Tiến trình vận động của tiểu thuyết sử thi Việt Nam từ 1945 đến nay cho thấy một quy luật: sự phát triển của thể loại này luôn gắn liền với những biến động lịch sử của dân tộc, của thời đại. Văn học là tấm gương phản ánh lịch sử nhưng có lẽ tiểu thuyết sử thi là thể loại nhạy cảm hơn cả với bước đi của lịch sử, với những sự kiện lịch sử.

Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1948 với bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam đã mở ra một hướng đi cho nền văn học mới. Đó cũng chính là tiền đề lý luận để tiểu thuyết sử thi Việt Nam hình thành và phát triển. Chúng ta đã có những thành quả đầu tiên với Vùng mỏ (Võ Huy Tâm), Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Con trâu (Nguyễn Văn Bổng). Các tác phẩm này đều giành được giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam các năm 1951-1952 và 1954-1955. Được viết với cảm hứng ngợi ca hồn nhiên nên tiểu thuyết sử thi giai đoạn này mới chỉ dừng lại miêu tả những cái bên ngoài của sự kiện, của nhân vật, nhất là hình tượng nhân vật tập thể chứ chưa đi sâu vào lý giải bản chất bên trong sự kiện hay phân tích tính cách nhân vật.

Dưới cái nhìn của ngày hôm nay dễ thấy các tác giả thời đó ý thức rất cao về nhiệm vụ chính trị, về tinh thần dân tộc nhưng ý thức về giai cấp còn mơ hồ, như nhận xét của ban chấm giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1945 – 1955 là các tác phẩm “chưa nêu rõ vấn đề đấu tranh chống phong kiến, vạch rõ những quan hệ và sự câu kết giữa đế quốc và giai cấp phong kiến”(1). Thành công của các tác phẩm này là miêu tả khá sinh động sức mạnh của quần chúng tập thể, cao hơn là sức mạnh của toàn dân tộc đang cùng một lòng đứng lên theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đã góp phần tích cực trong việc phản ánh, cổ vũ động viên cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện gian khổ và anh dũng của quân dân ta trong những năm đầu đánh Pháp. Có thể nói sự hồn nhiên trong tư duy (cả về nội dung và hình thức) là một đặc điểm riêng của tiểu thuyết sử thi được viết trong thời kỳ kháng chiến trước 1954.

Đỉnh cao của tiểu thuyết sử thi viết về cuộc kháng chiến chống Pháp là Đất nước đứng lên (1956) của Nguyên Ngọc. Sự bứt phá về đối tượng miêu tả, về nội dung phản ánh và cách biểu hiện của tác giả là rất đáng khâm phục. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc kháng chiến của dân tộc Ba Na (Tây Nguyên) đánh Pháp kiên cường bất khuất nhưng mang tầm vóc cuộc đấu tranh vĩ đại được thu nhỏ của cả dân tộc Việt Nam. Thành công của tác phẩm ngoài tính điển hình phổ quát còn phải kể đến một tư duy tiểu thuyết khá già dặn ở chỗ đã xây dựng được một tính cách anh hùng trong quá trình phát triển biện chứng lôgic, với bút pháp sử thi vừa giàu tính hiện thực vừa đậm chất thơ. Đất nước đứng lên xứng đáng là một trong những đỉnh cao không chỉ của văn học kháng chiến chống Pháp mà còn của cả dòng tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945-1975.

Sự xuất hiện của Đất nước đứng lên và âm hưởng vang dội của tiếng súng Đồng Khởi đầu những năm 60 của thế kỷ XX là những “cú hích” để tiểu thuyết sử thi phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt tiểu thuyết ra đời: Một truyện chép ở bệnh viện (1959), Trước giờ nổ súng (1960), Sống mãi với Thủ đô (1961), Cao điểm cuối cùng (1961), Những người cùng làng (1961), Làng tề (1962), Một chặng đường (1962), Trên mảnh đất này (1962), Phá vây (1963), Đất lửa (1963)… Trong ba năm 1960, 1961, 1962 có hơn 20 cuốn tiểu thuyết xuất bản, mỗi cuốn phát hành trên dưới một vạn bản(2). Nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng hơn cả là vị thế dân tộc lúc này đang ở tầm cao của vũ đài chính trị thế giới. Sau khi chúng ta thắng Pháp với trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, cả thế giới nhìn chúng ta với con mắt cảm phục, ngưỡng mộ.

Đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam. Cả nước lại đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Chưa bao giờ “không khí sử thi” lại bừng lên mạnh mẽ như lúc bấy giờ. Những tiểu thuyết sử thi nguyên khối, tinh chất, không pha tạp ra đời như là một sự tất yếu: Vào lửa (1966), Hòn Đất (1966), Cửa sông (1967), Gia đình má Bảy (1968), Ở xã Trung Nghĩa (1969), Rừng U Minh (1970), Đường trong mây (1970), Vùng trời (1971), Đất Quảng (1971), Dấu chân người lính (1972), Mẫn và tôi (1972), Thôn ven đường (1973)… Nhà nghiên cứu Niculin (người Nga) nhận xét về cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng là “đã bao bọc nhân vật trong bầu không khí vô trùng”. Nhận xét ấy cũng đúng với các nhân vật tiểu thuyết sử thi tiêu biểu của cả thời kỳ này: chị Sứ (Hòn Đất), Lữ (Dấu chân người lính), Mẫn (Mẫn và tôi), Hảo (Vùng trời)…

Cảm hứng sử thi hào sảng đã tạo ra những nhân vật đậm chất lý tưởng, tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, cái anh hùng. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ, đỉnh cao của tiểu thuyết sử thi Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975. Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu) có thể coi là một thành tựu của văn học Việt Nam hiện đại, ngoài sự thành công trong xây dựng những điển hình anh hùng thời chống Mỹ, tiểu thuyết còn thể hiện được tinh thần của thời đại cả dân tộc một lòng đứng dậy đánh giặc: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).

Người ta đã lý giải nhiều về nguyên nhân vì sao có chất sử thi đậm đà trong văn học Việt Nam 1945 – 1975. Có người cho rằng thời đó văn học phải phục vụ chính trị nên nhiệm vụ của văn học là miêu tả đời sống chiến đấu anh hùng, các nhà văn chỉ làm nhiệm vụ “minh hoạ” chân thật hiện thực. Đấy chỉ là căn cứ bên ngoài, bề nổi. Theo chúng tôi cần cắt nghĩa vấn đề ở những nguyên nhân sâu xa hơn, ở góc độ lịch sử văn hóa.

Với đặc trưng địa lý riêng của mảnh đất cư trú, lập nghiệp luôn có nhiều kẻ thù nên người Việt rất sùng bái những anh hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi. Theo một con số khảo sát tin cậy thì trong số 600 vị thành hoàng có 469 là nhân thần, trong đó đa số là các nhân vật lịch sử hay nhân vật huyền thoại nhưng đã được lịch sử hoá. Ở Hà Tây (cũ) trong số 185 vị thành hoàng là nhân thần thì có khoảng 2/3 là nhân vật lịch sử. Ở tỉnh Nam Hà (cũ) Trần Hưng Đạo được thờ ở 400 làng xã(3). Trong “tứ bất tử” thì có hai vị là anh hùng – Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Đấy là cách người Việt ghi công các anh hùng, như Thánh Gióng đuổi giặc hai chân là kẻ thù xâm lược, Sơn Tinh đuổi giặc bốn chân là thú dữ cùng với thiên tai. Thậm chí sự ngưỡng vọng của người Việt còn đến mức tuyệt đối là cho thần tượng bay lên trời sống cùng các vị tiên, và dĩ nhiên là phong thánh bất tử cho họ. Cho nên cũng dễ hiểu đền thờ Đức Thánh Trần có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Có thể nói phẩm chất anh hùng của sử thi có ở trong máu mỗi người Việt, mỗi khi có kẻ thù xâm lăng thì phẩm chất ấy càng trỗi dậy mạnh mẽ.

Tiểu thuyết là thể loại non trẻ trong nền văn học Việt Nam, do vậy không thể đòi hỏi nó có ngay một hệ thi pháp già dặn, vững vàng. Mà đã gọi là trẻ thì luôn có xu hướng hấp thu cái đi trước, cái mới. Cái đi trước ở đây là nói tới tư duy sử thi, cụ thể là sử thi phương Đông. Sử thi phương Đông luôn tôn thờ, nhấn mạnh những phẩm chất cao cả, mà tiêu biểu là sử thi Ấn Độ với Mahabharata và Ramayana. Mahabharata dài 22 vạn câu, gấp 7 lần Iliat và Ôđixê của Hy Lạp cộng lại. Ramayana dài gần 5 vạn câu. Sử thi Ấn Độ vừa miêu tả chiến tranh vừa rất coi trọng miêu tả sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa đạo lý và phi đạo lý.

Mục đích của chiến tranh là hoà hợp. Điều luật của chiến tranh là lẽ công bằng. Những điều ấy đã góp phần tạo ra một “tinh thần Ấn Độ” đặc sắc. Tinh thần Ấn Độ ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á trước công nguyên đi cùng với con đường truyền bá đạo Phật. Tư tưởng Phật giáo cũng hướng tới sự cao cả, thánh thiện. Biểu tượng Đức Phật nghìn tay nghìn mắt là một hình ảnh rõ nhất, tập trung nhất về khát vọng cao cả nhìn thấu bốn cõi (nghìn mắt) để thấy sự đau khổ trầm luân của chúng sinh mà ra tay (nghìn tay) cứu độ. Nhờ có những nét tương đồng mà tinh thần Phật giáo đã nhanh chóng hoà nhập, ăn sâu rồi trở thành quốc giáo một thời gian dài ở đất nước Đại Việt.

Tinh thần Ấn Độ, tư tưởng tích cực của đạo Phật ảnh hưởng tới và cùng với văn hoá bản địa góp phần tạo ra một tính cách Việt khoan hoà, nhân ái, hướng thượng, không thích chiến tranh, nếu buộc phải chiến tranh thì cũng vì mục đích hoà giải, hoà hợp, hoà bình. Đó cũng chính là cái mà văn học hướng tới để miêu tả, phản ánh. Cũng đúng với quy luật, trong thời có chiến tranh thì tính cách kia thể hiện rõ hơn và văn học phản ánh sâu đậm hơn.

Phía bắc giáp ngay nước ta là Trung Quốc rộng lớn. Đó là một nước của chiến tranh liên miên – lịch sử Trung Quốc, nói như Lỗ Tấn là lịch sử “ăn thịt người”. Một bộ tiểu thuyết cổ điển về chiến tranh của nước này như Tam Quốc diễn nghĩa mang hạt nhân ý nghĩa tích cực là hướng con người đến cái nhân (như Lưu Bị “tuyệt nhân”), cái nghĩa (Quan Công “tuyệt nghĩa”), cái dũng (Trương Phi “tuyệt dũng”), cái trí (Khổng Minh “tuyệt trí”), căm ghét cái gian (Tào Tháo “tuyệt gian”). Bậc kỳ tài về binh pháp là Tôn Tử có ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược đánh du kích trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của ta.

Văn học Việt Nam viết về chiến tranh có quan hệ qua lại với văn học Trung Quốc cùng đề tài là lẽ đương nhiên. Nhưng do tính cách bản địa quy định mà nó chỉ tiếp nhận những gì là tinh hoa và phù hợp. Không ngẫu nhiên trong số các cây đại thụ thơ Đường Tống thì Đỗ Phủ được người Việt ưa thích hơn cả, vì đó là nhà thơ dân đen, nhà thơ hiện thực, và nhất là nhà thơ phản chiến với những bài thơ đẫm nước mắt như Binh xa hành, Tam lại, Tam biệt… nổi tiếng.

Tất cả những điều trên chỉ để đi đến một kết luận nhỏ: tính chất sử thi luôn là một đặc tính, thuộc tính của văn học Việt Nam từ trước tới nay và mãi về sau. Chỉ nên phát triển nó chứ không thể phủ nhận nó. Những ai “dị ứng” với văn học sử thi cần có một suy nghĩ khác.

Cũng cần nói tới sự hấp thu từ văn học Nga – Xôviết. Trước 1986 cửa ngõ quan hệ của chúng ta hầu như chỉ mở thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mà Liên Xô là chủ yếu. Các tác phẩm sử thi của Liên Xô vĩ đại, trong đó có những bộ tiểu thuyết sử thi kinh điển, được in với số lượng rất lớn đến tay bạn đọc Việt Nam: Số phận con người, Sông Đông êm đềm (Sôlôkhốp), Tuyết bỏng, Bến bờ, Lựa chọn (Bônđarep), Gắng sống đến bình minh, Bia mộ (Bưcốp), Sống mà nhớ lấy (Raputin)… Bên cạnh văn học, còn có sự ảnh hưởng của văn hoá phim ảnh. Những ai có tuổi thanh thiếu niên thời chống Mỹ, thời bao cấp đều có kỷ niệm được xem trên màn ảnh rộng ngoài sân bãi những “bộ phim màu chiến đấu của Liên Xô”!

Sau Đổi mới (1986), nước ta mở cửa “làm bạn” với tất cả các nước trên thế giới, tầm mắt của các nhà văn dõi nhìn về nhiều chân trời văn học khác nhau. Những luồng gió thi pháp đa dạng thổi tới làm phong phú thêm rất nhiều bức tranh văn học nước nhà vốn đơn sắc. Trở thành đa sắc có nghĩa là muôn hình nhiều vẻ, do vậy khó nhận dạng, khó nắm bắt. Có cái cũ trở nên lỗi thời nhưng cũng có cái cũ trở thành cổ điển. Có cái mới nhập tịch được công nhận nhưng cũng có cái mới đưa vào gượng ép thành ra sống sượng…

*

*         *

Có thể coi từ 1975 đến 1985 là thời kỳ văn học diễn ra sự đổi thay ở chiều sâu với những trăn trở vật vã tìm tòi, và từ 1986 đến 1992 là thời kỳ đổi mới diễn ra rõ rệt trong đời sống văn học mà biểu hiện cụ thể là hàng loạt những tác phẩm gây xôn xao dư luận bởi cách viết mới về những vấn đề mới: Thời xa vắng (1986), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Nỗi buồn chiến tranh (1990), Bến không chồng (1990), Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990), Ăn mày dĩ vãng (1992)… Tiểu thuyết sử thi cũng nằm trong mạch vận động chung ấy của văn học nhưng do đặc trưng thể loại mà sự biểu hiện cách tân lại mang những sắc thái riêng. Những bộ tiểu thuyết như Đất trắng (1979, 1984), Đất miền Đông (1984, 1985), Người cùng quê (1985), Mảnh đất tình yêu (1987), Chim én bay (1988), Ông cố vấn (1988), Ăn mày dĩ vãng (1992)… là những tác phẩm thể hiện rõ hơn cả những dấu hiệu tìm tòi đổi mới của thể loại.

Cảm hứng sử thi vẫn là cảm hứng chủ đạo nhưng nó không còn địa vị độc tôn mà xen vào đó là những “tạp âm”, rõ hơn cả là cảm hứng bi kịch. Độ lùi thời gian cho phép nhà tiểu thuyết nhìn về chiến tranh từ nhiều góc độ khác nhau. Lúc này đã cho phép họ không né tránh những tổn thất, mất mát, hi sinh, đầu hàng, phản bội… Đó là những điều đã xảy ra trong chiến tranh. Vấn đề là nhà văn viết với thái độ nào, tâm thế nào. Với cảm hứng bi kịch về một hiện thực dữ dội khốc liệt, Đất trắng đã miêu tả một hiện thực chiến tranh như nó vốn có, hết sức trung thực, giúp bạn đọc có cái nhìn sâu hơn, thật hơn về chiến tranh, như sự hi sinh mất mát quá lớn hay sự phản bội đầu hàng không thể ngờ (Tám Hàn là một chỉ huy cấp cao mà vẫn ra “chiêu hồi” địch). Nhưng đọc xong cuốn tiểu thuyết người đọc không thấy sự bi quan, phủ nhận cuộc chiến tranh vệ quốc, mà chỉ thêm kính trọng những người đã ngã xuống để có hòa bình hôm nay.

Với cảm hứng bi kịch nhân văn, Chim én bay đã dựng lên hình tượng nhân vật Quy luôn có cái nhìn về hai phía quá khứ và hiện tại. Có thể coi nhân vật như cái bản lề khép mở hai chiều thời gian: quá khứ là cảnh trừng trị kẻ ác ôn mà có khi Quy là người trực tiếp nhận nhiệm vụ; hiện tại là những cảnh trả thù rất tầm thường như cảnh bà con rượt đuổi tên xã trưởng có nợ máu với dân, cảnh đám trẻ con truy bức một đứa trẻ khác vì bố nó ngày trước là ác ôn… Tiểu thuyết vươn tới một ý nghĩa nhân văn sâu sắc và mang tính phổ quát: phải trừng phạt cái ác để cứu lấy con người nhưng con người không thể sống trong cái vòng luẩn quẩn của sự thù hận mà phải biết rũ bỏ và hóa giải hận thù, cùng nhau “sống để yêu thương”…

Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh thời kì này, có một tác phẩm tạo ra nhiều ý kiến, dư luận trái chiều. Người ủng hộ cũng hết lòng và người chê cũng hết mức. Đó là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Xét theo đặc trưng thể loại, tác phẩm này không phải là tiểu thuyết sử thi, nó chỉ là một tiểu thuyết viết về chiến tranh. Có nhiều căn cứ để đánh giá Bảo Ninh chịu ảnh hưởng từ lối viết của Erich Maria Remarque, nhà văn Đức gốc Do Thái trong Phía Tây không có gì lạ. Chúng ta thừa nhận tài năng của tác giả thể hiện ở phương diện đổi mới cách viết, kỹ thuật viết. Về mặt này tác phẩm xứng đáng được Giải thưởng Hội Nhà văn 1991. Ngoài sự cách tân ở hình thức biểu hiện, tiểu thuyết hấp dẫn ở chỗ đưa ra một cái nhìn mới về chiến tranh.

Trước đó, về cơ bản cái nhìn của văn học Việt Nam về chiến tranh là cái nhìn một chiều, cái nhìn sử thi. Đến Nỗi buồn chiến tranh xuất hiện cái nhìn ngược lại, cái nhìn phản sử thi. Trong quy luật tiếp nhận, một cái nhìn mới lạ bao giờ cũng gây sự chú ý, người quan tâm đến vấn đề đổi mới cách viết thì ủng hộ, người hay chú ý đến nội dung viết về cái gì thì phản đối. Cho nên tác phẩm tạo ra những dư luận trái chiều, phân hóa trong giới bạn đọc là điều dễ hiểu. Với cảm hứng bi kịch tàn nhẫn nhà văn nhìn về chiến tranh chỉ thấy sự tàn bạo, chỉ thấy những “nỗi buồn”, chết chóc, bi quan, không nhìn thấy đó là cuộc chiến tranh gì, với mục đích gì. Đó là hạn chế rõ nhất về tính tư tưởng của tác phẩm.

Trong một bài viết mấy năm trước, chúng tôi đưa ra hình dung về quá trình phát triển của tiểu thuyết sử thi Việt Nam từ 1945 như một dao động hình sin, điểm bắt đầu là Xung kích, Con trâu, Vùng mỏ…, lên cao với Đất nước đứng lên và cực đại là Dấu chân người lính… rồi đi xuống đến cực tiểu là Nỗi buồn chiến tranh… và đi lên với Đất trắng, Chim én bay, Ăn mày dĩ vãng, Ngày rất dài, Những bức tường lửa, Thượng Đức, Xiêng Khoảng mù sương, Xuân Lộc, Tiếng khóc của nàng Út, Đối chiến, Đỉnh máu… Sự hình dung này chỉ căn cứ vào tính chất thể loại, xem xét chất sử thi đậm nhạt khác nhau chứ không hề căn cứ vào giá trị của tác phẩm; có khi tác phẩm nằm ở vùng cực đại chưa hẳn có giá trị hơn tác phẩm nằm ở vùng cực tiểu của hình sin.

Trong các tiểu thuyết sử thi ở khoảng giao thời giữa hai thế kỷ, cảm hứng sử thi là chủ đạo còn được kết hợp với cảm hứng hiện thực tỉnh táo và cảm hứng nhân văn. Tiểu thuyết 1945 – 1975 miêu tả nhân vật sử thi đẹp một cách lý tưởng với những phẩm chất cao cả nên đã tạo ra một “khoảng cách sử thi” giữa nhân vật với đời thường, tất nhiên với cả bạn đọc. Phải nhìn nhận vấn đề này theo cái nhìn biện chứng lịch sử: thời đó do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị mà nhà tiểu thuyết xây dựng nhân vật như vậy để đáp ứng đòi hỏi của thời đại.

Trong tiểu thuyết sử thi hôm nay, cấu trúc hình tượng nhân vật được nhận thức lại, trả về với vị thế đúng như nó vốn có, phức tạp, đa dạng, đa diện hơn. Tập thể cách mạng, tập thể anh hùng cũng không thiếu những kẻ đào ngũ, cơ hội, cũng có những sai lầm nghiêm trọng do suy nghĩ ấu trĩ, giản đơn (Những bức tường lửa, Thượng Đức), nhân vật người anh hùng có khi lại có một lý lịch không trong sạch (Khúc bi tráng cuối cùng), có tính cách không mấy tốt đẹp (Những bức tường lửa), bồng bột, chủ quan khinh địch (Thượng Đức), đố kỵ, háo danh (Xiêng Khoảng mù sương)… Trước 1975 các nhà văn có xu hướng đẩy nhân vật vào miền “không khí vô trùng” nên nhân vật gần với người trời mà xa với người đời. Rất không nên phê phán đây là căn bệnh minh họa, bởi ở thời ấy thì phải có những nhân vật ấy. Cái thời con người sống với nhau trong vắt thì phải có những nhân vật như Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu. Nhưng hôm nay thì phải khác. Người lính trong tiểu thuyết đã được giải phóng ra khỏi công thức “người trời” hôm qua để trở về với đúng nghĩa con người bình thường, người đời, nhờ vậy mà nhân vật thật hơn, sinh động hơn.

Tiểu thuyết hôm nay cũng có cái nhìn khác, cởi mở và nhân ái hơn với hình tượng nhân vật kẻ thù. Nhân vật thiếu tá Hồng Nhị (Ngày rất dài), tướng Phạm Ngọc Tuấn (Khúc bi tráng cuối cùng), trung tá Nguyễn Quốc Hùng (Thượng Đức)… là những kẻ có lý tưởng, có học thức, có tài năng, mẫn cán, trách nhiệm, giàu lòng tự trọng, không sa đọa trác táng, luôn sống hết mình với một cá tính mạnh. Xin lấy một dẫn chứng cụ thể từ tiểu thuyết gần đây nhất của nhà văn Khuất Quang Thuỵ, có tên Đối chiến. Đây là suy nghĩ của đại tá Sơn Đường – lữ đoàn trưởng lữ đoàn thiết kỵ ngụy: “Con người ta quý nhất là được là chính mình, được mọi người kính trọng vì chính những gì mình có chứ đâu phải vì quyền uy, vì những bông mai trên ve áo hay cây gậy chỉ huy. Tui nghĩ kỹ rồi. Vài bữa nữa về Sư đoàn tôi sẽ chính thức đệ đơn xin từ chức…”. Ngày nay người ta nói nhiều về chuyện cán bộ ta thiếu cái “văn hóa từ chức”, sự liên tưởng ở đây không có hàm ý so sánh hơn thua, mà để thấy nhân vật kẻ thù nay đã được nhìn nhận lại khách quan, sòng phẳng hơn nhiều. Đấy chính là cái nhìn hoà giải, hoà hợp, cái nhìn độ lượng nhân ái của người chiến thắng!

Có những tác phẩm lấy cảm hứng từ văn hoá dân gian, tiêu biểu là tác phẩm của Nguyễn Chí Trung và Trung Trung Đỉnh. Vượt lên trên sự mô tả chiến tranh đơn thuần, Tiếng khóc của nàng Út (Nguyễn Chí Trung) có xu hướng lí giải sự thắng thua trong chiến tranh bằng chiều sâu văn hóa hơn là những câu chuyện “giặc tàn ác, phi nhân, ta dũng cảm, chính nghĩa” đã quen thuộc. Huyền thoại về xứ Bàu Ốc qua lời kể của nhân vật bà On nằm ngay ở phần đầu tác phẩm: “Những người dân Việt đến Bàu Ốc đích thực vào năm nào, tháng nào, ngày nào, không ai biết thực rõ. Chỉ nghe truyền miệng…”.

Cứ thế, các huyền thoại hiện dần lên vừa linh thiêng vừa huyền bí, xa xăm: “Ngày đi mở đất của ông cha còn đào thấy những bãi sỏi rộng và dài…”. Lời kể quay về quá khứ làm sống lại lịch sử các vùng đất và đặc điểm tập quán của các bộ tộc Ê Đê, Xơ Đăng, Chăm Roi… Dĩ nhiên không chỉ kể để mà kể, những câu chuyện ấy có quan hệ chặt chẽ với chủ đề chung của tiểu thuyết. Được nghe những câu chuyện ấy, bạn đọc càng rõ hơn rằng cuộc kháng chiến thần thánh của đại gia đình các dân tộc Việt Nam không chỉ là tổng hợp sức mạnh cách mạng của thời đại mà còn có cả sức mạnh của chiều sâu văn hóa.

Có thể coi Trung Trung Đỉnh là nhà văn của Tây Nguyên. Anh như con ong chăm chỉ hút mật nguồn từ nền văn hoá các dân tộc nơi cao nguyên nhiều nắng và nhiều gió để cho ra đời những tiểu thuyết vừa nồng mùi khói súng vừa lóng lánh những sắc màu phong tục rất riêng về vùng đất của sử thi vĩ đại. Ngược chiều cái chết và Lạc rừng luôn được cấu trúc song hành từ hai không gian: chiến tranh và văn hoá dân gian. Người kể chuyện thường ở ngôi thứ nhất cũng luôn ở hai tư cách, là người miền Bắc nhưng là con nuôi hoặc sống với gia đình, bạn bè đồng chí Tây Nguyên. Tư cách lưỡng hoá này đã bảo đảm cho lối kể chuyện vừa thật vừa mới mẻ, lạ lẫm cuốn hút người đọc. Một Tây Nguyên anh dũng quật cường, một Tây Nguyên đậm đà bản sắc hiện lên trong tác phẩm như một sự cắt nghĩa: con người ta không chỉ xả thân mình để giành độc lập tự do mà còn vì cả một nền văn hóa đã ăn sâu vào máu thịt.

Các nhà văn Bùi Bình Thi với Xiêng Khoảng mù sương, Bùi Thanh Minh với Sào huyệt cuối cùng, Phạm Quang Đẩu với Một ngày là mười năm, Nguyễn Quốc Trung với Đất không đổi màu… theo hướng này đã đưa vào tác phẩm những không gian văn hoá lạ của hai nước bạn Lào và Cămpuchia tạo ra một sự mời gọi hấp dẫn riêng. Các tác phẩm đều hướng tới một chủ đề phổ quát: dưới cái bề nổi của không gian chiến tranh là một không gian của những xung đột văn hóa, rõ hơn là xung đột giữa một bên là văn hóa và một bên là phản văn hóa. Sức mạnh văn hóa là sức mạnh chính nghĩa được tích tụ từ ngàn đời nên bao giờ cũng chiến thắng.

Từ những hiện tượng cụ thể này có thể nêu ra một khuyến nghị: các nhà tiểu thuyết sử thi khi đào sâu vào các tầng vỉa văn hóa, lấy văn hóa làm chất liệu sáng tạo, thì ít nhiều đều tạo ra được ấn tượng nơi người đọc.

Như vậy quy luật vận động và phát triển của thể loại tiểu thuyết sử thi luôn gắn liền với những biến động và thay đổi của lịch sử. Có thể lý giải điều này ở mấy góc độ như đặc điểm thể loại, chủ thể sáng tạo (nhà văn), không khí sáng tác, bạn đọc. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của văn học về đề tài chiến tranh cách mạng từ 1945 đến nay chúng ta dễ thấy không khí sáng tác (bối cảnh xã hội) đóng vai trò rất quan trọng. Đây chính là yếu tố then chốt chi phối cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ.

Nước Nga phải đợi gần nửa thế kỷ sau chiến tranh mới gọi được cảm hứng cho “con sư tử của văn học Nga” là L.Tônxtôi viết sử thi Chiến tranh và hoà bình bất hủ. Không khí đổi mới của xã hội ta hôm nay đã và đang gặt hái nhiều thắng lợi, hứa hẹn những triển vọng đầy lạc quan. Tất cả những điều ấy phả vào chủ thể nhà văn, kích thích họ sáng tạo ra những tác phẩm sử thi mới vừa mang âm hưởng hào hùng của ngày hôm qua vừa có không khí sống động của ngày hôm nay. Những chứng cứ trên cho phép chúng tôi có một hy vọng: tiểu thuyết sử thi Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc, hứa hẹn những thành quả mới trong một tương lai gần.

N.T.T – H.T.T.G

———

(1) Tạp chí Văn nghệ, số 39, tháng 2/1953.

(2) Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Phan Cự Đệ, Nxb Giáo dục, 2000, tr.143.

(3) Xem thêm: Văn hoá Việt Nam – đặc trưng và cách tiếp cận. Nhiều tác giả, Nxb Giáo dục, 2007, tr.169.

 

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version