giới siêu hư cấu chính là những phiên bản khác nhau của  thực tại hư cấu đa biệt khi nó được tham nhập thông qua các phương thức  trình hiện khác nhau trong một tiến trình nhắm đến khai mở các thế giới hư cấu khả hoán. Thông qua cách thức trình hiện của thực tại ẩn dụ với tính  cấu trúc năng động của nó, và thế giới siêu hư cấu với tính khách quan nội  tại của nó, cả hai được trình xuất dựa trên các cấu trúc ngôn ngữ đa biệt, vì  thế, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, thực tại hư cấu đa biệt là một thế giới  ngôn ngữ nội tại thuần túy về nghĩa.


Trên đây là sơ đồ thể hiện tính hư cấu (fictionality) của văn chương  trong chân trời siêu hư cấu như là tính hư cấu khả hữu (possible fictionality).  Nói như Waugh, siêu hư cấu “không chỉ thẩm tra các cấu trúc nền tảng của  hư cấu tường thuật mà còn khám phá tính hư cấu khả hữu của thế giới bên  ngoài văn bản hư cấu văn chương.”Chúng tôi nhận thấy rằng, thông qua  chân trời siêu hư cấu, “thế giới bên ngoài văn bản hư cấu văn chương” là  một thực tại hư cấu đa biệt, và chính vì điều này, cho nên, tính hư cấu trở  thành tính hư cấu khả hữu trong tầm mức khai mở nơi chân trời siêu hư cấu,  một cánh cửa trung chuyển cho thế giới ngôn ngữ nội tại thuần túy về nghĩa.

P.T.X.C 
(SH323/01-16)

————-
1. “The possibility of its occurring in states of affairs is the form of an object.”
2. Gregory Currie (2008) The Nature of Fiction, Cambridge University Press, p.91: “When it comes to  truth in fiction there is no distinguishing an epistemic from an ontological difference.”
3. Thể giả lập (artefact) là một đối tượng thường được tạo ra thông qua năng lực tưởng tượng, trong  gốc từ của nó có từ “art” – nghệ thuật, đúng hơn là “arte” trong tiếng Latin có nghĩa là thông qua  nghệ thuật, hay sử dụng nghệ thuật để thực hiện một điều gì đó; đồng thời, “fact” ở đây không mang  nghĩa là một sự kiện mà mang nghĩa trong hình thức động từ bằng với từ “make”, kiểu như làm ra,  chế ra cái gì đó. Chung quy lại, chúng ta có thể hiểu thể giả lập trong văn học, một cách nói chung,  như là những kết quả của hư cấu, ví dụ: nhân vật hư cấu, cốt truyện hư cấu, địa danh hư cấu v.v.  Ở đây, trong định nghĩa của Waugh về siêu hư cấu, thì thể giả lập không còn nhắm đến các thành  phần của hư cấu nữa, mà ở đây, nó muốn ám chỉ đến không gì khác ngoài chính bản thân hư cấu.  Lối viết hư cấu, trong văn chương hậu hiện đại luôn được “đào xới” liên tục, thể hiện trên phương  diện tự phản tư và tự ý thức về chính bản thân nó. Thế nhưng, điều đạt được thông qua một tiến  trình liên tục tự phản tư về chính bản thân hư cấu, trong giai đoạn văn chương siêu hư cấu, đã nhắm  đến một kết quả chung cuộc đó là tiến đến thẩm tra tính hư cấu. (NV)
4. Patricia Waugh (2001) metafiction: The Theory and Practice of Self-Conscious Fiction, Routledge, p.2.
5. Jacek Pasniczek (1998) The Logic of Intentional Objects, Springer, p.174.
6. Dẫn theo Waugh, p.7.
7. R. M. Sainsbury (2010) Fiction and Fictionalism, Routledge, p.4.
8. Gregory Currie, ibid, p.1.
9. Gregory Currie, ibid, p.1
10. Waugh, ibid, p.19
11. Waugh, ibid, p.19
12. Waugh, ibid, p.6
13. Waugh, ibid, p.116
14. Waugh, ibid, p.111
15. Waugh, ibid, p.9
16. Waugh, ibid, p.17
17. Waugh, ibid, p.52
18. Waugh, ibid, p.59
19. Waugh, ibid, p.24
20. Ở đây, chúng tôi không nhắm đến ý thức tường thuật trung gian (mediated narrative consciousness)  trong việc biểu đạt quan niệm về hư cấu siêu cấp (meta-meta-metacetera fiction), một quan niệm  thẩm tra về bản thân siêu hư cấu, nâng chuẩn nó lên thành hư cấu siêu cấp. (NV)
21. Waugh, ibid, p.3
22. Waugh, ibid, p.52
23. Waugh, ibid, p.58
24. Waugh, ibid, p.109
25. Mark Currie (2007) About Time: Narrative, Fiction and the Philosophy of Time, Edinburgh  University Press, p.83
26. Mark Currie, ibid, p.83
27. Jacques Derrida (1973) Speech and Phenomena, David B. Allison trans., Northwestern University  Press, p.52
28. Derrida, ibid, p.52. “The presence-of-the-present is derived from repetition and not the reverse.”
29. Derrida, ibid, p.54. “To beis the first or the last word to withstand the deconstruction of a language of words.”
30. Mark Currie, ibid, p.97
31. Mark Currie, ibid, p.83
32. Mark Currie, ibid, p.137
33. Waugh, ibid, p.95
34. Waugh, ibid, p.95
35. Waugh, ibid, p.111
36. Waugh, ibid, p.3

– Phạm Tấn Xuân Cao – Tạp chí Sông Hương –

Exit mobile version