Truyện cổ tích đầu tiên, Christian Andersen viết khi còn là cậu học trò, được một nhà sử học Đan Mạch tình cờ tìm thấy tại Cục lưu trữ quốc gia của nước này.

Với tên gọi “The Tallow Candle” (tạm dịch: Cây đèn cầy), tác phẩm là câu chuyện về một cây nến luôn cảm thấy mình vô dụng, cho đến khi nó được một bao diêm phát hiện ra và thắp sáng.

Nhà sử học Esben Brage là người tìm ra tác phẩm. Ông phát hiện ra nó hồi tháng 10 trong bộ sưu tập tư liệu của dòng họ Plum, nay thuộc quyền sở hữu của Cục lưu trữ quốc gia Đan Mạch. Nhận ra tầm quan trọng của câu chuyện, Brage lập tức báo cho lãnh đạo Cục lưu trữ. Hai tháng sau, các chuyên gia xác định, đây chính là sáng tác dạng cổ tích đầu tay của thiên tài chuyên viết truyện thiếu nhi.

Andersen và sáng tác đầu tay vừa được tìm thấy

Tác phẩm được xác định là ra đời khi nhà văn tương lai vẫn còn là một học sinh trung học, bởi văn phong trong đó còn khá non nớt, vụng về. Truyện có dòng chữ viết tay đề tặng bà Bunkeflod vì lòng tận tụy của bà dành cho H.C. Andersen. Bà Bunkeflod là một góa phụ mà Christian Andersen thường đến nhà, đọc và mượn sách khi ông còn nhỏ. Tư liệu được tìm thấy có thể là một bản sao, bởi nó vẫn chưa phải là bản gốc. Bản sao này được nhà Bunkeflod gửi đến nhà Plum – một gia đình cũng thân thiết với Andersen lúc sinh thời.

“Đây là một phát hiện quan trọng. Bởi nó là sáng tác đầu tay của Andersen ở thể loại truyện cổ tích. Nó cho thấy, nhà văn đã say mê những câu chuyện cổ từ khi còn rất trẻ, chứ không phải khi đã trở thành nhà văn danh tiếng”, Ejnar Stig Askgaard – đại diện Bảo tàng thành phố Odense nói trên Politiken.

Nhận định của Askgaard nhận được sự chia sẻ của hai học giả Andersen hàng đầu là Bruno Svindborg và Johan de Mylius.

Hans Christian Andersen (1805 – 1875) sinh ra ở Odense trong một gia đình có bố làm thợ giày còn mẹ là người giặt là. Ông làm thơ trước khi nổi tiếng trong vai trò tác giả những câu chuyện cổ. Đến nay, truyện cổ Andersen vẫn được đón đọc và yêu mến trên khắp thế giới.


Nguồn: giaitri.vnexpress.net

Exit mobile version