Tiểu thuyết luôn là thể loại mới mẻ, ẩn chứa nhiều khả năng cách tân nhất trong đời sống văn học. Nước ta vốn có truyền thống về thơ ca và trong nền văn học thì thể loại tiểu thuyết ít có sự chú ý thích đáng cả từ giới sáng tác lẫn phê bình. Hiện tượng một số cây bút tiểu thuyết trẻ gần đây liên tục có tác phẩm, nhận được sự ghi nhận của người đọc lẫn những nhà lý luận phê bình là tín hiệu rất đáng mừng.


Khuynh hướng ngôn tình – lãng mạn

Nhiều cây bút trẻ viết tiểu thuyết hiện nay sớm nổi danh trên văn đàn, có số lượng xuất bản đạt đến mức bestseller là những người từng thử bút với khuynh hướng đề tài ngôn tình – lãng mạn. Chúng ta có thể kể đến Kawi, Gào, Dương Thụy, Huyền Lê, Hân Như, Meggie Phạm (Phạm Phú Uyên Châu). Lựa chọn khuynh hướng ngôn tình – lãng mạn có thể là chiến lược viết hợp lý và hiệu quả đối với những cây bút trẻ bởi hai lý do. Thứ nhất, bạn đọc trẻ tuổi luôn có sự hứng khởi đặc biệt với chủ đề tình yêu, mà nhất là dạng tình yêu lãng mạn, học đường, thuần túy cảm xúc chưa gắn nhiều với điều kiện hôn nhân hay thôi thúc của tình dục. Nếu xem tuổi trẻ là tuổi yêu, là thời điểm đẹp nhất và thăng hoa nhất của tình yêu, nơi những kinh nghiệm cay đắng cũng như sự đổ vỡ, chia lìa chưa đè nặng, thì tiểu thuyết ngôn tình – lãng mạn sẽ là lựa chọn phù hợp nhất đối với độc giả. Thứ hai, những người viết trẻ vốn viết với phương châm “tự ăn mình” hoặc tưởng tượng thuần túy, thì lựa chọn tiểu thuyết ngôn tình – lãng mạn sẽ phát huy được năng lực cảm xúc trữ tình, lại vừa tránh được những tai nạn nghề nghiệp khi vốn sống chưa nhiều.

Chúng tôi muốn dừng lại nhấn mạnh đến trường hợp của Meggie Phạm như một điểm sáng trong khuynh hướng này. Viết cuốn tiểu thuyết đầu tay khi mới 19 tuổi, cho đến nay, Meggie Phạm đã có trong tay năm cuốn tiểu thuyết (Hoàng tử và em, Giám đốc và em, Chàng và em, Người xa lạ và em, Tôi và em) với hơn một vạn bản in, cũng như bộ truyện đang được chuyển thể thành phim truyền hình. Meggie Phạm thật sự đã biến thành một hiện tượng bestseller thú vị trong đời sống xuất bản nước nhà, chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 24 tuổi.

Meggie Phạm dù rất trẻ tuổi, nhưng đã sớm chứng minh mình là một “đầu bếp” có tài, khéo léo sử dụng nhiều gia vị lãng mạn trong những bữa tiệc tiểu thuyết về tình yêu. Nhìn chung, Meggie Phạm nói riêng và khuynh hướng tiểu thuyết ngôn tình – lãng mạn nói chung là một món ăn tinh thần của giới trẻ ngày nay, làm sôi động thêm thị trường sách. Tuy nhiên, xét từ tư duy sáng tạo nghệ thuật, như nhà văn Di Li phát biểu: “Khuynh hướng này là những món “mì ăn liền”, hay còn gọi là tiểu thuyết thời trang, không cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tinh thần cho người đọc. Thậm chí chỉ rộ lên như một thứ mốt, rồi người đọc sẽ quên”.

Khuynh hướng huyền ảo, giễu nhại

Khuynh hướng tiểu thuyết trẻ thứ hai đáng chú ý gần đây là huyền ảo và siêu hư cấu. Những nhà tiểu thuyết trẻ viết theo khuynh hướng này có công chúng đọc hạn hẹp hơn, phạm vi phát hành cũng như số bản in khiêm tốn hơn, nhưng họ xứng đáng là những người cách tân hàng đầu trong nghệ thuật viết tiểu thuyết. Khuynh hướng huyền ảo – siêu hư cấu tiệm cận với trình độ văn học thế giới, nằm chung trong hệ hình tư duy văn học hậu hiện đại. Những nhà văn trẻ nhưng sớm có sự tiếp xúc với lý luận văn học phương Tây (hậu) hiện đại, có vốn đọc kiệt tác đương đại thế giới phong phú như Uông Triều, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú, Lê Minh Phong, Nhụy Nguyên… thường đi theo khuynh hướng này.

Khuynh hướng huyền ảo – siêu hư cấu là nỗ lực của nhà văn trẻ để hướng đến một cái nhìn mới về thực tại, đó là một thế giới hỗn độn, bất an, phi lý, đầy rẫy tính ngụy tạo và hư cấu. Mỗi tác phẩm của họ đầy sức nặng của triết học giải cấu trúc/hậu hiện đại, dày đặc những hình tượng ám ảnh của vô thức, của trạng thái tâm thần phân liệt, những ám ảnh cổ mẫu, những chấn thương tinh thần… Yếu tố huyền ảo (magical) xuất hiện giữa hiện thực, nhưng không làm đứt gãy hiện thực và thay đổi số phận nhân vật, biến chuyển cốt truyện như trong truyện kỳ ảo hay truyện thần thoại. Cái huyền ảo thực chất chỉ như cách nhìn khác về thực tại, một thực tại ẩn náu dưới tầng sâu vô thức, hoặc đã bị ẩn dụ hóa bởi hình tượng. Trong Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều, nhân vật chính bị tàn tật, ngồi liệt một chỗ để tưởng tượng về thế giới bên ngoài. Hàng loạt những hiện tượng huyền ảo, kỳ dị xảy ra đối với anh, thực chất cũng là các ẩn dụ có tính siêu hư cấu về tình trạng chấn thương tinh thần và thể xác của nhân vật chính – người kể chuyện. Hiện thực đã bị nhìn nhận dưới góc độ khác, dưới cái nhìn lạ hóa và ảo hóa, nhưng hiện thực hoàn toàn không bị mất đi.

Một khuynh hướng rất đáng chú ý gần đây trong tiểu thuyết trẻ, đó là nhấn mạnh đến trò chơi ngôn ngữ và thủ pháp giễu nhại trong diễn ngôn truyện kể. Có thể kể đến một loạt những gương mặt như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Xuân Thủy, Văn Thành Lê… Trò chơi ngôn ngữ này do tác giả tạo ra, nhưng người chơi chính lại là người đọc.

Đánh giá về những đóng góp về thể loại tiểu thuyết của các nhà văn trẻ, nhà văn Nguyễn Bình Phương – Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, khái quát: “Thái độ nhập cuộc và ý thức trách nhiệm của các cây bút trẻ là rất rõ ràng. Văn trẻ hầu như có mặt ở tất cả những sự kiện, biến động của đất nước; tham gia soi rọi, khám phá các vấn đề, các lĩnh vực xã hội và có những lý giải, cắt nghĩa rất riêng”.

Tre già đặt hy vọng vào lớp măng mọc

Quan tâm đến văn học trẻ nói chung và các cây bút viết tiểu thuyết nói riêng, một số nhà văn đi trước, nhà phê bình cho rằng người viết văn xuôi đang có xu hướng nhằm tới thể loại tiểu thuyết, để đạt được mục đích khái quát và phân tích có chiều sâu một ý tưởng.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh khích lệ: “Rõ ràng đã có một thế hệ nhà văn trẻ 8x, 9x viết tiểu thuyết như: Nguyễn Quỳnh Trang, An Hạ, Đinh Phương, Vũ Phương Nghi, Leng Keng (Lê Thị Xuân)… Tôi bắt gặp ở các tác giả trẻ này các vỉa tầng cảm xúc mới, cách nghĩ mới, cái nhìn mới và lối viết cũng rất mới. Trên cái nền văn hóa khá cao, họ đã vượt qua sự thô giản. Đọc những người trẻ viết tiểu thuyết, tôi nghĩ đến sự già dặn trước tuổi và có cảm giác như không có gì qua mắt được họ. Tre già măng mọc, tương lai nền văn học không trông vào họ thì còn ngóng ai nữa!”.

Tuy nhiên, có thực tế là đang xảy ra sự vênh nhau giữa số lượng và chất lượng, giữa sự đa dạng và độc đáo. Để trường sức và nâng cao chất lượng, cần “tay nghề cao”, có khả năng sử dụng ngôn ngữ và phong cách ngôn ngữ một cách điêu luyện, có nghiên cứu lý thuyết hậu hiện đại. Đồng quan điểm ấy, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: “Mỗi cây bút trẻ phấn đấu mỗi tác phẩm là một tiếng nói tinh tế, độc đáo, đủ sức kéo con người hướng về phía cái đẹp và ánh sáng của nhân tính; không thụ động, thấy đúng lúc vươn vai đứng dậy, hãy vươn vai đứng dậy. Muốn vậy ngoài nội lực của người sáng tác, rất cần thêm sự đồng hành của Ban Nhà văn trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam”.

YẾN THANH – Nhân dân cuối tuần