VH- Những năm gần đây, tiểu thuyết Việt bắt đầu lên ngôi và được biết đến nhiều ở bên ngoài lãnh thổ. Việc đưa văn học Việt ra thế giới sẽ tạo thêm cơ hội thúc đẩy cho sáng tác, PGS.TS Đoàn Cầm Thi, một trong những “đại sứ” của văn học Việt Nam tại Pháp cho biết.

Những người chủ trì tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” đang chọn hướng đi khác. Các bìa sách không có thiếu nữ áo dài, thiếu phụ đội nón, nông dân cấy lúa, xe Honda ôm,… Họ tin rằng đã đến lúc cần cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới của Việt Nam, sinh ra hoặc lớn lên sau chiến tranh như: Nguyễn Bình Phương, Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Khiêm, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Thuận. Mang nhiều tham vọng cách tân trong đề tài và lối viết, các tác giả này nghiêng về những trải nghiệm cá nhân, có ý thức tìm kiếm và thể hiện phong cách riêng. (PGS. TS Đoàn Cầm Thi )

Được biết, gần đây văn học Việt mới xuất hiện ở Pháp một cách hệ thống. Hiện nay có 3 nhà xuất bản Pháp dành một góc riêng cho văn học Việt. Đó là L’Aube, Philippe Picquier và Riveneuve. Trên thực tế, hai tủ sách của NXB L’Aube và NXB Philippe Picquier được thành lập những năm 1992-1994 đã từng in nhiều tác phẩm Việt Nam thời Đổi mới, hiện nay hầu như không hoạt động nữa. Riêng tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” của NXB Riveneuve còn rất trẻ và đang tỏ ra sung sức.

Thành lập cuối 2012, tủ sách đã in được 11 đầu sách. Cuối năm nay sẽ ra mắt thêm 2 cuốn. Đó là dự án hoạt động nhằm giới thiệu văn học Việt đến cộng đồng Pháp ngư, giới thiệu dòng chảy văn học Việt Nam để thu hút sự chú ý của độc giả Pháp. Các tác phẩm này đều được in với số lượng 2.000 bản/cuốn và ngay khi xuất hiện đã nhận được những đánh giá khả quan từ cộng đồng Pháp ngữ. Đây cũng được coi là một thành tựu khi những cái tên mà tủ sách lựa chọn đều là những tác phẩm khá “kén khách” ở thị trường trong nước, nên khi xuất khẩu ra nước ngoài cũng là một thách thức.

“Trước kia, độc giả Pháp thường đến với văn học Việt đểtìm những đề tài hấp dẫn họ như thuyền nhân, chiến tranh, thuộc địa, Đông Dương, đặc biệt, các mối tình mùi mẫn Việt – Pháp. Nhưng những người chủ trì tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” đang chọn hướng đi khác. Các bìa sách không có thiếu nữ áo dài, thiếu phụ đội nón, nông dân cấy lúa, xe Honda ôm,… Họ tin rằng đã đến lúc cần cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới của Việt Nam, sinh ra hoặc lớn lên sau chiến tranh như: Nguyễn Bình Phương, Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Khiêm, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Thuận. Mang nhiều tham vọng cách tân trong đề tài và lối viết, các tác giả này nghiêng về những trải nghiệm cá nhân, có ýthức tìm kiếm và thểhiện phong cách riêng”, PGS. TS Đoàn Cầm Thi nói.

Tuy nhiên, giữa 3.000 cuốn tiểu thuyết được in hằng năm tại Pháp, một vài cuốn sách Việt chỉ như hạt cát trong sa mạc. Vì thế, công tác dịch thuật như một cánh cửa để văn học Việt Nam hướng ra nước ngoài. Dịch ra ngôn ngữ lớn như Anh, Pháp là một cầu nối. “Dịch văn học hay còn có thể gọi là truyền tải ngôn ngữ văn học là một lao động cực kỳ vất vả. Để dịch cuốn Blogger của nhà văn Phong Điệp, dịch giả Nguyễn Phương Ngọc, một thành viên của “Tủ sách Việt Nam đương đại” đã mất 2 năm, hàng nghìn giờ làm việc, chỉ có xấp xỉ 200 trang sách. Bản thân tôi cũng là người trực tiếp chuyển ngữ các tác phẩm Cơ hội của Chúa, Bến không chồng và mới nhất là cuốn Ngựa Thép của Phan Hồn Nhiên, nhiều khi ngồi trước một tác phẩm, cả ngày tôi chỉ dịch được nửa trang”, PGS.TS Đoàn Cầm Thi chia sẻ.

Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của dịch thuật, tuy nhiên như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN cho rằng, việc quảng bá văn học Việt Nam thông qua những tác phẩm dịch thuật còn khá lẻ tẻ. Ngay cả công việc hiện tại của Trung tâm dịch thuật cũng hoàn toàn “đơn thương độc mã”. Trong khi đó, ở Nhật Bản, việc quảng bá văn học được tiến hành rất bài bản. Đây không chỉ là công việc của riêng Chính phủ mà khi có một tác phẩm chuẩn bị được dịch ngữ, các tổ chức xã hội sẵn sàng đầu tư từ khâu in ấn cho đến quảng bá tác phẩm. Đó là nguyên nhân lý giải văn học Nhật Bản đang chiếm lĩnh các kệ sách của phương Tây và cả châu Á.

Theo Thanh Ngọc – Văn hóa online