VanVN.Net – Văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI là bức tranh nhiều màu sắc, đa dạng từ thể loại, đề tài, bút pháp đến giọng điệu cũng như cách tiếp cận, khai thác hiện thực. Có thể nhận thấy điều đó qua riêng thể loại tiểu thuyết, thể loại luôn được xem là chủ lực của mỗi nền văn học.

Trong thể loại tiểu thuyết, phạm vi đề tài cũng đang mở rộng. Chẳng hạn bên cạnh những đề tài truyền thống như chiến tranh, lịch sử, đề tài thế sự đạo đức… là những đề tài về an ninh, cải cách ruộng đất, đề tài về đồng tính…cũng đang được chú ý khai thác. Giọng điệu của tiểu thuyết cũng đang có độ mở. Có giọng điệu hiện thực nghiêm trang chen lẫn chất sử thi (trong những tiểu thuyết về chiến tranh như Đối chiến của Khuất Quang Thụy, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Vùng lõm của Nguyễn Quang Hà, Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương, Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ, Trận tuyến sông Bồ của Đỗ Kim Cuông…), có giọng điệu hiện thực phê phán (trong các tiểu thuyết viết về thế sự, đạo đức như Lửa đắng của Nguyễn Bắc Sơn, Heo may về của Đỗ Thị Hiền Hòa, Chạy án của Nguyễn Như Phong, Bóng đêm và Bến bờ của Ma Văn Kháng, Hành trình làng của Thu Loan…), có giọng điệu diễu nhại, hài hước (trong Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn…), có giọng điệu kinh dị  huyền ảo của tiểu thuyết trinh thám (trong Trại hoa đỏ của Di Ly, ổ buôn người của Giản Tư Hải…), có giọng điệu của dòng ý thức tâm trạng trong Nhà héo của Nguyễn Văn Học, Bóng giai nhân của Đặng Thiều Quang, Côn trùng của Côxtantin Hiệu, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam…).

Dưới đây xin nêu một vài đặc điểm của tiểu thuyết về mặt trái thế sự đạo đức trong văn học của chúng ta.

Chúng ta không ai xa lạ với những hiện tượng tiêu cực trong đời sống. Những tệ nạn không muốn có của cơ chế thị trường, đặc biệt là khi nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đang gặp những khó khăn như giai đoạn hiện tại, những mặt trái ấy đang diễn ra mỗi ngày một nghiêm trọng. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành rung ương Đảng lần thứ 4 nhận định:  một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện khác nhau, về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… cho thấy tình hình đã trở nên cấp bách đến dường nào. Một số cán bộ, đảng viên đã vậy, càng nghiêm trọng hơn là ở những tầng lớp nhân dân khác. Không chỉ là suy thoái, không chỉ là kèn cựa mà là tội ác và nghiêm trọng đến mức đôi khi trở thành vô cảm trong thái độ sống của mỗi người. Chúng ta đều biết khi con người vô cảm với cái ác thì có nghĩa cái ác đang thắng thế, xã hội trở nên bất trắc và sự sống trở nên vô nghĩa đối với tất cả. Nguy cơ nằm ngay trong bản chất của chế độ, của xã hội, nằm ngay trong sự tồn tại của thể chế, một thể chế, một xã hội mà chúng ta đã trả giá lớn lao bằng xương máu của nhiều thế hệ.

Tiểu thuyết đang làm gì trong những trạng thái tinh thần mang tính đối kháng quyết liệt đó. Nhà văn đứng ở đâu trong thời điểm đang rất cần có tiếng nói của lương tâm và lương tri này?

Có thể nói tiểu thuyết dường như đang đối đầu với thực trạng xã hội đó, một sự đối đầu quyết liệt mang tính xây dựng cao, mang tính thức tỉnh đầy nhân văn, mang tính khám phá đầy lương tri với một tinh thần phê phán hiện thực của những cây bút từng trải. Ta có thể thấy điều này qua những tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn với Luật đời và cha con, Lửa đắng, của  Nguyễn Như Phong với Chạy án, của Đỗ Thị Hiền Hòa với Heo may về, của Nam Ninh với Khoảnh khắc đời người, Bích Ngân với Thế giới xô lệch, Ma Văn Kháng trước đây với Đám cưới không có giấy giá thú và gần đây với hai tiểu thuyết Bóng đêm và Bến bờ, rồi Nguyễn Đình Tú với Phiên bản, Nguyễn Đức Thiện với Kiếp người xuống xuống lên lên, Đỗ Minh Tuấn với Thần thánh và bươm bướm, Nguyễn Xuân Thủy với Sát thủ online, Y Ban với Xuân Từ Chiều, Thu Loan với Hành trình làng, Chu Thanh Hương với Hoa bay…vv

Chẳng hạn Lửa đắng  viết về những va đập ở giữa dòng chảy ngày hôm nay của cuộc sống, Nguyễn Bắc Sơn đã không ngần ngại phơi bày bộ mặt thật phủ phàng của những cán bộ, đảng viên của một cơ quan quận ủy cũng như của thành phố Thanh Hoa  đã trở nên biến dạng nguy hiểm, với xử lý mâu thuẫn nội bộ theo luật rừng, theo kiểu xã hội đen, như vu khống, tạt axit, hãm hại vợ con của đồng chí mình chỉ vì quyền lợi, vì kèn cựa địa vị, vì lợi ích nhóm… bất chấp đạo lý, bất chấp luật pháp. Chẳng hạn Đỗ Thị Hiền Hòa trong tiểu thuyết Heo may về đã vẽ lên một bộ mặt ốm o, thảm hại của một số cán bộ lãnh đạo trong tập thể giáo viên của ngôi trường PTTH ở một huyện nọ, tỉnh nọ đã ngang nhiên chèn ép vu oan giáo họa những người không cùng quan điểm với họ, bất chấp tình đồng chí, đồng nghiệp, đẩy những người tốt vào những bi kịch hết sức tàn nhẫn. Chẳng hạn Nguyễn Như Phong trong Chạy án đã vạch ra sự biến chất đạo đức, trở thành nô lệ thảm hại của đồng tiền của những cán bộ có chức có quyền, kể cả một vị thứ trưởng của một Bộ nắm trong tay nhiều tiền của của nhà nước. Cho đến ngày tội ác bị vạch mặt, tình huống chạy án của vị thứ trưởng nọ càng thảm hại hơn khi đồng tiền đang được những kẻ nô lệ của nó sử dụng để hòng mua được công lý. Chẳng hạn Nguyễn Đình Tú trong tiểu thuyết Phiên bản đã dựng lên một bức tranh xã hội của thế giới ngầm những kẻ giang hồ coi việc giải quyết những tranh chấp bằng việc thanh trừ lẫn nhau hết sức tàn bạo, rùng rợn mà bất cứ ai đọc tới đều phải kinh hoàng nhận ra một sự thật đã trở nên nhức nhối vô cùng… Như vậy có thể nói tiểu thuyết đang trong dòng chảy nóng của hiện thực ngày hôm nay, nhà văn đang ở trên trận tuyến mới đầy quyết liệt của đời sống. Thái độ nhập cuộc tích cực đó của văn học cần được ghi nhận, cần được xem như là một biểu hiện của tinh thần công dân cao cả được phát huy ngay trong dòng văn chương không phải lấy việc ngợi ca làm âm điệu chính, như chúng ta vừa thấy.

Nhưng nói dòng văn chương này không phải lấy việc ca ngợi làm âm điệu chính cũng cần phải nói ngay rằng, trong bất cứ cuốn tiểu thuyết nào vừa nhắc trên đây, sự từng trải của người viết đều không quên gieo cấy trong tâm tư người đọc niềm tin yêu vào cuộc sống. Đây chính là sự khác nhau căn bản giữa tiểu thuyết hôm nay và những tiểu thuyết hiện thực phê phán trước kia. Không đến nỗi tối như mực như trong cuốn sách nổi tiếng của Ngô Tất Tố, hiện thực trong tiểu thuyết về thế sự đạo đức hôm nay luôn biết hướng người đọc vào niềm lạc quan. Chẳng phải là lãng mạn hóa phần cuối cho vừa với quan niệm về phương pháp như có người đã làm. Biện chứng hơn, đây chính là cuộc sống hôm nay, cho dù buồn thảm đến đâu vẫn không mất đi niềm hy vọng, vẫn hàm chứa chất lãng mạn vốn có của nó, không cần và không nên tô vẽ thêm làm gì. Hãy đọc những trang viết của Nguyễn Bắc Sơn, không ít những nhân vật tích cực như Tổng bí thư, như Kiên, Đại, Đoàn Hùng, Thanh Diệu, Thảo Tần và nhiều người khác nữa đang đứng vững trên trận tuyến mới, sẵn sàng đương đầu với cái ác, hoặc trong tiểu thuyết của Nguyễn Như Phong hình ảnh giám đốc sở công an và những cộng sự của ông vẫn giữ được sự minh bạch trong những tình huống phải cân nhắc giữa tình bạn thân thiết và tội ác cần được nghiêm trị, trong Thế giới xô lệch của Bích Ngân, người về từ cuộc chiến tranh trước đó đang phát huy phẩm chất trung kiên của mình trước một thực trạng đời sống xã hội đang phân hóa dữ dội… Cái chính là niềm tin được hình thành một cách tự nhiên không hề có dấu vết chắp nối, minh họa cũng như những bức tranh hiện thực được vẽ nên dù bằng bút pháp phê phán cũng không hề mang màu sắc bôi đen như ngày nào có người lo ngại.

Mặt khác, những tiểu thuyết này đã xuất hiện trên văn đàn năm, bảy năm trước đây, trước khi Đảng ban hành nghị quyết 4, những mặt tiêu cực được đề cập đến tuy chưa nói thật đầy đủ, sâu sắc như Nghị quyết đã nêu, nhưng giá trị dự báo là điều không thể phủ nhận. Điều đó cho thấy lương tri của nhà văn luôn hết sức nhạy cảm với thời cuộc, bởi vì đấy là lương tri của người trong cuộc, luôn ưu thời mẫn thế, luôn mong muốn một xã hội tốt đẹp vì hạnh phúc của con người. Văn học mổ xẻ vết thương đau nhưng văn học còn biết lấp lành những vết thương đau là vì vậy.

Nhưng không chỉ trong từng tác phẩm, niềm tin yêu cuộc sống đang được thắp lửa trong tâm tư người đọc, nền văn học của chúng ta hôm nay cũng xuất hiện không ít những tiểu thuyết viết về truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước của dân tộc, về những vẻ đẹp của tính cách và tâm hồn Việt thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống, tạo ra một dòng khỏe khoắn, trong trẻo mang tính thẩm mỹ cao đang được đón đọc, như để làm cân bằng trạng thái tinh thần cần thiết sau những tác phẩm viết về tiêu cực. Đó là những tác phẩm như Mẫu thượng ngàn của Xuân Khánh, Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn, Thức giấc của Trần Thùy Dương, Cơn mưa hoa mận trắng của Phạm Duy Nghĩa, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy, và nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Ngọc Tư, Quế Hương, Trần Thùy Mai, Trần Đức Tiến, và nhiều nhà văn khác nữa.

Sự suy thoái và xuống cấp đạo đức hôm nay không chỉ trong đời sống với tư cách là đối tượng của phản ảnh như trên kia ta đã biết, mà còn suy thoái và xuống cấp ngay cả trong lĩnh vực tinh thần trong đó có văn học. Văn học đang lùi dần ra ngoại biên, nhường chỗ cho kinh tế. Vị thế xã hội của người nghệ sỹ xuống thấp, nhà văn, nhà thơ không mấy thiêng liêng như vốn có, người đọc văn chương ít một cách thảm hại. Trong khi hệ thống phát hành quốc doanh hầu như bất lực, hệ thống thư viện toàn quốc hầu như bất động thì những đầu nậu sách săn đuổi sự giật gân, câu khách bằng những chiêu thức của vòng chu chuyển quay cuồng của đồng tiền đang chiếm lĩnh trận địa, làm biến dạng thị hiếu của công chúng, làm xói mòn hệ thống thẩm mỹ truyền thống, tiếp tay cho sự suy thoái vốn đã làm nhức nhối xã hội. Một số cây bút đã vô tình hoặc cố ý tham gia vào quá trình suy thoái này bằng cách làm thỏa mãn những thị hiếu thấp, những yêu cầu của các đầu nậu sách, đi vào những đề tài tình ái, sex, đồng tính lồng ghép với những quan niệm giải thiêng, hạ bệ thần tượng, phỉ báng lịch sử. Cho hay, để phê phán xã hội một cách hiệu lực, mỗi chúng ta nên bắt đầu từ ngòi bút của mình. Đấy không còn đơn giản là lời nói suông, nói cho có lệ, hoặc nói theo kiểu nhắc nhở nhau, nếu chúng ta thật sự mong muốn một sự chuyển biến tổng thể của toàn xã hội.

Sự suy thoái, xuống cấp của đạo đức đã và sẽ còn được các nhà tiểu thuyết quan tâm phản ảnh. Hy vọng sẽ có những tác phẩm sâu sắc hơn đáp ứng được đòi hỏi hôm nay của người đọc.

Exit mobile version