Lưu Tuấn Kiệt

 Nhà thơ Trần Tế Xương (Tú Xương), một “nhà giáo” thời kỳ Nho học suy tàn; một nhà trí thức trẻ tuổi với một kho tàng thơ, phú, câu đối, hát nói,… vô cùng giản dị, bình dân, tự nhiên, linh hoạt, dễ nhớ dễ hiểu nên được nhiều người truyền tụng. Thơ Tú Xương chủ yếu là thơ Nôm thể đường luật trình bày tâm sự đau đớn, xót xa; hoặc mỉa mai, ngạo đời một cách chua chát, cay độc, trào phúng, đả kích thói hư tật xấu dưới sự đô hộ của Phong kiến và thực dân Pháp. Trong đời thơ của Cụ Tú xương hiện nay có bài Áo bông che bạn đã được nhà trường phổ thông cho các cháu học. Xin được đôi lời bàn lại bài thơ này.

Ảnh Internet

          Theo giai thoại của Nhà văn Nguyễn Công Hoan, có lần nhà thơ Tú Xương ra Hà Nội Gặp nhà thơ Tản Đà đang làm biên tập cho báo. Ông gọi xe tay để chở hai người đi dạo phố. Lúc cao hứng cụ Tú đã đọc bài thơ này. Nghe đến câu  “Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô” thì bỗng người kéo xe tay dừng lại khen hay! Hoá ra người kéo xe tay cũng là bậc tri thức thất nghiệp phải làm nghề này kiếm sống. Qua giai thoại ta thấy bài thơ của cụ Tú sống được tới ngày nay phải có gì bí ẩn và may mắn!

          Vậy bài thơ có gì lạ? Trước tiên là tiêu đề. Tiêu đề đầu tiên từ hồi chúng tôi còn nhỏ, các cụ nhớ có tên là “Áo bông che đầu” và tiêu đề hiện nay là “áo bông che bạn”. Rõ ràng hai tiêu đề ý nghĩa bài thơ khác nhau. Áo bông che bạn là tiêu đã khẳng định – người ấy chỉ là bạn thân. Còn áo bông che  đầu có thể là người tình. Toàn bộ bài thơ hiện nay đang lưu hành như sau

          Ai ơi, còn nhớ ai  không ?

          Trời mưa một mảnh áo bông che đầu

          Nào ai có tiếc ai đâu?

          Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?

          Người đi Tam Đảo Ngũ Hồ

          Kẻ về khóc trúc thương Ngô một mình

          Non non nước nước tình tình

          vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ

          Bài thơ thú vị ở cách dùng đại từ chỉ người lưỡng tính: Ai, ai ơi có thể  là nam, cũng có thể là nữ. Trong cái rét se lạnh có mưa phùn của miền Bắc, hình ảnh hai người yêu quý nhau, cởi áo bông đội đầu cho nhau, còn mình thì chịu rét. Thật đẹp, thật sâu nặng. Nhưng người ấy là ai? đó là  câu hỏi tạo nên bí mật của bài thơ. Có hai cách trả lời – một người ấy là bạn trai cùng chí hướng; hai người ấy là bạn gái là người tình. Cùng đi với đại từ lưỡng tính nhà thơ đã dùng hình ảnh “Áo bông ai ướt/khăn đầu ai khô” cũng đồng hành với sự bí mật. Bởi xa xưa các cụ nữ đội khăn mỏ quạ là khăn đội đầu và đàn ông đội khăn xếp cũng là khăn đội đầu. Ta nhớ lại hoàn cảnh ra đời bài thơ này Tú Xương mới ngoài hai mươi tuổi. Sức mạnh tuổi trẻ còn đang rừng rực thì đây là người tình cũng không có gì lạ? Chính nó đã thổi lên sức sống của bài thơ. Hàng thế kỷ qua bài thơ cứ đọng vào trái tim người đọc nhờ bút pháp thật tài hoa.

          Cách nhìn thứ hai như hiện nay của tiêu  đề “Áo bông che bạn” đã làm giảm tài hoa của bài thơ. Có học giả còn  “ khoác” cho nhà thơ một cái áo yêu nước ở trong câu thơ “Người đi Tam Đảo Ngũ Hồ/ Kẻ về khóc trúc thương ngô một mình”. Học giả cho rằng người bạn của nhà thơ Tế Xương đang trên đường sang Trung Quốc đến địa danh Ngũ Hồ. Xin thưa Tam Đảo, Ngũ Hồ là địa danh của Việt Nam. Mà nhà thơ mất năm 1907 nước ta còn chìm trong bóng tối phong kiến thuộc địa, một chàng trai ngoài hai mươi còn lăn lộn học tập để  đến 5 lần thi trượt làm sao có hoài bão ấy?.

          Cũng do văn bản không có, người đời bổ sung vào cho thơ là chuyện bình thường trong văn học. Bài thơ có hai câu cuối “Non non nước nước tình tình/ Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ” mang dáng dấp thơ Thề non Nước của Cụ Tản Đà, nhưng nội tâm lại bị sai lệch. Bởi ai nói đây nhỉ? Một câu thơ lạc điệu, rất thô mộc, dễ dãi không phải lời  tác giả cũng không phải lời người ra đi. Mà người đi có câu nào đâu sao biết người ta ngơ ngẩn? Bài thơ chỉ khắc hoạ nội tâm tác giả “Người về khóc trúc thương ngô một mình” Hình ảnh cây trúc và cây ngô đồng – một loại cây lá to như lá cây vả chịu hạn, người ta trồng để lấy bóng mát – ẩn ý cho sự ngay thẳng và sự chịu đựng gian khổ mãnh liệt của thi nhân. Bởi thế bài thơ “Áo bông che đầu” chỉ cần sáu câu đã đủ một bài thơ trữ tình độc đáo .

                   Ai  về , còn nhớ ai không?

          Trời mưa một mảnh áo bông che đầu

                   Nào ai có tiếc ai đâu?

          Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?

                   Người đi Tam Đảo Ngũ Hồ

          Người về khóc trúc thương ngô một mình

 Mới hay sự áp đặt cho thơ như viên ngọc bị vết. Thời gian sẽ gột rửa!  

Nhà thơ Trần Tế Xương (Tú Xương) tên khai sinh là Trần Duy Uyên (1870-1907) người làng Vị Xuyên Huyện Mỹ Lộc Tỉnh Nam Định. Sinh ra trong một gia đình thanh bạch, đường thi cử lận đận, ông đi thi từ năm 15 tuổi mãi tới 24 tuổi mới đỗ Tú tài (cụ Tú). Sau đó ông thi Cử nhân năm lần đều bị trượt. Nhà nghèo, đông con, tất cả trông vào người vợ buôn bán tảo tần. Ông đột ngột qua đời ở tuổi 37 vào năm 1907.

Lưu Tuấn Kiệt