Trở về sau chuyến đi săn, tôi đợi tàu ở thị trấn nhỏ Los Pinos. Chuyến tàu muộn hơn một tiếng nên tôi ngồi tán chuyện với Tê-lê-ma-cớt Hích, ông chủ Khách sạn Summit House…
Nhận thấy ông chủ khách sạn hoàn toàn bình thường, tôi tò mò hỏi loài dã thú nào đã khiến anh mất đi một phần tai trái. Là thợ săn nên tôi thường quan tâm tới hậu quả có thể có nguyên nhân từ một cuộc đi săn.
“Kết quả của một tình bạn chân thành đấy”.
“Một tai nạn?”. Tôi gặng hỏi.
“Trong tình bạn không bao giờ có tai nạn”, Tê-lê-ma-cớt trả lời: “Thế nhưng giữa con người với nhau thì tình bạn chỉ là nhất thời và có thể chấm dứt bất cứ lúc nào”.
Trước đây, tôi có một người bạn là Pít-xli. Chúng tôi cứ như một cặp bài trùng, tưởng chừng gắn kết với nhau đến vô cùng tận.
Mùa hè nọ, tôi và Pít-xli rủ nhau cưỡi ngựa đi nghỉ một tháng. Chúng tôi tới cái thị trấn được coi là vườn treo của thế giới này, nơi lúc nào cũng tràn đầy hương sữa và đượm vị mật ong. Lúc chúng tôi tới thị trấn thì cũng đã già bữa đêm. Chúng tôi quyết định sẽ chén bất cứ thứ gì tìm thấy ở cái quán ăn bên đường ray này. Khi chúng tôi ngồi vào bàn với tất cả dao dĩa, đĩa bát, khăn ăn ngay ngắn thì góa phụ De-súp bước vào, dọn món bánh quy nóng và gan chiên.
Từ giờ phút đó, Pít-xli quên sạch những gì đã hứa, chỉ vì một De-súp có khuôn người đẫy đà, dễ gần; khuôn mặt lúc nào cũng hồng hào vì cô cho luôn gần bếp lửa. Còn nụ cười của De-súp thì có thể khiến loài hoa sơn bừng nở ngay cả vào tháng Mười Hai.
De-súp nói với chúng tôi rất nhiều về khí hậu, lịch sử, nhà thơ Te-ni-xơn, mận khô và cả sự khan hiếm của thịt cừu trước khi hỏi xem chúng tôi đến từ đâu.
“’Chúng tôi từ Thung lũng Mùa xuân tới”, tôi trả lời.
“Phải gọi là Đại thung lũng Mùa xuân mới đúng chứ”, Pít-xli nhồm nhoàm nhai khoai tây và sụn cừu nói chen vào.
Dấu hiệu rạn nứt đầu tiên trong mối thâm tình giữa tôi và Pít-xli đã xuất hiện. Pít-xli biết thừa là tôi ghét những ai nói nhiều nhưng chính cậu ta lại cứ nhảy vào miệng tôi mà đính chính những chi tiết vụn vặt. Quả thật là trên bản đồ thì đó là Đại thung lũng Mùa xuân, nhưng ngay cả Pít-xli cũng vẫn gọi đó là Thung lũng Mùa xuân đến cả ngàn lần rồi ấy chứ.
Vậy là chẳng ai nói gì nữa, chúng tôi ra đường ray sau bữa ăn. Ở lâu cùng nhau nên chúng tôi hiểu rõ suy nghĩ của nhau.
Pít-xli mở lời: “Chắc cậu hiểu rằng tôi đã quyết định để người góa phụ đó trở thành một phần sở hữu của mình, cho đến khi cái chết chia cắt”.
“Tôi hiểu điều đó dẫu cậu chỉ vừa mới nói. Chắc cậu cũng biết là tôi đã có kế hoạch biến De-súp thành bà Hích và cậu sẽ là người viết thư lên báo hỏi xem phù rể thì nên mang hoa japonica hay đeo tất trơn trong ngày cưới của tôi”.
“Kế hoạch của cậu sẽ không mấy suôn sẻ đâu”, Pít-xli nói, siết chân lên một thanh tà vẹt: “Tôi sẽ nhường cậu nếu đó là vấn đề bình thường nào đó, nhưng không phải chuyện này. Cậu biết đấy, nụ cười phụ nữ là vòng xoáy có thể cuốn trôi cả tình bạn lý tưởng nhất. Tôi có thể đánh lại một con gấu nếu nó gây nguy hiểm cho cậu hoặc làm điều gì đó tương tự, nhưng sẽ chỉ có vậy. Trong cuộc cạnh tranh này chúng ta hoàn toàn bình đẳng. Xin báo trước với cậu như vậy”.
Sau đó, tôi đưa ra một phương án.
Tôi bảo: “Tình bạn giữa hai người đàn ông là một đức tính có giá trị lịch sử cổ đại khi mà người ta phải bảo vệ lẫn nhau chống lại loài thằn lằn đuôi dài 24m và lũ rùa bay. Đức tính đó được lưu giữ đến ngày nay, cho tới khi có ai đó nói rằng lũ quái thú đó thực sự không còn nữa. Tôi vẫn thường nghe người ta nói rằng phụ nữ là nguyên nhân phá vỡ tình bạn giữa những người đàn ông. Tại sao lại có điều đó? Tôi sẽ chỉ cho cậu, Pít-xli ạ. Chính những cái nhìn đầu tiên cùng với chiếc bánh quy nóng hổi mà De-súp mang tới đã khiến tâm trí chúng ta dao động. Hãy để cô ấy lựa chọn. Tôi bước vào cuộc chiến này với cậu một cách sòng phẳng và không lừa lọc. Tôi sẽ tán tỉnh cô ấy trước mặt cậu và cậu cũng sẽ vậy. Thế thì tôi thấy không có lý do gì để tình bạn của chúng ta đổ vỡ cả, dù ai trong chúng ta là người có được De-súp”.
“Rất tốt!”, Pít-xli bắt tay tôi: “Tôi sẽ làm như vậy. Chúng ta sẽ tán tỉnh De-súp cùng lúc, không cần giữ ý. Và chúng ta vẫn sẽ là bạn, bất kể thắng thua”.
Băng ghế dưới tán cây mé bên quán ăn là nơi De-súp vẫn thường ngồi nghỉ sau khi xong việc. Đây cũng là nơi tôi và Pít-xli ra ngồi sau bữa tối để trả tiền ăn. Chúng tôi thỏa thuận rằng nếu một trong hai người đến trước thì sẽ chờ người còn lại trước khi bắt đầu tán tỉnh De-súp.
Hôm đầu tiên De-súp biết về thỏa thuận đó của chúng tôi, tôi là người đến sớm hơn. Bữa ăn vừa mới xong. De-súp đang ngồi trên băng ghế. Cô mặc một chiếc váy hồng tươi tắn.
Tôi ngồi xuống bên cạnh, huyên thuyên vài câu về thiên nhiên, phong cảnh. Bỗng tôi thấy bên trái mình nóng rẫy. De-súp đã ngồi sát vào tôi từ lúc nào.
“Khi người ta cô đơn thì một đêm tuyệt đẹp thế này cũng chẳng nghĩa lý gì, phải không anh Tê-lê-ma-cớt?”, De-súp nói.
Tôi đứng bật dậy.
“Xin lỗi cô De-súp. Tôi phải đợi Pít-xli tới rồi mới có thể trả lời câu hỏi này được”.
Tôi giải thích với De-súp về thỏa thuận giữa hai chúng tôi. Ban đầu De-súp có vẻ nghĩ ngợi, rồi đột nhiên phá lên cười, khiến cả một khoảng rừng xao xác.
Vài phút sau, Pít-xli tới, đầu tóc óng mượt, ngồi ghé bên De-súp, và bắt đầu câu chuyện lê thê về cuộc phiêu lưu mà Pít-xli và Pi-phây Lăm-li thi đấu lột da bò để làm yên ngựa gắn bạc ở thung lũng Santa Rita trong suốt chín tháng hạn hán năm 1895.
Ngay từ đầu, tôi đã thấy Pít-xli đi theo một chiến thuật. Mỗi người có một cách khác nhau để chiếm được trái tim phụ nữ. Cách Pít-xli xưa như Trái Đất khi liên tục kể những câu chuyện mà cậu ta là nhân vật chính hay đã đọc được trên báo cho De-súp. Có lẽ Pít-xli học lỏm ý tưởng chinh phục phụ nữ đó từ vở kịch “Ô-ten-lô” của Sếch-xpia. Thế nhưng, cách thực hiện của Pít-xli không được tốt như những gì diễn ra trên sân khấu.
Một tối, khi tôi tới băng ghế trước Pít-xli, tôi hỏi De-súp rằng, viết chữ “H” dễ hay viết chữ “J” dễ hơn. Trong khi De-súp gục đầu, làm gãy bông hoa trúc đào trên khuyết áo của tôi, tôi cũng cúi xuống và rồi… lại thôi.
Tôi đứng dậy bảo: “Nếu không phiền, chúng ta hãy đợi Pít-xli đến đã. Tôi chưa làm bất cứ điều gì khuất tất với tình bạn của chúng tôi. Và điều này thực sự là không công bằng”.
“Anh Tê-lê-ma-cớt Hích”, De-súp nhìn tôi lạ lẫm: “Nếu không vì lý do đó thì em đã mời anh đi một mình xuống Gulch và không bao giờ ngại khi anh đến thăm”.
“Thế nghĩa là sao?”, tôi hỏi.
“Nghĩa là một người bạn quá tốt sẽ không thể là một người chồng tốt”, De-súp nói.
Năm phút sau, Pít-xli có mặt và bắt đầu câu chuyện của mình: “Ở thành phố Silver, vào mùa hè năm 1898, tôi nhìn thấy Dim Bát-lâu cắn đứt tai một gã người Hoa tại quán Đèn Xanh chỉ vì một chiếc áo sơ mi. Có tiếng gì thế nhỉ?”.
Phải chú thích luôn là tôi đã tiếp tục công việc dang dở lúc nãy với De-súp.
“De-súp đã hứa sẽ mang họ Hích, Pít-xli à”. Tôi nói.
Pít-xli vòng chân quanh chân ghế rên rỉ.
“Chúng ta là bạn đã bảy năm nay. Làm ơn đừng hôn quá to như vậy có được không? Tôi sẽ làm hộ cậu điều đó”.
“Được thôi”.
Pít-xli tiếp tục kể: “Gã người Hoa đó đã bắn một người đàn ông tên Mu-lin vào mùa xuân năm 1897, và…”.
Pít-xli dừng lại.
“Tê-lê-ma-cớt này. Nếu là một người bạn thật sự thì cậu sẽ không ôm De-súp chặt đến vậy. Băng ghế rung cả lên rồi đây này. Cậu nói sẽ cho tôi một cơ hội cơ mà”.
“Anh Pít-xli này”, De-súp quay ra: “Nếu có cơ hội đến lễ kỷ niệm đám cưới bạc của tôi và Hích 25 năm sau, liệu anh có tiếp tục xen vào việc riêng của chúng tôi như hôm nay không? Tôi đã chịu đựng anh rất lâu rồi chỉ vì anh là bạn của Tê-lê-ma-cớt. Nhưng có vẻ như đã đến lúc anh rời khỏi chỗ này rồi đấy”.
“De-súp này, Pít-xli là bạn anh. Tụi anh đã thỏa thuận một cuộc chơi sòng phẳng và cơ hội bình đẳng cho mỗi người”, tôi nói, không bỏ lỡ cơ hội trở thành vị hôn phu của De-súp.
“Cơ hội bình đẳng!”, De-súp nói: “Đúng thế, Pít-xli có thể nghĩ rằng anh ta có một cơ hội, nhưng em không hy vọng anh ta nắm được nó sau tất cả những gì anh ấy đã làm tối hôm nay”.
Một tháng sau, tôi và De-súp kết hôn. Cả thị trấn đóng cửa đến dự đám cưới.
Khi đứng trước cha xứ chuẩn bị thực hiện nghi lễ, tôi nhìn quanh và chợt nhớ tới Pít-xli. Tôi bảo cha xứ chờ Pít-xli một chút. Pít-xli là bạn tôi. Với tôi, một khi đã là bạn thì sẽ mãi mãi là bạn.
Vài phút sau, Pít-xli vội vã chạy vào, vừa chạy vừa sửa tay áo, giải thích rằng cửa hàng giặt là duy nhất trong thị trấn đóng cửa nên anh ta phải tự phá cửa sau để lấy chiếc áo sơ mi anh ta ưng nhất. Pít-xli đứng bên cạnh cô dâu và đám cưới bắt đầu. Pít-xli vẫn mong một cơ hội cuối cùng là người làm lễ sẽ nhầm lẫn mà kết hôn anh ta với De-súp.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, chúng tôi uống trà, ăn thịt linh dương thái mỏng và mơ đóng hộp. Khi mọi người đã về hết, Pít-xli bắt tay tôi, nói rằng tôi đã rất sòng phẳng và anh tự hào có một người bạn như tôi.
Cha xứ có một căn nhà nhỏ cho thuê. Ông cho phép hai vợ chồng tôi dùng căn nhà trong khi đợi tàu đi trăng mật tại El Paso vào sáng hôm sau.
Khoảng mười giờ đêm, tôi ngồi trước cửa, tháo giày ra tận hưởng làn gió mát, trong khi De-súp sửa soạn trong phòng. Đèn trong phòng tắt. Tôi ngồi hồi tưởng quá khứ.
De-súp gọi vọng ra: “Vào ngủ sớm đi anh”.
“Ừ!”, tôi đáp và đứng dậy. “Có phiền không nếu anh đợi Pít-xli đến để…”.
Chỉ vừa kịp nói đến đó thì tôi đã thấy như có một viên đạn xé rách tai trái của mình.
Thực ra thì De-súp đã giáng cho tôi một cán chổi thật lực.
Hữu Dương dịch – QĐND