Nhụy Nguyên

Sự đặc biệt của dòng thơ hậu chiến là luôn luôn khuấy động trong cái mênh mông vô chừng tưởng đã lắng xuống những vỉa quặng lấp lánh sau 30 năm đằng đẵng.Thực ra, cho đến bây giờ vẫn gán thơ vào từ hậu chiến thì có vẻ hơi kéo dài. Còn nếu gọi 30 năm sau chiến tranh là thơ hậu chiến, sẽ có rất nhiều mảng khối cần tôn vinh.

Thơ Việt tìm tòi & cách tân. Đọc liền một mạch 450 trang sách với 45 tác giả, cảm giác thoải mái nhẹ nhàng, là điều hiếm đối với một ấn phẩm phê bình. Phải chăng sự bình thơ theo lối “trống chuông”, khô khan và đầy tính học thuật song rút ra những khái niệm mơ hồ đã ít nhiều giảm đi sự lung linh của thơ? Ở đây Nguyễn Việt Chiến đã thuyết phục người đọc bằng một lối thẩm thơ uyển chuyển, mượt mà song trước hết khá chân xác và mực thước. Hãy nghe anh nhận định về các tác giả cách tân – những người đã “Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu”(thơ Nguyễn Lương Ngọc): “Đọc thơ họ, chúng ta có cảm giác vừa đi qua một cánh rừng rậm đặc, trong bóng đêm ẩm ướt của những câu thơ đang tuôn trào như một sự hối thúc ám ảnh”. Song song với nó là sự ví von đậm văn chương trước khi Nguyễn Việt Chiến dẫn người đọc đi vào cánh rừng rậm đặc ấy: “Nếu coi chiếc áo dài truyền thống của thơ là vẻ đẹp quyến rũ của lục bát – ca dao thì phải chăng vẻ đẹp khêu gợi một cá tính của bộ váy áo âu – tây mát mẻ chính là đường nét thơ hiện sinh?”.

Trước nhất, xin nói đến tác giả thơ xếp sau cùng của cuốn sách: Nguyễn Việt Chiến. Không phải khiêm nhường, Nguyễn Việt Chiến xếp Nguyễn Việt Chiến sau cùng như là một thao tác đơn thuần của người làm sách. Nói về mình (dẫu chê) cũng khiên cưỡng. Dẫu sao xét về mặt hình thức, Nguyễn Việt Chiến thiếu đi lời bình đối với tác giả thứ 45. Một Nguyễn Việt Chiến luôn trăn trở, bứt rứt với “tìm tòi và cách tân”. Cũng dễ hểu, nếu anh không vật vã, không soi vào từng con chữ, không phân – loại – chữ, không “nhào nặn ngôn từ theo cái đẹp” theo như cách nói của một nhà Mỹ học cổ đại thì không thể “hạ chốt” được một nhận định khá sắc: “Trong cuộc viễn du vào miền ngôn ngữ cách tân, có khi người làm thơ cảm thấy mình đang bay vào cái vùng tối riêng của một miền ánh sáng để nhìn ngược lại vùng thực tại chúng ta đang sống. Trên cái đường biên mập mờ hai chiều tối – sáng ấy, chúng ta sẽ có những phát hiện mới về các giác cảm, về không gian, về thời gian, về sự tồn tại của con người. Và ở trong vùng tối thẳm sâu vô thức ấy, những câu thơ chợt đến như một giấc mơ và một mình nó làm một cuộc viễn du vượt ra khỏi mọi thể chế về ngôn ngữ để độc hành trong sáng tạo”. Nguyễn Việt Chiến còn tìm bạn thơ để đàm luận, khi với Thành Chương, khi với Nguyễn Quang Thiều, khi với Thanh Thảo. Và một điều hiếm thấy, khi anh thưa cùng mẹ chuyện làng thơ, mà là thơ cách tân:

Thưa mẹ

Hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu

Trong con vẫn còn một chuyến tàu

Ba mươi năm trước chưa trở về

 

Phải chăng vì thế những câu thơ bây giờ

Vẫn phải lên đường làm một cuộc ra đi.

Những câu thơ thấm đẫm tình nhân ái. Người con làm một cuộc cách tân ngay trên chuyến tàu ba mươi năm trước. Người mẹ không theo con mà ngồi lại với trống không: không phố, không ga, không tất cả. Người con dùng dằng trên chuyến – tàu – cách – tân nặng trĩu nỗi buồn, niềm hy vọng trong mờ xa tầm mắt mẹ. Từ hình ảnh con tàu – sân ga, sự chia ly trong nỗi niềm kẻ đi – người ở lại tưởng cũ, bài thơ Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ của Nguyễn Việt Chiến gửi gắm một hàm nghĩa về sự “khai sáng một miền thi cảm – thi ngôn với cách hướng sâu vào bản ngã tinh thần con người”.

Không một lời về thơ mình. Nguyễn Việt Chiến dành cho hầu hết các tác giả trong cuốn sách những lời bình đầy tâm huyết. Trong 45 tác giả, thiết nghĩ cần chú ý đến các nhà thơ chưa được giới phê bình đánh giá một cách công bằng và đầy đủ. Điều đó cũng có nghĩa, đây xem như là “phát hiện” của người tuyển chọn. Ấy là Lưu Quang Vũ, Phùng Khắc Bắc, Nguyễn Lương Ngọc v.v. Lưu Quang Vũ, bởi quá thành công với kịch, hay kịch đã phủ ánh hào quang lên “gương mặt thơ tiêu biểu và chói sáng lặng lẽ qua thời gian bên cạnh những gì mờ nhạt và thiếu sức sống ngôn ngữ”. Lưu Quang Vũ gắn số phận mình với kịch, và là… bi kịch! Đằng sau sự vinh danh vọng về từ các sàn diễn kịch, Lưu Quang Vũ ẩn mình soi vào tâm hồn – là mảnh gương với vô vàn vết xước. Để tự đấy hiện lên “những câu thơ say đắm và mê sảng, trong sáng và sầu muộn, ưu tư và tội nghiệp” như chính tình yêu của anh, như chính kết cục bi thảm của gia đình anh trên một chuyến tàu định mệnh.

Không hề công bố một bài thơ nào cho cho tới khi mất, Phùng Khắc Bắc, trường hợp “lạ hoắc” trên thi đàn thơ Việt. Với tập Một chấm xanh được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải, nếu ông công bố khi còn sống, chưa biết chừng quang gánh văn – thơ bên nào nặng nhẹ? Nhưng không. Sự lạ đó khiến ta đặt giả thiết: Một phần con người Phùng Khắc Bắc thuộc về bên kia thế giới; thơ ông là một phần cõi âm nên không được phép công bố trên dương trần? Đọc thơ Phùng Khắc Bắc, cứ hình dung, mỗi bận làm thơ ông đều dạo quanh nghĩa địa.

– Sống chết như nhau

Cõi này cũng có điều đáng buồn như thế

– Trong cái làng âm

Người bốn ngàn năm, nằm chung cùng với người chưa đủ tháng

– Con số di dân về cõi âm như một ngày hội

– …

“Sức tưởng tượng kỳ lạ và mạnh mẽ của nhà thơ đã dựng nên cả một cõi âm với đầy đủ chân dung các kiểu chết, cùng với nỗi đau của mỗi người”. Chính điều đó đã khiến “chúng ta đến gần với đời sống hiện thực hơn, hiểu chính bản thân chúng ta hơn”. Và như vậy, hiện tượng thơ Phùng Khắc Bắc đã căn bản được giải mã.

Khi bàn về sự “tìm tòi và cách tân” trong thơ Việt, Nguyễn Việt Chiến đã không quên nhắc tới người mà theo anh, “làm sụp đổ cái nền móng xưa cũ đã rạn mòn của thi ca Tiền chiến cứ véo von trầm bổng trong thơ Việt suốt những năm qua”. Con người mà chỉ cần hai câu thơ “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ lại khóc những người bay không có chân trời” cũng đủ vinh danh ngang tầm một tượng đài thơ. Cùng với Trần Dần, một trong những nhân vật quan trọng không kém làm nên cú hích cho thơ Việt Nam sau giai đoạn thơ tiền chiến, là Lê Đạt. Nguyễn Việt Chiến ví Lê Đạt như người nông phu cần mẫn “xới đất, lật cỏ” chuẩn bị cho một vụ gieo trồng trong cái “không gian đầy sức sống của vẻ đẹp phồn sinh”

Tiếp đó là những người thơ đã và đang đột phá trên con đường cách tân như Dương Tường, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Khắc Thạch, Inrasara… Mà đại diện tiêu biểu phải kể đến là Nguyễn Lương Ngọc; khi người thơ này “nổ” những bài đầu tiên vào thành trì của những thói quen vần điệu sáo rỗng không – chịu – chuyển – động của nền thơ cũ”. Đặng Đình Hưng, tập thơ Bến lạ “buộc chúng ta phải lục tìm lại trong những giấc chúng ta đã mơ, trong những cơn chúng ta đã mê”. Cho tới lớp thực sự trẻ sau nầy như Phan Huyền Thư, Phan Thị Vàng Anh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vy Thùy Linh – người “luôn trỗi dậy các cơn “cuồng lưu” từ những mê – lộ – chữ”… Ở mỗi tác giả, Nguyễn Việt Chiến đều tìm ra những đóng góp thiết thực, giá trị nhất và triết lý, rồi cô đúc lại.

– Trúc Thông:

“Ông muốn từng con chữ phải chở được một ý tưởng, một thông tin thơ nào đó đã được mã hóa bằng cảm xúc, bằng ấn tượng…”. Vì thế, “thơ của ông dường như không bao giờ chịu cũ, không bao giờ chịu già” Vì thế, “những người viết trẻ thường tìm đến với ông như một tấm gương của sự tận tụy phụng sự thi ca như một tôn giáo”.

– Bế Kiến Quốc:

“Thơ Bế Kiến Quốc giầu suy ngẫm với nhiều ý tưởng lạ, nhưng anh không nghiêng hẳn về phía trình bày những khám phá nội tâm đang day dứt, ám ảnh con người hiện đại, mà luôn có ý hướng sự tìm tòi của mình về phía đời sống lớn lao ở xung quanh chúng ta”.

– Hoàng Hưng:

Cách chấm phá có vẻ nghịch lý là hơi cầu kỳ “đã vượt qua được cái không khí của tranh thủy mạc xưa, nó gần với đời sống đương đại nhưng cũng rất gần với Phương Đông”.

– Nguyễn Lương Ngọc:

“Anh liên tục đưa ra các hình ảnh, các liên tưởng, các câu hỏi về sự tồn tại của con người, của các dạng vật chất trong thế giới này như để tìm cách lý giải về thân phận xót xa của con người trong cuộc sống”.

– Nguyễn Quang Thiều:

“Nỗi buồn thế sự và tâm trạng con người hiện đại được chắt cảm từ cái đời sống ngày thường vốn xù xì nhiều cạnh góc đau đớn để có được những bộc lộ âm thầm và đầy mẫn cảm”.

– Inrasara:

“Thơ anh như một ngọn tháp cô đơn và hoang phế của những truyền thuyết và bi kịch lớn”.

Nguyễn Việt Chiến đã nghiêng mình trước ngọn tháp đó, “như biểu tượng của một nền văn hóa từng chói sáng rực rỡ trước khi lụy tàn trong dâu bể thời gian”.

– Đỗ Minh Tuấn:

“Anh đã gây ấn tượng bởi một hình thức tư duy ngôn ngữ đặc biệt theo kiểu lập trình thơ bằng những suy tưởng mới”.

– Đoàn Mạnh Phương:

“Những câu thơ không vần được anh sắp đặt và kết nối thành một tổ hợp chữ, để đánh thức một giấc mơ nguyên sinh trong cái đời sống đô thị đầy toan tính”.

– Lãng Thanh:

“Lãng Thanh không còn sống để thấy được cái ngày tập thơ Hoa của anh được độc giả thơ đón nhận như một hiện tượng vụt sáng chói qua bầu trời thơ đương đại như một vệt sao băng nóng bỏng”.

Rồi một Phan Thị Vàng Anh cố xóa mờ cái lằn ranh truyện ngắn để cấu tứ thành thơ, tìm một chỗ đứng trong dòng chảy thơ đương đại ngồn ngộn cá tính.

Nhiều nữa.

Đôi khi, thần thái, cái lõi của người thơ còn được Nguyễn Việt Chiến biến cải tinh tế bằng thứ ngôn từ lặng lờ trong dòng chảy ưu tư của một dạng tùy bút huyền mỹ. Đấy là đối với “trường hợp Huế” duy nhất trong tập: Ngoài bài thơ sâu sắc nhất về Phùng Quán, viết về thiền sư vĩ đại Bồ Đề Đạt Ma, “Nguyễn Khắc Thạch như đang kể câu chuyện nhỏ về một danh nhân lớn đã trở thành một công án thiền ở những nơi ông hiện diện, dẫu có khi nơi chốn ấy chỉ là một bức vách mơ hồ, trống rỗng”. Đấy là với thi sĩ – nhạc sĩ Đặng Đình Hưng: “Có lúc tác giả lại lang thang như kẻ mộng – du – thơ đi vào cái nẻo phố chật chội, lấm láp của Hà Nội phố để được nghe những âm thanh cực nhọc và hồn nhiên của cuộc sống, để tìm ra một ảo ảnh yêu thương của riêng mình đang còn khuất lấp đâu đó trong dòng đời xô dạt kia”. Là trường hợp thơ Hoàng Cầm: “Những câu thơ trữ tình của ông được ủ bằng một chất men đặc biệt, trong đó có thể thấy cái ngậm ngùi thương nhớ của những câu ca vùng quan họ còn bịn rịn đâu đây, cái bình yên siêu thoát của những tiếng chuông chùa vẫn bảng lảng ngân nga trong xa vắng…”.

Trong Thơ Việt Nam tìm tòi & cách tân, Nguyễn Việt Chiến đã chứng tỏ được cái bản lĩnh của người “phê”, đồng nghĩa với việc dám chịu trách nhiệm trước những nhận định của mình.

Hai câu thơ “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ lại khóc những người bay không có chân trời” của Trần Dần “thuộc vào hàng những câu thơ hay nhất của Việt Nam”; Nguyễn Việt Chiến còn tiến thêm: Nó còn là những câu thơ thuộc hàng hay nhất “thế giới trong cả thế kỷ qua”. Bởi, “nó mang trong mình một cái nhìn mới, một tư tưởng mới, một tinh thần mới, một triết lý mới. Câu thơ đã làm ta chấn động và ngạc nhiên về sức “hủy diệt” của nó đối với những câu thơ sáo rỗng, mượt mà trữ tình theo kiểu thơ tiền chiến trước năm 1945”.

Bài thơ Ngưỡng mộ hoa sen của Thi Hoàng

Hoa sen không định thơm

Không định thơm thì mới thơm như thế

Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ

Mẹ quá xa rồi

Để ta thành con cái của làn hương

Ta ra điên hay trời bỗng khác thường

Không có hương sen thì trời sẽ sập

Không có hương sen thì ta thối nát

Song, đấy là điều không dễ ai tin

Theo Nguyễn Việt Chiến, “có lẽ đây là một trong những bài thơ về hoa sen hay nhất trong thơ Việt”.

Một bài thơ khác, Người dệt tầm gai. Nguyễn Việt Chiến hình dung Vi Thùy Linh đang “nhẫn nại đan dệt những cảm xúc của mình với mười – ngón – tay – ngôn – ngữ luôn bị trầy xước, rớm máu bởi những nỗi đau vô hình trong thi ca và hữu hình trong tình yêu”“Đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của Vi Thùy Linh”.

Hay: “Có nhiều người cho rằng Hoàng Cầm là ông Hoàng của thơ tình, theo tôi, trước hết Hoàng Cầm là ông Hoàng của thơ trữ tình”. Thơ trữ tình Hoàng Cầm là cả một trường giang lộng lẫy, mênh mang cảm xúc. Chính ông, không ai khác, “là một trong những nhà thơ sáng giá nhất của thế hệ nhà thơ những năm bảy mươi” – Đây là một tính cách đặc biệt của Nguyễn Việt Chiến khi du hành vào không gian thơ của những tác giả lớn. Sự khẳng định như trên là cần thiết, không chỉ với tác giả mà còn mang tính dẫn đường cho bất kỳ ai quan tâm tới nền văn học nước nhà. Sỡ dĩ nó quan trọng đến vậy, là bởi nếu như những nhận định của Nguyễn Việt Chiến chân xác, tải được một phạm trù thẩm mỹ lớn lao thì mỗi lần chúng ta nhắc tới Lưu Quang Vũ, chắc chắn phải kèm theo câu này: “Ông là một trong những nhà thơ sáng giá nhất của thế hệ nhà thơ những năm bảy mươi”. Và, là “một trong những giọng thơ nổi bật nhất trong những gương mặt thơ thời hậu chiến” (dành cho Nguyễn Quang Thiều).

Sự hấp dẫn của cuốn sách, thêm nữa, không nằm ngoài những chân dung mà, chỉ trong một giây phút nào đó Nguyễn Việt Chiến đã kịp “kí họa” bằng những nét than chì mộc mạc. Ngồi cùng Bế Kiến Quốc, đôi lúc Nguyễn Việt Chiến thấy ông như “một nhà tư tưởng, một tín đồ khổ hạnh của thơ ca hơn là một nghệ sĩ theo cái nghĩa thông thường của nó”. Cùng “Tấn Phong chìm đắm trong những cơn say âm nhạc, khoảnh khắc ấy trông anh như một nhạc trưởng lúc mơ màng, lúc phấn khích tột độ vì những giai điệu đẹp”. Rồi khi đối diện với con người “tích tụ trong mình một năng – lượng – nhân – điện – sáng – tạo” Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến thỏa thuê ngụp lặn trong biển lớn của các trào lưu cách tân trên thế giới từng vỗ sóng vào mạn thuyền thơ Việt, dẫu cho trước mặt anh là “một con lạc – đà – thơ, đang cõng một cơn – khát – thơ trên lưng, để đi qua bóng đêm của một cơn khát lớn hơn có tên là sa – mạc – thơ”.

Hẳn nhiên, sự hoàn mỹ cho một cuốn sách là điều luôn nằm ngoài tầm với của người sinh ra nó. Thơ Việt tìm tòi & cách tân, người – đọc – tôi chỉ muốn nói vài điều có liên quan đến những nốt nhạc.

Nguyễn Việt Chiến đồng tình với một số nhà nghiên cứu: “Bắt đầu từ thế hệ Tiền chiến, thơ Việt đã dùng cảm xúc và âm điệu để thoát khỏi những quy tắc cứng nhắc của thơ cổ điển. Thơ đã kéo người đọc ra khỏi đời sống và chính người làm thơ cũng lánh xa đời sống. Thơ trở nên bí ẩn và nhà thơ cũng giống như nhà soạn nhạc, viết ký âm bằng chữ”. Theo tôi, Nguyễn Việt Chiến đã thừa nhận sự đóng góp của thơ Tiền chiến (ra khỏi những quy tắc cứng nhắc của thơ cổ điển) nhưng lại rơi vào sự véo von, vần vè, rề rà và đương nhiên, bế tắc.

“Sau đó, một số nhà thơ thuộc thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và thế hệ sau 75 đã tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của thơ Tiền chiến”. Họ đã “thoát” như thế nào? Này đây: “Thơ của họ (thơ hậu chiến) như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng – cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm”. Cũng vin vào nhạc để tách lìa hai dòng thơ. Tuy nhiên, danh từ “nhà soạn nhạc” trong thơ Tiền chiến, lẽ nào lại không phải là “cha đẻ” của “bản giao hưởng” (cụm từ cũng đã được Nguyễn Việt Chiến sử dụng khi bình thơ Tấn Phong) trong thơ hậu chiến?

Theo đó, trên dòng chảy của âm nhạc, Nguyễn Việt Chiến đã khá nhiều lần sử dụng “nhạc lý” để làm sáng những đời thơ. Điều này là hợp lý (trong thơ có nhạc); càng hợp lý với Đặng Đình Hưng khi người nhạc sĩ tài danh này làm xiếc trên thơ bằng “ngôn ngữ đầy nhạc tính bên trong, nén chặt và âm vang, gợi cảm và gợi tưởng, ở chất trữ tình trí tuệ, bông đùa và rớm máu…”. Nhưng với Hoàng Cầm (tấu lên một nhạc điệu mới, một thứ nhạc nội tại kết dính những câu thơ lại với nhau bằng một thứ nhịp vô hình); với Dương Tường (âm thầm khai phá một nẻo – đường – nhạc – lạ trong công cuộc cách tân thơ Việt hôm nay, “một thứ nhạc tình tuyệt diệu”) thì những nốt nhạc trong vận động tư duy Nguyễn Việt Chiến kém đi cái du dương khi cung đàn đã tắt lịm.

 

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài