Cơn sốt của dòng văn học huyền ảo (fantasy) từ trang sách đến tác phẩm điện ảnh kinh điển như Chúa nhẫn; Alice ở xứ sở thiên thần; Harry Potter; Biên niên sử Narnia… không chỉ trên thế giới mà giới trẻ Việt Nam cũng mê mẩn.


Sự cộng hưởng điện ảnh, game, sách… về fantasy khiến cho thể loại này ngày càng hấp dẫn giới trẻ trên khắp thế giới. Vài năm trở lại đây, một số ít tác giả trong nước cũng thử sức với văn học fantasy bước đầu đã có thành công như Phan Hồn Nhiên, Phạm Bá Diệp… Nhưng để tạo thành dòng văn học fantasy của Việt Nam thì vẫn còn phải chờ…


Hiện nay có nhiều tác giả trẻ cũng đang “mò mẫm” bước vào thế giới này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dòng fantasy của Việt Nam chưa thực sự cuốn hút bởi thiếu bản sắc dân tộc. Phần lớn các tác phẩm bay bổng, tưởng tượng ở thế giới xa lạ nào đó. Mới đây Chibooks phát động cuộc thi viết fantasy với yêu cầu là nội dung câu chuyện phải ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên lại có thể lệ như vậy.


Theo bà Lệ Chi, Giám đốc Chibooks: “Gần đây có khá nhiều tác giả trẻ gửi tác phẩm dòng fantasy cho chúng tôi nhưng thật khó để cảm nhận, phân biệt được câu chuyện xảy ra ở đâu. Từ tên nhân vật, bối cảnh đều xảy ra ở nước ngoài. Điều này chúng tôi không khuyến khích, mà phải có những tên nhân vật, bối cảnh của Việt Nam, dù trí tưởng tượng của các bạn có thể bay bổng ra ngoài không gian đó. Chúng tôi mong muốn có được những tác phẩm fantasy thuần Việt để khi mang giới thiệu, chào hàng bán bản quyền cho nước ngoài họ sẽ biết được đây là tác phẩm được xuất bản, độc lập của Việt Nam chứ không phải “nhái” theo bất kì của nước nào khác”.


Văn chương kì ảo không chỉ có nghĩa là bay bổng trong thế giới kì ảo, xa lạ. Mà theo nhà văn Phan Hồn Nhiên, tác giả của nhiều tác phẩm fantasy hấp dẫn độc giả như Những đôi mắt lạnh; Chuỗi hạt Azoth; Xuyên thấm… thì “Văn học fantasy phải có hai thế giới thực và ảo. Yếu tố kỳ ảo, siêu nhiên là khúc xạ của chính thế giới thực. Nhân vật di chuyển giữa hai thế giới ấy. Đây là thể loại rèn kỹ năng viết, mở ra thế giới bay bổng để tác giả thỏa sức tưởng tượng của mình. Nhưng người viết phải xây dựng một cốt truyện, làm sao đưa tín hiệu đến người đọc một cách lôi cuốn. Nếu chỉ dựa vào trí tưởng tượng sẽ không có độ sâu câu chuyện. Văn học kỳ ảo như phim phải cuốn hút nếu không thì khó thành công. Đồng thời phải lồng ghép nhiều thông thiệp nhân văn trong lời nói, ứng xử và suy nghĩ của nhân vật…”.


Ở Việt Nam, ngoài thành công của Phan Hồn Nhiên thì rất ít tác phẩm văn học kỳ ảo thu hút người đọc. Cuộc thi văn học tuổi 20 năm 2014 xuất hiện một vài tác phẩm mang yếu tố huyền ảo được đánh giá như Urem – Người đang mơ của Phạm Bá Diệp;“Hạt hòa bình của Minh Moon… Nhà văn Phan Hồn Nhiên chia sẻ: “Dòng văn học này không dễ viết như các bạn trẻ nghĩ. Không phải chỉ có tưởng tượng phong phú là làm ra một tác phẩm. Mà các bạn phải có một kiến thức nền về văn hóa, lịch sử. Trí tưởng tượng chỉ giúp cho nhà văn bước vào thế giới kì ảo. Cái khó của tác giả là làm sao đưa những thứ ở thế giới kỳ ảo dù không có thật nhưng người đọc chấp nhận nó”.


Trên thế giới, sự song hành giữa sách và điện ảnh tạo cơn sốt cho mọi đối tượng độc giả và khán giả. Điều này ở Việt Nam vẫn chưa có, phần lớn các sáng tác chỉ theo cảm hứng và ý tưởng của riêng nhà văn. Bà Lệ Chi cho rằng: “Ở nước ngoài, ngoài tác phẩm hay họ có êkip giỏi, viết thế nào để làm phim. Khi một cuốn sách ra đời chỉ là tiền đề quảng cáo cho bộ phim tiếp theo. Các nhà văn Việt mới sáng tác theo cảm hứng, chưa có cơ hội tiếp cận các nhà sản xuất phim. Dòng sách fantasy rất hiếm người viết ở VN. Để có nhiều sách fantasy của các tác giả khác thì đòi hỏi quá trình lâu dài. Làm sao các tác giả ý thức được không chỉ viết một cuốn mà phải xác định viết dòng này, thử sức xem có thành công hay không. Kêu gọi các nhà văn Việt hãy thử sức với dòng văn học này. Chúng tôi rất muốn xuất bản những cuốn sách fantasy của tác giả trong nước. Nếu sáng tác thành thói quen sẽ có êkip chuyển thể thành phim. Làm sao tạo nhân vật fantasy sống mãi với thời gian…”.


Kho tàng truyện cổ tích, thần thoại… hay những câu chuyện lịch sử của Việt Nam sẽ là những “chất liệu” quý cho dòng văn học kì ảo. Điều quan trọng là các tác giả Việt có sử dụng những chất liệu ấy vào tác phẩm của mình hay không. Độc giả vẫn hi vọng sẽ có những tác phẩm văn học fantasy thuần Việt, không pha trộn với bất cứ nước nào trên thế giới.

 

Theo H.Trần – Văn hóa

Exit mobile version