Ngày nảy ngày nay, ở châu Âu còn sót lại một chú rồng tên là Lê-tô. Chú rất cô đơn, nên khi nghe nói ở Việt Nam có thể có nhiều rồng, chú đã không quản xa xôi để đến đó tìm bạn.
Đông Tây hội ngộ
Nếu để ý, ta sẽ thấy rồng châu Âu và rồng châu Á khác nhau khá xa. Nếu như rồng trong văn hóa châu Á là một con vật thiêng, biểu tượng của quyền lực, sự thịnh vượng và may mắn, thì rồng ở châu Âu lại là một loài vật độc ác, nỗi kinh hoàng của con người.
Sự đối lập đó chính là cảm hứng để nữ họa sĩ người Đức Annette Köhn dựng lên một cuộc hội ngộ giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây.
Với Lê-tô, những năm tháng giết chóc đã lùi xa, chú dần chán ghét bạo lực, trở thành một con rồng lịch thiệp và hiền lành. Nên thay vì một cuộc gặp gỡ mang tính “đối đầu”, Lê-tô lên đường với mục đích tìm bạn, cùng một trái tim rộng mở và niềm hăm hở chào đón những điều mới lạ, khác biệt.
Trên hành trình của mình, Lê-tô không chỉ được gặp một chú rồng châu Á thực thụ, mà còn kết thân với nhiều bè bạn thú vị như ông xích lô, những chú rồng đá ngự trên mái chùa, đôi hạc và rùa thông thái canh giữ ban thờ, hay họ hàng nhà khỉ nghịch ngợm cư ngụ trên các đảo, hòn nơi vịnh Hạ Long.
Mỗi người bạn lại giúp đỡ Lê-tô và được Lê-tô giúp đỡ lại theo cách riêng, mang tới cho chú nhiều suy nghĩ mới mẻ về cuộc sống.
Cuốn sách dành cho cả trẻ em và người lớn
Họa sĩ Annette Köhn bộc bạch rằng cô viết cuốn sách này cho trẻ em, biên tập viên khó tính nhất của cô chính là cậu con trai Oskar. Với cuốn sách nhỏ này, cô không dám ấp ủ điều gì lớn lao mà chỉ muốn tạo nên một câu chuyện thật đẹp về tình bạn bất chấp khoảng cách địa lý, văn hóa.
Mặt khác, cô cũng muốn tri ân đất nước Việt Nam, đặc biệt vịnh Hạ Long vì cô từng đến thăm và vô cùng ngưỡng mộ, yêu mến cảnh đẹp nơi đây.
Quả thật, những trang sách của cô tràn ngập những hình ảnh thân thương, gần gũi của đất nước Việt Nam. Trong cái nền ấy, mỗi nhân vật đều được Annette khắc họa một cách tự nhiên và hóm hỉnh: Lê-tô ham hiểu biết và lạc quan, những chú rồng đá hơi có phần tự tin thái quá, những chú hạc và rùa bao dung, thông tuệ, những chú khỉ tinh nghịch nhưng tốt bụng…
Trong cuốn sách còn chứa nhiều chi tiết khiến những người đọc đã có tuổi không thể không ngẫm ngợi. Đó có thể là quan niệm về cho đi – nhận lại của những chú rùa, tâm thế lạc quan, yêu đời của những chú khỉ…
Hoặc thái độ lánh đời của ông rồng già nơi vịnh Hạ Long khi phải đối mặt với sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống cũng khiến ta ít nhiều liên tưởng đến những thách thức đặt ra với các giá trị truyền thống trong thời đại kinh tế công nghệ phát triển như vũ bão này.
Trên hết thảy, cuốn sách nhỏ này là bức tranh đẹp như thơ về thiên nhiên, cuộc sống, khiến ta tin vào cái đẹp, tin vào sự tồn tại rất thật của tình bạn và cả của… những chú rồng nữa. Nó quan trọng, bởi nếu thiếu niềm tin, cuộc sống này sẽ trở nên chán ngán biết nhường nào!
|
Rồng Lê-tô du lịch Hạ Long do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành là tác phẩm truyện tranh do nữ họa sĩ người Đức Annette Köhn sáng tác lời và minh họa.
Cuốn sách lấy cảm hứng từ những lần cô đến thăm Việt Nam, chiêm ngưỡng các thắng cảnh thiên nhiên và tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống ở nơi đây. Mỗi nhân vật đều được Annette khắc họa tự nhiên và hóm hỉnh.
Theo Kim Ngọc – Tuổi trẻ online