Gây ấn tượng về quốc gia tôn vinh thi ca thôi chưa đủ, cần lắm những nhân tài để văn chương Việt có thể thực sự “xuất khẩu” ra thế giới
Chương trình lễ hội Ngày thơ Việt Nam 2015 được tổ chức cùng lúc với Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài (lần thứ 3) và Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương (lần thứ 2), diễn ra từ ngày 2 đến 7-3, tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh, song song với rất nhiều hoạt động Ngày thơ Việt Nam ở Hà Tĩnh, Huế, TP HCM cùng rất nhiều địa phương trên cả nước.
Chống “nhập siêu” nghệ thuật
Những hoạt động “đối ngoại” văn học này lần nào cũng thu hút từ 150-200 đại biểu quốc tế từ khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau 13 năm liên tiếp duy trì hoạt động Ngày thơ Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt công chúng tham dự, trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đã trở thành quốc gia tôn vinh thi ca đáng nể. Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ nhất (năm 2010) có 30 quốc gia tham dự; Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất (năm 2012) có 29 quốc gia tham dự; năm nay, con số tăng lên ấn tượng với 51 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (phải, giữa ảnh) tặng nhà thơ Hữu Thỉnh bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông chuyển ngữ tại Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ 3. Ảnh: LÊ NAM
Để tổ chức được các hoạt động này thực sự không dễ bởi kinh phí quá lớn và quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Sau mỗi kỳ hoạt động, văn học Việt lại tô đậm hơn ấn tượng chung thân thiện và tốt đẹp trong mối quan hệ giao lưu với các nền văn học khác trên thế giới.
Không chỉ là cơ hội giao lưu, lý do của các hoạt động đối ngoại văn học này, như nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) khẳng định là vì chúng ta đã “nhập siêu” quá nhiều văn học nghệ thuật cho nên rất cần những cơ hội để đưa văn học Việt đi ra với thế giới.
Cũng với tinh thần đó, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, khẳng định tại Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ 3 (khai mạc sáng 2-3, tại Hà Nội): “Thông qua văn học, chúng tôi hiểu được nền văn hóa của các bạn, lưu giữ và chuyển hóa nó, làm phong phú thêm nền văn hóa và văn học của đất nước chúng tôi. Nói theo ngôn ngữ kinh tế, chúng tôi đã nhập siêu văn học của các quốc gia trên thế giới. Còn xuất đi thì rất hạn chế, thiếu chủ động và thiếu chọn lọc. Chúng tôi quan niệm rằng một nền văn hóa dân tộc chỉ có thể hoàn thiện trong quá trình tiếp biến với các nền văn hóa khác. Con đường ngắn nhất, bền vững nhất là con đường từ trái tim đến với trái tim”.
Những nỗ lực lẻ loi
Sau mỗi kỳ hội nghị, có những huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam được trao tặng cho các dịch giả Mỹ, Ấn Độ, Romania… và số tác phẩm của các nhà văn Việt được dịch ra thế giới ngày càng nhiều, từ các tác phẩm của những tên tuổi lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… cho đến những nhà văn, nhà thơ đương đại như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… được giới thiệu tại Mỹ, Pháp, Nga, Thụy Điển, Canada, Romania, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Một trong những gương mặt trẻ luôn nỗ lực hoạt động thi ca là Vi Thùy Linh đã được mời sang Pháp, Bỉ, Cộng hòa Czech (năm 2011) trong một hoạt động trình diễn thơ dài ngày. Những nhân tố tích cực như nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, sau khi thể hiện nỗ lực cống hiến, được Hội Nhà văn trao tặng bằng khen tại Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ nhất, sau đó đã được mời sang tham dự Liên hoan Thơ quốc tế tổ chức ở Hồng Kông vào năm 2012. Mới đây nhất, chị đã có tập thơ Bí mật của Hoa Sen vừa xuất bản tháng 9-2014 tại Mỹ, được chính tác giả và nhà thơ Mỹ Bruce Weigl dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Nhân dịp ấn hành tập thơ, Quế Mai được mời đến Mỹ để giới thiệu các tác phẩm của mình với công chúng. Và dịp tháng 2 vừa rồi, chị đã tới một số tiểu bang của Mỹ để đọc thơ và nói chuyện tại các hội thảo về kỹ năng sáng tác tại các trường đại học và các trung tâm văn học.
Để hướng tới mục đích “xuất khẩu” văn học Việt, cần lắm những nhân tài tỏa sáng, phản ánh được tâm thế dân tộc hiện tại, điều không dễ đối với nền văn học bị mệnh danh là “văn học chiến tranh” như Việt Nam mà cho đến nay, sau 40 năm hòa bình, vẫn thực sự rất ít văn tài nổi lên với các đề tài khác.
Một vấn đề quan trọng khác nữa của “xuất khẩu” văn học là dịch thuật. Hiện tại, ngay cả những tên tuổi lớn trong làng dịch thuật Việt cũng thường xuyên bị “tố” lỗi dịch thuật mà đấy mới là dịch xuôi (từ các thứ tiếng khác sang tiếng Việt), quá trình dịch ngược khó khăn hơn rất nhiều lần, dịch giả không chỉ phải giỏi ngôn ngữ mà còn phải có kinh nghiệm thực tế cuộc sống ở nơi sử dụng thứ tiếng đó thì mới thực sự có thể chuyển ngữ thành công.
Đóng góp to lớn
Khách mời quan trọng của chương trình Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ 3 gồm: nhà văn M. Salmawy (Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á – Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập), nhà thơ kiêm dịch giả Kevin Bowen (nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner – ĐH Massachusetts của Mỹ), nhà văn Rati Saxena (Giám đốc Liên hoan Thơ Kritya của Ấn Độ), nhà văn Andrzej Grabowski (ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Ba Lan)…
GS Chúc Ngưỡng Tu, người lấy việc dịch văn học Việt Nam làm “nguồn vui sống” trong hơn 20 năm nay và đã dịch hầu hết thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Trung, phát biểu: “Văn học Việt Nam suốt cả chiều dài lịch sử có chủ đề yêu nước thương dân, đấu tranh chống áp bức bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Văn học Việt Nam không những góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà còn đóng góp quan trọng cho văn học thế giới và văn học tiến bộ loài người”.
|
Theo Hòa Bình
Người lao động