John Barber (Canada)

Vincent Lam sinh ngày 05 tháng 9 năm 1974, tại London, Ontario (Canada) là một bác sĩ y tế, đồng thời là một nhà văn. Anh lớn lên ở Thủ đô Ottawa. Cha mẹ anh đến Canada từ cộng đồng người nước ngoài gốc Trung Quốc tại Việt Nam. Hiện anh đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa phía đông thành phố Toronto.

Có phải, cho dù xảy ra bất cứ điều gì, thì Vincent Lam, vị bác sĩ trẻ tuổi đã từng đoạt giải thưởng Giller (giải thưởng văn học nổi bật nhất hàng năm của Canada, trao cho các tác giả có tiểu thuyết hoặc bộ sưu tập truyện ngắn hay nhất được xuất bản bằng tiếng Anh) nhờ bộ truyện ngắn đầu tay, cũng đã quyết định là sẽ trở thành một cây viết có vị trí đặc biệt trong văn học Canada?

Chúng tôi đã nghe nói, anh đã viết một cuốn sách về phòng chống dịch cúm, và chính cuốn sách này đã đẩy Lam ra khỏi quỹ đạo của dòng văn học. Nhiều người đã cho rằng, lời hứa chỉ là những lời nói sáo rỗng, tầm thường.

 Nhưng, nếu những nỗ lực lần thứ hai có thể tạo ra một kiệt tác văn học thì sao? Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Lam quả thực là cực kỳ ấn tượng, “Cuộc đánh cược của hiệu trưởng” (The Headmaster’s Wager). Tác phẩm này được anh nuôi dưỡng ý tưởng từ rất lâu, nó bắt nguồn từ những câu chuyện mà anh đã được nghe ngày còn nhỏ, từ những hiểu biết và cách nhìn của riêng anh về cuộc chiến tranh đẫm máu tại Việt Nam. Những điều đó đã thôi thúc anh lật lại lịch sử để viết về những điều tưởng chừng như đã bị lãng quên. 

Tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam đều được Lam quan tâm chú ý. Anh đã viết kiệt tác này của mình trong khi bản thân anh phải làm việc ít nhất hai ca một tuần trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Chiến thắng Giller năm 2006 với tập truyện ngắn “Đổ máu và chữa bệnh bằng phép lạ” (Bloodletting and Miraculous Cures) đã khiến cho anh trở nên bận rộn hơn rất nhiều.

 

Một ngày nắng đẹp, tôi đến thăm Lam trong ngôi nhà của anh ở Toronto. Vincent Lam, 37 tuổi, đã mô tả lại cuộc đấu tranh trong tâm trí cho tôi nghe như sau: “Trong bốn năm đầu tiên, tôi có cảm giác là mình đã bị kéo chạy quanh cuốn sách. Tôi cảm thấy tác phẩm như một đống bùn đá lớn và bản thân tôi không ngừng bị kéo đi, lê lết xung quanh nó”. Lý do duy nhất khiến anh phải cố gắng để thoát ra là vì nó khiến anh cảm thấy tồi tệ hơn, “Tôi cảm thấy thật khủng khiếp”. 

Anh đã viết lại toàn bộ cuốn sách, anh đóng vai tới bốn nhân vật với bốn tính cách khác nhau. Và anh đã thất bại trong công việc của mình. Anh tâm sự, “Tôi biết chính xác là cuốn sách cần phải có những gì. Nhưng bản thân tôi lại không biết phải làm thế nào để cho nó có được đầy đủ những thứ mà nó cần”.

 

Nhưng, các nhà văn khác đã khẳng định rằng, Lam sẽ không bao giờ bị đánh gục. Và điều đó đã đúng. Khi tất cả đã bị đẩy lên cao trào, “một cái gì đó đã được sinh ra”, Lam nói, “và cuốn sách đã được hình thành”.

Trong những trang viết đầu tiên của tiểu thuyết “Cuộc đánh cược của hiệu trưởng”, mạch truyện phát triển khá nhanh. Các chi tiết đan lồng, quyện se vào nhau, liên kết như một bộ phim hoàn chỉnh. Trong nó tồn tại những âm mưu, mánh lới, tiền bạc và bạo lực. Lam đã bỏ ra một lượng thời gian không nhỏ để tham quan, tìm hiểu và lựa chọn khung cảnh làm nền cho tác phẩm. Cuối cùng, anh đã chọn Sài Gòn những năm giữa thế kỷ XX, đặc biệt là khu phố Tàu của Chợ Lớn. Chính khung cảnh này đã đẩy những thảm kịch của truyện lên cao trào và tạo nên những sự cảm thông sâu sắc.

Cảm hứng đầu tiên để Vincent Lam viết tiểu thuyết này là những câu chuyện thực tế của ông bà và cha mẹ anh. Họ đã kể lại đời sống trước đây của mình cho anh nghe từ khi anh còn là một đứa trẻ ở Nepan. Cảm hứng này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi anh đọc qua tất cả những tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh viết bằng tiếng Anh.

Lam nói rằng, “Trong một ý nghĩa nào đó, thì nó chính là thứ hấp dẫn tôi viết về đề tài chiến tranh với một quan điểm hoàn toàn khác biệt, quan điển của riêng tôi. Graham Greene, Tim O’Brien, Marguerite Duras, tôi biết rằng, giữa các cuộc hội thoại của họ có chung một tiếng nói, một cách nhìn”.

Trong “Cuộc đánh cược của hiệu trưởng”, Lam hóa thân thành Percival Chen, một người Trung Quốc nhập cư giàu sụ và có một chút phóng đãng. Nhân vật này có tham vọng làm giàu từ đống đổ nát, khủng hoảng của ngày tận thế. Tác phẩm không chỉ thể hiện những bất ổn ở Châu á trong những năm chiến tranh đen tối mà còn khám phá ra mặt trái dối trá của con người, những người bình thường bị bắt trong chiến tranh.

Những câu chuyện được truyền tụng từ người thân trong gia đình, với Lam là “những điểm cần thiết cho tôi để hiểu được cốt lõi của sự việc và thể hiện những cảm xúc thật sự của mình trong tác phẩm”.

Mặc dù Lam đã quyết định viết một cuốn tiểu thuyết dành cho bất cứ ai đã từng sống trong thời chiến tranh tại Sài Gòn, Chợ Lớn, nhưng có vẻ như chính anh cũng đã bị cuốn hút vào những cảm xúc thoát ra từ tác phẩm. “Có thể là sẽ có tình cảm đặc biệt với thực tế, nhưng thật sự rất khó khi muốn ghi lại chúng. Cũng có thể là những chân lý chỉ được gợi ra bởi tình cảm, thứ tốt nhất để xây dựng lên một tác phẩm hư cấu”.

Cuối cùng, đó là những cảm xúc thật sự mà “Cuộc đánh cược của hiệu trưởng” mang đến. Một cảm xúc mạnh mẽ, mãnh liệt đến mức khiến cho chúng ta phải để hết tâm trí vào các dòng chữ.

Vũ Thị

Theo http://legalnews.findlaw.com

 

Exit mobile version