Mới đây, người ta đã tìm thấy những trang kinh Koran lâu đời nhất thế giới đưa tới những giả thuyết gây “chấn động”.
Những trang rời chép kinh Koran vừa được tìm thấy ở thành phố Birmingham (Anh) hồi tháng trước. Sau khi được kiểm tra để xác định niên đại, người ta đã có thể khẳng định rằng những trang kinh này cổ nhất thế giới và đã tồn tại từ trước khi cuốn kinh Koran chính thức đầu tiên được viết ra.
Trước đây, các tín đồ đạo Hồi thường tin rằng Nhà tiên tri Muhammad chính là người đã dày công tạo nên kinh Koran và kinh Koran đã được biên soạn sau khi ngài qua đời để tránh thất truyền hoặc biến tấu những lời truyền dạy của nhà tiên tri theo thời gian.
Phát hiện những trang kinh Koran cổ nhất thế giới được cho là gây chấn động đối với những người nghiên cứu lịch sử đạo Hồi, làm nảy sinh những câu hỏi mới và cả những giả thuyết gây tranh cãi về lịch sử Hồi giáo thời kỳ đầu.
Những trang kinh Koran này được xác định niên đại vào khoảng 1.371-1448 năm tuổi. Người ta đã tìm thấy những trang kinh này kẹp trong một cuốn kinh Koran có niên đại từ thế kỷ thứ 7 tại thư viện của trường Đại học Birmingham. Những trang kinh này được viết bằng thứ chữ Ả Rập cổ xưa trên giấy da.
Những trang kinh rời này đã được đem kiểm tra carbon để xác định niên đại bởi các chuyên gia của trường Đại học Oxford (Anh) và được xác định niên đại từ khoảng năm 568-645, trong khi đó Nhà tiên tri Muhammad được cho là sống trong khoảng thời gian từ 570-632.
Chi tiết mới được phát hiện này càng khiến việc xác định nguồn gốc, lịch sử ra đời của kinh Koran trở nên khó khăn, kéo theo những câu hỏi mới đặt ra về cuộc đời của Nhà tiên tri Muhammad và các tín đồ.
Các tín đồ đạo Hồi luôn tin rằng Nhà tiên tri Muhammad đã nhận được những lời truyền dạy của Thượng đế thông qua một thiên thần trung chuyển trong khoảng thời gian từ năm 610-632. Những lời này đã được thiên thần truyền đạt để Nhà tiên tri Muhammad học thuộc và sau đó truyền lại cho các tín đồ, tạo thành kinh Koran.
Người ta vẫn không thể biết chính xác tại sao những trang kinh Koran rời này lại được kẹp trong cuốn kinh Koran cổ có từ thế kỷ thứ 7.
Cuốn kinh cổ đã được sưu tập bởi một thầy tu người Trung Đông về sau sinh sống ở Birmingham (Anh), có tên Alphonse Mingana, từ hồi thập niên 1920.
Nhà tiên tri Muhammad đã sáng lập ra đạo Hồi vào khoảng thập niên 610 và cộng đồng Hồi giáo đầu tiên được thành lập ở thành Medina (Ả Rập Saudi) từ năm 622.
Trong khoảng thời gian này, kinh Koran được học thuộc lòng, lưu giữ bằng trí nhớ và chỉ được truyền miệng bởi tương truyền lúc sinh thời, Nhà tiên tri Muhammad đã ngăn cản không cho tín đồ chép lại lời ông nói, mà khuyến khích mọi người cố gắng học thuộc lòng kinh Koran.
Tuy vậy, sau khi Muhammad qua đời năm 632, người kế nhiệm đầu tiên của ông – Khalip (vua Hồi) Abu Bakr – đã ra lệnh biên soạn lại kinh Koran một cách hệ thống. Công trình này được coi là hoàn tất vào năm 650 dưới thời Khalip thứ 3 – Uthman bin Affan.
Theo Bích Ngọc – Dân trí (dịch từ Daily Mail)