Tác giả Phùng Kim Trọng sinh năm 1962 tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, hiện anh đang công tác tại điện ảnh quân đội nhân dân. Phùng Kim Trọng đã xuất bản bốn tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn và đoạt một số giải thưởng văn học. “Tráo đá” – tiểu thuyết mới nhất của Phùng Kim Trọng (NXB Quân đội nhân dân, 2012), đọc cuốn sách này người đọc không thấy một bức tranh nông thôn thanh bình, yên ả như nó vốn có. Những người nông dân chân chất, cần cù nhưng ít học đang bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi. Thời của sự đổ nát bao giờ cũng là điểm bắt đầu thời sự thịnh. Và thời thịnh sẽ mở ra cùng với sự tỉnh ngộ của người nông dân… Đây là bức thông điệp mà tác giả Phùng Kim Trọng gửi tới bạn đọc. VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu hai chương trích trong tiểu thuyết “Tráo đá”.

Tác giả Phùng Kim Trọng

Một

Chu Khởi là trò chơi khoăm của số phận với vợ chồng Hòa – Củ, dân làng Mùi vẫn cứ bảo nhau như vậy. Vợ chồng Hòa – Củ vốn mắn con cứ sòn sòn ba năm hai lứa, đã vậy lại còn làm cho một lứa sinh đôi chính vì thế mà chưa đầy ba chục tuổi họ đã có nửa tá. Bốn gái, hai trai. Lứa cuối cùng được hai thằng con trai nên anh Hòa đi đâu mặt cũng vênh lên như bánh đa nướng mặc dù để nuôi đàn con ấý với một chỉ tiêu hết sức đơn giản “ăn no mặc đủ” hai vợ chồng phải làm tối mắt, tối mũi, làm như trâu húc mả. Anh chồng đúng là loại ăn no vác nặng. Anh ta người cao, đen như cột nhà cháy ăn một bữa hết chín mười bát cơm, nhưng làm thì không ai bằng. Quanh năm ngày tháng người ta chỉ thấy anh ta mặc quần đùi, tháng chạp rét chết cò, tháng năm nắng cháy da, cháy thịt mà anh Hòa vẫn cởi trần, đầu không mũ, chân không dép làm hùng hục từ sáng đến tối mịt. Anh Hòa không nề hà việc gì, công việc càng nặng nhọc thì anh ta càng thích đào ao, vác gỗ, vét giếng hay gánh gạch đều là những công việc ưa thích của anh, đối với anh Hòa công việc như một niềm vui, vui nhất là sau mỗi ngày đi làm về được nhìn đàn con tíu tít bên mâm cơm. Được cái lũ con nhà ấy từ lớn chí bé đứa nào cũng hay ăn, chóng lớn ăn cái gì cũng được miễn là đầy bụng. Mới bốn, năm tuổi đầu chúng nó đã biết mò sang vườn hàng xóm bới trộm khoai, trộm sắn về luộc ăn với nhau. Ngược lại với anh chồng chị Củ lại là một người phụ nữ nhỏ nhắn, gọn gàng. Nhỏ người nhưng lại dai sức, 5 lần chửa đẻ với 6 đứa con trứng gà trứng vịt nhưng cấm thấy chị ấy nhức đầu, sổ mũi hay hoa mắt chóng mặt gì. Khi nghe cán bộ phụ nữ đến vận động chị ta đặt vòng thực hiện kế hoạch hóa gia đình chị bảo; Đẻ thì em không sợ, nhưng mà nuôi thì sợ quá.

Nói rằng, nuôi thì sợ quá. Vậy mà, một buổi sáng dậy đi ra bến Gót giặt quần áo chị Củ tình cờ nhìn thấy một cái mủng trôi lập lờ trên bến, cái mủng dạt vào chỗ chị đang giặt, chị dùng tay đẩy nó ra, nhưng rồi nó lại quẩn lại thấy có chuyện lạ chị liền kéo vào mở nó ra và ngạc nhiên thấy bên trong đó một đứa trẻ sơ sinh. Nói là trẻ sơ sinh thì cũng không được đúng cho lắm, đứa bé có khi cũng đã được hơn chục ngày tuổi, được nằm trong một cái chăn bông mới, hai mắt nó vẫn mở bình thản nhìn chị Củ trong khi miệng vẫn bú tay chùn chụt. Chị Củ mừng hơn cả bắt được vàng liền bế nó tức tốc chạy về nhà. Dân làng thấy chuyện lạ kéo đến xem chật nhà, nhiều người nhìn thằng bé, rồi nhìn đàn con của vợ chồng Hòa – Củ khuyên chị ta cho người khác nuôi, nhà bà Hào ngay bên cạnh chỉ có hai cô con gái sang xin về nuôi, thậm chí bà ta còn ngỏ ý đổi cho vợ chồng Hòa – Củ một đàn lợn con, đây là chuyện hy hữu chưa từng xảy ra ở làng Mùi ai đời lại đem lợn đổi lấy người bao giờ? Vợ chồng Hòa – Củ không thuận cho cũng là phải. Nó là của tôi, chị vợ cứ nhìn chằm chằm vào mặt đứa bé nói vậy. Dân làng lắc đầu, ông trời thật chả ra làm sao. Tự nhiên lại mang thằng bé bỏ vào gia đình đã lúc nhúc trứng gà, trứng vịt ấy. Rồi không biết hai vợ chồng sẽ nuôi thằng bé ra sao? Người ta hỏi nhau như vậy nhưng anh chồng cười hề hề. Trời cho voi, trời cho cỏ lo gì.

Anh Hòa lấy họ mình đặt tên cho thằng bé đó là Chu Đức Khởi. Nhưng ông trưởng họ Chu ở làng Mùi bảo rằng. Cái thằng con hoang ấy lấy đâu ra đức mà cho mang họ Chu Đức. Ông ta chỉ đồng ý cho nó mang họ Chu còn không được lót chữ Đức. Chu Khởi lớn lên bằng những lần đi bú trực hàng xóm. Có hôm bố mẹ đi làm mấy chị em ở nhà, thằng bé thiếu sữa khóc ngặt ngẽo, con chị bế đi xin khắp xóm không được về nhà ôm em cùng khóc…rồi cô chị cả nghĩ ra một cách là vắt sữa còn trâu cái đang nuôi con mang vào cho em, thằng bé không chịu lấy tay đẩy đi. Con chị không biết làm thế nào, nó liền bế em ra chuồng trâu thấy thằng bé với tay về phía bầu vú con trâu cái nó liền bế lại dưới bụng trâu để em ngửa cổ lên bú như con nghé con nhiều người nhìn thấy mà vừa thương, vừa cười ra nước mắt. Được cái nó cấm có ốm đau gì, lại mau mồm, mau miệng gặp ai cũng chào rồi lại cười. Một thằng bé như vậy mà lại là một thằng cứng đầu, cứng cổ, ngay từ bé ông bố nuôi đã phải dùng roi vọt bắt nó bỏ cái tật ăn cắp vặt. Anh Hòa sắm hẳn một cái roi bằng tay hóp bánh tẻ, anh thui ngọn roi qua lửa cho nó mềm và dẻo như roi da, mỗi khi ông vung nó lên nghe tiếng roi vun vút, vun vút đến rợn cả tai. Mỗi lần thằng con nuôi phạm tội anh đều bắt nó nằm sấp trên giường rồi cứ roi anh quất hai cái mông đít của Chu Khởi không lúc nào lành vết roi vậy mà nó vẫn cứ trứng nào tật ấy. Nó đã không lấy của ai thì thôi, chứ nó định lấy thì đố mà giữ được. Nhà bà Hào nổi tiếng ở làng Mùi là thần giữ của. Cái hòm gian được đóng bằng gỗ dổi dầy đến mấy phân lại dùng cái khóa chuông to bằng bàn tay thế mà chỉ cần cái cặp tóc của con gái Chu Khởi cũng mở được xúc lúa đem bán dần lấy tiền chơi bài. Chu Khởi biết đánh bạc từ bé. Thoạt đầu là cùng bọn trẻ con chơi bi, chơi đáo mỗi ván thắng được hai xu, năm xu, rồi nó biết đánh tổ tôm, đánh phỏm, chơi ba cây. Năm 13 tuổi nó đã dám ngồi chơi xóc đĩa với ông Bộ, ông Mùi, ông Ngân…toàn những người bằng tuổi cha, tuổi ông của Chu Khởi. Bị công an bắt mấy lần trên chiếu bạc, nhưng còn ít tuổi nên không phải ngồi tù. Ai cũng thấy lo lắng cho tương lai của Chu Khởi thế mà cuối năm 13 tuổi nó đột ngột biến mất khỏi làng. Bọn trẻ cùng chơi với Chu Khởi bảo rằng thấy có người cưỡi bình bịch đến rủ nó ngồi lên thế là nó ngồi lên và đi mất. Bố mẹ nuôi nghe thấy vậy cũng không thèm hỏi han chi, nó đi cho như vậy cũng là thoát được một cái nợ. Người dân làng Mùi bảo rằng. Thằng bé sống trong cái nhà ấy cũng không lấy gì làm sung sướng, khác máu tanh lòng, sống ở đó nó không hơn gì người ở, đã vậy lại còn bữa ăn, bữa nhịn nên thằng bé mới bỏ đi có người làng nhìn thấy nó đánh giầy trên hè phố Hà Nội, có người lại bảo nhìn thấy nó đi móc túi ở ga tầu. Đấy là người ta chỉ nói với nhau thế thôi chứ không ai dám khẳng định chắc chắn.

Hơn chục năm sau Chu Khởi đột ngột trở về làng, bây giờ anh ta đã là một người thanh niên lực lưỡng, có hàng ria con kiến vểnh lên trông như cụ Lý Cừ của làng Mùi ngày trước. Càng nhìn Chu Khởi dân làng càng đoán già đoán non rằng hắn có thể có máu mủ gì đó với cụ Lý Cừ. Lý Cừ tên cúng cơm là Nguyễn Tiến Cừ ông ta vốn là người Lý trưởng cuối cùng của làng Mùi. Người ta cứ bàn tán vậy thôi chứ vào năm bà Củ nhặt được Chu Khởi ở bến sông ấy thì cụ Lý Cử đã chết từ tám hoánh nào rồi. Các con của cụ ta khi ấy cũng không ai có thể là bố của Chu Khởi được nên đến hôm nay Chu Khởi vẫn đích thực là gã đàn ông du thủ, du thực không cha không mẹ. Đây là điều xỉ nhục với Chu Khởi. Hắn không chịu được và không thể để cho người khác gọi hắn là kẻ du thủ, du thực không cha không mẹ. Đã có những trận đánh nhau xảy ra và dân làng Mùi bây giờ chỉ dám nói sau lưng hắn thôi chứ các vàng cũng không dám nói trước mặt Chu Khởi.

Sau hơn chục năm trời mất tích, giờ về làng Chu Khởi xuống xe ở gốc đa làng cách nhà chừng non một cây số. Ngay sau đó dân làng thì thầm với nhau một điều rằng; Khi chiếc xe con mầu đen dừng lại, người lái xe xuống mở cửa xe, lấy va ly đưa cho Chu Khởi rồi đứng cúi đầu chào y như cảnh trong phim truyền hình Hàn Quốc đang chiếu trên ti vi. Chu Khởi chỉ khẽ  nhếch mép cười. Cái cười đểu đểu hình như là do mụ dậy cho hắn từ bé. Giờ đây, trông hắn nhiều người khó nhận ra nếu không có cái nụ cười đểu đểu thường trực trên môi ấy. Dân làng ai cũng tò mò muốn hỏi xem hơn chục năm qua Chu Khởi bỏ đi đâu và làm gì mà khi về làng có xe đưa, xe đón như vậy, nhưng hắn chỉ cười mà không nói.

Chu Khởi vừa về đã nghe thấy tiếng gà kêu quang quác, trong nhà Hòa Củ, rồi đích thân ông bố nuôi đạp xe đạp ra quán bà Sơn Sắn mua rượu. Chỉ mua có lít rượu mà ông ta trả hẳn tờ 100 ngàn đồng mới cứng khiến bà chủ quán cuống lên đếm tiền thừa trả lại. Còn ông bố nuôi thì đứng đó mặt lại vênh lên như bánh đa nướng. Bà chủ quán vừa trả tiền vừa nhìn ông hỏi “Tôi hỏi khí không phải. Thế ngày trước sao ông đánh cháu ác vậy?”. Ông Hòa nhìn bà ta vẻ khó chịu “Cái bà này, nuôi con thì phải dậy, phải răn. Tôi mà không dữ đòn nó được như hôm nay chắc” Tất cả những chuyện ấy nhanh chóng trở thành đề tài ngồi lê đôi mách của của những kẻ vô công rồi nghề ở làng Mùi . Không hiểu Chu Khởi mang về được nhiều tiền hay không nhưng rõ ràng những lần anh ta về quê thì bà mẹ nuôi lại tất bật đi chợ mua thức ăn. Trước đây, khi ra chợ bà ta chỉ dám mua mớ tép vụn năm thì mười họa mới thấy bà ta mon men lại hàng thịt mua vài lạng thịt dọi, cái sọ lợn về hầm với khoai sọ, còn giờ đây khi ra chợ bà ta đã biết đảo mắt tìm trễ lợn, tìm thịt thăn. Có hôm ra muộn hết thịt ngon người bán gạ bà ta mua tạm vài lạng thịt mông, thịt vai nhưng bà ta lắc đầu bảo; Sợ cháu nó không ăn. Chu Khởi không ở nhà lâu, lần nào về cũng chỉ chân ướt chân ráo là đi ngay. Anh ta làm gì, ở đâu thì ngay đến bố mẹ nuôi cũng không biết. Vậy mà, lần này Chu Khởi ở nhà hàng tuần liền chưa thấy đi. Hàng ngày hắn thường ăn diện quần áo chỉnh tề, đầu đội mũ phớt, chân đi giầy da bóng lộn lững thững như một kẻ vô công rồi nghề gặp ai trên đường Chu Khởi cũng cúi đầu chào hỏi rất lễ phép, và đặc biệt là trên môi anh ta không bao giờ tắt nụ cười. Những ngày Chu Khởi ở làng, cả làng đang sôi lên sùng sục. Chuyện là do cách đây mấy năm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Si líc Trường Sinh được cấp giấy phép. Dân làng Mùi khi ấy không ai hiểu Công ty ấy sản xuất cái gì, hai tiếng Si Líc khiến người ta tưởng rằng đây là một cơ sở khoa học phục vụ lợi ích của đất nước, đã thế cán bộ xã, cán bộ huyện lại bảo rằng đây là công trình Quốc phòng, An ninh. Mà với dân làng Mùi được hy sinh quyền lợi của mình vì lợi ích Quốc gia không những là truyền thống mà còn là một niềm tự hào. Trong những năm chiến tranh làng Mùi là làng dẫn đầu huyện về phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thanh niên làng Mùi ngày trước khi đã đủ cân, đủ lạng chỉ có một con đường duy nhất là lên đường nhập ngũ. Trong suốt những năm chiến tranh cả làng không có người con trai nào đi công nhân hay học trung cấp, đại học gì cả. Con gái làng Mùi cũng không ai thích thú gì chuyện học hành, họ chỉ đi học đủ biết đọc biết viết là ở nhà lấy chồng .Còn con trai, hễ cứ vừa lớn lên vừa mọc ria mép là ai nấy hăng hái lên đường ra trận. Nhưng trai làng Mùi ra trận cứ như người ta đi hội, đi bao nhiêu về bấy nhiêu, anh nào về cũng cứng cáp khỏe mạnh. Hàng trăm người ra đi nhưng chỉ có bốn người bị thương trở về mà cũng chỉ là vết thương phần mềm. Khi bình xét công trạng trong kháng chiến làng Mùi cũng đã được nằm trong diện được xét tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng khi xem xét kỹ người ta mới giật mình khi hiểu rằng cả làng không có một bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng không có lấy một người vợ liệt sỹ. Nhiều người tiếc ngơ, tiếc ngẩn nhất là khi nhìn làng Trịnh Khúc, làng Hùng Quan, làng Thạch Đê thay nhau nhận danh hiệu Anh hùng. Giờ đây sang thời kỳ làm ăn, kinh tế là mặt trận hàng đầu. Làng Mùi là làng đầu tiên trong huyện được chọn làm nơi phát triển kinh tế. Tờ giấy phép kinh doanh có con dấu đỏ chót  của Ủy ban Tỉnh khiến dân làng Mùi ngẩng cao đầu. Thử hỏi cả huyện này kể cả các anh được tuyên dương Anh hùng đã có làng nào vinh dự được nhà nước chọn làm nơi xây dựng Công ty Si Lic Trường Sinh phục vụ cho Quốc phòng, An ninh hay chưa? Hàng trăm hộ dân ở đất bãi ven sông háo hức chuyển vào định cư trong chân núi Thắm nhường đất cho Công ty Si Líc Trường Sinh. Gia đình ông Thận Hải, ông Tiếp Vân còn không nhận tiền đền bù tự nguyện đóng góp vào việc xây dựng công ty. Đài truyền thanh địa phương, rồi đài truyền hình tỉnh thi nhau tuyên truyền, nêu gương những gia đình đi đầu trong việc bàn giao mặt bằng cho Công ty Si Lic Trường Sinh. Hơn nữa dân xóm Bãi vốn là dân tứ xứ, chín người mười làng họ mới đến sinh cơ lập nghiệp ở đây chưa lâu nên tình cảm của họ với mảnh đất này cũng không có gì sâu nặng. Tạm biệt mảnh đất ven sông tuy mầu mỡ nhưng vài ba năm lại phải hứng chịu một trận lũ của dòng sông Hồng vốn không lấy gì làm hiền hòa cho lắm vào sống trong chân núi Thắm vốn chả bao giờ phải chịu thiên tai lũ lụt cũng là điều mà nhiều người đã nghĩ tới. Kể từ sau khi có khoán 10 hàng chục hộ dân đã vào chân núi để khai hoang vỡ hóa, giờ đây chuyển cả nhà vào đó, hy sinh một ít quyền lợi của cá nhân vì tập thể cũng là việc nên làm. Ông Bí thư Đảng ủy Đỗ Tiến Bật là người đầu tiên làm gương nhượng đất cho Công ty Si Lic Trường Sinh. Việc làm của ông có một sức thuyết phục ghê gớm. Gì thì gì đảng viên đã đi trước thì làng nước sẽ theo sau. Dân làng Mùi từ trước đến nay vẫn luôn hiểu một điều rằng, đảng viên là những người thông tỏ đường lối, nắm chính sách trong tay. Một khi đảng viên đã làm thì mình đừng có ỳ ra mà không xong. Dân xóm Bãi háo hức nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng. Háo hức chuyển nhà vào nơi ở mới để giúp cho Công ty Si Lic Trường Sinh kịp thời tổ chức sản xuất.

Chỉ đến khi Công ty Si Lic Trường Sinh lộ nguyên hình là một Công ty tư nhân chỉ làm mỗi việc là hút cát ở sông Hồng lên đem bán lấy lời thì người dân xóm Bãi mới ngã ngửa người ra. Nhất là khi người ta nhìn thấy bà Giám đốc Công ty không phải ai khác chính là Thúy Liễu con nhà Thục “lác”. Thì cả làng mới rên rỉ; Cha tiên sư mẹ con con đĩ nó lại lừa cả làng rồi. Người ta gọi Thục “lác” là đĩ kể cũng không ngoa. Thục “lác” vốn không có chồng, chị ta cũng không đến nỗi xấu chỉ trừ có đôi mắt “nhìn rau gắp thịt” là không duyệt được. Còn lại hầu như mọi thứ trên cơ thể chị ta đều khá là hấp dẫn. Thục “lác” có nước da trắng như trứng gà ta bóc vỏ, có một dáng người cao, thuộc vào hạng “chân dài” nếu như cái thời Thục “lác” còn là con gái người ta cũng đánh giá sắc đẹp của người con gái qua số đo 3 vòng như ngày nay thi hoa hậu thì chỉ xét nguyên về chỉ số 3 vòng Thục “lác” có thể là người mẫu tầm cỡ khu vực. Tạo hóa quả là bất công khi làm cho đôi mắt của người phụ nữ ấy bị “sang vành”. Thực ra đôi mắt “nhìn rau gắp thịt” không phải là lý do khiến cho Thục “lác” phải sống cảnh không chồng. Vấn đề chính ở đây là tiết hạnh, một điều mà từ trước đến nay dân làng Mùi luôn đặt lên hàng đầu khi tìm dâu, kén vợ. Khi ở tuổi dậy thì bố mẹ Thục “lác” đã khốn khổ vì cô con gái suốt ngày phấn son, trang điểm. Mà với dân làng Mùi khi ấy việc con gái thoa xon, đánh phấn khiến cho nhiều người phát tởm. Trừ cánh đàn ông là không cưỡng được sự hấp dẫn của những cặp mắt xanh, môi đỏ chứ với các bà, các chị thì việc con gái dùng son phấn là một điều trái tai gai mắt. Rồi nó cũng phưỡn bụng lên có ngày. Người ta ngấm nguýt như vậy, mà quả tình mới 17 tuổi đầu Thục “lác” đã làm mẹ. Đây là một sự kiện gây chấn động làng Mùi hồi đó, người ta cố gắng bằng mọi cách để tìm hiểu xem ai là cha đứa bé nhưng cho đến hôm nay đối với dân làng Mùi thì đó vẫn là một câu hỏi chưa hỏi có lời giải đáp. Người ta chỉ thấy xót xa cho ông bà Giáo Lượng, hai vợ chồng ông ăn ở rõ hiền lành. Ông Giáo vốn con nhà khá giả cũng có dăm ba chữ Thánh Hiền làm vốn, trước cách mạng làm nghề dậy chữ tam tự kinh. Hai vợ chồng không có con, sau này nghe dân làng nói bà Giáo đi “đánh giậm” được mụn con gái. Đây là một việc quá sức chịu đựng của ông Giáo, nhưng rồi suy đi tính lại, hơn nữa anh em nhà bà Giáo khi ấy đang là cán bộ xã nên ông ta đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Việc bà Giáo làm ông Giáo nuốt nhục chưa trôi thì lại đến việc cô con gái chửa hoang một người như ông Giáo làm sao chịu thấu. Trong chưa đầy một tháng ông Giáo hai lần thắt cổ tự vẫn nhưng số ông vẫn cứ phải sống mà chịu những nỗi đắng cay nhục nhã ở đời. Tình cảnh gia đình ông Giáo trở nên quẫn bách khiến Thục “lác” không thể sống ở nhà. Thục lác tỏ ra là một người phụ nữ khá trơ tráo, chỉ với một túp nhà tranh vách nứa dựng trên mảnh đất dưới chân Nương Mộ hai mẹ con Thục lác sống khá sung túc, thời ấy trong khi cả làng ai cũng đầu tắt mặt tối vì lo bát cơm manh áo, tháng ba ngày tám nhiều nhà phải ăn củ chuối thay cơm, thì nhà Thục “lác” vẫn cơm ba bữa, ăn gà bỏ xương, ăn cá bỏ đầu. Ngày ngày Thục lác diện quần hoa, áo va ly de mỏng tanh lượn lờ trên đường làng như cá cảnh. Các bà các cô nhìn cứ như bị gai chọc vào mắt. Ngôi nhà tranh ở dưới chân Nương Mộ ban ngày thì vắng tanh, vắng ngắt nhưng ban đêm thì chó những nhà hàng xóm cứ là cắn đến mòn răng. Người ta đồn rằng cánh đàn ông trong làng thường ăn cắp tiền vợ ban đêm mò đến với Thục “lác”. Biết làm sao được, các ông ăn cơm mãi cũng thèm tý phở. Cả làng chỉ có mỗi người phụ nữ mặc quần hoa áo cánh, lại thoang thoảng mùi nước hoa thì bố ông nào mà chịu được. Cánh đàn ông ở làng Mùi đã trốn vợ đi ăn vụng mỗi khi ngồi với nhau lại béo mép bảo rằng. Khi hứng lên Thục “lác” cứ rên lên hư hử nghe sướng cả một đời chứ đâu như các bà vợ nhà quê cứ nằm đuồn đuột, đuồn đuột như chịu trận. Không cứ gì đàn ông làng Mùi mà đàn ông ở các làng bên cạnh, thậm chí người ta còn thấy cả những vị cán bộ lúc nào cũng đạo mạo, mỗi khi lên phát biểu trước trước dân thì tuôn ra hàng bồ đạo đức vậy mà cũng mò đến nhà Thục “lác” chỉ có điều mỗi khi bước vào cổng cứ lấm la, lấm lét như tên ăn trộm. Người có tiền thì trả tiền, người không có tiền thì xúc trộm gạo, bắt trộm gà của vợ  mang đi. Chả biết thực hư ra sao nhưng nhiều nhà cơm chả lành, canh chả ngọt…Các bà vợ của làng Mùi nguyền rủa người phụ nữ hư hỏng, người ta gọi Thục lác là con đĩ làng. Người ta lo lắng nhìn cô con gái còn hơn hẳn mẹ. Thúy Liễu lớn lên cả làng sững sờ, đúng là mẹ cú con tiên, Thúy Liễu thừa hưởng ở mẹ cả dáng, cả da nhưng lại chối bỏ cặp mắt “sang vành”. Không biết ai là người gieo giống mà Thúy Liễu có đôi mắt nhìn sâu thăm thẳm, đàn ông mỗi khi nhìn vào cặp mắt ấy thường cảm thấy tĩnh lặng như mặt nước mùa thu. Trong làng Mùi ngày ấy đã xuất hiện những chàng thi sỹ suốt ngày làm thơ về cái hồ nước thu trong leo lẻo ấy. Không biết bao trai làng sẽ chết chìm trong đôi mắt ấy nếu Thúy Liễu đã tấp tửng đòi đi thi hoa hậu. Không biết mẹ con Thục “lác” lấy đâu ra tiền mà mua sắm áo váy để Thúy Liễu tham gia cuộc thi tuyển chọn Người đẹp xứ Đoài do Phòng Văn hóa Thông tin huyện tổ chức. Hàng ngày nhìn Thúy Liễu diện áo váy lượn lờ trên đường nhiều bà, nhiều cô đã thấy lo thon thót, mẹ nó đã vậy bây giờ trông nó như các cô người mẫu trên ty vi thế kia thì bọn đàn ông làng này không khéo hóa rồ lên hết. Trong cuộc thi đó, Thúy Liễu trả lời nhầm câu hỏi của Ban Giám khảo đưa ra. Ai lại đứng trước Ban Giám khảo, toàn những ông đầu bóng lộn, kính trễ xuống mũi, đứng trước hàng ngàn khán giả cô Thúy Liễu xinh đẹp lại trả lời rằng;  Hai Bà Trưng thực ra là Bà Trưng và Bà Triệu, họ là chị em sinh đôi cùng cha khác mẹ. Câu trả lời của nó khiến cho mọi người cười bò, vậy mà khi bị đánh trượt Thúy Liễu vẫn ấm ức cho rằng Ban Giám khảo không ai biết gì. Rằng nó bị trượt vì không có tiền lót tay… Sau cuộc thi Người đẹp xứ Đoài ấy Thúy Liễu bỗng nhiên được tuyển vào biên chế nhà nước. Thúy Liễu trở thành nhân viên của Công ty Du lịch tỉnh. Con tạo xoay vần ra sao hôm nay Thúy Liễu trở thành bà Giám đốc Công ty Si Lic Trường Sinh. Dân làng nhìn con gái Thục lác mỗi lần bước xuống xe ý tứ đưa tay kéo váy để lộ ra gót chân trắng hồng như gót chân tiên thì lộn ruột, y như ngày xưa nhìn thấy Thục “lác” mặc quần hoa mỏng dính lượn lờ trên đường. Cuộc đời sao đầy rẫy sự bất công, những con người lao động chân chỉ hạt bột thì trông lam lũ, da chân da tay thì dầy bì bì, nẻ ngang nẻ dọc trong khi đó bọn ăn trắng mặc trơn thì trông đứa nào cũng phây phây ra… Thế rồi không hiểu sao cánh nhà ông Thận Hải, ông Tiếp Vân, ông Ngoạn …tự nhiên kéo nhau đi kiện Công ty Si Lic Trường Sinh. Họ viết đơn đòi quyền lợi, trước hết họ đòi phải tính toán lại tiền đền bù. Nếu là nhà nước thu hồi thì một xu họ cũng không lấy, nhưng vì đây là của tư nhân nên cứ phải sòng phẳng. Cái lý của họ chỉ có là như thế. Làng xóm suốt bao ngày liền cứ sôi lên sùng sục như thùng thuốc súng. Đơn từ, kiện cáo tùm lum nhưng không ai giải quyết. Lẽ phải thuộc về kẻ có tiền, có quyền. Mà kể cũng lạ hàng bao lần gặp gỡ giải quyết, người đứng ra đại diện cho Công ty Si Lic Trường Sinh không phải là bà Giám đốc Thúy Liễu mà chỉ nhân viên được ủy quyền. Người ta đồn với nhau rằng, Thúy Liễu làm bồ nhỏ một ông cán bộ to. Cái Công ty Si Lic Trường Sinh thực ra là do ông ta điều hành Thúy Liễu chỉ là Giám đốc trên danh nghĩa mà thôi. Xã rồi huyện cũng nhận được đơn của dân xóm Bãi nhưng đố ai dám lên tiếng. Dân làng nhỏ to rằng cái ông đứng đằng sau Công ty Si Lic Trường Sinh chỉ cần hắt hơi nhẹ một cái là các vị từ Chủ tịch, đến Bí thư đã rời nhiệm sở về mà đuổi gà cho vợ,  hơn nữa người dân xóm Bãi trước đây đã tự nguyện nhượng đất cho Công ty tất cả đều làm đúng theo quy định của pháp luật. giấy trắng, mực đen, bút xa gà chết giờ còn kiện cáo cái gì. Nói lý, nói tình với nhau không được thế là đến lúc phải nói chuyện với nhau bằng gậy gộc, dao búa. Đã có vài trận chặn đường xe trở cát, đã có xô sát giữa thanh niên làng Mùi với công nhân của Công ty Si Lic Trường Sinh. Hai ngày trước vừa xảy ra một trận ẩu đả giữa thanh niên làng Mùi với nhân viên bảo vệ của Công ty Si Lic Trường Sinh khiến cho hai người bị thương nặng hiện đang nằm trong bệnh viện huyện. Công an vẫn đang còn điều tra, chưa sử lý. Hôm nay, cánh thanh niên trai tráng trong làng lại tụ họp nhau lại thành nhóm quyết trừng trị Công ty Si Líc Trường Sinh. Gần hai chục người tay gậy, tay dao được sự hỗ trợ của các bà các chị và hàng mấy chục người nữa kéo nhau ra. Nhưng khi ra đến nơi họ kinh hãi khi nhìn thấy một hàng rào cảnh sát với dùi cui, doi điện, với súng lục đeo xề xệ bên hông và gương mặt lạnh như tiền. Đứng đầu hàng cảnh sát là một thiếu úy còn trẻ cũng là người làng Mùi. Anh ta tên là Trí ngày bé hay gọi là Trí “nhớt” vì đi học cấp ba rồi mà dãi vẫn chảy rề rề. Trí “nhớt” là con ông Kiến Phức. Vợ chồng Kiến Phức cũng chỉ ở nhà làm ruộng như bao người dân làng Mùi . Lấy nhau gần chục năm trời cấm thấy vợ chửa đẻ gì, hai vợ chồng Kiến Phức đưa nhau đi cầu cúng khắp nơi. Nghe nói khi đến cầu ở đền Thượng bên kia núi Thắm hai vợ chồng gặp một người thầy bói ngồi xem bói bằng cách sờ đồng tiền lễ. Kể ra cũng lạ, hai mắt thầy rõ là tinh, là sáng cứ đảo lia lịa từ người này sang người khác vậy mà khi xem lại nhắm tịt lại tay cứ sờ sờ như người mù thật. Bà Phức sau khi bàn với chồng liền lấy tờ hai hào nhét tận cạp quần lót ra đặt vào tay thầy. Động tác lần cạp quần để lấy tiền của người phụ nữ hình như làm cho thầy chú ý. Thầy cầm tờ tiền lên tay, rồi đưa lên mũi nhăn mặt ngửi cứ y như thầy ngửi được tiền vận, hậu vận của con người từ đồng tiền ô uế đó. Ngửi xong thầy nhìn chằm chằm vào hõm ngực người phụ nữ và phán rằng; Hai vợ chồng chưa có con lỗi không phải do thánh thần mà chủ yếu là do họ chưa biết cách ngủ với nhau. Nói như vậy cũng là ý tứ, tế nhị lắm rồi chả lẽ thầy lại nói toẹt ra rằng hai vợ chồng đếch biết đ.. nhau, Vậy mà, cả hai vợ chồng kinh hãi nhìn thầy, ở nơi đền miếu linh thiêng này sao thầy lại dám nói về cái chuyện tục tằn đó? Giời ạ ! Đi cầu tự mà kiêng nói chuyện nói chuyện đ…nhau thì cầu cái con c… à? Thầy bỗng vung ra một câu chửi thề y như dân hàng tôm, hàng cá khiến những người đang ngồi chờ đến lượt xem bịt miệng cười rinh rích còn hai vợ chồng tái mặt, vã mồ hôi hột. Người chồng vội vã chi thêm hai hào nữa nhờ thầy chỉ bảo cho cặn kẽ. Thầy lim dim mắt nhìn ông Kiến vẻ thương hại rồi ghé vào tai thì thầm to nhỏ. Không biết thầy nói gì chỉ biết ông ta có vẻ tâm đắc và gật đầu lia lịa. Chả biết thầy dặn gì nhưng sau lần ấy, vợ chồng nhà Kiến Phức cứ quấn lấy nhau như rắn. Họ làm “chuyện ấy” không kể ngày đêm, không cần địa điểm. Lần thì ở ngoài đống rơm, lần thì hai người tranh thủ lúc chập choạng tối đè nhau ra bờ ruộng sau buổi tát nước, có lần bọn trẻ trâu bắt gặp hai vợ chồng ngủ với nhau ở bãi sắn trên Nương Mộ. Bọn chúng tưởng có chuyện gái trai hủ hóa nên về gọi người lớn ra bắt. Nhưng khi dân làng ra đến nơi thì thấy anh chồng đang nằm co quắp gối đầu trên đùi vợ ngủ ngon lành, còn chị vợ thì ngồi lấy nón quạt cho chồng rất chi là tình cảm. Dân làng được một phen ê mặt. Vợ chồng người ta ngủ với nhau thì có gì mà xem kia chứ? Nhưng tại sao không ngủ với nhau ở nhà mà lại kéo nhau lên đồi kia chứ? Thế mới là đồ rửng mỡ. Các ông, bà biết cái gì mà nói kia chứ, cái nhà bằng cái lỗ mũi nhét gần chục người đến ho còn ngại nữa là. Chỉ đến khi ấy người ta mới hiểu nguyên nhân muộn con của vợ chồng Kiến Phức. Thì từ ngày cưới nhau, hai người vẫn ăn chung ở chung với bố mẹ. Ngôi nhà tranh ba gian một trái thưng vách nứa ấy nhét gần chục người. Hai ông bà già, hai vợ chồng trẻ, một bà chị quá lứa lại kèm thêm 5 đứa em cả trai lẫn gái … Chuyện của vợ chồng Kiến Phức bỗng trở thành câu chuyện được bàn đến nhiều nhất trong làng thời ấy. Mà ở làng Mùi  thời ấy có cái gì để giải sầu đâu kia chứ, một quý mới có buổi chiếu phim phải rủ nhau đi từ chiều, xem xong về còn bàn cãi chuyện phim đến hàng tháng trời liền, nên có chuyện để mà nói cũng đỡ buồn. Rồi cu Trí ra đời. Kể ra thì cũng lạ lúc mong thì mong đỏ con mắt cũng chẳng có con còn khi đã có được một đứa rồi thì bọn đàn em trứng, gà trứng vịt thi nhau tòi ra. Vợ chồng Kiến Phức mấy năm liền tòi ra bốn đứa  nhưng được mỗi cu Trí là trai. Dù sao cũng đã có nếp, có tẻ lại vào đúng lúc làng Mùi đang ráo riết vận động kế hoạch hóa gia đình. Vốn có truyền thống đi đầu huyện trong tất cả các mặt hoạt động, người ta ra sức tuyên truyền, vận động khuyến khích các ông chồng tham gia triệt sản, những đứa ít học (mà cơ bản dân làng Mùi đều ít học) lại ác mồm cố tình phá hoại chính sách sinh đẻ có kế hoạch của Nhà nước lại gọi là thiến. Chính cái từ này khiến cho kế hoạch triệt sản nam ở làng Mùi suýt nữa bị phá kế hoạch. Ông Phó chủ tịch Nguyễn Tiến Thẩm đã làm gương xung phong triệt sản nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu, trong lần ông ta đi từ Ủy ban về tình cờ gặp anh cu Kiến đang khật khưỡng đi vay tiền. Đã mấy lần cùng cán bộ Phụ nữ, cán bộ Mặt trận đến nhà vận động nhưng lời nói của cán bộ cứ như nước đổ đầu vịt. Ông Phó chủ tịch nheo mắt ngắm đối tượng của mình rồi nảy ra một kế hoạch, ông ta liền rủ anh cu Kiến vào quán đổ cho vài chén rượu gạo. lắng nghe anh cu Kiến than thở về việc hết tiền, hết gạo ông tỏ vẻ thông cảm rồi  tỷ tê dỗ dành thế nào mà anh cu Kiến hăm hở ngồi lên xe máy của ông Phó Chủ tịch chạy vào bệnh xá và leo lên giường cho người ta phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Bà vợ ở nhà nghe đứa em dì tất tả chạy về gọi bảo rằng anh rể đang thiến thì bất chấp cả đứa con đang lên cơn sốt rét bà ta tức tốc chạy ra bệnh xá nhưng mọi sự đã rồi, bà ta liền xỉa tay, vỗ đùi bèn bẹt lên chửi cha chửi mẹ thằng nào, con nào rủ rê chồng bà ta đi thiến. Thủ phạm chính là ông Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Thẩm khi ấy đang ung dung ngồi viết báo cáo gửi huyện về việc làng Mùi đã hoàn thành chỉ tiêu triệt sản nam. Ở ngoài bệnh xá bà Phức lại quay sang chửi chồng. Bà ta bảo rằng người gì ngu hơn chó, đến con chó nó còn biết giữ cái của ấy lại nữa là người. Cả làng được một phen nghe sướng cái lỗ tai. Nhưng cái của quý của anh cu Kiến thì không sao trở lại như cũ được. Anh cu Kiến ngày đó là ông Kiến hôm nay, ông tuy chưa già trông vẫn còn sức vóc, nhưng trông lúc nào cũng ngơ ngơ như người bị ma bắt mất hồn. Những kẻ rỗi hơi trong làng không gọi ông là ông Kiến Phức nữa mà gọi ông là ông Kiến hoạn. Ông Kiến hoạn cũng có mặt trong đoàn người kéo nhau đi đầu tranh với Công ty Si Lic Trừơng Sinh, Thực ra thì ông không có lợi lộc gì trong việc đấu tranh này, ngồi nhà dỗi việc thấy dân làng kéo nhau đi thì ông cũng đi cho biết thôi. nhưng khi đến nơi thấy con trai mình trong lực lượng công an giữ gìn trật tự, nhất là khi thấy nó sải những bước dài vững chãi, hai mắt nhìn ông như nhìn vào một người xa lạ. Tự nhiên ông cảm thấy chân tay mình bủn rủn, mồ hôi vã ra trên mặt. Lạy trời, lạy phật có phải thằng Trí con ông kia không? Thấy thằng Trí người ta đẩy ông Kiến hoạn lên trước, ông cố lấy can đảm, định bước lên nói vài lời phải trái với con nhưng mắt ông bỗng hoa lên, đầu óc váng vất. Trước mắt ông đâu có phải là thằng Trí, cái thằng đi học đến cấp ba rồi mà mũi dãi vẫn chảy dề dề. Trước mắt ông là một sỹ quan cảnh sát rất oai nghiêm nhờ khoác trên mình bộ cảnh phục. Hóa ra cũng là nó mà khoác bộ cảnh phục lên người trông nó khác hẳn chứ cởi ra có lẽ nó vẫn chỉ là thằng “Trí nhớt”, một gã đàn ông bất lực nhất trong số đàn ông làng Mùi. Nghĩ được như vậy, nhưng người ông vẫn rúm lại từ dưới đũng quần ông một luồng nước âm ấm chảy ra, những người kéo nhau đi đấu tranh lúc đầu không hiểu chuyện gì nhưng khi hiểu ra vừa nhìn thấy con trai ông Kiến hoạn đã vãi đái ra quần thì phá lên cười. Bao nhiêu dũng khí lúc trước bỗng nhiên biến mất. Cuộc tập họp lực lượng để đòi công lý của dân làng Mùi bỗng trở thành chuyện cười. Rồi cũng không ai dám gây sự với cảnh sát mọi người im lặng giải tán.

Lệ Mai cũng có mặt trong đội quân đi đòi công lý ấy. “Đội quân đi đòi công lý” đấy là cái tên mà Tiến Thanh dùng để gọi những người đi đấu tranh với Công ty Si Lic Trường Sinh. Lệ Mai thấy cái tên ấy mới ý nghĩa làm sao? Đúng là chỉ “anh ấy” mới nghĩ ra được. Nàng nhìn Tiến Thanh như khích lệ. Thực ra, nàng cũng không hiểu đúng sai, phải trái ra sao. Nàng cũng đã nghe bố nàng cấm nàng không được tham gia vào cái “đám vô công rồi nghề này”. Đấy là cái tên mà ông Chủ tịch hội Cựu chiến binh dùng để gọi “đội quân đi đòi công lý”. Lệ Mai chả biết ra làm sao cũng là những con người ấy, cũng là công việc ấy vậy mà mỗi người lại gọi khác nhau. Nhưng dù bố nàng có gọi đấy là những thằng kẻ cướp, những tên giết người đi chăng nữa thì nàng làm sao có thể ngồi nhà trong Tiến Thanh là thủ lĩnh của đội quân “đi đòi công lý”. Hôm trước nàng đã nghe tin trong cuộc ẩu đả với bảo vệ của Công ty Si Lic Trường Sinh chàng đã bị thương. Vết thương  không nặng, chỉ là do một viên đá chắc là của phe mình ném trượt vào đầu thôi nhưng đã khiến cho nàng lo lắng đến mất ăn, mất ngủ…Nàng liếc mắt nhìn Tiến Thanh dấn bước lên sánh ngang người chàng và cất tiếng hỏi nhỏ nhẹ.

– Anh Thanh. Giờ anh tính sao?

Tiến Thanh ngước mắt lên nhìn nàng ngán ngẩm lắc đầu, nàng bỗng cảm thấy trái tim mình đập mạnh trong lồng ngực.

– Cũng chưa biết tính sao nữa. Nhưng chúng ta sẽ không bỏ cuộc. Nếu cần có thể kiện lên tận Trung ương.

– Có mà con kiến đi kiện củ khoai. – Chu Khởi đi bên cạnh khẽ nhếch môi cười đểu và buông ra một câu khiến Lệ Mai cảm thấy hai mắt mình nẩy lửa. Nàng chỉ muốn cào cấu, muốn móc mắt hắn cho hắn khỏi châm chọc phá đám Tiến Thanh.

– Anh thì biết cái gì.

– Sao lại không biết gì cô em xinh đẹp. Tôi còn biết cả lý do khiến cô tham gia vào đám vô công rồi nghề này.

Đám vô công rồi nghề cái từ mà Chu Khởi nói về đội quân “đi đòi công lý” của Tiến Thanh khiến Lệ Mai cảm thấy như bị hắn tát thẳng vào mặt. Hai mắt nẩy lửa, nàng quay lại đối mặt với Chu Khởi.

– Anh vừa nói cái gì?

– Xin lỗi ! Nhưng hai người trông cũng đẹp đôi đấy. – Chu Khởi lại cười vẫn cái cười mà không hiểu sao Lệ Mai thấy nó đểu đểu. Nhưng cái câu  “Hai người trông đẹp đôi đấy” lại khiến cho nàng thấy mát lòng, mát dạ má nàng thoắt bừng đỏ, trái tim nàng đập rộn trong ngực, nàng liếc xéo sang Tiến Thanh. không hiểu chàng có nghe thấy Chu Khởi nói gì không mà nét mặt chàng hình như không có gì thay đổi. Đến một kẻ vô lại, một tên phá đám như hắn cũng phải thừa nhận chúng mình đẹp đôi đấy, anh không thấy sao? Đôi mắt nàng lại âu yếm nhìn Tiến Thanh khiến Chu Khởi bỗng nhiên phá lên cười, tiếng cười không biết phải hiểu như thế nào, hắn khẽ nháy mắt với nàng ngầm như giao hẹn điều gì rồi rẽ sang hướng khác. Trên đường giờ đây chỉ còn có hai người, bước chân nàng ngập ngừng, chậm dần trong khi Tiến Thanh vẫn vô tình sải bước.

– Anh Thanh.

Nàng cất tiếng gọi nhỏ, tiếng gọi vừa đủ để nói lên những điều suy nghĩ thầm kín trong tim mình. Nàng có một giọng nói du dương êm ái khiến cho đàn ông khi nghe thấy cứ thích nghe mãi. Giọng nói ấy có lẽ nàng được thừa hưởng từ mẹ nàng.

Đang cúi đầu bước Tiến Thanh bỗng ngập ngừng dừng lại, nửa như muốn nghe cho rõ, nửa như không. Nàng quyết định dấn thêm một bước nữa.

– Tối nay anh…có bận gì không ? – Lệ Mai làm bộ ấp úng và cúi xuống mân mê tà áo. Ngay cả cách mân tà áo cũng là  một cách tỏ tình thầm kín mà nàng đã dụng công tập luyện. Thực ra nàng tập những cách mê hoặc đàn ông này cũng vô ích vì nàng là một cô gái đẹp. Hôm trước chị Thúy Liễu  Giám đốc Công ty Si Lic Trường Sinh có nói với nàng rằng; Nếu muốn chị ấy sẽ tài trợ cho nàng tham gia cuộc thi Hoa hậu toàn quốc. Chị vẫn còn hậm hực vì trước kia bị người ta sử oan trong cuộc thi Người đẹp xứ Đoài. Bọn khốn nạn ấy thì biết cái gì kia chứ. Ngồi làm Giám khảo mà mắt cứ dán vào cái “Ngã ba, ngã bẩy” của người ta. Chị ấy bảo cho nàng biết rằng, chị đã thanh toán xong món nợ với những vị ngồi trên bàn Giám khảo hôm ấy. Các vị ấy không có con mắt để thưởng thức cái đẹp, thì tốt hơn cả là về mà đuổi gà cho vợ.  Nàng chả hiểu chị ấy nói về cái ngã ba ngã bẩy nào, cũng không biết chị ấy đã làm thế nào để trả thù được họ nhưng cũng thấy hay hay. Chị ấy còn bảo rằng làng Mùi của mình nhất định phải có người đăng quang Hoa hậu toàn quốc cho thiên hạ lác mắt ra. Nghe nói đến được tham gia thi Hoa hậu nàng cũng thích ghê lên ấy. Nhưng còn Tiến Thanh? Không hiểu tại sao suốt thời gian này mọi suy nghĩ của nàng chỉ hướng về Tiến Thanh. Chỉ cần một ngày không nhìn thấy chàng là nàng cảm thấy ruột gan bồn chồn như ngồi trên đống lửa. Có những hôm không có việc gì nàng cứ phải giả vờ đi vào xóm Trại chỉ để nhìn thấy Tiến Thanh một lần. Liệu anh ấy có đồng ý cho nàng tham gia thi hoa hậu nhất là với sự giúp đỡ của chị Thúy Liễu hay không? Hôm nay nàng muốn gặp Tiến Thanh để nói với chàng chuyện đó để xem phản ứng của chàng ra sao. Nhưng nàng lại không biết phải bắt đầu như thế nào. Từ xưa đến nay nàng luôn được giáo dục để hiểu rằng một người con gái không bao giờ được chủ động hẹn hò, chủ động tỏ tình với con trai. Ôi ! Kiếp sau nàng sẽ quyết không làm con gái nữa.

– Tối nay anh phải sang nhà bác Thận Hải. Nhưng có việc gì không em?

Nàng bỗng nhiên bối rối. Bao giờ cũng vậy khi đối diện với người đàn ông mà nàng thầm yêu trộm nhớ Lệ Mai cũng không sao làm chủ được. Nàng quay ngoắt lại làm ra vẻ giận dữ xăm xăm bước về nhà mình, trong đầu hy vọng rằng Tiến Thanh sẽ chạy theo, sẽ gọi nàng lại. Ôi! Chỉ cần nghe tiếng gọi của chàng là nàng sẽ quay lại, sẽ chạy bổ về phía chàng thậm chí sẽ … Nhưng không, chàng lặng lẽ cúi đầu đi về nhà, nàng cảm thấy thất vọng chỉ muốn khóc, nhưng rồi lại cố tĩnh tâm nghĩ về những việc Tiến Thanh sẽ bàn ở nhà ông Thận Hải. Thì có chuyện gì nữa vẫn là chuyện “đòi công lý”. Trong tất cả những người dân của xóm Bãi trước đây đi đấu tranh với Công ty Si Lic Trường Sinh thì nhà ông Thận Hải là hăng hái nhất. Chuyện ấy cũng dễ hiểu thôi vì ông ấy là người bị thiệt thòi nhiều nhất. Ông ta đã vô tình biếu không cho Công ty Si Lic Trường Sinh cả một mảnh đất vườn rộng hơn một mẫu với bao nhiêu là cây trái. Trong hơn một mẫu vườn ấy ông Thận đã trồng hàng bao cây ăn quả, mùa nào thứ ấy. Nào na, nào bưởi, nào nhãn…đặc biệt nàng rất thích cây hồng không hạt của vườn nhà ông Thận Hải. Cả làng này chỉ có nhà ông là có cây hồng không hạt như vậy, trước đây năm nào nàng cũng được Thái Ngọc, con gái út của ông Thận Hậu hái cho hàng túi. Cây hồng nhà ông trăm quả như một, quả nào quả ấy đều căng mọng, đỏ dòi dọi chỉ cần đưa lên miệng là đã thấy ngọt lịm. Loại hồng quý ấy không hiểu sao không thể trồng được. Vì nó không có hạt nên không có cây con, nhiều người đã hỳ hục triết cành hàng bao lần nhưng không thành. Trước kia vợ chồng ông Thận Hải hăng hái trong việc nhượng đất cho Công ty Si Lic Trường Sinh bao nhiêu thì bây giờ ông ta hăng hái đi đòi bấy nhiêu. Bao ngày nay đi đến đâu ông cũng bảo rằng ông ta bị lừa. Từ xã cho đến huyện đều nói với ông và người dân rằng đây là Nhà nước trưng dụng đất để xây dựng công trình Quốc phòng An ninh. Theo luật Nhà nước có thể trưng dụng đất đai, nhưng Nhà nước vốn tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân nên mới bàn bạc thỏa thuận. Nghe người ta nói mà ông thấy nở từng khúc ruột. Gia đình nhà ông so với những gia đình khác của làng Mùi từ trước đến nay đều thua thiệt, muốn có thằng con trai cho khỏi lép vế, lớn lên cho nó vào bộ đội, nói dại giả sử nó có hy sinh vì nước vì dân cũng là niềm tự hào. Vợ chồng ông được bốn cô con gái, ba cô đã yên bề gia thất giờ chỉ còn có cô út, năm nay cũng 18 tuổi rồi, gả chồng nữa là xong. Nhà toàn có con gái có tích trữ tiền của cũng chả làm gì. Bố mẹ nghèo có khi chị em nó còn đoàn kết, còn có chị có em. Chứ có tiền của để giành không khéo chị em nó lại chia lìa đến không nhìn mặt nhau. Chả ai biết ông thật hay đùa có lúc ngồi uống rượu với mấy chàng rể ông bảo rằng; Bố chỉ xin các con có hai điều. Một là lúc về già chúng mày đừng có đánh bố. Hai là khi vợ chúng mày đẻ, đừng có bắt vợ bố đi trông con cho chúng mày để bố sống cô đơn một mình. Giờ đây có cơ hội để ông đóng góp cho đất nước ông thấy vô cùng vinh dự. Ông chỉ xin Công ty Si Lic Trường Sinh hỗ trợ ít tiền để làm ngôi nhà mới trong chân núi Thắm và xin Ủy ban cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông. Vợ chồng ông vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn lao động được, còn người còn của lo gì. Đóng góp một ít tiền của cho đất nước cũng là trách nhiệm là nghĩa vụ nên làm của ông. Ông nói vậy, dân làng nhiều người lúc đầu con do dự tính toán thiệt hơn nhưng rồi cũng học tập ông. Mọi yêu cầu của ông, của dân làng đều được đáp ứng, thậm Chí công ty Si Lic Trường Sinh còn cho xe đến san nền nhà, chuyên chở vật liệu giúp dân làm nhà. Ông cảm thấy vô cùng hãnh diện khi hàng ngày nghe đài truyền thanh xã nêu gương vợ chồng ông đã tích cực ủng hộ đất nước. Mà giọng của cái cô phát thanh viên nghe mới ngọt ngào làm sao? Ông còn nhớ mãi cái câu nói mỗi buổi sáng. “Việc làm của gia đình ông Hà Văn Thận và bà Tạ Thị Hải là biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước, của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, sứng đáng cho chúng ta noi gương…” Ôi ! Sống đến quá nửa đời người rồi ông mới biết mình cũng có máu Anh hùng, mà lại là Anh hùng Cách mạng kia đấy. Có ai ngờ được rằng ông và cả ông Bi thư Đỗ Tiến Bật cũng bị chúng nó lừa. Mà bị ai lừa kia chứ? Bị cái con ranh con, con Thục lác lừa thì nỗi nhục làm sao mà chịu cho thấu. Lần nào nghĩ đến Thục lác ông cũng thấy mặt mình nóng bừng. Người đàn bà đàng điếm hư hỏng ấy là nỗi thèm muốn khát khao không bao giờ thỏa của ông. Cái thời còn sung sức ông cũng như những người đàn ông khác của làng Mùi đều bị con mụ ấy hớp mất hồn. Thì từ tấm bé chỉ được nhìn thấy đàn bà mặc quần thâm, áo gụ giờ đây bỗng nhiên có một người mặc quần hoa, áo va ly de mỏng tanh, đã thế cặp môi đỏ như son lúc nào cũng cười mỗi khi đi qua lại còn thoang thoảng mùi nước hoa nữa thì bố anh nào chịu cho được. Đêm về nằm bên vợ thấy mùi mồ hôi chua loen loét lại mơ tưởng đến cái mùi thơm thoang thoảng từ người Thục lác. Cánh ông Vân, ông Ngoạn nói nhỏ vào tai ông rằng chỉ cần yến thóc là được ngủ với Thục lác. Yến thóc chứ cả tạ ông cũng không tiếc nhưng khổ một nỗi ông không sao lừa được bà vợ lúc nào cũng như người cảnh sát ở bên cạnh. Cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ đến niềm ao ước thời trước ông vẫn còn luyến tiếc, sao đời ông không có được cái may mắn như ông Vân, ông Ngoạn. Cùng là đàn bà con gái mà sao các bà ấy lại để cho chồng được nếm mùi đời. Nhưng dù sao đấy cũng vẫn là chuyện của ngày hôm qua, còn hôm nay ông đi kiện, ông đi đấu tranh cũng chỉ là để không cho mẹ một con đĩ nó ăn trên ngồi chốc. Nó có làm gì đâu mà bỗng dưng hưởng hết công sức của vợ chồng ông làm cả một đời người. Nghe ông Thận dãi bày, nhiều người cũng tỏ ra thông cảm, uất ức thay cho ông. Chung quy lại cũng chỉ là do dân mình ít học. Chu Khởi cái đứa con hoang, cái thằng cha du thủ, du thực lại buông ra cái lời nhận xét rất chi là vô trách nhiệm.Vô học, phải không có những người dân vô học ở làng Mùi này thì hôm nay hắn đã làm mồi cho cá sông Gom rồi. Tại sao hắn lại không giống Tiến Thanh trong mắt Lệ Mai Tiến Thanh là biểu hiện của tinh thần thượng võ, giữa đường thấy chuyện bất bình… Tiến Thanh của nàng giống như bậc Anh hùng thượng võ sẵn sàng xả thân vì việc nghĩa, vì lẽ công bằng chứ không như những kẻ hiếu kỳ. Vừa nhìn thấy Công an đã vãi đái ra quần thì còn đấu tranh cái gì nữa chứ. Lệ Mai cảm thấy uất lên tận ngực, Công an họ cũng chỉ là con người thôi. Nói phải củ cải cũng phải nghe, ai chứ anh Trí “nhớt” thì có gì đáng sợ. Còn nhớ trong hội làng đầu năm khi Trí “nhớt” bị bọn con gái túm lấy bắt đánh đu, anh ta chẳng suýt nữa thì tè ra quần còn gì. Mà bố con nhà ấy cũng lạ kể cả bố lẫn con hễ vừa động đến là đã vãi tè ra, thật chả ra làm sao. Nhưng thôi, thua keo này bày keo khác, chắc Tiến Thanh lại nghĩ ra một kế sách gì mới, hôm nay chàng vào nhà ông Thận Hải chắc là để bàn bạc. Chả biết họ định làm gì nữa đây? Ôi giá như nàng được tham gia trong cuộc họp tối nay. Mà có ái cấm nàng đâu nhỉ? Ông Thận đâu có phải là người xa lạ, về vai vế bên bố nàng phải gọi ông ấy bằng chú, nhưng về đằng ngoại thì ông ấy lại phải gọi nàng là cô mối quan hệ họ mạc nhằng nhịt ở làng Mùi khiến cho ai cũng là người nhà, hơn nữa nàng với Thái Ngọc con út ông Thận Hải là bạn chơi ô, chơi chuyền với nhau từ bé. Chỉ có một điều hơi ngại rằng từ đây vào nhà ông Thận Hải những gần chục cây số, đường xá ngoằn ngoèo như rắn lượn. ..Ơ tại sao mình không bảo Tiến Thanh rằng mình cũng có việc đi vào đó, tối cho mình đi cùng, trên đường đi nàng sẽ …Nghĩ được như vậy thì đã không còn thấy Tiến Thanh, nàng cúi đầu lủi thủi bước về nhà. Vừa đến cổng nhà, con chó Tô từ trong nhà vẫy đuôi mừng rối rít khi thấy nàng về. Không hiểu sao nàng lại đưa chân đá cho nó một cái, con chó kêu oẳng một tiếng rồi cong đuôi chạy thẳng vào nhà.

Về đến nhà Lệ Mai thấy Chu Khởi đang ngồi chơi cờ tướng cùng với bố nàng. Ông Đại đội trưởng Đặc công từng ngang dọc trên các chiến trường miền Đông Nam bộ, từ ngày cởi giáp hạ sao về làng không có trò giải trí gì khác ngoài việc vùi đầu vào bàn cờ tướng. Ông Nghiên đánh cờ không giỏi nhưng ham đánh đến quên ăn, quên ngủ, quên cả vợ con. Ngày còn ở trong quân ngũ đóng quân ở xa có lần đi phép, khoác ba lô lên đến ga tầu gặp được bạn cờ hai người tỷ thí dăm trận không phân thắng bại người bạn rủ ông về nhà chơi tiếp. Ông Nghiên không từ chối ở chơi cho đến hết cả đợt phép năm rồi khoác ba lô về đơn vị. Câu chuyện đó mãi khi về hưu rồi ông mới kể cho vợ con nghe. Vợ ông nghe xong cũng chỉ cười cười, cái cười không ra buồn cũng không ra vui. Bao năm ông đi bộ đội chả cần biết ông làm gì bà lặng lẽ ở nhà nuôi dậy một đàn ba đứa trai, đứa nào lúc mới sinh cũng ốm đau quặt quẹo, chỉ khi qua tuổi sài đẹn mới ra hồn người. Đến khi ông về bà mới đẻ thêm Lệ Mai cho có đứa chấy rận. Giờ đây, ông bà đã dựng vợ được cho 2 đứa chỉ còn một cậu con trai đang đi bộ đội, và cô con gái út là Lệ Mai. 4 lần sinh nở nhưng chỉ đến khi sinh đứa út là bà Thân mới có chồng ở bên cạnh. Có chồng ở bên cạnh mà cũng như không, bà Thân vẫn bảo số bà vất vả tại bà cầm tinh con khỉ lại lỗi mùa sinh nên mới lấy phải người chồng ham chơi như vậy. Ai lại có ông chồng đưa vợ đến nhà hộ sinh xong, quay về sang nhà hàng xóm đánh cờ, đến lúc tan cuộc cờ thì vợ cũng đã bế con về đến nhà. Bị dân làng xúm vào nói cho một trận ông Nghiên đỏ mặt ấp úng như gà mắc tóc. Ông bảo sốt ruột quá không biết làm gì đành rủ nhau đánh một ván cờ. Ai ngờ quên khuấy đi mất. Nghe ông nói ai cũng cảm thấy buồn cười. Người gì cái người ham chơi thế không biết? Bố vợ nghe tin chàng rể ngồi đánh cờ mà quên vợ đang đau đẻ, chả biết nghĩ gì bảo đặt tên cho cháu là Lệ Mai. Đó là đứa cháu gái duy nhất của ông không phải kèm theo chữ “Thị”. Sau này mỗi khi nghĩ về cái tên cháu ngoại ông cụ thường trầm ngâm bảo. Không biết tại sao ông lại nghĩ ra cái tên ấy. Lệ Mai chẳng phải là giọt lệ buổi ban mai sao? Ông bảo rằng có thể cuộc đời cháu ông sẽ vui ít buồn nhiều do cái tên của ông ngoại đặt cho.

Ham đánh cờ, mà ông Nghiên đánh cờ toàn thua, có những hội cờ nhiều tay cao thủ đánh với nhau ông đến chầu chực mãi mới được đánh nhưng đánh được hai ván đã bị loại. Âý vậy mà không hiểu sao Chu Khởi lại là bạn cờ tâm đắc của ông. Bạn mà là bạn thật sự chứ không phải là bạn qua đường. Không về thì thôi còn đã về lần nào hắn cũng đến nhà ông chơi cờ. Nhiều hôm hắn ở lại, hắn đưa tiền nhờ bà Thân đi mua thức ăn rồi ở lại ăn cơm luôn với gia đình ông. Những hôm nào Chu Khởi ở lại, bữa cơm nhà ông Nghiên bao giờ cũng rôm rả ngoài một lượng thịt có thể đun đi nấu lại ăn đến mấy ngày, ngoài can rượu có thể đủ cho ông Nghiên uống cho đến lần sau hắn về và lại đến bầy ra chuyện đánh cờ. Nhiều người cũng nghi ngờ về động cơ của Chu Khởi, ai cũng bảo rằng hắn chăm đến nhà ông Nghiên chủ yếu vì cô con gái sinh đẹp của ông chứ ông Nghiên làm sao đủ trình độ để so tài cao thấp với hắn. Nhưng thôi việc ấy cũng chả sao. Đàn ông, đàn ang anh nào chả vậy. Anh nào thấy gái đẹp mà không sán lại thì chỉ có là bị bê đê. Chu Khởi bị Lệ Mai kéo về nhà không còn thời gian để tham gia cờ bạc là phúc cho cả làng rồi. Đàn ông của làng Mùi vốn toàn là những tay ham chơi. Tá lả, tổ tôm, ba cây… ăn tiền thôi thì đủ cả. Nhiều người chốn việc nhà đến ngồi vào chiếu bạc thâu đêm, có người làm được đồng nào thì nướng vào cờ bạc hết. Trong các món chơi của đàn ông làng Mùi thì món cờ tướng là lành nhất. Người ta đánh cờ đơn thuần chỉ là giải chí chứ không vì máu mê sát phạt. Chu Khởi vốn là một tay đánh bạc có tiếng. Bộ bài tú lơ khơ trong tay Chu Khởi như có phép biến hóa, nhìn cách hắn trang bài nhiều con ma cờ bạc cũng hoa cả mắt. Hắn đã từng đánh bài lấy tiền đi học ăn quà, đánh bài lấy tiền chuộc trâu. Cho đến bây giờ dân làng Mùi vẫn còn nhớ chuyện, Chu Khởi đi chăn trâu mải chơi để trâu phá nát hết ruộng lúa nhà Hoan. Ông Hoan lại là Công an xóm liền bắt trâu về buộc ở vườn nhà mình, bà Củ dắt con đến  đến xin bị ông ta bắt phạt những 5 đồng. 5 đồng với bà Củ gần như là cả gia tài, vậy mà thằng con nuôi trời đánh vẫn cứ nhơn nhơn. Nó bảo mẹ cứ ký vào giấy vay nợ ngày mai nó sẽ trả, ai mà tin nó được những 5 đồng nó róc xương ra mà trả người ta à? Thế mà ông Hoan lại nhìn bà và bảo rằng thằng bé có tiền đấy, cái thằng này đã nói trả là nhất định không sai. Nói rồi ông ta bảo bà Củ cứ dắt trâu về không cần giấy tờ gì cả. Bà Củ vẫn không tin nhưng ngày hôm sau y hẹn Chu Khởi mang tiền đến trả cho ông Hoan.  Dân làng Mùi vẫn còn nhớ mãi chuyện ngày 29 tết năm Bính Dần vừa bảnh mắt ra đã nghe bà Củ chửi cha, chửi mẹ đứa nào bắt mất con gà trống nhà bà. Nhà bà chỉ có mỗi con gà để cúng ông bà, ông vải mà thằng nào, con nào bắt của bà…Bà ta chửi có văn, có vẻ chửi suốt từ sáng tới chiều. Hàng xóm nghe thấy rát cả tai nhưng cũng thông cảm với bà ta. Ai cũng biết nhà bà ta hết gạo, hết tiền từ mấy hôm rồi, 30 tết đến nơi mà trong nhà không còn hột gạo. Cả nhà có mỗi con gà để dành vậy mà kẻ cắp còn bắt mất. Đúng là chó cắn áo rách, nhiều người cũng thở than giúp bà ta như vậy. Thế nhưng đến chiều khi bà ta đã chửi đến khản cả cổ thì cậu con nuôi đi về móc trong người ra cả một nắm tiền đưa cho mẹ sắm tết. Hóa ra thằng bé bắt gà nhà đem bán rồi ngồi vào chiếu bạc. Mới tý tuổi đầu ai ngờ được rằng nó lại khôn ranh đến thế,  nhiều người bị hắn lột sạch tỏ ra rất uất ức nhưng hắn chỉ lạnh lùng bảo; Ngu thì chết chứ bệnh tật gì. Thằng nào chả muốn dỡ nhà thiên hạ về làm chuồng gà nhà mình. Không ai biết bà Củ dùng số tiền được bạc của thằng con nuôi vào việc gì, nhưng người ta thấy bà ta nọc nó ra đánh cho một trận đến nỗi sang năm mới mà chân, đùi, rồi mông đít Chu Khởi vẫn còn những con lươn chằng chịt. Đấy là trước kia còn lần này trở về làng người ta không thấy  hắn tham gia vào các chiếu bạc. Có lẽ những con bạc ở làng Mùi không sứng đáng là đối thủ của hắn. Người ta có lần nghe hắn bảo rằng nếu thèm đánh bạc hắn sẽ vào hẳn Casino chơi cho bõ. Dân làng chả ai biết đấy là đâu nhưng thấy hắn không tham gia vào chuyện cờ bạc nhiều người thở phào. Không chơi bạc, Chu Khởi lại đánh cờ tướng. Trình độ cờ tướng của hắn cũng được xếp vào hàng cao thủ. Hắn có những nước cờ đi rất sắc, những nước thí quân khá tàn bạo và thường bất ngờ dồn đối phương vào thế yếu hơn hẳn trước khi hạ gục. Phải ăn hết quân của địch trước khi bắt tướng quy hàng đấy là cách chơi cờ của hắn. Có như vậy đối phương mới thật sự tâm phục khẩu phục, còn nếu cứ lừa miếng để bắt tướng của nhau là cách chơi không quân tử. Chu Khởi luôn bảo vậy. Trong hội cờ tướng đầu xuân năm nay của làng Mùi Chu Khởi đã hạ tất cả các đối thủ trở thành người vô địch. Một người cao cờ như vậy không hiểu sao lại trở thành bạn cờ của ông Nghiên. Hai người ngồi đánh cờ với nhau có vẻ rất say sưa, thỉnh thoảng lại thấy ông Nghiên vỗ đùi đánh “đét!” một cái miệng kêu lên khoái trá vì vừa gỡ được một thế bí. Hôm nay cũng vậy ông Nghiên có vẻ rất chăm chú vào bàn cờ đến nỗi con gái về cũng không ngẩng đầu lên. Còn đối thủ của ông ngồi đánh cờ nhưng tâm trí lại như đang để tận đâu đâu. Lệ Mai lên tiếng chào bố và chào khách. Nàng đi vào bếp thấy bà Thân đang chặt thịt gà nàng biết rằng hôm nay Chu Khởi sẽ ở lại ăn cơm. Đối với nàng việc ấy cũng chẳng có gì là lạ. Đây đâu có phải là lần đầu Chu Khởi ăn cơm ở nhà nàng. Lệ Mai chợt nhớ tới câu nói ban chiều của Chu Khởi “Hai người trông đẹp đôi đấy” tự nhiên nàng thấy có thiện cảm hơn với gã đàn ông mà từ trước tới nay nàng vẫn coi là du thủ, du thực này. Kể ra cũng lạ dân làng Mùi ai cũng bảo rằng Chu Khởi mê nàng, rằng hắn bị nàng bỏ bùa mê thuốc lú, rằng hắn chăm về quê chủ yếu là vì nàng chứ ở nhà bố mẹ nuôi hắn có việc gì làm. Bọn trẻ con còn đặt vè chế diễu “Nhà ông Nghiên có bể nước trong. Có cô Mai lớn chẳng cho lấy chồng. Ai ai đến hỏi cũng không. Anh Khởi đến hỏi bằng lòng gả ngay”. Thế mà, hình như cả làng Mùi chỉ có một mình hắn nhận ra tình cảm của nàng với Tiến Thanh. Tự nhiên nàng nảy ra một ý nghĩ, một ý nghĩ bất ngờ với chính nàng. Tối nay nàng sẽ nhờ Chu Khởi đưa vào nhà ông Thận Hải. Nàng pha một ấm chè mang ra chỗ bàn cờ của ông Nghiên và Chu Khởi . Hai “địch thủ” cùng bị bất ngờ vì việc làm của Lệ Mai.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Tráo đá

Hai

Khi tin rằng Chu Khởi đến nhà chủ yếu là tìm cách làm quen với nàng chứ không phải để hầu cờ ông Nghiên như lời hắn vẫn nói. Lệ Mai cảm thấy một cái gì đó vừa thú vị vừa như bị xúc phạm. Nàng nghĩ ra một trò chơi giống như kiểu mèo vờn chuột, Nghĩa là cứ để cho Chu Khởi theo đuổi, cứ để cho hắn hy vọng cho đến lúc hắn lộ rõ ý định của mình. Nghĩa là hắn phải bỏ cái mặt nạ của một kẻ giả nhân, giả nghĩa. Bỏ đi cái thói kiêu bạc khiến con gái làng Mùi cứ như bị hắn nhìn bằng nửa con mắt. Lúc ấy nàng sẽ cho hắn ngã bổ chửng ra. Không hiểu bộ mặt của Chu Khởi sẽ ra sao nếu như hắn biết rằng nàng không hề quan tâm gì đến hắn. Biết rằng trong tim nàng từ lâu đã ấp ủ một bóng hình khác, chỉ có Tiến Thanh là sứng đáng với tình yêu của nàng. Chưa bao giờ nàng tự đặt cho mình một câu hỏi. Giữa hai người đàn ông thì ai hơn, ai kém. Sẽ không có sự so sánh nào nào tương tự như thế. Trong tâm trí nàng hai người như thuộc hai thế giới khác nhau, Tiến Thanh của nàng như ở trên trời còn gã du thủ, du thực Chu Khởi thật không đáng sách dép cho chàng. Nàng luôn tự cười thầm trong bụng, không ngờ được một con người đã từng đi ăn mòn bát thiên hạ như Chu Khởi lại vẫn làm theo cách nghĩ cổ điển muốn tán con trước hết phải bắt đầu từ ông bố thì quả tình hắn đã lầm to. Trong nhà, ông Nghiên hầu như không quyết định bất kể việc gì. Đặc biệt là việc dựng vợ, gả chồng cho con. Chả biết thật hay đùa, mỗi khi ngồi chơi nói chuyện đời với bạn bè cùng trang, cùng lứa ông vẫn bảo rằng; Đời ông từ trước tới nay chưa làm được việc gì cho ra hồn, ở đơn vị mọi việc đã có lãnh đạo, có chỉ huy. Ở nhà mọi việc đối nội, đối ngoại đã có vợ đảm nhiệm. Còn ông chỉ là loại thiên lôi chỉ đâu đánh đấy. Cái ông Thiên lôi ấy giờ đây ngồi trầm ngâm bên bàn cờ, không hề ngạc nhiên, căn vặn con gái xem nó nhờ bạn cờ của ông đưa vào trong xóm Trại làm gì. Trong khi đó bà Thân với cái linh cảm trời chỉ phú cho những người làm mẹ đã nhận ra những thay đổi ở Lệ Mai mấy ngày gần đây.

– Con nhờ anh Khởi đưa vào trong ấy để làm gì? – Bà Thân nhìn con gái nhỏ nhẹ.

– Con đi có việc mà mẹ. – Lệ Mai trả lời mẹ trong khi liếc mắt nhìn Chu Khởi hắn vẫn điềm nhiên trước đề nghị của nàng. Không giống như bọn con trai của làng Mùi này, bọn chúng chỉ cần thấy nàng ngoắc tay một cái là vui mừng hớn hở như bắt được của.

– Em chả có việc gì để làm trong ấy cả. Ở đó họ sẽ không hoan nghênh em đâu. – Giọng nói kẻ cả, rất bề trên của Chu Khởi khiến Lệ Mai sững người. Đây không phải là giọng của người đàn ông nói với phụ nữ, không phải giọng của một người đang yêu nói với người con gái của mình. Lệ Mai có cảm giác như đấy là giọng nói khinh bạc của một người biết rõ tất cả mọi sự.

– Sao …? Vậy anh nghĩ anh là cái gì kia chứ?

– Tôi xin lỗi. Nhưng quả tình tối nay tôi đã kế hoạch rồi.

Lệ Mai cố gắng nở một nụ cười trước lời từ chối của Chu Khởi. Mẹ nàng đã luôn dậy nàng rằng; Người con gái không bao giờ được nổi nóng, được mất bình tĩnh mà thốt ra những lời nói thiếu suy nghĩ. Nụ cười của nàng, nụ cười luôn có sức mạnh chế áp người khác đã làm cho Chu Khởi tỏ ra hối tiếc.

– Lệ Mai. Con có nhất thiết phải vào trong đó tôi nay hay không? – Bà Thân nhìn con gái? Bà đã bằng lòng trước cách sử sự của Lệ Mai.

– Con có việc mà mẹ.

– Nếu con nó có việc thì ông hãy đưa con đi.

Ông Nghiên im lặng nhìn Chu Khởi. Rõ ràng ông không thích thú gì với cái nhiệm vụ hộ tống con gái vào tận nhà ông Thận Hải. Ngày hôm qua ngồi trên Ủy ban xã ông Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Tiến Mô đã thông báo cho các cán bộ của xã biết rằng; Trong xã hiện đang có một nhóm những người chống đối lại chính quyền. Công an xã, rồi Công an huyện đang lập hồ sơ, theo dõi. Ông ta đã nêu ra một danh sách những kẻ cầm đầu nằm trong sổ đen của Công an, chỉ cần liếc qua ông Nghiên cũng biết rằng đó chỉ là những người dân xóm Bãi đang cùng nhau đấu tranh với Công ty Si Lic Trường Sinh. Trong danh sách đó thì ông Hà Văn Thận đứng đầu. Cuộc đời kể cũng lạ, một người như ông Thận mà cũng đòi đi đấu tranh thì đúng là ốc đã phải mở miệng. Ông Nghiên với ông Thận vốn là bạn từ thời còn đánh khăng, đánh đáo. Ông biết ông Thận là người hiền lành, nhút nhát. Ngày còn bé hễ ai nói, hoặc làm việc gì trái ý mình là nước mắt ông ấy chạy vòng quanh. Sau này ông Thận cũng từng tham gia bộ đội, nhưng nghe người ta bảo rằng nghe tiếng còi báo động là ông run bắn người lên, bĩnh cả ra quần người ta đành để ông ấy ở huyện đội làm nhiệm vụ chăn mấy con bò vài năm rồi cho về. Vậy mà, con người như thế đến già lại dám cầm đầu những kẻ chống đối chính quyền thì thật không hiểu thời buổi này là thời nào nữa, ông Nghiên suy nghĩ rất nhiều suốt cả buổi chiều nay, ông quyết định làm theo lời khuyến cáo của Ủy ban là không ủng hộ, không tiếp xúc với những phần tử chống đối đó. Nhưng giờ đây vợ ông lại yêu cầu ông tối nay phải đưa con gái vào đó. Nó vào đấy để làm gì? Phải chăng con gái ông cũng tham gia cùng những người muốn chống đối chính quyền? Phải rồi, chiều nay không thấy Lệ Mai ở nhà, lúc chập tối Chu Khởi có nói với ông là thấy Lệ Mai tham gia đoàn người của dân xóm Bãi kéo nhau ra đấu tranh với Công ty Si Lic Trường Sinh. May mà, chưa xảy ra chuyện gì. Chứ xảy ra rồi thì không khéo giờ đang nằm trong nhà đá.

– Bà nó à. Hôm nay tôi thấy người không được khỏe. – Ông Nghiên nhìn vợ. Đấy là cái bài muôn thủa của ông một khi ông không muốn làm theo lời vợ. Ông nhìn Chu Khởi như cầu cứu. – Hay là Khởi giúp bác đưa em nó vào trong đó.

– Cháu xin lỗi. Nhưng cháu có kế hoạch rồi bác ạ. – Chu Khởi khẽ nháy mắt với ông Nghiên. Cái nháy mắt chỉ mình hắn hiểu. Thái độ cương quyết của Chu Khởi khiến Lệ Mai cảm thấy khó hiểu. Thế là thế nào? Dân làng ai cũng bảo rằng hắn mê nàng, hắn sẵn sàng nhẩy cả vào lửa vì nàng vậy mà…Và để thể hiện rõ mình đã có “kế hoạch” hắn đứng dậy chào ông Nghiên và bà Thân ra về. Trước khi ra về Chu Khởi còn quay sang nói với Lệ Mai.

– Theo tôi. Em nên ở nhà. Ở đó sẽ chả có gì tốt đẹp chờ em đâu.

– Vâng ! Cám ơn anh.

Mồm nói vâng. Nhưng khi Chu Khởi đi rồi Lệ Mai lại thấy lòng mình nóng như có lửa đốt. Nàng không hiểu có chuyện gì mà tối nay thái độ của Chu Khởi rất lạ lùng. Hắn không nói gì mà chỉ một mực khuyên nàng không nên đi vào trong nhà ông Thận Hải tối nay. Thực ra đúng như lời Chu Khởi nói Lệ Mai chẳng có việc gì ở đấy cả, nhưng nàng muốn có mặt bên Tiến Thanh, nàng muốn tăng thêm sức mạnh cho chàng trong cuộc đấu tranh với Công ty Si Lic Trường Sinh. Nàng biết đối với chàng đây là cuộc đấu tranh khá gay go, nàng sẽ luôn ở bên chàng, sẽ bảo vệ chàng khỏi mọi sự rủi ro. Nàng sẽ là tình yêu, là niềm tin tiếp thêm sức mạnh cho chàng. Nhưng tại sao ở đó người ta lại không hoan nghênh nàng? Cái gã đàn ông du thủ, du thực ấy thực ra không hiểu hắn nói gì. Ở cái làng Mùi từ trước đến nay làm gì có chuyện người ta không chào đón nàng kia chứ. Lệ Mai cô con gái sinh đẹp của ông đại úy Đặc công xuất hiện ở đâu là ở đó mọi người đều như lên cơn sốt. Vẻ đẹp của nàng không chỉ như một thanh nam châm hút cánh con trai lại mà còn là sự thèm thuồng, ghen tỵ của chị em phụ nữ.

Để cho mẹ yên tâm, Lệ Mai làm như đã từ bỏ ý định sẽ đi vào trong nhà ông Thận Hải. Ở nhà ông Nghiên từ trước đến nay vẫn vậy, mọi việc không nhất thiết phải giải quyết một cách triệt để. Mà đó cũng là một tính cách chung của những người dân làng Mùi, họ bảo với nhau cứ từ từ không việc gì phải vội, việc hôm nay không làm thì có thể để đến ngày mai.  Chính vì cái tính này mà người dân làng Mùi có một bước đi rất khoan thai thong thả, dù là chuyện cháy nhà chết người thì dân làng Mùi vẫn đủng đà đủng đỉnh như trâu về chuồng. Sau khi Chu Khởi đã về thì cả nhà ông Nghiên không ai quan tâm đến chuyện Lệ Mai vào trong xóm Trại nữa, nhưng với Lệ Mai thì đấy là một việc không thể nào đừng được. Có một cái gì đó giống như một sự thôi thúc của trái tim, giống như một nhu cầu không thể thiếu được. Nhất định mình phải có mặt bên Tiến Thanh trong buổi tối hôm nay. Chờ cho bố mẹ ai lại lo việc của người ấy. Ông Nghiên lại lên giường nằm với chiếc radio và cái tai nghe đeo lòng thòng như cái máy đo huyết áp, tim mạch của bác sỹ. Ông nghiện nghe đài từ ngày ở trong quân ngũ, trên giường ông lúc nào cũng có một cái đài Standan to như cái gối. Cái đài ấy mà mở hết công xuất thì cứ gọi là điếc tai hàng xóm, nhưng ông Nghiên không mở to. Ông sợ ảnh hưởng đến người khác nên hễ mở đài là ông cắm tai nghe vào và nằm im cho đến khi ngủ quên đi lúc nào không hay. Còn bà Thân lại lo lắng những công việc không tên. Phụ nữ làng Mùi ai chả vậy, khi chồng con đã lên giường đi ngủ thì họ còn bận trăm thứ việc lặt vặt. Nào giặt rũ quần áo, nào nấu cám lợn, rồi còn cầm đèn ra cài lại văng chuồng trâu, kiểm tra xem mái gà khi nào thì nở, …kết thúc công việc thường là lúc hai mắt đã ríu vào nhau, chỉ cần đặt mình xuống giường là ngủ ngay như chết giả.

Lệ Mai bước ra khỏi nhà, nàng biết chắc rằng dù nàng có đi chơi hết đêm thì bà Thân cũng không biết được. Nhưng ngày mai thì cả làng sẽ đồn ầm lên về những chuyện tối nay, mà đã có chuyện gì đâu nhỉ? Chuyện dân làng tụ họp nhau, chuyện nam thanh nữ tú hẹn hò tìm hiểu thì có gì là ghê gớm. Lệ Mai nghĩ thầm. Đây là lần đầu tiên Lệ Mai trốn nhà đi chơi đêm, không hiểu ngày mai khi nghe dân làng nói chuyện đêm qua nàng một mình mò vào tận xóm Trại thì bố mẹ nàng sẽ nói gì? Với ông Nghiên thì nàng không lo, nhưng lo nhất là bà Thân, bà sẽ không mắng, không chửi chỉ nhẹ nhàng hỏi từng ly, từng tý và nàng Lệ Mai hiểu rằng không cái gì có thể qua được mắt mẹ…Không hiểu khi lần đầu tiên Tiến Thanh hôn mình, mình sẽ phải nói với mẹ ra sao? Mà không nói chắc chắn là không được với mẹ. Lệ Mai tự nhiên cảm thấy thích thú với cái ý nghĩ ấy. Nhưng thôi chuyện ấy vẫn chưa xảy ra và con đường vào xóm Trại hóa ra cũng không đáng sợ như nàng từng nghĩ.

Ở đó sẽ chẳng có gì tốt đẹp chờ em đâu. Không hiểu sao, câu nói của Chu Khởi lại ám ảnh nàng khi nàng dừng chân trước cổng nhà ông Thận Hải? Sự xuất hiện của nàng quả là một sự bất ngờ lớn với mọi người. Đúng như nàng dự đoán Tiến Thanh đến đây cùng với rất nhiều người để bàn bạc cách đấu tranh với Công ty Si Lic Trường Sinh. Để mọi người có thêm dũng khí chủ nhà rang một mẻ lạc, mua hẳn một can rượu gạo. Họ rải chiếu ra sân ngồi quây quần, dưới trăng. Ánh trăng vằng vặc soi rõ những gương mặt thân quen đang vừa uống rượu vừa bàn bạc cứ râm ran như vỡ chợ. Lắng nghe kỹ mới biết hình như rượu đã làm cho họ quên mục đích chính của cuộc họp này. Không ai chủ trì, không ai nói gì về việc kiện cáo đòi công lý nữa chỉ có tiếng cười nói, tiếng chạm cốc chúc tụng, rồi cả tiếng vằn vèo nhau vì uống không đẹp, vì để “long đen” quá dầy. Hay mọi việc đã xong rồi bây giờ chỉ còn vui vẻ. Nàng thấy ở đây đã khá đông người hai anh em sinh đôi nhà Hùng Kiểm, cả hai đều cao to như lực sỹ, họ đang đi học trung cấp tận dưới Hà Nội mà cũng về tham gia vào đội quân “đi đòi công lý” của Tiến Thanh. Rồi chị em nhà Vạn Năm, anh em con chú con bác nhà Bình Nghị…tất cả đều ngẩng lên, nhưng không ai biểu hiện thái độ gì trước sự xuất hiện của Lệ Mai. Đây chính là điều khiến cho Lệ Mai cảm thấy chột dạ. Nàng chợt cảm thấy ân hận vì đã không nghe lời Chu Khởi , tại sao hắn lại biết mọi người sẽ không chào đón mình nhỉ? Câu hỏi ấy làm Lệ Mai bỗng cảm thấy lúng túng, lần đầu tiên trong đời nàng thấy mất tự chủ. Và ai thế kia? Đồ khốn nạn. Vậy mà hắn dám bảo rằng tối nay hắn đã có kế hoạch, Lệ Mai nhìn thẳng vào Chu Khởi gã đàn ông du thủ du thực này đã vào đây trước nàng và đang ngồi trong nhà nói chuyện cùng ông Thận. Hắn thì có chuyện gì để nói kia chứ? Chả phải lúc chiều chính mồm hắn đã nói rằng đây là một lũ vô công rồi nghề hay sao? Lệ Mai cảm thấy mặt mình nóng bừng lên nàng chỉ muốn lên tiếng vạch mặt Chu Khởi bảo với mọi người phải cảnh giác vì hắn là một tên phá hoại. Nhưng nàng vẫn chưa biết mở đầu như thế nào? Nàng nhìn quanh, hy vọng sẽ có người đứng lên chào đón nàng. Mãi sau mới thấy Đỗ Tiến Quảng thằng cháu gọi ông Bí thư Đỗ Tiến Bật bằng bác, cái thằng lùn tịt, đen như than đứng dậy nhe răng ra cười với nàng.

– Đi có một mình à?

– Thì đi mấy mình nữa. Sao đi mà không rủ tao đi cùng.- Lệ Mai uất nghẹn lên trong cổ nhưng vẫn cố mỉm cười, trong bóng trăng nàng không thể sử dụng nụ cười như một vũ khí xua đi sự ngượng ngùng bối rối của đám đông.

– Tao biết đâu mày cũng đi mà rủ. –  Đỗ Tiến Quảng cười hề hề rồi dắt chiếc xe đạp của nàng dựa vào gốc cây cạnh sân.

– Nó vào đây có việc gì nhỉ? – Không hiểu ai vừa thốt ra câu ấy. Lệ Mai cảm thấy tối sầm mắt lại. Ừ mình vào đây có việc gì nhỉ?

– Mời người đẹp ngồi xuống đây. – Một trong hai anh em sinh đôi nhà Hùng Kiểm lên tiếng. Lệ Mai không hiểu được đó là thằng anh hay thằng em.

Bọn con trai nhấp nhổm dồn dịch nhường chỗ cho Lệ Mai. Như một cái máy nàng ngồi xuống, liếc mắt nhìn người yêu. Hình như Tiến Thanh khá bối rối khi thấy Lệ Mai xuất hiện. Nàng nhìn thấy chàng ngồi khiêm tốn ở một góc chiếu, vẻ mặt tư lự không biểu hiện sự háo hức như bọn con trai trước sự xuất hiện của nàng. Lệ Mai suy nghĩ và cảm thấy tủi thân. Không hiểu chàng có yêu mình không nhỉ? Lần đầu tiên câu hỏi ấy làm Lệ Mai cảm thấy choáng váng, đất dưới chân nàng như sụt xuống cố trấn tĩnh bên cạnh hai anh em sinh đôi nhà Hùng Kiểm. Hai chàng trai này từ lâu đã trồng cây sy trước cổng nhà nàng. Đi học tận Hà Nội mà chỉ cần nàng ới một tiếng là lập tức họ đâm bổ về, sẵn sàng nghe nàng sai bảo. Vậy mà, hôm nay họ cũng thờ ơ trước sự xuất hiện của nàng. Hình như, cố gắng lắm một lúc sau mới thấy có người lên tiếng.

– Này ! Lần sau đi đâu nhớ bảo anh. Anh làm vệ sỹ cho. – Một trong hai người, nàng vẫn không nhớ là anh hay em vừa nói với nàng vì họ giống nhau như lột. Đã có lần nàng nghĩ giả sử cô gái nào lấy một trong hai người thì làm sao có thể nhận được ai là chồng mình. Ý nghĩ ấy khiến cho nàng cảm thấy tự tin để phá vỡ cái vẻ gượng gạo nàng cười lớn rồi nói.

– Thế nào? Mọi người không thích tôi đến đây hay sao?

Câu nói của nàng khiến mọi người thêm khó sử. Lệ Mai liếc mắt nhìn Tiến Thanh, chàng vẫn giữ một thái độ khó hiểu đối với nàng. Chính thái độ đó của chàng làm cho con tim vốn quen được ve vuốt của nàng bị tổn thương. Tại sao chàng lại luôn giữ ý khi tiếp xúc với nàng ? Phải chăng đó là biều hiện của tình yêu. Đã có lần chàng nói rằng; Anh rất thích em. Câu nói đó làm cho nàng nhiều đêm mất ngủ. Tại sao chàng thích nàng mà không tỏ tình với nàng? Tại sao gia đình nhà chàng không đánh tiếng dạm hỏi? Chao ôi! Nàng mong chờ cái ngày được nghe lời tỏ tình chính thức của chàng như thế nào chàng có biết không? Tại sao như thế nhỉ? Tại sao nàng không nghĩ về một người đàn ông nào khác mà chỉ nghĩ về có một Tiến Thanh. Hay tại những kỷ ức tuổi thơ không thể phai mờ. Nhà Lệ Mai và Tiến Thanh trước kia ở cạnh nhau, tức là chỉ cách nhau có cái dậu mồng tơi như trong thơ Nguyễn Bính. Ngày bé hai người đã cùng bú chung dòng sữa của một bà mẹ. Ai cũng biết, khi đẻ chàng ra mẹ chàng bị mất sữa nên suốt những năm thơ trẻ chàng là đứa trẻ bú trực sữa của mẹ nàng, hay nói cho đúng hơn là nàng đã san sẻ bầu sữa ngọt của mẹ cho chàng. Hai bà mẹ khi vui thường kể rằng chẳng có đôi nào như hai đứa con của các bà. Ngay cả lúc ăn cũng phải có nhau, mỗi đứa một bên vú vừa bú chùn chụt vừa đưa tay nghịch nhau vậy mà cấm có tranh giành cấu véo nhau như những đứa trẻ khác. Ăn no xong chúng lại nằm ngủ khì bên nhau, trông như hai con lợn con no sữa nhìn hai đứa trẻ như hai thiên thần bé nhỏ ôm ấp nhau trên giường nhiều người đã nghĩ đến chuyện hạnh phúc mai sau. Không ai nói ra nhưng hai nhà hình như đã coi nhau là thông gia từ khi con họ còn nằm ở trong nôi. Bà Nhu mẹ Tiến Thanh cũng là một người phụ nữ khá sởi lởi, bà cũng yêu mến “cô con dâu tương lai” không kém con đẻ. Trong vườn có nải chuối, quả na, đi chợ về có đồng quà tấm bánh bà đều phần cho Lệ Mai.Và phần của “cô con dâu tương lai” bao giờ cũng nhiều hơn của con trai bà. Ngày nào cũng vậy, bà Nhu đều đưa Tiến Thanh sang nhà để cho hai đứa trẻ chơi với nhau. Nhưng rồi cô đồng Toan một người vừa mới nổi trong làng nhỏ to vào tai bà rằng Lệ Mai là con Trời cháu Phật. Bời từ trước đến nay ở làng Mùi làm gì có được cô bé nào vừa xinh đẹp, lại thông minh sắc sảo như Lệ Mai. Cô đồng Toan bảo rằng Lệ Mai nhất định là con Trời cháu Phật mượn cửa làm người. Không sớm thì muộn Trời Phật cũng sẽ gọi về. Bà Nhu nghe mà thấy có lý. Trong cuộc đời mình bà chưa thấy một đứa bé nào lại đặc biệt như Lệ Mai cũng tại bà không để ý đấy thôi, chứ dân làng Mùi vẫn có ối chuyện về Lệ Mai. Ông Côn một người làm nghề thợ thổ thường bảo rằng; Mỗi khi làm mệt về chỉ cần bé Lệ Mai mỉm cười một cái là bao nhiêu mệt nhọc trong người tan biến. Không cứ gì ông Côn mà dân làng ai cũng cảm thấy nàng có uy lực nhất định đối với họ. Vợ chồng nhà Tiến Bộ đang đánh nhau, vác đòn gánh đuổi nhau chí chết trên đường gặp bé Lệ Mai con bé chỉ gương cặp mắt trong veo lên miệng khẽ mếu một cái là ông chồng bỏ vội đòn gánh bế nó lên dỗ dành. Chiều hôm đó khi sóng gió đã qua ông ta bảo với vợ rằng; May cho mẹ mày nếu không có bé Mai thì ốm đòn. Đã xinh đẹp, khỏe mạnh, lại thông minh, nhanh nhẹn thật hiếm có đứa trẻ nào bì kịp. Người như vậy đâu có thuộc cõi trần, đấy chỉ có thể là con Trời cháu Phật mượn cửa làm người rồi nó sẽ trở về Trời về Phật lúc nào không hay. Không cứ gì cô đồng Toan mà dân làng Mùi ai cũng bảo vậy. Chờ mãi không thấy Trời Phật gọi Lệ Mai về, mà càng lớn lại càng quấn quýt lấy con trai mình, bà Nhu mất ăn, mất ngủ.  Bà ngấm ngầm để ý Lệ Mai và rồi bà lại phát hiện ra một bí mật nữa mà không nói ra đó là bà đã nhìn thấy ở phía trên chính giữa cái “hĩm” của nàng có một cái nốt ruồi. Cái nốt ruồi nhỏ xíu, nó chỉ giống như một hạt tro phủi chưa sạch. Đây là một phát hiện vĩ đại, ngay cả bà Thân, ngay cả Lệ Mai cũng không để ý thấy. Bà Nhu đi xem bói, bà tả cho thầy nghe rằng cái nốt ruồi ấy to bằng cái hạt ngô nếp. Hai mắt thầy như sáng lên khi nghe bà tả, thầy bảo rằng; Đấy là người phụ nữ khắc phu, hại tử.

Còn bà Thân thì không biểu hiện gì. Mỗi khi nghe người ta nói chuyện tương lai của đôi trẻ bà chỉ tủm tỉm cười. Kể ra thì cũng tiện, có con mà gả chồng gần… Khi Lệ Mai lớn lên, dù không nói ra nhưng hình như bà Thân cũng mong cho đôi trẻ nên duyên chồng vợ. Cái cậu Thanh ấy, bà bảo rằng cũng là con người hiền lành, đứng đắn, biết lo xa. Đàn ông ở cái làng Mùi này chỉ cần hai đức tính đó đã là niềm mơ ước của không ít cô gái rồi. Lâu lâu không thấy chàng rể tương lai đến chơi, bà lại làm như vô tình hỏi con gái; Thằng Thanh dạo này sao không thấy tới?

Tin lời thầy bói, nhưng lại không biết tâm sự cùng ai. Hàng ngày thấy con trai vẫn cứ quấn quýt cùng con đàn bà “khắc phu hại tử” bà Nhu lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Với bà Nhu thì Tiến Thanh là báu vật. Có một điều mà bà không thể nói cùng ai, nhưng hầu như cả làng Mùi ai cũng biết, nhưng cả làng lại làm như không ai biết. Đó là, Tiến Thanh là con riêng của bà. Ông Nguyễn Tiến Bật chồng bà, là một người đàn ông to khỏe trông như con trâu đực mộng. Một mình giữ chức quán quân sới vật của làng Mùi gần chục năm trời. Chính vì cái dáng người to khỏe của tay đô vật ấy mà bà đã từ chối hàng bao người con trai khác để lấy ông. Chỉ đến đêm tân hôn bà mới ngã ngửa người ra khi thấy cái của quý của chồng mềm oặt oẹo như cái dải khoai qua lửa. Ông Bật chồng bà bị bệnh liệt dương, sự thật ấy khiến bà chết cay, chết đắng trong lòng nhưng vẫn cứ phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Biết làm sao được đó là số phận mà bà phải gánh chịu. Bà cũng muốn bỏ ông nhưng chuyện ấy đâu có dễ. Ông ta là một kẻ vũ phu, vừa mới cưới nhau xong ông ta đã quản bà hơn quản tù, hơi một tý là ông ấy đánh. Ban đêm tuy bất lực nhưng ông luôn bắt bà nằm chung giường, trên cái giường dẻ quạt đóng bằng gỗ mít ông ta nằm chình ình bên ngoài như con trâu mộng, bà bị áp sát vào trong vách, cánh tay to và gân guốc của chồng bao giờ cũng là cái gối ôm chặt lấy cái đầu nhỏ nhắn của bà. Với một gã chồng như thế bà mà hé ra một câu đòi bỏ thì ốm đòn. Thời buổi chiến tranh, đàn ông con trai lên đường ra trận hết, đến con gái hơ hớ ra còn ế chỏng ế chơ nữa là gái đã có chồng. Hơn nữa, bỏ chồng thì bà biết nương tựa vào ai. Ông ấy, chỉ trừ có một điểm là không thể làm thằng đàn ông được, còn lại vẫn là lao động chính để nuôi sống bà và cả bà mẹ bị bệnh nằm liệt giường, liệt chiếu suốt bao năm liền. Chồng bà lại là Trưởng họ Nguyễn Tiến một cái họ vừa đông vừa ngồi chiếu trên của làng. Suy đi tính lại bà quyết định đi “đánh quả” lấy một đứa con. Tội này nếu không khéo mà lộ gì thì chỉ còn có nước bỏ làng mà ra đi. Nhưng muốn gì thì bà cũng phải được làm đàn bà, được làm mẹ. Nghĩ thì như vậy nhưng để thực hiện được điều ấy ở cái làng Mùi này thời đó không hề dễ tý nào. Nhìn làng trên xóm dưới bà chỉ thấy có lang Thái là thích hợp. Lang Thái vì là thành phần địa chủ nên trong chiến tranh người ta không lấy vào bộ đội, tên thật là Thái nhưng vì làm nghề bốc thuốc Nam gia truyền nên gọi là lang Thái. Năm ấy lang Thái đã ngoài hai mươi, sức vóc vâm vấp, da dẻ hồng hào. Bố mẹ cũng đã đánh tiếng dạm hỏi vợ cho nhưng con gái làng Mùi ngày đó lại đua nhau lấy chồng bộ đội nên vẫn chưa có ai nhận lời. Bà Nhu khi ấy đường đường là gái có chồng, dù không hề ốm đau gì vẫn hàng ngày đến thầy lang bắt mạch bốc thuốc. Chỉ có đến lang Thái bắt mạch khám bệnh thì ông chồng mới không nghi ngờ, vặn hỏi. Thầy bắt mạch, vạch cả mi mắt của bệnh nhân lên xem nhưng không thấy bệnh. Trong khi bệnh nhân lại thở hổn hà, hổn hển như vừa leo dốc. Một lần, hai lần, ba lần cuối cùng thầy cũng hiểu ra căn bệnh của bà. Khi nghe bà hẹn thầy đến nhà khám bệnh thầy gần như phát sốt. “Chỉ có thầy mới chữa cho em khỏi bệnh” bà nắm lấy tay thầy van vỉ. Gã thanh niên chưa biết mùi đời ấy nghe bà nói cứ lắc đầu nguây nguẩy, nhưng rồi vào đêm cuối tháng trời tối đen như mực bà nằm trong nhà ngán ngẩm nghe tiếng mưa rơi, tiếng mưa đang gieo vào lòng bà một cảm giác buồn não nuột thì bà bỗng nghe thấy tiếng mèo cào vào vách nghe sồn sột. Chú ý thêm chút nữa bà biết chắc rằng lang Thái đã đến, nhìn sang bên cạnh thấy chồng vẫn ngủ như chết giả. Ông Bật có thói quen khi ngủ hai hàm răng cứ nghiến vào nhau kèn kẹt, mồm thỉnh thoảng lại nhai chóp chép như đang ăn kẹo. Người không biết cứ tưởng rằng ông vẫn thức nhưng bao năm sống với nhau bà biết, ông Bật đã nghiến răng như vậy là  ngủ rất say, muốn đánh thức ông chỉ có một cách là dùng tay bịt mũi của ông lại. Cũng may cho bà, nếu ông ta phát hiện ra kẻ nào dám động vào vợ mình thì chắc kẻ đó sẽ tan sương. Cái số của bà đúng là số chó, bà Nhu đã nhiều đêm nghĩ như vậy. Lấy phải thằng chồng đã không biết làm chồng lại còn hay ghen. Nhiều hôm bà bị đòn oan vì một gã đàn ông nào đó béo mồm tán bậy. Nhưng thôi vỏ quýt dầy đã có móng tay nhọn, lang Thái đã mò đến bên ngoài vách rồi thì đố thoát được tay gái này. Bà Nhu nghĩ thầm và kín đáo thò bàn tay qua lỗ vách đã được bà khoét từ trước. Thò tay ra khua khoắng một hồi mà vẫn không thấy gì bà đã thất vọng định rụt tay lại thì mới thấy tay lang Thái chạm nhẹ vào, bà thấy bàn tay của người thanh niên ấy run bần bật. Ngày hôm sau bà lại đến khám bệnh và nhân lúc vắng người ghé vào tai lang Thái nói nhỏ…cứ thế..cứ thế.

Trên đời này không có ai trở thành đàn bà một cách quái đản như mình, bà Nhu đã từng nghĩ. Cái cảm giác đánh lừa được thằng chồng vũ phu và bất lực mới sung sướng làm sao. Qua cái lỗ thủng đã khoét sẵn ở cái vách nứa giáp giường ấy bà đã trở thành đàn bà, đã làm mẹ trong khi vẫn gối đầu lên cánh tay chồng, mỗi khi không kìm được tiếng rên hoan lạc bật ra bà áp mặt vào mặt chồng mà nước mắt giàn dụa.

Tình yêu mới ma mị làm sao? Trong những lần “bắt mạch khám bệnh” tiếp sau lang Thái cứ một mực xin bà bỏ chồng để lấy mình. Bỏ làm sao được kia chứ. Gã đô vật của làng Mùi này làm sao lại buông tha cho bà, chỉ cần bà hé lộ ý định bỏ chồng, chỉ cần bà để lộ chuyện của hai người thì sẽ tan xương, nát thịt chứ chẳng chơi. Lại còn dư luận, về tuổi tác bà hơn lang Thái gần chục tuổi, lại đã có một đời chồng thì làm sao cho sứng đôi vừa lứa. Ở cái làng Mùi này, đừng có dại dột mà làm những chuyện ngu ngốc như vậy. Bà bảo người tình cần phải kín đáo, bí mật. Chuyện này chỉ có anh biết, em biết, trời biết mà thôi. Những ngày lang Thái mò mẫm đêm hôm đến vụng trộm với bà, bà thấy mình cũng đáng mặt đàn bà. Bà hình dung ra những gian khó mà người tình phải vượt qua để đến được với mình. Nhưng rồi, cái thai trong bụng cứ ngày một to. Giống như tất cả những kẻ phạm tội khác, bà vô cùng lo lắng, ông Bật với tính ghen tuông và thói vũ phu mà trời chỉ phú cho những gã đàn ông của họ Nguyễn Tiến ở làng Mùi sẽ không để cho bà sống yên. Nhưng cái gã chồng bất lực ấy mới thực sự đáng gờm. Khi thấy vợ mang thai, ông Bật không hề tỏ ra nghi ngờ, ghen tuông. Lần đầu đặt tay lên làn da bụng căng tròn của vợ, ông ta tỏ ra mãn nguyện. “Tôi đã bảo mình rồi. Nằm cùng giường với tôi thì đàn ông cũng phải chửa”. Nói rồi, hôm sau ông ta sắm một mâm cỗ khá thịnh soạn thắp hương khấn vái trước bàn thờ Từ đường họ Nguyễn Tiến, rồi mời anh em họ mạc đến để thông báo tin vui.

Thấy cả họ nhà chồng vui như bắt được của, vui như họ không biết Tiến Thanh là đứa con riêng của bà vậy, bà Nhu đã cười thầm, nhất là khi ông ta bảo;  Nhà mình nghèo quá sắp tới để lo cho con cần một số tiền, rồi ông tính; Tiền mua quần áo, mua đường sữa, mua thịt cá về bồi dưỡng cho mẹ để có sữa cho con bú …hàng bao nhiêu thứ. Thứ nào cũng cần đến tiền, có lẽ ông phải đi lên mạn ngược bắt rắn bán kiếm tiền một thời gian. Cũng giống như tất cả những người đàn ông Trưởng họ Nguyễn Tiến, ông Nguyễn Tiến Bật được tổ tiên truyền cho nghề bắt rắn gia truyền. Chuyện kể lại rằng khi ông Tổ họ Nguyễn Tiến đến làng Mùi khai sơn phá thạch gây dựng cơ đồ. Khi  san đất làm nền xây nhà tình cờ cuốc phải một ổ rắn hổ mang bạnh. Con hổ mang đực to như bắp chân dài như cái đòn gánh xóc ngóc cái cổ bành bạnh như bàn tay lao vào những kẻ dám phá tan cơ nghiệp của nó, trong khi con hổ mang cái với cái bụng nặng nề nhanh chóng tìm cách lẩn trốn. Khi người ta hò nhau vác gậy đánh gẫy sống lưng con hổ mang đực thì không thấy con cái đâu nữa. Rắn là loài có tính thù dai. Đến khi ngôi nhà dựng lên vào một đêm cuối tháng cả nhà đang ngủ nghe thấy tiếng rắn phun phì phì, cả nhà thắp đèn dậy xem thì thấy cả chuồng gà đã bị rắn phun chết cả nhà đốt đuốc cầm gậy đi tìm nhưng không thấy một con nào đến khi vào giường thì bỗng thất thấn khi thấy cậu con trai út đã bị rắn cắn chết. Trên cái cổ non nớt của của cậu út vẫn còn in vết răng cắn sâu hoắm, thâm sỳ. Và từ đó đã diễn ra cuộc chiến không khoan nhượng giữa cháu con của họ Nguyễn Tiến với loài rắn hổ mang ở làng Mùi để tranh giành đất sống. Và như tổ tiên khôn thiêng đã nhập vào những người Trưởng họ Nguyễn Tiến để họ trở thành khắc tinh của loài rắn. Làng Mùi ngày đó vẫn còn khá hoang vu, rắn các loại cũng nhiều nhưng dân làng Mùi không ai dám bắt, khi thấy rắn người ta chỉ vác gậy đập một cái vào ngang lưng nó làm cho nó bị gẫy sống lưng không bò được rồi tìm cách để giết nó. Nhưng với những người Trưởng họ Nguyễn Tiến mà hiện nay là Nguyễn Tiến Bật đều là khắc tinh của loài rắn. Mối thù truyền kiếp của cháu con họ Nguyễn Tiến với loài rắn đã sinh ra những ông trưởng họ có khả năng kỳ lạ. Chả ai hiểu duyên nợ ra sao nhưng bất cứ loại rắn gì dù rắn độc như hổ mang bạnh, hổ mang vằn hay rắn giáo… ông ta chỉ coi như một con lươn không hơn, không kém. Ông Bật có một cái tài chỉ cần nhìn vết rắn bò trên mặt đất là có thể lần đến hang rắn. Khi đã tìm ra hang ổ của nó rồi thì kiểu gì ông cũng túm được cổ nó mang về. Nhiều hôm thấy ông quấn một con rắn trên cổ đi về dân làng đổ ra xem như xem văn công. Ngày ấy rắn chưa trở thành đặc sản, chưa có giá như bây giờ nên mỗi khi bắt được một con rắn ông chỉ mang về nhấm rượu. Cách ăn thịt rắn của ông Bật cũng là điều lạ, trước khi lột da con vật khốn khổ ông Bật thường treo nó lên, vặn đứt cái đuôi đang ngoe nguẩy rồi ngửa cổ uống cái tiết chảy ra, sau mỗi một ngụm ông lại chiêu một chén rượu. Sau khi con vật đã chảy hết tiết ông mới đem đánh vẩy như đánh vẩy cá, chặt khúc, ướp gia vị và cặp gắp nướng trên than củi. Những miếng thịt rắn nướng thơm phức, vàng ươm là nguồn dinh dưỡng quý giá để cho ông có một tấm thân lực lưỡng, một cơ thể rắn chắc có thể đánh lừa đàn bà, con gái của cả thế gian này. Bây giờ để chuẩn bị cho đứa con chào đời, ông Trưởng họ Nguyễn Tiến ở làng Mùi bảo rằng ông sẽ đi lên mạn ngược bắt rắn bán cho người Tầu. Nghe nói người Tầu mua những bộ rắn tam xà, ngũ xà, bát xà giá trị gần bằng cả một năm làm ruộng. Nghe chồng nói bà Nhu hoàn toàn không quan tâm đến những con rắn, đến những món tiền mà ông sẽ mang về. Trong đầu bà khi ấy xuất hiện một niềm vui hoan hỷ. Thế là, ơn trời ông ấy cũng tha cho bà được một thời gian. Sau ngần ấy ngày sống cuộc đời chồng vợ không hơn gì tù ngục, rồi cũng có ngày bà được hít thở bầu không khí tự do. Ông Bật vừa đi khỏi bà và lang Thái như những kẻ khát gặp được dòng nước mát. Ban ngày, họ không dám đến với nhau chứ ban đêm thì ngay từ lúc gà chưa lên chuồng hai người đã cuốn vào nhau trên giường. Họ chỉ tiếc một điều rằng đêm quá ngắn, mà họ lại không đủ sức để yêu nhau nhiều hơn nữa. Ngày vui ngắn chả tày gang. Hai người vẫn chưa đi hết những ngày vui thú thì một đêm cũng là đêm cuối tháng ông Bật bất ngờ trở về. Nghe tiếng bước chân thình thịch của chồng ngoài cửa bà Nhu kinh hoàng như nghe thấy tiếng gọi của thần chết đến bắt linh hồn. Hai người vội vã tỉnh dậy, lang Thái người bỗng nhiên run bắn lên, phải vất vả lắm bà mới nhét được người tình vào dưới gậm giường. Gã chồng vũ phu trở về làm như không biết gì kêu người mệt lăn lên giường ôm vợ nằm ngủ. Trước khi ngủ ông ta khoe rằng chuyến đi này vớ bẫm, được hẳn một cái ngọc rắn. Người dân làng Mùi từ trước đến nay nào có ai nhìn thấy ngọc rắn bao giờ, nhưng người ta vẫn tin rằng ngọc rắn là thứ thần dược có thể cải tử hoàn sinh. Người bị chết sắp nhập quan rồi nếu cậy được mồm ra mài chút ngọc rắn đổ vào là lập tức sống lại. Bà Nhu nghe chồng nói vậy thì cũng tò mò muốn được xem viên ngọc ấy ra sao. Ông chồng bảo rằng; Ngọc rắn vốn kỵ không thể để chung nhà với đàn bà chửa được nên ông đã giấu cẩn thận rồi chờ sau này khi bà đã sinh mẹ tròn con vuông thì ông sẽ lấy về. Bà gặng hỏi mãi ông Bật bắt bà phải thề độc rằng không được nói cho ai biết kẻo mất. Sau khi vợ đã thề rồi ông ta mới bảo rằng mình nhét nó vào hốc cây đa Con Trầm. Nói xong ông ta liền lăn ra ngủ như chết giả, còn bà Nhu thì nằm thao thức chờ cho người tình lẻn ra khỏi nhà mới thấy yên tâm. Bà đâu ngờ sáng hôm sau bà nghe người ta kháo ầm lên rằng lang Thái đêm qua đã chết. Cô Bình em gái lang Thái bảo rằng; Lúc gà gáy sang canh,  thấy anh mình đi về nhà ngã vật ra trước cửa hai mắt trợn ngược. Cả nhà hốt hoảng xúm lại xem thì thấy bàn tay phải đã sưng vù thâm tím như quả bồ quân, lang Thái chỉ kịp ngáp lên mấy cái rồi hai mắt trợn ngược ai vuốt cũng không nhắm. Dân làng nhìn kỹ thì thấy bàn tay phải của lang Thái có nốt răng rắn độc. Dân làng Mùi bảo rằng đúng là sinh nghề tử nghiệp. Lang Thái vốn có một bài thuốc chữa rắn độc cắn gia truyền, đã bao nhiêu người được thầy lang chữa sống vậy mà đúng là chữa được bệnh chứ không ai chữa được mệnh.

Vốn là người cũng không đến nỗi ngờ nghệch bà Nhu đã nghi ngờ ngay cái chết của người tình có liên quan đến ông chồng vũ phu và bất lực của mình. Bà lẳng lặng ra gốc đa Con Trầm bà trèo lên nhìn vào cái hốc cây mà chồng bà bảo rằng đã cất ngọc rắn. Bà nhìn thấy con rắn lục loại rắn chỉ dữ về đêm còn ban ngày nó nằm ngủ lành như con lươn, con trạch đang nằm khoanh tròn trong hốc.

Bà Nhu nhớ mãi đám tang của người tình. Hôm ấy bầu trời làng Mùi đang trong xanh không một gợn mây. Vậy mà khi hạ huyệt trời bỗng nhiên tối sầm ngay lại, ngẩng lên mọi người kinh hoàng khi thấy hàng ngàn con quạ đen đang chao lượn bên trên với những tiếng kêu quà…quà…thảm thiết. Cái tiếng quạ kêu quà, quà ấy đã ám bà Nhu suốt những năm sau này.

Tiến Thanh lớn lên, nghiễm nhiên mang họ bố là Nguyễn Tiến. Một dòng họ lớn nhất của làng Mùi. Là người thừa kế và sẽ là Trưởng họ Nguyễn Tiến sau khi ông Nguyễn Tiến Bật mất đi. Bà Nhu đã sống những ngày đầy lo âu phấp phỏng lo cho số phận của đứa con. Bà đã tính nếu nhà chồng nghi ngờ, đối xử bất nhẫn với con trai mình bà sẽ nói ra sự thật rồi ôm con về nhà bố mẹ đẻ. Nhưng cứ như là trò đùa của số phận, ngay từ khi Tiến Thanh ra đời, nó đã chiếm được tình thương đặc biệt của ông Bật. Không thể nói ông ta giả vờ. Bà Nhu nghĩ thầm khi ngày ngày nhìn hai bố con nô đùa quấn quýt với nhau. Khi thấy chồng lo lắng, cuống quýt lên mỗi khi con trai trái gió trở giời. Bà còn nhớ lần thằng bé sốt mọc răng, vậy mà ông Bật cuống quýt y như nó lâm bệnh thập tử nhất sinh không bằng. Ông ta cuống quýt chạy đi tìm thầy, tìm thuốc, ông ta thành kính thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, sắm lễ vật tạ với Thành Hoàng làng mong Ngài che trở cho con trai ông tai qua nạn khỏi. Với một tình cảm như vậy, bà Nhu đã nghĩ ông ta sẽ không ngần ngại giết chết bất kể kẻ nào dám nghi ngờ thằng Thanh không phải là con trai ông.

Và cũng là số trời, thằng con riêng ra đời đã mang lại cho bà Nhu một vị trí khác hẳn trong gia tộc nhà chồng. Trước khi chưa có con bà bị đối xử không hơn gì kẻ ăn, người ở. Bị chồng đánh đập hành hạ hơn cả trâu, cả chó. Vậy mà từ ngày có con, gã chồng vũ phu tự nhiên đổi tính, đổi nết. Ông Bật tự nhiên lại yêu thương vợ một cách thái quá. Ông ta không ngại bất kể việc gì kể cả giặt quần áo, tã lót cho vợ cho con một việc mà đàn ông của làng Mùi coi là bần tiện. Khi vợ bị ốm ông ta sốt sắng lo toan, chạy ngược, chạy xuôi tìm thầy, tìm thuốc. Bà Nhu thực sự muốn khóc khi ông chồng to lớn lực lưỡng như hộ pháp run run xúc từng thìa cháo bón cho vợ.

Có con trai bà Nhu nghiễm nhiên khẳng định vị trí dâu Trưởng của họ Nguyễn Tiến khiến không ai dám coi thường. Giờ đây người con trai nối dõi tông đường của họ Nguyễn Tiến ấy lại đang quấn quýt lấy Lệ Mai, người đàn bà khắc phu, hại tử. Không! Bà Nhu đã suy nghĩ rất nhiều đêm. Cần phải bảo vệ con trai bà bằng bất cứ giá nào. Thế là không nói rõ lý do với chồng bà quyết bắt chồng chuyển vào sống trong xóm Trại ngôi nhà vốn là nhà Từ đường của họ Nguyễn Tiến đóng cửa để đấy. Nếu như dòng họ Nguyễn Tiến, một cái họ đầu tiên đến khai sơn phá thạch dựng nên làng Mùi không có một lời nguyền rằng; Con cháu của dòng họ phải giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên để lại. Thì bà Nhu cũng đã bắt chồng bán cái ngôi nhà và mảnh đất này đi cho nhẹ nợ. Khi chuyển nhà đi xa, vợ chồng bà Nhu Bật có nhời nhờ vợ chồng ông Nghiên bà Thân trông nom ngôi nhà, ông bà Nghiên vui vẻ nhận lời và giao phó cho Lệ Mai . Lệ Mai không ngần ngại hình như từ một nơi nào đó sâu thẳm trong tâm hồn nàng đã nghĩ ngôi nhà là của mình. Hàng ngày nàng vẫn âm thầm quét dọn, xới cỏ chăm bón mảnh vườn và chờ đợi ngày bố mẹ chàng nhờ người đánh tiếng hỏi nàng về làm dâu.

– Này! Trông họ đẹp đôi đấy nhỉ?

Từ nãy đến giờ mọi người bàn gì, đối sử với nàng ra sao Lệ Mai  gần như không biết. Tâm trí của nàng vẫn đang để ở tận đâu chỉ đến khi một trong hai anh em sinh đôi nhà Hùng Kiểm ghé vào tai nàng nói nhỏ nàng mới giật mình đánh thót một cái y như người ta đang mơ màng bỗng nghe tiếng pháo nổ bên tai.

– Này… bảo gì cơ ? – Lệ Mai nhớn nhác nhìn quanh cứ tưởng rẳng Tiến Thanh đã đến cạnh nàng và cái câu vừa rồi là họ đang nói về nàng với chàng như khi chiều Chu Khởi đã nói vậy. Nhưng đôi mắt của hai người anh em sinh đôi lại nhìn nàng và hướng về phía chàng. Đến bây giờ nàng mới nhận thấy ngồi bên tay trái Tiến Thanh là Thái Ngọc con gái út ông Thận Hải. Con bé với một vẻ bẽn lẽn cố hữu đang ngồi cười một cách hết sức vô duyên. Nàng quay sang nhìn hai anh em sinh đôi nhà Hùng Kiểm hy vọng rằng mình nghe nhầm. Rằng họ vừa nói về ai đấy chứ không phải là nói về chàng. Làm sao có thể như thế được, làm sao họ cũng đẹp đôi được.

– Mười tám dạm ngõ đấy.

Tiếng nói rất nhỏ hình như chỉ muốn đủ cho mình nàng nghe thấy, vậy mà nàng bỗng cảm thấy nó như tiếng sấm rền tháng ba. Nàng quay lại nhìn kỹ người vừa nói câu đó. Bây giờ nàng đã nhận ra người vẫn tỏ ra quan tâm đến nàng từ lúc nàng đến chính là Mạnh. Anh ta tên là Mạnh nghĩa là anh, còn người ngồi bên phải nàng là Mẽ nghĩa là em.

– Thanh Ngọc hay Ngọc Thanh đều thuận cả. – Bây giờ thì Mẽ lên tiếng với vẻ tán thưởng.

– Các anh bảo là…Con Ngọc với..với… anh… Tha… –  Lệ Mai thấy lưỡi mình ríu vào nhau không làm sao có thể thốt ra cái tên thân yêu ấy.

– Ê…! Làm sao vậy? Thằng Thanh với con Ngọc chứ với ai nữa.

Lại một lời khẳng định nữa không biết của ai trong số hai anh em sinh đôi. Lời khẳng định ấy giống như một lời tuyên án của quan tòa. Một lời tuyên án cực kỳ vô lý mà kẻ bị kết án không hiểu và không sao tin được mình bị kết án. Không sao tin được trên đời lại có cái thứ công lý kẻ cướp đến như vậy. Lần đầu tiên nàng nhìn vào sự thực, nhìn cô em họ mà bỗng chốc hóa thành kẻ địch tình của mình. Nàng cảm thấy thiên hạ hầu như đều không có mắt, đều không có lý chí để nhận ra đâu là tình yêu, đâu là hạnh phúc. Ngồi bên Tiến Thanh cô em họ của nàng trông như con cú ngồi bên con công. Làm sao mọi người có thể bảo rằng là họ đẹp đôi được kia chứ. Nào hãy thử bình tĩnh để xem xét địch tình. So với nàng Ngọc không đáng xách dép cho nàng, cô ta người cao, gầy nhẳng, trông như cây cau mặc áo.  ….thật chả hiểu Tiến Thanh yêu cô ta vì cái gì. Có lẽ nàng phải đến ngồi cạnh cô ta, nàng phải cho mọi người thấy rằng phấn không thể bì với vôi. Phải cho mọi người thấy rằng ở cái làng Mùi này chỉ có nàng mới sứng đáng với Tiến Thanh. Nghĩ vậy, Lệ Mai thấy mình mạnh mẽ hẳn lên, cần phải hành động, hành động gấp để giành lại chàng không thể để cho mọi sự đã rồi thì sẽ đành im lặng mà nhìn người ta cướp mất chàng. Nàng thầm cảm ơn trời phật run rủi thế nào đã đưa nàng vào đây tối nay. Hóa ra mọi người tập họp ở đây tối nay không phải để bàn tính gì cả mà để bàn tính chuyện trăm năm của chàng. Không…nếu nàng còn sống, nàng sẽ không để ai cướp mất chàng. Lệ Mai nở một nụ cười vẫn cái nụ cười có thể làm xiêu thành đổ quán mà mụ dậy cho từ bé. “Em phải biết rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng phải cười. Nụ cười chính là vũ khí lợi hại nhất của người phụ nữ”. Chị Thúy Liễu đã nói với nàng như vậy và chị cũng phải ngỡ ngàng trước nụ cười của nàng. Không cần cố ý, không cần làm duyên chỉ cần nàng nhếch miệng cười là gương mặt nàng đã bừng sáng lên giống như nụ hoa mới hé trước ban mai. Rồi đàn ông cũng phải chết mê, chết mệt vì nụ cười của em thôi. Chị Thúy Liễu lần nào gặp nàng cũng phải ghen lên như vây. Chị Thúy Liễu còn bảo rằng ; Hình như Lệ Mai sinh ra là để cười. Cặp môi nàng khi ngủ vẫn cười. Đấy chính là do nàng có cái răng duyên, cái răng khiến cho gương mặt lúc nào cũng bừng sáng lấp lóa ánh cười.

Khi Lệ Mai  đứng lên với nụ cười thường trực trên môi, tất cả mọi người kể cả Tiến Thanh đều ngước mắt nhìn theo. Nàng biết rằng khi nàng xuất hiện ở đâu, không sớm thì muộn nàng cũng hút hồn cánh đàn ông có mặt tại đó. Tiến Thanh chàng quả là quá ngốc nghếch… Cố giữ cho thật bình tĩnh bằng bước đi uyển chuyển nhẹ nhàng, cái bước đi trời phú đấy cũng là cách nói của chị Thúy Liễu , không tập luyện, không cần cố ý nó vẫn làm cho nàng toát lên một vẻ đài các mê hoặc. Rồi bọn đàn ông sẽ phải giết nhau về mày mất thôi. Chị Thúy Liễu lại đã từng ghen với dáng đi của nàng như vậy. Không nàng không cần gì cả. Không cần bất kể thằng đàn ông nào trên đời ngoài chàng. Thấy nàng tiến lại gần, đôi trai gái như có linh tính ngồi sít lại gần nhau. Cô em họ của nàng tự nhiên mất tự chủ mặc dù đây đang là ở sân nhà cô ta.

– Chị Mai mời chị ngồi xuống đây.

Nàng không ngồi xuống chỗ Thái Ngọc dành cho nàng mà cố tình ngồi xen vào giữa hai người. Tiến Thanh lúng túng vì không ngờ sự việc lại xảy ra như vậy, chàng luống cuống ngồi dịch ra nhường chỗ cho nàng ngồi giữa chàng với người yêu.

– Chị Mai…mời chị uống nước…- Cô em họ mếu máo bưng chén nước đưa mời nàng. Nàng khẽ mỉm cười vẻ khinh khỉnh rồi nghiêng mái tóc bồng bềnh như một áng mây vào sát Tiến Thanh.

– Anh Thanh…anh quên lời hẹn với em rồi sao?

Lời nói du dương ngọt như mía lùi của nàng sao lại giống như một tiếng sấm giữa trời đông. Mọi người chết lặng đi không biết bao lâu. Mãi sau Tiến Thanh mới cất tiếng.

– Lệ Mai …em nói gì vậy?

Nàng lại cười. Khẽ nghiêng đầu vào sát má Tiến Thanh. Sau cơn choáng váng mọi người hình như đã bình tĩnh trở lại. Hai anh em sinh đôi nhà Hùng Kiểm vừa đưa điện thoại di động lên chụp một kiểu ảnh nàng biết rằng đây sẽ là kiểu ảnh rất đẹp.

– Chúng mình đã từng có một tuổi thơ rất hạnh phúc bên nhau. – Câu nói khá khôn ngoan của nàng khiến mọi người ồ lên, không ai hiểu nàng nói chuyện đó để làm gì. Đã là bạn cùng trang, cùng lứa cùng sinh ra ở làng Mùi  thì ai không biết kỷ niệm giữa nàng với Tiến Thanh. Nhưng đấy là chuyện của những tháng năm thơ ấu, đấy là chuyện của ngày hôm qua của tình bạn, tại sao nàng lại mang ra nói vào hôm nay?

– Chị Mai, chị nói như vậy có nghĩa là gì? – Cô dâu tương lai lo lắng nhìn nàng hổn hển hỏi.

Vẫn giữ nguyên “nụ cười thường trực” trên môi Lệ Mai quay sang cô em họ của minh.

– À…tôi đùa một chút cho vui thôi mà.

Miệng nói “Đùa một chút cho vui” nhưng đôi mắt lá dăm sắc như dao cau của nàng lại liếc sang Tiến Thanh. Cái liếc mắt tình tứ khiến cho trái tim chàng trai như muốn nhẩy tung ra khỏi lồng ngực.

– Đùa cũng không nên đùa như thế chứ. – Có một giọng phụ nữ cất lên. Nàng nhận ra đấy là giọng của cái Lam con nhà Thắng Dung. Con bé hình như cũng có họ hàng gì đó với nhà ông Thận Hải. Phải chăng chúng nó về hùa về nhau để cướp Tiến Thanh của mình. Nàng chợt nghĩ thầm, ý nghĩ ấy bỗng làm cho nàng trở nên trơ tráo.

– Ừ ! Thì ngày bé tôi với anh Thanh vẫn hay chơi trò chơi chồng vợ.

Trò chơi chồng vợ là cái trò mà bọn trẻ con ở làng Mùi hay chơi nhất. Và khi chơi trò chơi ấy bao giờ nàng cũng kết một vòng bòng bong lên đầu để đóng giả cô dâu, còn chàng thì đóng giả làm chú rể. Chú rể và cô dâu phải đưa cổ tay cho bà mối buộc chỉ tơ hồng. Mà bà mối nào có phải xa lạ chính là Thái Ngọc kẻ ai ngờ hôm nay lại chuẩn bị làm cô dâu thật,  sau đó họ dắt tay nhau trong khi các bạn hát “Cô dâu chú rể. Đội rế lên đầu. Dắt nhau qua cầu. Dâu rơi xuống nước” Dứt câu “Dâu rơi xuống nước” nàng phải giả vờ kêu lên ôi ối và ngã ngửa người ra để chú rể nâng dậy. Bọn trẻ con lại vừa nhẩy lò cò vừa hát… cô dâu chú rể…

– Lệ Mai …đó chỉ là chuyện của trẻ con. – Tiến Thanh nói gần như hụt hơi. Chàng nhớn nhác nhìn quanh và bỗng nhiên bắt gặp cái nhìn vừa khinh bỉ vừa giễu cợt của Chu Khởi  .

– Nhưng em lại không coi đấy là chuyện trẻ con.

Mọi người không ai hiểu câu chuyện ra sao nữa. Tiến Thanh một anh con trai rõ ràng không có gì nổi bật hơn những cậu trai khác trong làng không ngờ lại là tốt số đến vậy. Người ta ngấm ngầm so sánh hai người con gái đang ngồi cạnh chàng và ai cũng nhận ra chàng đã quá ngốc nghếch khi chọn cô con gái út nhà ông Thận Hải. Đúng là mắt quáng gà nhìn quạ hóa công. Rồi đây, sau tối hôm nay không biết Tiến Thanh sẽ sử lý như thế nào? Lệ Mai cô gái xinh đẹp nhất làng Mùi hôm nay đã công khai tỏ tình với chàng, đôi mắt của nàng nhìn Tiến Thanh mới tình tứ làm sao? Bọn con trai đột nhiên cảm thấy nghẹt thở họ vừa chứng kiến một chuyện trời nghiêng đất lệch.

Tiến Thanh cũng cảm thấy ngẹt thở, chàng khẽ đưa tay lên ngực để vuốt nhẹ cho hơi thở được dễ dàng. Không chàng không ngốc nghếch đến độ không nhận ra tình cảm của Lệ Mai dành cho chàng. Nhưng nàng là một người phụ nữ nguy hiểm. Mẹ chàng đã nói vậy, nguy hiểm như thế nào và vì sao nguy hiểm thì đó là điều mà suốt cuộc đời chàng không sao hiểu được. Mấy năm lại đây kể từ khi chàng biết xao xuyến, rung động trước một người con gái không hiểu sao mẹ chàng đã tạo cho chàng một ý thức sợ sệt cô gái láng giềng sinh đẹp, thông minh này. Chính vì vậy, tuy ngày bé hai người luôn quấn quýt bên nhau nhưng đối với Tiến Thanh, Lệ Mai chỉ là một người bạn không hơn, không kém. Chàng cũng không dám coi nàng là một người em, không những chỉ vì tuổi tác hai người như nhau mà chàng hiểu rằng có lẽ mình chỉ đáng mặt làm em. Chàng đâu có ngờ được rằng nàng lại dành cho chàng một tình cảm sâu nặng như vậy. Hôm nay ngay trong nhà bố vợ tương lai của chàng, ngay trước mặt Thái Ngọc và hàng bao nhiêu người Lệ Mai dám công khai bầy tỏ tình cảm của mình với Tiến Thanh. Đây là một điều chưa từng có, một chuyện động trời ở làng Mùi. Phải chăng thời thế đã đảo lộn, cô đồng Toan luôn luôn bảo rằng đây thời âm thịnh dương suy. Tiến Thanh nhớn nhác nhìn quanh rồi bắt gặp ánh mắt nhìn đầy giận dữ của Thái Ngọc. Tiến Thanh bỗng co người lại lo lắng, chàng không hiểu được rằng kể từ khi ấy chàng đã bị đôi mắt to, tròn và gần như là cam chịu của Thái Ngọc cầm tù.

– Lệ Mai có lẽ em chưa biết. Anh và Ngọc đã đính hôn. Ba ngày nữa sẽ chạm ngõ, lễ cưới cũng đã được chuẩn bị.

Tiến Thanh khá vất vả khi nói lên cái việc hệ trọng của đời mình. Chàng tự trách mình đã không chủ động báo cho nàng biết từ trước để xảy ra sự việc hôm nay. Có thể rằng Lệ Mai chỉ đùa chàng, chỉ là cái trò đùa tai quái mà nàng vẫn hay đùa thôi, chứ một người như nàng đâu phải đi cầu xin tình yêu của chàng. Tiến Thanh đã nghe nói thời gian qua Lệ Mai đã được Thúy Liễu bà Giám đốc Công ty Si Lic Trường Sinh thường xuyên đến chỉ bảo kèm cặp chuẩn bị cho đợt thi hoa hậu sắp tới. Chàng cũng đã từng nghe dân làng đồn rằng; Chu Khởi lần nào về cũng lui tới nhà nàng nói là để đánh cờ với ông Nghiên nhưng thực chất là đang sắp đặt kế hoạch đầu tư vào cô con gái xinh đẹp của ông. Tiến Thanh đã mừng cho cô bạn thủa ấu thơ hay chơi trò chồng vợ với mình. Một cô gái đẹp như nàng phải được một người đàn ông tài ba như Chu Khởi chăm lo? Đó mới thực là một cặp sứng đôi vừa lứa. Trai tài, gái sắc còn gì hơn thế nữa, không chỉ với Tiến Thanh mà với cánh con trai của làng Mùi thì người đàn ông như Chu Khởi đúng là một mẫu người mơ ước. Chàng cũng đang mong chờ một ngày nào đó sẽ nhận được thiệp hồng báo tin vui của nàng vậy mà… Hơn nữa chàng làm sao có thể yêu nàng được trong khi nàng với kẻ thù của dân xóm Bãi lại cứ cặp kè với nhau như chị em ruột. Dân làng Mùi có người vẫn thì thầm to nhỏ rằng hình như bà Giám đốc Công ty Si Lic Trường Sinh là con của ông Nghiên. Tất nhiên đấy cũng chỉ là tin đồn, với một người mang họ mẹ thì ai mà chả có thể là cha. Chỉ cần nghĩ đến Thúy Liễu đến Công ty Si Lic Trường Sinh là lòng Tiến Thanh lại cảm thấy như có muối xát trong lòng. Mấy tháng nay chàng cùng với anh em nhà vợ chưa cưới đã tiến hành một cuộc chiến không khoan nhượng với Công ty Si Lic Trường Sinh. Thực ra chàng cũng chẳng hiểu mình đấu tranh để làm gì hay chỉ làm vừa lòng nhà vợ? Càng lao vào đấu tranh cới Công ty Si Lic Trường Sinh Tiến Thanh càng thấy lúng túng hệt như người vung tay đấm vào không khí. Tất nhiên đã đâm lao thì phải theo lao chứ nếu bỏ ngang chừng người ta sẽ cười cho thối mũi. Cười thì chàng cũng không sợ. Cười ba tháng chứ ai đóng đáng ba năm. Cái chính là chàng cũng cảm thấy nhục nhã thay cho gia đình nhà vợ tương lai. Ai lại cả một cơ ngơi được xây dựng từ bao đời nay, tự nhiên nghe người ta xui khôn, xui dại đem biếu không cho cái Công ty lừa đảo ấy. Ông bố vợ tương lai cũng đã hứa rằng nếu đòi được bao nhiêu vợ chồng chàng sẽ được hưởng bấy nhiêu.

Nhưng thôi! Cuộc đấu tranh ấy là của ngày mai và lâu dài. Còn tối nay, chàng cảm thấy mình như bị tước mất khí giới. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu háo hức của một chàng trai chuẩn bị bước vào cuộc sống vợ chồng hình như tan biến.

Lời khẳng định được chính Tiến Thanh nói ra khiến Lệ Mai choáng váng thực sự. Nàng cứ tưởng mọi người đang đùa với nàng. Cố gắng mỉm cười, nàng gượng đứng dậy. Nhưng rồi đầu óc nàng váng vất, trời đất như quay cuồng đảo lộn, hai chân bủn rủn, nàng lại phải ngồi xuống và nhận thấy Chu Khởi đã kịp ra đỡ nàng.

Nguồn: Vanvn.net