Đề tài trinh thám hình sự, xét cho cùng đều tập trung phản ánh những mối quan hệ cốt lõi mà muôn đời con người và văn học quan tâm. Với một nhà văn chuyên nghiệp, đây chỉ là cái cớ để họ cầm bút trải lòng mình về cuộc đời.

Tìm về bản ngã

Thể loại văn học tiểu thuyết trinh thám mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1930, khi các câu chuyện về thám tử Sherlock Holmes và gã trộm hào hoa Asen Lupin được du nhập. Trải qua nhiều biến động xã hội, một thời ở nước ta chỉ có tiểu thuyết tình báo – gián điệp và tiểu thuyết vụ án. Gần đây, một số nhà văn trẻ đã lựa chọn thể loại tiểu thuyết trinh thám, có yếu tố hình sự với Cô Mặc Sầu, Hồ sơ một tử tù, Phiên bản (Nguyễn Đình Tú);Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7 (Di Li); Có tiếng người trong gió, Sát thủ online (Nguyễn Xuân Thủy)…

Nhà văn Di Li chia sẻ, khi bắt tay viết Trại hoa đỏ, chị đã phải nghiền ngẫm nhiều tài liệu chuyên ngành an ninh, hình sự. “Để viết 3 dòng tiểu thuyết trinh thám hình sự thuyết phục độc giả, có khi tôi phải đọc đến hơn 300 trang”. Tác phẩm của Di Li mang theo nhiều nỗi ám ảnh trong xã hội mà tội ác ngày càng tinh vi, man rợ. “Có lần tôi đọc tin người ta tìm thấy xác một phụ nữ bị móc mất hai mắt. Vụ đó cũng như nhiều vụ khác, tôi không đọc được thông tin hoặc không nơi đâu đưa tin kết luận. Sự việc khiến tôi viết cuốn tiểu thuyết trinh thám từ cái chết của những cô gái bị mất một bộ phận trên người”.

Khi viết, Di Li đã phải làm phép thử với một vài người, và những người đọc các vụ thảm án đều sốc. Tội ác trong trang sách của chị cũng chỉ là phản ánh hiện thực. Di Li muốn tìm hiểu ý nghĩa nhân bản trong các vụ án đó, tập trung lý giải hành động của người gây tội, tâm lý hành vi. Bởi “chức năng của văn chương là tìm về bản ngã con người”. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cũng tìm được điều đó khi hướng vào sự quan tâm của dư luận với game online qua Sát thủ online. Cuốn sách từng đưa người đọc vào một thế giới vừa hư vừa thực, hấp dẫn đến từng câu chữ. Và gấp sách lại là một nỗi buồn nhè nhẹ về cái tôi và hạnh phúc của mỗi người.

Thức tỉnh nhân tính

Trong khi Di Li thiên về yếu tố trinh thám, nhà văn Nguyễn Đình Tú mạnh về mảng hình sự. Nguyễn Đình Tú là tác giả của ba tiểu thuyết hình sự: Hồ sơ một tử tù, Phiên bản, Cô Mặc Sầu. Anh được mệnh danh là “nhà văn của dòng tiểu thuyết tội phạm học”. Khi được hỏi về lý do đến với đề tài trinh thám hình sự, anh tâm sự: “Tôi yêu thích hoạt động phòng chống tội phạm nói chung, công việc phá án nói riêng, bởi nó hội tụ đủ yếu tố thiện – ác, tốt – xấu, cao cả – thấp hèn, anh hùng – bội phản, hỷ – nộ, ái – ố… của cuộc đời, xét cho cùng đó là những mối quan hệ cốt lõi mà muôn đời con người và văn học quan tâm. Với một nhà văn chuyên nghiệp, mọi đề tài trong đó có tiểu thuyết hình sự trinh thám chỉ là cái cớ để họ cầm bút trải lòng mình về cuộc đời này”.

“Trong xã hội với những pha trộn thật – ảo, mạng – đời đa chiều và phức tạp hiện nay, để không đánh mất nhân tính, đặc biệt là với những công dân mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, thật không dễ” – Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ khi tiểu thuyết Sát thủ Online ra đời. Gần đây, anh trở lại đề tài tâm lý hình sự bằng tiểu thuyết Có tiếng người trong gió. Cuốn sách gây tò mò bởi giọng văn kể chuyện và được nhiều người chú ý khi lần đầu tiên nạn mổ sống cướp nội tạng được đưa vào tiểu thuyết. Anh trăn trở đào xới những hiện thực xã hội vốn đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng. Trong Sát thủ Online và Có tiếng người trong gió, thủ pháp khai thác tâm lý nhân vật được coi là điểm mạnh của tác giả. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định: “Viết tiểu thuyết trinh thám hình sự cũng giống như làm thám tửcho chính những trang viết của mình”. Không ít lần đi thực tế tại các trại giam, Xuân Thủy bị ám ảnh bởi ánh mắt của những tội phạm vị thành niên. Để đến khi tái tạo dạng nhân vật đó trong tác phẩm của mình, anh cảm thấy rất đau đớn. “Đau nỗi đau đời, phản ánh nỗi đau đó cũng là cách trải lòng với những mảnh đời trong xã hội, để thức tỉnh giá trị của nhân tính”.

Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, một yếu tố không kém phần quan trọng thúc đẩy sáng tác văn học trinh thám chính là độc giả, với ý nghĩa là công chúng nghệ thuật mới. Nhà văn và độc giả trong thời đại mới đồng hành sáng tạo. Việt Nam có chiến lược “xuất khẩu văn học” kể từ thời Đổi mới. Một số tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam đã được giới thiệu ra thế giới trong nhiều ngôn ngữ. Trong tương lai gần, Hiệp hội Quốc tế Nhà văn viết truyện trinh thám (AIEP) sẽ mở rộng cửa đón các nhà văn Việt Nam tham gia sáng tác – đó là một niềm tin có cơ sở. Văn học trinh thám Việt Nam với ý nghĩa nhân bản đang hồi sinh trong tầm đón đợi của công chúng nghệ thuật thời hiện đại.


Nguồn: Đại biểu nhân dân (Khánh Hân)

Exit mobile version