TTTT – Mọi người cùng sáng tác
Hình thức sáng tác TTTT đã manh nha từ rất sớm trong lịch sử văn chương. Phần lớn những câu chuyện thần thoại, những truyện dân gian, truyện truyền kỳ, sử thi của các dân tộc đều ít nhiều có liên quan đến hình thức sáng tác này. Những câu chuyện khuyết danh đó tuy không có tên tác giả, nhưng thực ra tác giả là vô số người. Từ đời này sang đời khác, họ thêm vào hay bớt đi những tình tiết để câu truyện hấp dẫn hơn, chặt chẽ hơn. Tại mỗi nơi, câu chuyện có thể được tô thêm những yếu tố mang tính địa phương để nó trở nên khu biệt hơn. Sự tham gia của nhiều người mang tính tương tác vào tác phẩm là một trong những yếu tố căn bản của hình thức sáng tác TTTT.
Cho đến thế kỷ 19, một loại hình tiểu thuyết ra đời, được coi là cha đẻ của TTTT hiện đại, đó là Tiểu thuyết bàn tròn – Round-robin novel. Loại hình tiểu thuyết này xuất phát ban đầu từ nước Anh. Tuy nhiên, đây là một bước phát triển từ hình thức sáng tác kể chuyện dân gian. Người Anglo Saxon có truyền thống sau những buổi săn bắn, họ ngồi quây quần bên đống lửa và mỗi người theo vòng tròn kể một câu chuyện cho mọi người cùng nghe. Một nhà văn danh tiếng đã áp dụng cách thức sáng tác này cho văn học viết, tạo nên một hướng sáng tác mới mẻ, đó chính là tác gia nổi tiếng Charles Dickens (1812 –1870).
Tác phẩm tiểu thuyết bàn tròn đầu tiên, mang hầu như đầy đủ tất cả các sắc thái cần thiết của TTTT có tên Ngã tư Mugby – Mugby Junction. Charles Dickens đích thân viết chương đầu mang tên Người ra hiệu – The Signalman. Theo đó, ông giới thiệu hai nhân vật và bối cảnh truyện trong một nhà ga tàu hỏa. Những người viết tiếp theo có thể lựa chọn một trong hai nhân vật để phát triển chọn đó làm nhân vật chính. Sau mỗi tháng, Charles Dickens sẽ chọn ra bản thảo ưng ý nhất để làm thành chương kế tiếp. Tuy nhiên, đây là một thử nghiệm thất bại. Cuốn tiểu thuyết đã không bao giờ hoàn thiện, chỉ kéo dài được vẻn vẹn 5 chương.
Tuy thử nghiệm đó thất bại nhưng hình thức sáng tác mới mẻ trên đã khiến nhiều người chú ý. Khi thế giới bước sáng kỷ nguyên công nghệ thông tin, hình thức sáng tác tương tác đã có được sự hỗ trợ mạnh mẽ của truyền thông và internet. Đây cũng là cơ sở để nhiều tác phẩm TTTT đã ra đời.
Trò chơi văn chương?
Bước sang thế kỷ 20, nhiều cá nhân đã nhận ra văn chương ngoài chức năng là một loại hình nghệ thuật, nó còn có thể trở thành một ngành công nghiệp giải trí lớn. Và bởi văn chương mang tính giải trí, việc coi trọng độc giả là điều cần thiết phải làm. Thậm chí nhiều dự án văn chương còn hoàn toàn chiều theo ý thích của độc giả. Đây là mảnh đất mầu mỡ của TTTT. Một trong những dự án nổi tiếng bậc nhất là tác phẩm TTTT Lựa chọn chuyến phiêu lưu của bạn – Choose Your Own Adventure. Theo đó, sau mỗi phần truyện được xuất bản, độc giả sẽ tham gia vào việc chọn ai là nhân vật chính cần được phát triển tính cách và quyết định diễn tiến của câu truyện. Seri truyện đã trở thành một trong những hiện tượng của ngành xuất bản, được dựng thành game với 250 triệu bản được phát hành.
Nhận thấy tiềm năng của hình thức sáng tác này, nhiều công ty và NXB đã tiến hành những dự án TTTT khác nhau. Trong một chừng mực nào đó, TTTT có cấu trúc khá giống với trò chơi điện tử. Người chơi nhập vai vào nhân vật mình thích. Mỗi hành động của nhân vật sẽ ảnh hưởng đến môi trường điện tử tạo nên sự hứng thú cao độ từ phía người đọc. Một số tác phẩm nổi tiếng của TTTT đều xuất hiện ở dạng sách và phiên bản trò chơi điện tử. Có thể kể đến những tác phẩm như Cuộc phiêu lưu trong hang Colossal – Colossal Cave Adventure, Miền phiêu lưu – Adventureland, Nhện và Mạng – Spider and Web v.v… Phần lớn trong số những tác phẩm trên được xuất bản ở dạng song song giữa sách và trò chơi điện tử.
Trong TTTT, có một thuật ngữ nữa được đề cập đến, đây lét mấu chốt trong việc sáng tác TTTT, đó là kể chuyện tương tác – interactive storytelling. Đây là thuật ngữ được nhà văn – nhà phát triển game Chris Crawford nghĩ ra và sử dụng. Sau này, thuật ngữ kể chuyện tương tác đã trở nên phổ biến trong cả giới văn học và game. Và theo ông thì kể chuyện tương tác phải “là một dạng văn học có tính giải trí cao, người đọc phải có quyền tự lựa chọn nhân vật mình thích và đi theo đương dây câu chuyên của nhân vật này, giống như bạn chọn người chơi – player trong game vậy. Và mỗi khi bạn chọn một nhân vật khác nhau, môi trường tiểu thuyết, không gian và thời gian trong tiểu thuyết cũng được thay đổi đề phù hợp với nhân vật”.
TTTT cũng thay đổi cách đọc truyền thống. Nếu như theo hình thức cổ điển, tác giả là người điều khiển diễn tiến mọi chuyện thì TTTT cho độc giả cơ hội lựa chọn nhân vật mà họ mong muốn, đi theo hành trình số phận của nhân vật này. Chính vì thế, tiểu thuyết truyền thống đọc từng trang một. Còn với TTTT, người đọc được tự do lựa chọn nhân vật để theo dõi. Do đó, quá trình đọc có thể không cần theo thứ tự trang viết. Sau khi đọc phần mở đầu, tùy theo việc độc giả thích nhân vật nào, thứ tự đọc của cuốn sách có thể thay đổi. Đặc biệt với những TTTT được công bố trên các trang web. Người đọc muốn biết về nhân vật nào có thể chỉ cần một cú click chuột vào tên nhân vật đó, người đọc sẽ biết thêm thông tin về nhân vật. Một số trang web còn mở rộng việc tương tác trong sáng tác. Nghĩa là nếu người đọc thích thú với một nhân vật nào đó, người đọc có thể sáng tác câu chuyện về nhân vật đó. Điều này khiến TTTT đôi khi mở rộng, trở thành một thế giới thu nhỏ thực sự với vô số nhân vật.
Trong số những nhà văn viết TTTT, giành được nhiều thành công nhất chính là Keith Gerald “Jerry” Holkins. Năm 2010, anh đã nằm trong top 100 những người ảnh hưởng nhất trong làng giải trí theo bình chọn của tạp chí The Time. Những tác phẩm của Jerry Holkins chủ yếu xuất bản dưới dạng truyện tranh trên web – webcomic. Tác phẩm Sử thi huyền thoại của người Hierarchs – Epic Legends Of The Hierarchs đã trở thành một dự án lớn, thu hút hàng chục ngàn người tham gia cùng viết và tạo nên cả một thế giới giả tưởng kỳ vĩ. Những vật dụng trong tác phẩm này được công ty Child’s Play sản xuất và trở thành một trong những nhãn hiệu đồ chơi dành cho trẻ em nổi tiếng bậc nhất ở Mỹ. Tác phẩm cũng được chuyển thể thành trò chơi điện tử mang tên Penny Arcade cũng được chuyển thể thành game, thu hút hàng triệu người chơi.
Tuy nhiên, TTTT cũng gây ra nhiều hệ lụy đã phát sinh.
Những tranh cãi từ TTTT
Phần lớn TTTT không được chấp bút bởi một tác giả duy nhất. Tác phẩm ra đời thường ở dạng sáng tác cộng tác – collaborative writing. Theo đó, TTTT có thể hình thành ở hai dạng. Thứ nhất: Một nhóm tác giả sẽ bàn bạc với nhau về đường dây câu chuyện, cá tính nhân vật và theo đó phân công nhau, mỗi người viết và phát triển tính cách một vài nhân vật nhưng phải nằm trong tổng thể chung của tác phẩm. Trong trường hợp này, nhóm tác giả sẽ lấy chung một bút danh. Thứ hai: Tác giả viết ra một câu truyện có sức hút lớn và những người hâm mộ hay những NXB có thể dựa vào sự phản ứng của độc giả, sáng tác nên những câu chuyện hoàn toàn mới dựa trên những nhân vật của câu chuyện gốc.
Một trong những hệ lụy rất dễ xảy ra ở TTTT, đó là vấn đề bản quyền tác giả. Lee Rouland, một trong những tác giả chuyên đứng đầu những dự án TTTT cho biết: “Thường thì người viết phải trông đợi vào cảm hứng của mình. Tuy nhiên, với sự tham gia góp ý của nhiều người, nhân vật có thể có những bước đột phá cực kỳ bất ngờ. Chúng tôi thường bàn qua về khung sườn câu chuyện, cá tính nhân vật và chia nhau mỗi người viết một phần. Đến công đoạn ghép nối thì luôn cần có người đứng đầu để chỉnh sửa giọng văn cho đồng nhất. Điều phiền toái là chúng tôi không biết ai là tác giả thực sự”.
Tuy nhiên, với những tác phẩm nổi tiếng có nhiều fan hâm mộ, họ không quan tâm lắm đến vấn đề tác giả. Khi hành trình của những nhân vật chính chưa thỏa mãn “cơn nghiền”, họ có thể yêu cầu NXB viết thêm truyện về những nhân vật phụ, hoặc bản thân các fan hâm mộ có thể tạo nên những vương quốc fan – fandom (viết tắt của fan kingdom), nơi họ thỏa sức tưởng tượng và sáng tác mọi thứ về nhân vật mà họ yêu thích. Loại hình sáng tác này rất phổ biến ở dòng truyện viễn tưởng, truyện tranh, nơi những nhân vật phụ trong những tác phẩm được xuất bản thông thường sẽ được các fan hâm mộ thêm vào đầy đủ tính cách để trở thành một nhân vật chính với những hướng đi hoàn toàn mới mẻ. Nhiều thế giới thu nhỏ đã được các tác giả và fan hâm mộ tạo ra trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến thế giới Star Trek, DC Universe, Marvel Universe, Star Wars, Babylon 5 v.v… Nếu không có sự đóng góp của những người hâm mộ và các tác giả theo hình thức tương tác, sẽ không bao giờ một cá nhân có thể gây dựng nên được những thế giới tưởng tượng kỳ vĩ đến vậy.
Bởi ranh giới mong manh giữa việc sáng tác nghiêm túc và tự phát, nhiều người còn khá dị ứng với hình thức văn chương này. Nhà phê bình Leonard Pierce trong bài phê bình Tiểu thuyết dân chủ – The Democratic Fiction đã viết: “Việc tự do hóa trong sáng tác, mỗi người tham gia vào một mẩu truyện khiến câu chuyện có thể trở nên lộn xộn và kết quả cuối cùng thường là một tác phẩm kém phẩm chất”. Thực tế cho thấy, trong TTTT, để cuốn hút mọi người cùng tham gia sáng tác, người chấp bút ban đầu thường là một nhà văn danh tiếng. Tuy nhiên, những người tham gia tiếp theo thường kém kỹ năng hơn. Thành ra tác phẩm có thể rơi vào tình trạng đầu Ngô mình Sở. Nhà phê bình Leonard Pierce cũng hỏi: “Liệu có bao nhiêu tác phẩm nổi tiếng có nhiều hơn 2 tác giả?”
Dẫu sao, nhiều nhà văn hiện đại vẫn hứng thú với hình thức sáng tác này. Gần đây, một tác phẩm TTTT đã ra đời mang tên Kết nối – Connexions đã được xuất bản. Nữ hoàng truyện trinh thám Pháp, Ingrid Desjours, đã viết một chương đầu tiên trong đó có bao gồm một đề cương chi tiết mô tả các nhân vật chính và đường dây câu chuyện. Những người tham gia viết đã gửi bản thảo về. Sau đó, cứ 15 ngày sẽ có 1 chương truyện được ban giám khảo chọn được công bố. Những người tham gia lại viết chương tiếp theo. Cuối cùng, Ingrid Desjours sẽ tổng kết và viết chương cuối cùng. Cuốn sách ra đời và thực sự đã gây được sự chú ý lớn từ cả độc giả lẫn giới cầm bút. Nhiều người tranh cãi rằng đây là một cách viết mới mẻ, hay chỉ đơn giản là một cách PR tên tuổi của tác giả và tác phẩm? Và trong tương lai, liệu sẽ có tác giả nào của nước ta thử nghiệm cách viết của TTTT hay không?
KHÚC NGỌC QUỲNH
Theo Marriage of minds: collaborative fiction writing của James A. McGoldrick, Rethinking women’s interaction novels của Lorraine Mary York, The Construction of authorship của Peter Jaszi, The Democratic Fiction của Leonard Pierce và các đường link khác
Nguồn: Văn nghệ Trẻ.