Cố gắng “tìm thêm”, người tìm đôi khi phải đi, phần nào xa văn bản, nhưng bước đi phân tích thơ ấy không phải là không có lí. VanVN.net xin giới thiệu một cách tiếp cận Mùa xuân chín của một người vừa là nhà giáo, nhà thơ, nhà báo… với hy vọng có ý kiến phản hồi của bạn đọc.


1. Tiêu đề một bài thơ nhiều khi chỉ như dòng lạc khoản báo việc, báo thời gắn với bài thơ, chẳng có gì để mà phân tích, bình luận. Nhưng với bài Mùa xuân chín, thì phải bắt đầu từ việc phân tích tiêu đề. Chữ chín là một chữ đẹp trong ngôn ngữ Việt. Nhờ nó mà có mầu mận chín trên cây, có đỏ chín mặt trong xúc cảm con người, có một phép chơi chữ tài tình, một nghề cho chín hơn chín mười nghề. Chữ Chín có thể là một số từ, một tính từ, một động từ. Trong thao tác lập tứ, chín được Hàn Mặc Tử dùng như một động từ, giúp những người không chỉ muốn cảm mà còn muốn hiểu bài thơ, hiểu ra rằng, bốn khổ thơ trong bài là bốn góc nhìn vào một khắc xuân thì đang đến và sẽ đi. Nhưng, rời toàn cảnh đề tài mà đi vào tiểu tiết ngôn ngữ thì chín lại có thể hiểu như một tính từ, vì lẽ “xuân chín” trong tiêu để đối lập về nghĩ lý với “xuân xanh” trong khổ thơ thứ hai:

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi…

Chữ xuân xanh như cỏ xanh kia tạo cơ hội để người chơi thơ, đặt chữ chín vào danh mục xếp hạng mức độ chín, của người sành ăn nói, của từ điển tiếng Việt – chín sáp, chín sữa, chín trứng quốc… trên cây, khi “bên vú trái tròn lá bỗng run môi” như Chế Lan Viên đã thấy vào thời khắc xuân, chín tới mức đã thành hè. Để rồi chín nẫu, chín tới không thể chín hơn trong mắt nhìn cay nghiệt của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương “một trái trăng thu chín mõm mòm”.

Thì ra vậy, Hàn thi sĩ đã lao tâm khổ tứ để thơ hay từ cái tiêu đề. Và khi nó đã hay ở vị trí chót vót ấy, thì chẳng cần nhiều lời giải thích ở cả bốn chân thơ uyển chuyển kia. Chữ chín muốn hay hơn chỉ có thể hay trong chiêm nghiệm nghiêm túc của độc giả khi đã tri âm, để có thể xuất thần trong thưởng thức mà thành đồng tác giả. Xin được đi xa hơn vào lao động nhà văn trong một chữ chín này, đi ngược tới lúc thi sĩ tài ba, đang còn loay hoay như anh thợ thơ cần cù khò lửa đỏ tìm chữ vàng. Trong bài “Gái quê” viết trước đó, vệt khói thử bút còn đây:

Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự

Tôi đều nhận thấy trên môi em

Làn môi mong mỏng tươi như máu

Đã khiến môi tôi mấp máy thèm

Xuân trẻ, xuân non thì quen quá hóa thường, nhưng chữ xuân lịch sự lạ quá đi chứ! Lạ mà không hay cũng chẳng ham, chẳng thành được chữ thơ đâu! Cho nên khai đề và kết tứ bài thơ này, cứ phải là chữ ấy, phải là Mùa xuân chín!

2.Trong Mùa xuân chín có một đám hát, hát đông người, hát ngoài trời, hát khi trẩy hội xuân:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây…

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Đã hát trong hội xuân thường thì người ta chọn hơi xuân. Có chuyển hơi oán thì cũng oán kín đáo cách chi đó. Đi hội để hát Nam xuân, chứ không hát Nam ai. Chất xuân đầy ắp trong đoạn thơ thứ ba này. Đầy đến lúng liếng, đền chao đảo chữ nghĩa. Dòng thơ nào cũng có từ đôi (song tiết), đăng đối như trai gái đang bập bênh, đang đánh đu. Nào là lưng chừng, ý vị, nào là vắt vẻo, hổn hển, thầm thĩ… riêng cách bỏ dấu thanh cho các từ đôi nay cũng có một khía cạnh lẳng lơ rất thú vị! Thử hỏi, vì sao hai chữ đầu dòng thơ thứ ba không là thầm thì, mà là thầm thĩ như ta đã thấy? Không đơn giản đổi thanh bằng, ra thanh trắc theo thói giữ niêm của người giỏi Đường thi đâu! Đây là giữ lấy giọng điệu của người miềm Trung. Hàn Mặt Tử sinh ở Quảng Bình, học trung học ở Huế, ông thừa biết, hát dân ca miền Trung thì phải bỏ dấu theo phương ngữ miền Trung, không Bắc hóa, Hà Nội hóa giọng điệu như hát tân nhạc. Vì vậy, cho dù ở trên đã là hổn hển (trắc- trắc)thì ở dưới, trong vị trí đối ngữ, vẫn thầm thĩ chứ không thầm thì dù có mất đi sự quen tai nhờ bằng-bằng luật định; để, may mắm thay, người viết bài bình thơ này có cơ hội giới thiệu với bạn đọc, cách hiểu những chữ bỏ dấu theo kiểu “quê bọ” của một người quê bọ (Quảng Trị) nổi tiếng, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong sách Miền gái đẹp (NXB Thận Hóa 2001) ông viết về bài lý qua đèo dân ca Huế; sẽ rất có lý khi ta nghĩ rằng, đám “xuân xanh” kia đã hát trên “lưng chưng núi”, cái bài Chiều chiều dắt bạn qua đèo/ Con chim kêu (nớ) bên nớ, (úy, óa, chi rứa, chi chi rứa, ức ức) con vượn trèo (ni) bên ni. Ông viết: “Theo tôi, đó chính là giọng nói của người nữ đi trước lúc qua đèo. Người con trai đi sau, làm cử chỉ gì đó không biết, người con gái bật lên tiếng kêu ngạc nhiên, úy, óa, chi chi rứa và sau đó là giọng hổn hển ức ức. Đó chính là vẻ nghịch ngợm của ca dao”. Thưa các bạn, chắc là chàng Hoàng Phủ có nhớ tới động thái hổn hển, ở vị trí dưới trúc của người thơ ngây trong Mùa xuân chín và đưa nó vào đoạn văn kia, để nhắc ta biết cách, chạm vào chữ ấy như chạm vào một nút áo, để cả bốn vạt tứ thân của tác phẩm thơ ca tự giải phóng mà bay tung lên, khoe ra vẻ phồn thực vốn có. Nói theo ngôn ngữ của thanh niên giỏi Tây học hôm nay, khoe ra hương vị đằm thắm của một thứ sex đông phương, mà vì một lẽ nào đó đứa em tình si kia, không nói ra, khi người chị (kiểu chị Diêu Bông mà sau này Hoàng Cầm định danh chăng?) “tòng phu” theo chồng để làm vợ, làm mẹ đành bỏ cuộc chơi giới tính như đã hé lộ từ khổ thơ trước, dẫn bạn đọc chúng ta tới một vẻ đẹp khác của vẫn người đẹp ấy trong khổ thơ cuối cùng.

3. Người em của thời xuân xanh trong cả ba khổ thơ đầu đã thành vị khách trong khổ thơ kết khi ngoài thiên nhiên mùa xuân vừa chín:

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

– Chị ấy, năm nay còn gánh thóc,

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Quý khách thơ của chúng ta, nhân vật trữ tình trong Mùa xuân chín đã “tiến bộ” đến mức bạn thơ Chế Lan Viên của chàng cũng phải ngạc nhiên khi gặp lại trên trang thơ, vào những ngày bắt đầu cuộc đổi mới nước Việt: “Không nằm trong nhung lụa, giai nhân của Tử là cô gái quê Chị ấy năm nay còn gánh thóc, có lao động như ta hay đòi hỏi” (Tuyển thơ Hàn Mặt Tử NXB Văn Học 1987 tr.19). Một đòi hỏi có gì sai đâu khi nhờ lao động, người đàn bà chín mẩy này, đồng hành với dòng sông đang trôi, không phải chị đang “gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” mà gánh cả một trời nằng vàng đang dồn hết óng ánh thơ ca vào những bước chân in chi chít dấu vần – Chị ấy, năm nay còn gánh thóc-Dọc bờ sông trắng – nắng – chang – chang của hành trình kéo dài mãi những Mùa xuân chín…

(Theo THT. 798)

Exit mobile version