Nhà văn Trương Duyệt Nhiên.

(Nhà văn Trương Duyệt Nhiên – Một trong số các nhà văn thuộc dòng linglei nổi tiếng)


Trung Quốc là đất nước có một nền văn học phong phú, rực rỡ, phát triển qua hàng nghìn năm với nhiều tên tuổi và tác phẩm được đánh giá là kiệt tác văn chương thế giới. Có thể nói nền văn học đương đại Trung Quốc là một nền văn học đa hương, đa sắc và đa vị với sự xuất hiện của hàng loạt trào lưu văn học. Đặc biệt là vào những năm 90 của thế kỷ XX, trên văn đàn nước này bắt đầu dấy lên một khuynh hướng văn học mới, khuynh hướng sáng tác của giới trẻ với những cách tân táo bạo trong nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật: khuynh hướng văn học Linglei.

Đề tài được nói đến trong dòng văn học này khá đa dạng, mới mẻ, hiện đại và nhạy cảm, có vấn đề từng bị xem là cấm kỵ. Các nhà văn đề cập đến khát khao tình dục, ma tuý. Họ còn nói đến sự dằn vặt nội tâm, những khó khăn và nỗi trống trải của cuộc sống phụ nữ độc thân. Có người còn nói đến sự bất bình, phản kháng của giới trẻ trước những thói giả tạo, thói đạo đức giả… Tất cả phô bày trung thực một xã hội hiện đại, gồm cả tốt và xấu.


1. Khuynh hướng văn học Linglei

Trước khi dòng văn học Linglei ra đời phải kể đến sự xuất hiện của thuật ngữ “Linglei” (Phát âm: linglay) ở Trung Quốc từ những năm 80 của thế kỷ trước. Linglei () phiên âm Hán Việt là “lánh loại”, với nghĩa là “một loại khác, một dạng khác”. Giới trẻ theo trào lưu Linglei xây dựng cho mình một lối sống bất cần, phản đối những lề thói khuôn phép của xã hội cũ. Ban đầu Lingei được hiểu là du côn, lưu manh. Nhưng đến nay, theo từ điển chính thức của Trung Quốc định nghĩa, Linglei là lối sống năng động. Nó đã mất đi ý nghĩa ban đầu. Điều này chứng tỏ trào lưu này đã được người dân Trung Quốc đón nhận”.

Khuynh hướng văn học Linglei (类文)xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước với các sáng tác của nhà văn nữ Vệ Tuệ như Tiếng kêu của bươm bướm, Khẩu súng dục vọng… Các tác phẩm của Vệ Tuệ đã nhanh chóng thu hút được đông đảo độc giả trẻ tuổi đón đọc và cổ súy nồng nhiệt. Kéo theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt các tác giả và tác phẩm ảnh hưởng đậm nét phong cách sáng tác của Vệ Tuệ. Năm 1999, Vệ Tuệ lại một lần nữa gây chấn động văn đàn với tiểu thuyết Bảo bối Thượng Hải. Và bắt đầu từ đây, văn học Linglei bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Bước sang thế kỷ XXI, văn học Linglei đã dần khẳng định được tiếng nói của mình trên văn đàn nghệ thuật dân tộc và tự hào đứng ngang hàng với trào lưu văn học chính thống đương đại. Sau Vệ Tuệ, năm 2002, Xuân Thụ lại tiếp bút để cho ra đời tác phẩm Búp bê Bắc Kinh cũng đã tạo ra một tiếng vang không nhỏ trong làng văn chương đương đại. Cuốn tự truyện này được viết khi Xuân Thụ mới 17 tuổi. Cũng trong năm 2002, nam văn nhân trẻ Quánh Kính Minh trình làng tiểu thuyết võ hiệp mang đậm chất Linglei: Vương quốc ảo đánh dấu cho “Hiện tượng văn học Trung Quốc” khi số lượng sách bán ra lên tới 84 vạn bản.

Vào những năm 2004 – 2005, văn học Linglei bùng nổ và phát triển mạnh mẽ nhất. Sự phát triển ấy không chỉ thể hiện ở đội ngũ sáng tác hùng hậu, giàu sức sáng tạo và đầy nhiệt huyết mà còn thể hiện ở sự phong phú và đa dạng của tác phẩm. Văn học Linglei giai đoạn này có sự góp sức đáng trân trọng của rất nhiều cây bút trẻ khác như: Miên Miên, Cửu Đan, Trương Duyệt Nhiên, Bì Bì, Lý Soả Soả, An Ni Bảo Bối… Và trong số những tác giả đó có không ít những nhân vật gây sự chú ý của dư luận, trở thành những nhân vật có sức hút. Các tác phẩm của họ trở thành best – seller không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Như vậy văn học Linglei thích nói về những điều khác lạ như sex, ma túy, lối sống hưởng thụ… Các nhân vật đều là những người trẻ tuổi mang trong mình tính cách, quan điểm sống, suy nghĩ khác lạ. Linglei đã nêu lên được tâm trạng bức bối của lớp thanh niên trưởng thành trong giai đoạn mới, vẫn phải chịu ràng buộc bởi những lề thói khuôn phép của xã hội cũ. Linglei có thể là khát khao tình dục, ma túy, nhạc rock, lầm lạc, lối sống buông thả của một số thanh niên như Kẹo (Miên Miên), Điên cuồng như Vệ Tuệ (Vệ Tuệ). Cũng có thể là bất hạnh cuộc đời, vị đắng tình yêu, sự dằn vặt nội tâm, những khó khăn và nỗi trống trải trong cuộc sống của phụ nữ độc thân như Hoa bên bờ, Đảo Tường Vy (An Ni Bảo Bối); hoặc phê phán những tiêu cực trong chế độ giáo dục nhà trường, những bất bình và phản kháng của lớp trẻ trước những thứ giả tạo, đạo đức giả như Ba tầng cửa (Hàn Hàn); là thế giới hư cấu về tội ác và tình yêu bất bình thường trong Thủy tiên cưỡi cá chép vàng đi, Mười yêu… (Trương Duyệt Nhiên)…

2. Đặc điểm văn học Linglei

Văn học Linglei ra đời và phát triển trong dòng chảy chung của văn học đương đại Trung Quốc. Vì vậy, nó cũng không thoát ra được những đặc trưng vốn có của văn học giai đoạn này như chịu sự chi phối mạnh mẽ của thị trường, cùng sự bừng nở hiếm thấy của những cây bút nữ. Tuy nhiên, bên cạnh những đặc điểm chung đó, khuynh hướng văn học Linglei còn mang những đặc trưng mới mẻ làm nên giá trị và diện mạo riêng cho mình.

2.1. Phản ánh đúng tâm lí thời đại trong giới trẻ Trung Quốc

Văn học Linglei không chỉ là dòng văn học của những cái tôi tác giả mà là văn học của hàng triệu cái tôi thanh niên Trung Quốc hôm nay. Phong trào văn học Linglei ra đời và trở thành trào lưu chủ đạo của văn chương đương đại vì nó miêu tả đúng tâm lí thời đại, của người trẻ: nỗi cô đơn, lạc lõng, stress, đô thị, hàng ngày sống ảo trong thế giới phẳng… Chính vì thế mà những người trẻ tuổi với tính chất “giải truyền thống”, bất tín vào những tuyên ngôn của bậc cha anh đã nghĩ ra một thế hệ tư tưởng mới, một tư tưởng cho riêng mình.

Những tiêu chí vốn được coi là chuẩn mực do những người lớp trước đưa ra thì trong xã hội hiện đại có nguy cơ bị lung lay, thậm chí là sụp đổ. Điều cốt yếu nhất là sự sụp đổ về đức tin, về các giá trị. Hành động phá cách chỉ là che đấu sự hoảng hốt, bức bối của một lớp thanh niên trưởng thành trong thời đại mới nhưng vẫn phải chịu sự ràng buộc bởi những lề thói cũ.

Cô đơn và lạc lõng khiến giới trẻ phải lao vào một cuộc sống buông thả, không hướng đi, không mục đích. Họ không bắt nhập được với cuộc sống thực tại, họ ước mơ đổi mới nên họ muốn thể hiện mình. Dường như, họ muốn chống lại mọi thứ của cuộc đời, muốn bỏ lại sau lưng những gánh nặng của cuộc sống. Cuộc sống đó được nhìn qua đôi mắt Vệ Tuệ hiện lên một cách từ từ, chậm rãi của thành phố Thượng Hải: “Cái gọi là cuộc sống thường nhật là những buổi chiều như thế, một bến xe điện ngầm ồn ào, những thanh niên trên đôi giày trượt băng, những người lớn tuổi cắp cặp tài liệu, cả vị ngon của xương hầm, một cô gái nhàn nhã, lêu lổng ngoài không tưởng ra không còn một thứ gì khác. Cuộc sống thường ngày có nghĩa là những linh tinh vụn vặt không như ý thơ, những vụn vặt ấy tuyệt nhiên không phải là bản chất cuộc sống mà chỉ là cái mơ hồ bồng bềnh trên dòng đời mênh mông” [9; 286, 287].

Bao thủ cựu gò bó của xã hội dường như bị đánh tung bằng tất cả những hành động có vẻ “quậy” và “phá cách” đó của thế hệ thanh thiếu niên. Họ chán ghét trường học, họ nghĩ rằng không chỉ có trường học mới là con đường đưa họ đến thành công và hạnh phúc. Sự lạc lõng cùng với nỗi chán chường khiến Xuân Thụ trongBúp bê Bắc Kinh muốn bỏ học, bỏ người yêu, bỏ cả cuộc sống, trần truồng bỏ chạy giống như trong giấc mơ vẫn ám ảnh cô… Cô yêu Rock’n’roll và punk, ghét trường học, nơi chôn vùi những giấc mơ và sự sáng tạo cũng như cá tính của cô bằng những luật lệ rập khuôn, khiến cô cảm thấy mình “bị tiêu tán hết tất cả nhiệt tình và sức lực tôi có”. Cũng như làm cô ghê tởm đến mức “tưởng như sắp nôn oẹ“:“Ngày lại ngày, tôi càng thêm ghét trường học. Tôi không muốn học những thứ chó chết ấy nữa, không muốn mất thêm một tí thời gian nào ở đó” [5; 105].

Một biểu hiện khác của lối sống nổi loạn trong giới trẻ là tự coi mình như trung tâm của vũ trụ và khát khao được thể hiện mình, sống theo những gì mình thích. Họ muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng mình là người như thế nào: “Mỗi buổi sáng vừa thức dậy, tôi đã tự hỏi phải làm chuyện gì thật ghê gớm khiến mọi người chú ý, rồi tưởng tượng sẽ có một ngày tôi được bắn vụt lên bầu trời thành phố như những chùm pháo hoa rực rỡ. Chúng hầu như đã trở thành một lý tưởng sống của tôi, một lý do đáng để tiếp tục tồn tại” [8, 6].

Thế nhưng, dù là ai đi nữa thì ẩn bên trong lối sống cá nhân tự do, buông thả, lêu lõng, quậy phá ấy lại là một thế giới khác. Đó là thế giới của tâm hồn. Cuộc đời “tôi” trong Búp bê Bắc Kinh đã khép lại với niềm khát khao một cuộc sống tươi mới: “Tôi chưa làm được gì và chẳng biết làm bất cứ cái gì? Còn tương lai của tôi? Ngày mai của tôi? Ai bận lòng? Tôi không muốn tiếp tục như thế này nữa” [5; 324].

Những nhà văn Linglei đã cất tiếng nói bênh vực cho hành động phá cách đó của giới trẻ. Họ trải lòng mình với những con người như họ, những người sống vì cuộc sống của chính mình, những người dám vượt qua những rào cản khắc khe mà các thế hệ trước đặt ra. Những trang sách văn học Linglei chính là được tạo nên từ những màu sắc rất thực của bức tranh về đời sống của thanh thiếu niên Trung Hoa thế kỷ XX. Đó là một bức tranh muôn hình vạn trạn đầy phức tạp của một xã hội hiện đại.

2.2. Đề tài về tình yêu và tình dục

Văn học Linglei chính là hành trình tìm kiếm ý nghĩa thật sự của tình yêu và tình dục. Có thể nói tình yêu và tình dục là hai đề tài nổi bật nhất, được thể hiện rất mới mẻ và lạ lẫm.

“Dưới ngòi bút của Trương Duyệt Nhiên, tình yêu là những cánh diều lơ lửng bay lên từ một tâm hồn ngây thơ nhưng sớm già dặn. Tình yêu đã trở thành điểm tựa duy nhất”. Mơ ước đó của Trương Duyệt Nhiên thể hiện ra trong các tác phẩm, bền bỉ, rất đậm nét, chẳng hạn sự cự tuyệt của “tôi” trong Mèo đen không ngủ, sự theo dõi của “thiên sứ” trong Lụi tàn, sự dâng hiến của chủ thể trong Hoa hướng dương lạc lối năm 1890… Các nhân vật trong tác phẩm cô hiện ra, đầy buồn thương nhưng cao quý lạ lùng. Trong trái tim họ, tình yêu cao quý hơn hết thảy.

Không đi sâu vào miêu tả những cung bậc tình cảm nhớ nhung, giận hờn, chờ đợi như trước đây. Tình yêu trong những trang viết của văn học Linglei được thể hiện một cách táo bạo và phá cách. Tình yêu gắn liền với những giá trị của cuộc sống hiện đại. Những con người trẻ tuổi trong các tác phẩm Linglei đều yêu đến điên cuồng, ngây ngất, yêu đến mù quáng như nhân vật Coco trong Thiền của tôi“Tôi luôn cần tình yêu, thậm chí còn cần hơn những phụ nữ khác, tựa hồ như không có nó tôi không thể thở nổi, không thể sống được. Tôi ngậm tình yêu trong miệng, giấu dưới gối, nhét sâu trong tử cung, viết ra giấy” [10; 126]. Đó chính là một tình yêu vượt lên trên tất cả mọi thứ tình yêu khác. Nó không đơn giản, tầm thường, yếu ớt mà mạnh mẽ, bí ẩn và lôi cuốn tuyệt đối.

Cuộc sống với đầy rẫy những khó khăn và cám dỗ. Con người phải chạy đua với chính bản thân mình để từng bước thích nghi và làm chủ xã hội. Nếu không có tình yêu tiếp thêm sức mạnh thì họ sẽ dễ dàng bị gục ngã. Tình yêu còn giúp họ có được niềm tin để sống và làm việc. Đó cũng là quan niệm của Thiên Thiên trongBảo bối Thượng Hải“Trong cái thế giới này, tình yêu là thứ có sức mạnh nhất. Nó có thể khiến cậu bay bổng, quên đi tất thảy. Không có tình yêu, một đứa trẻ con như cậu sẽ tiêu đi rất nhanh. Vì cậu không có sức miễn dịch với cuộc sống” [8; 20]. Vì thế mà những người trẻ tuổi đã lao vào con đường tìm kiếm tình yêu đích thực của cuộc đời mình như để tiêm cho mình một liều vắc – xin miễn dịch với mọi khó khăn của cuộc sống đời thường.

Tình yêu của giới trẻ hôm nay đang lao vào con đường khủng hoảng như chính những người trẻ tuổi đang chao đảo trước cuộc sống thực tại. Họ yêu và khát khao được yêu nhưng cuối cùng chính họ cũng không biết được tình yêu là gì? Họ vẫn luôn day dứt trên đường khám phá để tìm ra một chân lý mới về tình yêu: “Tôi yêu em, em yêu tôi. Xin đừng hỏi tình yêu đến từ đâu, gió đến từ nơi đâu. Yêu như một bài ca, như một bức tranh. Mong em đừng quên tôi. Gió hỏi tôi lặng lẽ là gì? Tôi còn ít tuổi đâu hiểu nổi lặng lẽ là gì. Mây hỏi tôi yêu phải chăng vui vẻ? Tôi chưa hiểu việc đời sao hiểu nổi niềm vui” [3; 173]. Những nỗi niềm trăn trở của nhân vật “Quả lạ” trong Kẹo (Tuổi xuân tàn khốc) đã trở thành tâm sự của cả một thế hệ trong xã hội.

Tình yêu luôn gắn liền với những khám phá tình dục. Tình dục được miêu tả một cách trực diện và thẳng thắn, không có gì để che đậy, ngại ngùng hay dấu diếm. Và tình dục cũng là một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Tình dục là một vấn đề tự nhiên, mang tính bản năng tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn của bản thân con người. Nó được nhà văn Linglei miêu tả và khơi gợi ra như một sự thoả mãn của thân xác: “Tôi tròn mắt nhìn trần nhà, cố kìm chế khát vọng muốn gào lên. Ngọn lửa trong cơ thể vừa được châm, dòng điện âm dương đã ồ ạt lưu chuyển giao nhau mãnh liệt và bí ẩn. Tôi là âm, anh là dương. Tôi là mặt trăng, anh là mặt trời. Tôi là nước, anh là núi, hít thở của anh, tồn tại trong sự tồn tại của anh. Cảm giác khoái lạc đó khiến người ta như phát điên” [10; 68].

Tình dục là một nhu cầu của con người không có gì là xấu xa, đáng lên án. Những nhà văn Linglei chỉ mong muốn phơi bày để chứng tỏ cho mọi người thấy mình là người như thế nào. Họ đã không ngần ngại khi bày tỏ cùng thiên hạ: “Bên cạnh người yêu, tôi nhét ngón tay thô gầy tự thủ dâm hết lần này đến lần khác. Tôi giúp tôi tự bay, bay vào vũng bùn có cao trào tình dục” [8; 24].

Tình dục dường như trở thành một yếu tố không thể thiếu của đời sống con người. Nó xâm chiếm ta mọi lúc, mọi nơi và không ai có thể kiểm soát được nó: “Không hiểu tại sao trong quá trình ngồi thiền suy ngẫm này, tôi luôn cảm thấy một cơn khát khao tình dục, tuy chỉ xuất hiện có vài giây” [10; 224].

Trong văn học Linglei, tình dục chính là sợi dây liên kết vô hình xâu chuỗi tình yêu lại với nhau. Tình dục và tình yêu cùng song song tồn tại và hỗ trợ cho nhau. Có thể có tình dục trước rồi sau mới có tình yêu, nhưng tất cả đều nhằm để khẳng định bản thân với mọi điên cuồng của khát khao. Đó chính là những nỗi niềm chân thành và thầm kín nhất của giới trẻ ngày nay.

2.3. Cái tôi táo bạo và liều lĩnh

Văn học Linglei ngoài việc phản ánh đúng tâm lý thời đại, miêu tả tình yêu và tình dục như một từ trường thật mạnh đối với ngòi bút của những nhà văn trẻ Trung Quốc. Và một thứ khác cũng mang sức hút mạnh mẽ không kém, đó là cái “tôi” mà họ đang tìm kiếm, khẳng định.

Nhìn lại những tác giả trẻ trên văn đàn Trung Quốc hiện nay có thể nhận thấy đa số họ viết về bản thân và cuộc sống mà chính họ đã từng trải qua. Họ ghi lại trong những trang sách như những dòng nhật ký. Họ khai thác chính tư liệu sống đó là xúc cảm của bản thân và phơi bày lại nó lên trang giấy. Trong cuốn Bảo bối Thượng Hải, Vệ Tuệ đã nói “Đây là cuốn sách có thể nói là bán tự truyện. Trong từng hàng chữ, tôi luôn muốn giấu mình kín hơn một tí. Nhưng tôi thấy điều đó rất khó khăn” [8; 343]. Họ bất chấp tất cả mọi thứ với mong muốn khẳng định tinh thần của người phụ nữ. Đó là tâm hồn của người phụ nữ luôn tự vấn làm sao có thể xoá bỏ cảm giác trống trãi và được cảm thấy nhựa tình yêu sôi sục trong lòng ngực.

Với lối viết mới mẻ không chút quanh co về đời sống cá nhân, họ đã làm hiện lên chân dung những người nữ trẻ trong xã hội hiện đại như một kiểu nhân vật mới: những người phụ nữ trẻ tuổi, thông minh trong xã hội phương Đông hiện đại. Trung Quốc bước vào quỹ đạo của cuộc sống hiện đại đã lâu nhưng xã hội vẫn đánh giá thấp nhu cầu, giá trị và những nỗ lực của phụ nữ. Vì thế mà những người phụ nữ trẻ tuổi, có học thức, có ý thức về vị trí của mình luôn khao khát thay đổi, khao khát khẳng định mình và khao khát tự do. Tuy nhiên, con đường họ đi tới cái đích ấy lại có quá nhiều giằng xé, vật vã. Nhân vật Coco trong Bảo bối Thượng Hải là một trường hợp tiêu biểu. Giấc mơ Bảo bối Thượng Hải có thể là một giấc mơ phù du, nhưng giá trị đích thực của người phụ nữ trong xã hội vẫn luôn tồn tại và được khẳng định.

Những người trẻ tuổi dám đối diện cuộc sống tương lai với nhiều trăn trở, day dứt, dằn vặt. Họ luôn khao khát tìm kiếm bản thân để trả lời cho câu hỏi bí ẩn đặt ra từ ngàn đời nay: “Tôi là ai?”. Một câu hỏi đã đặt ra biết bao sự tò mò lẫn sự thích thú. Câu hỏi ấy đâu phải dành riêng cho Coco trong Bảo bối Thượng Hải, đâu phải là dành riêng cho Vệ Tuệ. Đó là câu hỏi chung của con người, nhất là những người phụ nữ. Câu trả lời mà họ nhận được là tốt hay xấu không quan trọng, mà quan trọng là họ đã thu nhặt được những gì cho bản thân. Đó cũng chính là nền tản cốt lõi để họ có thể tiếp tục vững bước tiến vào cuộc sống tương lai.


Văn học Linglei là dòng văn học khác biệt, thể hiện ở cách đặt vấn đề và phong cách. Người viết dám đi sâu vào những vấn đề gai góc, những mảng tối của cuộc sống. Họ dùng bút pháp quyết liệt, táo bạo đầy hơi thở hiện đại. Đề tài nổi bật trong các tác phẩm của họ là cuộc sống hôm nay với những cảm quan và nhận thức tân tiến. Giọng văn tự sự gần gũi, chủ yếu mang tính chất hiện thực từ chính đời sống trải nghiệm của bản thân. Mỗi tác phẩm gần như là những tự truyện của chính tác giả. Các nhà văn này đã nêu lên được tâm trạng bức bối của của lớp thanh niên trưởng thành trong thời đại mới nhưng vẫn phải chịu ràng buộc bởi những lề thói của xã hội cũ.

Ngày nay, trào lưu văn học Linglei đã được người Trung Quốc chấp nhận như là một dòng văn học chính thống. Không chỉ dừng lại ở đó, các tác phẩm của trào lưu Linglei còn vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc và gây sốt trên các văn đàn nhiều nước trên thế giới. Những tác phẩm này được dịch sang nhiều thứ tiếng và được độc giả Mỹ, Pháp, Ý đón nhận. Còn riêng đối với Việt Nam thì trào lưu Linglei đã trở thành một “hiện tượng lạ” trên thị trường sách. Sức nóng của nó có thể cảm hóa được cả những người lười đọc sách.

 

Tài liệu tham khảo:

1.   Hồ Sĩ Hiệp (2001), Văn học Trung Quốc năm 2000, Tạp chí Văn học, số 2

2.   Hồ Sĩ Hiệp (2002), Một số vấn đề văn học Trung Quốc thời kì mới, Đại học Quốc gia TP. HCM

3.  Miên Miên, Nguyễn Lệ Chi (2006), Kẹo [tuổi xuân tàn khốc], Phụ Nữ, H.

4.  Trần Minh Sơn (2004), Phê bình văn học đương đại Trung Quốc, Khoa học xã hội, H.

5.  Xuân Thụ (2005), Búp bê Bắc Kinh, Văn học, H.

6.  Vệ Tuệ, Nguyễn Lệ Chi – Sơn Lê (2007), Tuyển tập Vệ Tuệ, Văn học, H.

7.  Vệ Tuệ, Nguyễn Lệ Chi (2008), Gia đình ngọt ngào của tôi, Văn nghệ.

8.  Vệ Tuệ, Nguyễn Lệ Chi (2008), Baby Thượng Hải, Văn nghệ.

9.  Vệ Tuệ, Sơn Lê dịch (2007)Điên cuồng như Vệ Tuệ, Hội nhà văn.

10. Vệ Tuệ, Nguyễn Lệ Chi dịch (2007), Thiền của tôi, Phụ Nữ

11. Vương Trí Nhàn (2006), Ngoài trời lại có trời, Phụ Nữ.

– Phạm Duy Mẫn –